Tục thờ Cá Ông của ngư dân BR-VT

(29/03/2019)

Các cơ sở thờ tự Nam Hải Tướng Quân gọi là ”miếu”, chữ Hán gọi là “từ” (Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức) đồng thời trong các đền thờ thần Nam Hải “ngọc cốt” (xương cá ông) còn gọi là “lăng”. Ngoài ra, các lăng, miếu thờ vị thần này thường nằm bên cạnh lạch nước, do các vạn chài, đánh cá biển quản lý, nên có trường hợp đền miếu  mà gọi là “vạn”, là “lạch”, hoặc “vạn lạch”.

Cá Ông Voi là loại cá biển khổng lồ rất hiền, không làm hại người nên khi người đánh cá gặp cá voi là gặp điều lành. Tương truyền khi có bão tố thì cứ van vái ông, ông sẽ đến cứu. Những người sống sót sau những vụ nạn tai hiểm nghèo kể rằng lúc ấy mạng người như chỉ mành treo chuông, ông xuất hiện đưa lưng lên nâng đỡ chiếc thuyền đánh cá hoặc đưa lưng cho người bám và từ từ lội vào bờ. Sự thật lúc đó trời bão, loại cá voi theo bản năng sinh tồn cũng tự tìm chỗ ẩn nấp. Hành động của ông là vừa cứu người, vừa tự cứu mình.

Ở miền Trung có huyền thoại: ”Bồ Tát Quan âm có lần tuần du Nam Hải, đã ngậm ngùi đau xót cho số phận của các ngư phủ, chì vì miếng cơm manh áo mà chết chìm ngoài biển khơi, qua những cơn bão tố hãi hùng. Động lòng từ bi, ngài xé nát chiếc ca sa ra hàng trăm ngàn mảnh rồi quăng trên mặt biển và biến nó thành những đàn cá ông Voi, và để có khả năng  thực hiện đại nguyện của ngài, ngài đã lấy những bộ xương voi lồng vào thân mình của chúng nó. Bồ Tát quan âm lại ban cho loại cá này phép “thâu đường” để nó lội thật mau hầu làm tròn trách nhiệm khi có người van vái”…Ở Nam Bộ còn có thuyết, khi chúa Nguyễn Ánh bôn ba ngoài biển khơi, bị bão lớn, may nhờ Cá Ông Voi cứu giúp nên khi thành công nhà vua đã phong thần tạ ơn. Thực tế cho biết tục thờ Cá Ông đã có từ trước. Còn chuyện vua Gia Long phong thần tạ ơn là chuyện người đời sau đặt ra để minh chứng cho một tập tục thờ cúng. Thực tế, vua Minh Mạng đã nghiên cứu thấy việc phong thần cho Nam Hải Tướng Quân sẽ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của một số người sinh sống trên mặt biển. Dân gian gọi Cá Ông là “Nhân ngư” (cá có lòng nhân), vua Minh Mạng bèn phong Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, mỹ tự “Từ tế chi thần” (Thần từ bi tế độ). Hiện nay tại đình Lý Nhơn-quận 4 thành phố Hồ Chí Minh (gốc là miếu Thuỷ thần của đội Trường Đà) còn một đạo sắc phong năm 1825 đời vua Minh Mạng. Có thể nói đây là đạo sắc phong Nam Hải Tướng Quân sớm nhất của nhà Nguyễn, xác nhận Minh Mạng là vị vua đầu tiên phong tặng cho vị thần này.

Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất ven biển, người Việt đến lập nghiệp từ 300 năm trước. Nơi đây lại thuận tiện cho việc đánh bắt cá biển nên tập tục thờ cúng Nam Hải Tướng Quân đã có từ lâu. Theo Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, đầu thế kỷ XIX ở vùng đất này có hai đền thờ Nam Hải Tướng Quân tại Phước Tỉnh (Long  Điền) và Cần Giờ (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Tại Cần Giờ thời bấy giờ có nhiều đội hải quân của nhà Nguyễn trú đóng còn dân Phước Tỉnh thời đó “thuộc lệ cảng phu (địa bạ 1836) tức cung cấp dân phu phục dịch và canh phòng cửa biển. Những người làm nhiệm vụ này cũng tôn thờ Nam Hải tướng quân. Mãi đến đầu đời vua Minh Mạng, tại Vũng Tàu có ba “thuyền”(ba tổ chức thuỷ quân). Có lẽ trước đây tại bãi trước đã có một miếu thờ Nam Hải Tướng Quân, nhưng vì quy mô còn khiêm tốn nên sách vở không nhắc đến. Mãi đến cuối đời Minh Mạng, thuyền Thắng Tam bị đổi thành thôn Thắng Tam, thuộc thủ Phước Thắng huyện Phước An (làng quân sự) thì các vị thuỷ thần được thờ tại thôn Thắng Tam đều được cấp sắc phong, trong số có sắc Nam Hải Tướng Quân. Có thể nói vào đầu thế kỷ XIX Nam Hải Tướng Quân là thần tượng tôn thờ của những đội thuỷ quân, của những người dân phu phục vụ canh phòng cửa biển, hoặc của những người chèo đò đưa trạm (như dân Định Hoà trạm ở thành phố Mỹ Tho ngày nay). Thời đó dân số ít, cá đồng còn nhiều nên nghề đánh cá biển không phát triển. Do đó dọc bờ biển Nam bộ, từ Vũng Tàu xuống Cà Mau đến Rạch Giá-Hà Tiên, số lượng lăng miếu thờ thần Nam Hải khá nhiều nhưng số miếu cổ có sắc phong của nhà Nguyễn không nhiều. Tín ngưỡng này lại mờ nhạt hoặc bị nhập nhằng với các vị thần khác nếu đi sâu vào đất liền. Một tục lệ đem từ miền Trung, khi có Cá ông “luỵ” (chết), thì dân đánh cá sẽ kéo vào bờ, tổ chức tang ma với đầy đủ nghi thức như đám tang con người. Người đầu tiên gặp xác Cá ông được xem như “con trai trưởng” của ông, đứng chủ tang và để tang như cha mẹ mình chết. Theo quan niệm dân gian, suốt các năm tang khó, anh ngư dân này gặp nhiều việc xúi quẩy, nhưng người ta tin rằng sau đó anh ta có thể làm ăn phát đạt. Thế nên khi gặp ông “luỵ” thì chẳng ai từ chối nhiệm vụ của mình.

Xác Cá ông được an táng, ba bốn năm sau được bốc lên, người ta lấy rượu rửa sạch xương (gọi là ngọc cốt) cho trong hòm đặt tại đền thờ.

Theo tài liệu của Pháp vào khoảng năm 1868, lúc quân viễn chinh Pháp vừa chiếm xong Nam Kỳ thì có một cái đầu Cá ông tấp vào biển Thuỳ Vân (Vũng Tàu). Đó là di thể của một vị Nam Hải Tướng Quân phạm tội nên bị Ngọc Hoàng thượng đế ra lệnh phanh thây chia ra ba đoạn và được dân Phước Tỉnh (Long Điền), Thắng Tam (Vũng Tàu) và Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), mỗi nơi rước một phần đem về tôn thờ.

Những tài liệu của ta cho biết trước đó đã có một phần di thể Cá ông tấp vào bãi trước Vũng Tàu. Đó là cái đầu to lớn của một Cá ông, người ta không thể dùng sức người di chuyển mà phải dùng cừ xóc rào lại cho rã thịt rồi tháo rời từng khúc xương và đem về cất miễu thờ ở gần đó.

Sau đó có một người Hoa là ông Bang Thiên (Trần Thinh) đã thấy xác một con  Cá ông khác dài hơn mười hai thước nằm tại bãi biển. ông gọi ngư dân ra dùng đòn bẩy lăn về chôn cất ở gần đình Thắng Tam. Tương truyền ông Bang Thiên gặp ông luỵ vào ngày 6 tháng 11 âm lịch nên người dân ở đây đã lấy ngày này làm ngày vía ông. Đầu tiên, lăng ông ở bãi Trước. Mãi đến năm 1911 mới dời về bên cạnh đình Thắng Tam. Sau sáu lần trùng tu, đến tháng 4 năm 1967 thì xây dựng quy mô như ngày nay, và lấy ngày khánh thành 16 tháng 8 làm ngày vía ông, thay thế ngày vía cũ.

Ở Vàm Láng (Tiền Giang) còn tài liệu cho biết thời ông Huỳnh Văn Bình làm Trưởng Vạn cách đây trên 150 năm có lúc trời bão to gió lớn ba, bốn ngày liên tiếp, khiến ông nghi ngờ, sai ông Phó Vạn đi thăm dò thì gặp ở làng Đông Hoà (bên kia sông Xoài Rạp) một khúc mình của ông Thuỷ Tướng. Khúc mình này to như một chiếc ghe đi biển, phải dùng mấy chiếc ghe mới kè đem về được. Làng ngư phủ tổ chức tang ma cho ông và ông Trưởng Bình được xem như một người con. Chẳng bao lâu có mấy ngư dân ở Phước Hải (Đất Đỏ) đến xin thỉnh phần ngọc cốt ấy. Họ nói “ông” đã nhập vào “đồng”, báo tin phần ngọc cốt ở đây. “ông” còn cho biết vì chểnh mảng vui chơi không cứu người bị nạn nên bị Ngọc Hoàng phanh thây  làm mấy đoạn. Dân Phước Hải đã tìm được một đoạn, nếu tìm được đầy  đủ bộ ngọc cốt này thì dân Phước Hải phát đạt. Họ hứa sẽ đền ơn cho dân Vàm Láng một trăm quan tiền. Nhưng dân Vàm Láng không chịu, cất miếu thờ, mãi đến năm 1870 một người Minh Hương là bà Lương Thị Có (bà Tư Có) mới xây dựng một ngôi đền thờ Nam Hải Tướng Quân khác có quy mô đồ sộ hơn ngôi đền thờ cũ. Đó là lăng ông Vàm Láng hiện nay.

Tập tục thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần, tức Nam Hải Tướng Quân, hoặc thần Cá ông Voi vốn là tập tục tín ngưỡng của người Chăm ở ven biển miền Trung có hàng ngàn năm trước. Thần thoại Chăm cho biết cá Voi là hoá thân của Cha Ailva đã được đồng nhất với thần Pô Riack tức thần sóng biển, thần phù hộ người đi biển, tín ngưỡng này được người Việt tôn sùng từ khi tiếp xúc với người Chăm phía Nam đèo Ngang. Người Đại Việt ở phía Bắc Đèo Ngang không có tập tục tín ngưỡng này.

Đoàn  Anh Hùng 


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu