Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Sa Huỳnh tại Bà Rịa -Vũng Tàu và Bình Thuận”
Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Sa Huỳnh tại Bà Rịa -Vũng Tàu và Bình Thuận”
Cùng với các chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng 30 năm ngày thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (1991 – 2021), Bảo tàng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Sa Huỳnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận”.
Với mong muốn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai bảo tàng, mở rộng giao lưu văn hóa, hợp tác giữa các vùng miền trong cả nước, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Thuận trưng bày chuyên đề “Văn hóa Sa Huỳnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận ” bao gồm gần 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh sinh động phản ánh lịch sử văn hóa Sa Huỳnh cách đây từ 3000 năm đến 2000 năm và nghề thủ công truyền thống di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm trên vùng đất tỉnh Bình Thuận.
Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận là hai tỉnh ven biển có chung nền văn hóa Sa Huỳnh phản ánh khá đặc sắc. Văn hóa Sa Huỳnh trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu được phát hiện tại các di tích khảo cổ Hòn Cau, Cồn Hải Đăng, Cồn Miếu Bà, Cồn An Hải (huyện Côn Đảo), Giồng Lớn (Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) vào những năm 1999 đến 2005. Các di tích khảo cổ học trên thuộc vùng hải đảo, ven biển. Trong đó, di tích Cồn Hải Đăng đã tìm thấy 100 mộ vò lớn với mật độ dày đặc của cư dân hải đảo có mối quan hệ văn hóa mật thiết với các di tích thuộc đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Các di tích này vừa mang đặc trưng chung của văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách ngày nay từ 2.000 – 3.000 năm, vừa có nhiều nét độc đáo mang tính địa phương như mộ vò, các loại hình gốm như: bát chân cao đế choãi, miệng khum, vẽ trang trí hoa văn màu đỏ ở chân, nắp bình gốm trang trí hình chim. Đồ trang sức khá phong phú như: khuyên tai vàng, hạt chuỗi, vũ khí như: dao găm, mũi kiếm, mũi giáo. Đặc biệt tại di tích Cồn An Hải đã phát hiện bức phù điêu bằng đá chạm khắc hình mặt người được xem là tác phẩm nghệ thuật thời sơ sử đầu tiên trên vùng đất Bà Rịa –Vũng Tàu.
Văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận được phát hiện vào năm 1923-1925 trong di tích khảo cổ nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam có tên là Động Bà Hoè, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Một số di tích khảo cổ khác thuộc văn hóa Sa Huỳnh như: Động Trũng, SaRa, Giếng Sen, Phú Trường, Phú Khánh, Phú Sơn… có niên đại cách ngày nay từ 2500 – 3000 năm. Đến nay, Bình Thuận có 02 di tích văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích quốc gia là di tích Động Bà Hòe và di tích Động cát thuộc thôn 6, xã Hàm Đức. Văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận vừa có những đặc trưng chung, vừa có nhiều nét độc đáo mang tính địa phương như: chum táng hình trứng, vò hình cầu có kích thước lớn so với các nơi khác, có chum cao 115cm, đường kính 80cm; công cụ lao động như: dọi se chỉ, rìu đồng, khuôn đúc rìu, khuôn đúc lưỡi câu, thuổng sắt, dao sắt. Đồ trang sức khá phong phú như: khuyên tai hai đầu thú, ống đá, hạt chuỗi, hạt cườm, vòng đồng; vũ khí như: qua đồng, mũi tên, mũi giáo. Đặc biệt, trong di tích văn hóa Sa Huỳnh đã phát hiện bộ đàn đá 08 thanh…
Bát bồng phát hiện tại di tích khảo cổ
Giồng Lớn, Long Sơn – TP Vũng Tàu
Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Sa Huỳnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận” giúp nhân dân trong tỉnh và du khách trong cả nước có thêm nhiều hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ Văn hóa Sa Huỳnh trên vùng đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận cách ngày nay từ 3000 đến 2000 năm.
Đồ trang sức một số chuỗi hạt
Nguyễn Tâm