Tầng 1: Bà Rịa – Vũng Tàu thời khẩn hoang mở đất, thế kỷ XVII

(27/07/2020)

Phần “Bà Rịa – Vũng Tàu thời khẩn hoang mở đất, thế kỷ XVII” trưng bày 3 nội dung chính : Dấu tích lịch sử thời mở đất ; Đời sống kinh tế – Tổ hợp các ngành nghề; Đời sống văn hóa cộng đồng. Thông qua 30 hình ảnh, 260 hiện vật sẽ giúp người xem hình dung rõ hơn về lịch sử của vùng đất này từ thời tiền sử, tiếp nối tiến trình khai hoang lập ấp của cư dân Bà Rịa – Vũng Tàu và đến hôm nay.

1. Dấu tích lịch sử thời mở đất :

Dấu tích Thành cổ, thế kỷ XVIII

Bà Rịa – Vũng Tàu xưa là vùng đất Mô Xoài, là nơi người Việt vào khai phá từ thế kỷ XVII. Nhiều dấu tích lịch sử đang còn tồn tại đến ngày nay, điển hình là vòng thành tường cổ tại đình Long Phượng (thị trấn Long Điền). Bức tường thành phía Tây dài 54m, cao trung bình 3m, dày 0,80m xây bằng đá ong (laterit) lẫn gạch đinh còn khá nguyên vẹn về hình dáng. Giữa đoạn tường dài này là một cổng, phía trên trang trí hình án thư, cổng thành rộng hơn 2m cao 3,3m, trụ dày 0,6m, có vọng lâu (mái che hình nón lợp bằng ngói máng), mặt cổng quay về nam, mảng tường hai bên phía trong tô cát vữa khắc nổi hàng chữ Hán: Nam vọng thông quang các…Bắc quan thanh lãng tân thành môn…Bức tường phía Bắc dài 28m, chỉ còn lại chân móng dày 1 – 2 lớp đá ong.Tường phía Nam dài 48m.

Từ những gì còn sót lại của bức tường cổ, qua khảo sát nghiên cứu, thời gian xây dựng của vòng tường khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII.

 

2. Đời sống kinh tế – Tổ hợp các ngành nghề:

Nhằm phục vụ cho công cuộc khai phá mở đất ở vùng đất mới (Mô Xoài) trên hành trình ngàn dặm của người xưa, đi cùng với những lớp dân cư còn có các thợ thủ công làm các nghề: Nghề trồng lúa nước, Nghề rèn, Nghề muối, Đánh bát thủy hải sản, Dệt chiếu, Làm bánh tráng, Nấu rượu, Đúc đông, Chế tác đá mỹ nghệ.

 

Nghề trồng lúa nước.

Kỹ thuật trồng lúa chủ yếu là lúa nước, trước kia người nông dân chỉ biết trồng lúa mùa (một năm một vụ). Trước đây dùng gàu giai hay gàu sòng để tát nước vào ruộng. Nông cụ sản xuất truyền thống của người nông dân trên đồng ruộng là: cày, bừa đất (bừa chia để làm đất cho nhuyễn). Khi thu hoạch nông dân dùng liềm, hái để gặt lúa, dùng xe bò  vận chuyển  lúa về sân nhà rồi dùng “cộ” để đập lúa lấy thóc, dùng xa quạt để làm sạch thóc. Từ hạt lúa người nông dân dùng cối xay lúa, cối giã, chày giã để tạo ra là hạt gạo. Nghề trồng lúa nước gắn liền với những cư dân người Việt từ các tỉnh miền Trung đến khai phá vùng đất Mô Xoài từ đầu thế kỷ XVII. Quy trình thực hiện trồng lúa nước: Dọn đất, phát cỏ, be bờ, dẫn nước vào ruộng, cày, bừa, chọn và ủ giống, gieo sạ (hoặc cấy), bón phân, chăm sóc, thu hoạch. Những giống lúa nổi tiếng như: Nanh chồn, Chùm, Nàng Sậu, Nàng Thơm…

Hiện vật trưng bày : Cày, bừa, gàu giai, liềm, hái, xe bò, cộ, xà quạt, cối xay lúa, cối giã, chày giã, dụng cụ đựng lúa, gạo…

 

Nghề đánh bắt thủy hải sản.

Ra đời cùng thời với quá trình lập ra vùng đất Mô Xoài. Các làng cá ven biển tiêu biểu lâu đời như Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (TP. Vũng Tàu), Phước Hải, Phước Tỉnh (Long Điền), Phước Hải (Đất Đỏ), Bình Châu (Xuyên Mộc).

Hiện vật trưng bày : các loại lưới rùng, lưỡi câu cá, lưỡi câu mực, vợt vớt cá… Đinh ba, giáo, nơm, ống trúm bắt lươn, bung, giỏ đựng cá…

 

Nghề làm muối.

Xuất hiện rất sớm cùng với lưu dân người Việt đến khai phá Mô Xoài vào đầu thế kỷ XVII. Thời gian làm muối là vào mùa nắng từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch. Nguyên liệu là nước biển. Quy trình sản xuất : vào cuối mùa mưa chuẩn bị gia cố bờ bao, làm lại sân phơi cho một vụ muối mới tiếp theo. Be bờ ruộng, dọn và đầm cho mặt ruộng phẳng làm sân phơi; dẫn nước biển vào đùng chứa, sau đó đưa nước biển lên ruộng phơi bằng hệ thống kênh mương, khi nước chạt đủ độ mặn kết tinh thành muối, dùng trang vun lên từng đống nhỏ, xúc vào thúng, gánh đưa về kho cất trữ. Quá trình dẫn nước từ sân phơi thấp lên sân phơi cao hơn phải dùng xà quạt quay nước…

Muối ở Bà Rịa trở thành thương hiệu ở vùng Nam Bộ, vừa trắng, ít lẫn tạp chất, lại có vị mặn rất đậm đà.

Hiện vật trưng bày : chang cào, chang tước, chang rẫy, quang gánh muối, sa quạt nước, thúng đựng muối, muối thành phẩm.

 

Nghề rèn.

Ra đời trong quá trình khai hoang, mở ấp lập làng, phục vụ đời sống, lao động, sinh hoạt, giao thông của người Việt khi vào xứ Mô Xoài. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu sắt thép. Dụng cụ sản xuất gồm bếp lò, bễ hơi, đe, các loại búa, kìm, kẹp.

Quy trình thực hiện: Xác định kích thước sản phẩm để lựa chọn hoặc chặt thanh nguyên liệu sắt thép phù hợp, dùng bễ hơi thổi làm nóng và giữ lửa cho bếp lò, đặt thanh nguyên liệu vào bếp lò nung cho nóng đỏ. Khi thanh sắt nóng đỏ, thợ chính dùng kìm gắp ra và đặt lên đe, cùng thợ phụ dùng búa đập vào thanh sắt để tạo ra sản phẩm. Thợ chính thực hiện các công việc như chặt sắt, nung sắt, kết hợp cùng thợ phụ đập sắt. Thợ phụ làm các việc như đốt lò, kéo bễ hơi, quai búa. Sản phẩm nghề rèn rất đa dạng, nhưng tiêu biểu là dụng cụ lao động.

 

Nghề đúc đồng.

Là nghề truyền thống sản phẩm rất đa dạng, gồm: Đồ dùng gia đình (nồi đồng, ấm đồng, mâm đồng, muôi đồng…), đồ thờ cúng (chân đèn, lư, đỉnh), đồ thờ trong đình chùa (chuông, đại hồng chung, tượng Phật) và đồ nhạc khí (cồng chiêng, chập chã, kèn). Mỗi loại sản phẩm sẽ thực hiện với một loại khuôn khác nhau. Sản phẩm bằng đồng có độ bền cao, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào nguyên liệu đồng, khuôn đúc.

Quy trình đúc đồng: Gồm các công đoạn làm khuôn đất, nấu kim loại, rót nước đồng vào khuôn, hoàn thiện sản phẩm. Làm khuôn đúc tuỳ theo mỗi sản phẩm có kích thước khác nhau để làm khuôn đúc sao cho phù hợp. Các loại khuôn đúc đồng nung hết khoảng 10 giờ được chia làm 2 lần. Sau khi hoàn chỉnh khuôn đúc đến công đoạn nấu chảy nguyên liệu và rót đồng vào khuôn. Đồng nguyên liệu được nấu chảy, bỏ thêm một số chất phụ gia như kẽm, chất ngân.  Nồi được đặt trên bếp than có hệ thống thổi bằng bễ kéo hoặc quay tay. Khi nước kim loại ánh màu trắng xanh, dùng gáo múc nước đồng đổ vào khuôn (lỗ đậu). Sau khi đồng đông đặc người thợ sẽ tháo lớp khuôn bao bên ngoài để tiến hành gia công, hoàn chỉnh sản phẩm.

 

3. Đời sống văn hóa cộng đồng:

Đờn ca tài tử.

Tái hiện không gian trưng bày là một nhà chòi khung tre, mái lợp tranh, phía sau là một hồ sen rộng mênh mang làm liên tưởng đến di tích thắng cảnh Bàu Thành, Long Điền, vào cuối thế kỷ XX – một vùng đất trung tâm của xứ Mô Xoài xưa cách đây gần 400 năm. Du khách có thể lắng nghe những bản nhạc truyền thống của đàn ca tài tử trong buổi gặp nhau của các tay đờn và nương ca với các điệu tiêu biểu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 câu lạc bộ đờn ca tài tử : tiêu biểu là các đơn vị: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh, huyện Đất Đỏ, Côn Đảo…

Hiện vật trưng bày : Đàn tranh, Huyền cầm, Đàn nhị, Đàn nguyệt…

 

Đời sống văn hóa cộng đồng.

Văn hóa dân gian mang tính cộng đồng ở Bà Rịa – Vũng Tàu là sự dung hợp văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc ở địa phương, hình thành từ khi người Việt từ các tỉnh Ngũ Quảng cùng các dân tộc bản địa đến khai phá, lập làng, mở ấp tại vùng đất Mô Xoài từ thế kỷ XVII. Quá trình khai phá mở đất vùng đất Mô Xoài để lại di sản văn hóa với nhiều loại hình phong phú, đa dạng từ kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống thờ Mẫu, thần biển đặc trưng nổi bật là lễ hội Dinh Cô, Mẫu Thoải, Cá Ông, miếu bà Phi Yến, lễ Trùng Cửu, nhà Lớn Long Sơn…Bên cạnh đó còn có lễ hội hiện đại như lễ hội diều quốc tế, lễ khai hội du lịch đầu xuân.

Phần này trưng bày một số hiện vật nhạc lễ tiêu biểu của tỉnh BR-VT : Trống cái, Chiêng, Thanh la, Chũm chọe, Trống chầu, Trống cơm, Đàn gáo, Ken Thau…

 

 

 

 

T.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu