Địa hình Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có biển, vừa có rừng, núi, đồng bằng, bán đảo và hải đảo, trong đó, đáng kể nhất là các ngọn núi và dãy núi nằm rải rác từ phía Bắc ra đến sát mép biển, đó là các dãy núi Mây Tàu (700 mét), núi Dinh (504 mét), núi Thị Vãi (470); núi Lớn, núi Nhỏ (Vũng Tàu) và dãy núi Minh Đạm (Châu Viên - Châu Long). Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, các lực lượng cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng một hệ thống căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi, giáp ranh với đồng bằng, làm bàn đạp tiến công quân địch, mở rộng vùng giải phóng. Năm 1949, căn cứ Xuyên - Phước Cơ được hình thành (nằm ở phía đông lộ số 2 giáp Bình Thuận hay còn gọi là căn cứ Khu Đông), trở thành nơi chuyển quân tập kết của quân dân miền Đông Nam Bộ sau kháng chiến chống Pháp. Cùng với căn cứ Xuyên - Phước Cơ, một loạt các căn cứ khác cũng được xây dựng và phát triển như căn cứ Khu Tây với địa danh nổi tiếng là Hắc Dịch, căn cứ Núi Dinh, Thị Vãi, căn cứ Minh Đạm, địa đạo Long Phước, Kim Long... Hệ thống căn cứ địa này đã tồn tại trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. |