Hương vị tết nam bộ

(10/06/2020)

Đồng bằng Nam Bộ đón Tết sau mùa lũ. Mùa xuân ở đây là mùa gió chướng thổi về, tiết trời trở nên se lạnh. Dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu, mai vàng đã khoe sắc trong vườn nhà. Mùa xuân, Tết đã đến trên một miền đất trù phú, ruộng vườn xanh bát ngát bao la. Nét nổi bật của Nam Bộ là có đến 200.000 ha cây ăn quả, sông rạch đan xen như mạng nhện nên Tết ở đây có một phong thái riêng, không giống bất cứ một cái Tết của nơi nào khác.

Khi công việc đồng áng đã xong, mọi nhà tất bật chuẩn bị cho ngày Tết. Bước sang trung tuần tháng Chạp, khắp xóm làng đã nghe tiếng chày giã gạo nếp bình bịch, nhịp nhàng từ sáng đến tối. Đặc biệt nhà nào cũng lo quết bánh phồng vang động khắp nơi. Người ta tìm chọn những loại nếp tốt (thường là nếp rặt), không lộn gạo. Đem ngâm nếp với men nấu rượu và củ thơm trong nước 3 ngày. Sau đó đem đãi thật sạch, để ráo nước rồi đồ xôi. ở miền sông nước thường có lệ hùn hạp, đổi công trong láng giềng, mỗi nhà thay phiên nhau quết bánh. Cánh thanh niên thì lãnh nhiệm vụ cầm chày, cánh phụ nữ thì đảo bánh. Chày vừa rút lên là các chị dùng tay nhúng nước dừa có pha đường đảo ổ bánh. Các bà mẹ lo xửng hấp. Ổ bánh được đem ra cán mỏng, cắt thành khoanh tròn, áo nước đường rồi phơi khô. Khi ăn thì đem nướng, bánh phồng lên tròn trịa, mùi thơm tỏa ngào ngạt. Các lò bánh tráng hoạt động thâu đêm. Bánh tráng miền Tây có hương vị riêng bởi có nước cốt dừa bổ sung vào bột gạo. Khi ăn có vị bùi béo, mùi thơm của tinh túy trái dừa làm nên cái bánh tráng vừa giòn, lại dày dặn và hấp dẫn, không thể thiếu trong ngày Tết của nông thôn. Ở miệt vườn miền Tây không chỉ nổi tiếng với sản phẩm làm từ gạo và dừa, mà còn có những loại mứt làm từ khoai, bí, gừng… Miệt Chơn Thiện, Mỹ Tho (Tiền Giang) có loại bí đặc sắc được chọn làm mứt. Bí to, chắc, ít ruột. Món mứt của Mỹ Tho nổi tiếng bởi sự cầu kỳ chọn nguyên liệu, từng công đoạn chế biến. Ăn mứt bí sẽ cảm nhận sự ngọt thanh, thơm, bùi. Ngoài ra còn có món lạp xường Cần Thơ nổi tiếng cả miền Nam và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan…

Trên bến dưới thuyền, tiếng nói cười, tiếng máy nổ vang dội cả dòng sông. Người ta chuyển hàng về giao cho kịp Tết. Ngày 23 Tết tiễn Táo Quân về trời, các cụ đã nhắc nhở con cháu chọn đốn cây tre tốt, cao để dựng nêu. Cây nêu cao độ 4 mét, được trảy bỏ nhánh, chừa đọt có lá, chờ đến ngày 30 mới dựng nêu và đến mùng 7 thì hạ nêu.

Sau ngày 23, nông thôn rộn ràng hẳn lên, người ta tranh thủ tát mương, chắt đìa, dỡ chà để bắt cá linh, lươn, ếch… đặc biệt là cá lóc, lươn được thả trong lu đất để làm thức ăn dự trữ trong ba ngày Tết. Nhà cửa được quét vôi, trang hoàng lại từ ngày 25 Tết. Con cháu cũng lo tu sửa, sơn quét vôi lại phần mộ của tổ tiên.

Món chủ lực của vùng nông thôn Nam Bộ là bánh tét. Nhũng gia đình giàu có, con cháu đông đúc thường gói bánh tét đòn rất lớn. Khi tét bánh ra, khoanh bánh tròn trịa nằm gọn trong đĩa trông thật đẹp mắt, trung bình một đòn có đường kính một tấc tây và nặng khoảng 1kg. Người Nam Bộ thường dùng lá dừa băm nhuyễn, vắt lấy nước trộn vào nếp để bánh có màu xanh. Mỗi lần gói bánh chí ít cũng 3 – 4 chục đòn, tùy khả năng của mỗi gia đình. Hai đòn cột thành một cặp dụng ý cho đủ đôi, đủ cặp là niềm hạnh phúc để làm quà biếu.

Đêm 29 không khí lành lạnh, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp canh chừng nồi bánh tét, vừa uống nước trà, vừa trò chuyện râm ran cả đêm. Người Nam Bộ ăn bánh tét với thịt kho tàu. Nồi thịt có đến hơn chục quả trứng vịt, ăn kèm với dưa giá, dưa cải. Ngày Tết người dân đồng bằng Nam Bộ thường có món cá lóc hấp hay nướng trụi, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn. Lớp thanh niên lo chuẩn bị loại rượu hảo hạng, thường là rượu gạo ngon để nhâm nhi với các đặc sản miệt vườn. Các cụ xưa thường thích tự mình viết câu đối hoặc ra chợ nhờ các cụ đồ viết hộ câu đối mực Tàu lên tờ giấy đỏ.

Chiều 30, mọi nhà chuẩn bị mâm cỗ để cúng rước ông bà về chung vui với con cháu trong 3 ngày Tết. Tối 30, bầu trời miền sông nước đen như mực, trên các kênh rạch vài chiếc ca nô nổ máy chạy vội về nhà để kịp đón giao thừa. Trong gia đình, người lớn bên tách trà thơm, chờ giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, ánh đèn lung linh huyền ảo. Mâm ngũ quả bóng láng, đủ các sản vật của miệt vườn ít có nơi nào bì kịp. Nào Xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn… màu sắc rất hài hòa. Trên bàn thờ được điểm thêm hai trái dưa hấu lớn đặt bên bộ đèn lồng. Chậu mai vàng đặt trước bàn thờ đã bắt đầu nở nụ xinh tươi. Trong đêm trừ tịch trôi đi lặng lẽ của một miền sông nước êm ả, người chủ gia đình thành kính cúng giao thừa, ông bước ra vườn để đón gió xuân xào xạc, thoảng trong không gian mùi hương trầm. Có lẽ mọi người đang cầu khấn một năm mới có nhiều may mắn và hạnh phúc.

Từ giao thừa trở đi, người ta kiêng cữ nhiều việc : Không cãi vã lớn tiếng, không động đất, không quét nhà, xách nước. Đồng bằng Nam Bộ theo phong tục “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy’’. Cứ thế gia đình nào cũng đưa con cháu về quê nội, rồi quê ngoại, sau đó mới đi thăm thầy cô giáo. Trên các kênh rạch, những chiếc xuồng tam bản chuyên chở khách thăm viếng thật đông vui, nhộn nhịp.

Những năm gần đây, đồng bào đồng bằng Nam Bộ thường tổ chức du xuân miệt vườn trên sông Tiền bằng thuyền. Cả gia đình đi một thuyền hoặc hai ba gia đình thuê chung. Nằm giữa vùng nước mênh mông là những vùng đất trù phú của Thới Sơn, Tân Long, Tân Quy… được mệnh danh là vương quốc của trái cây. Nếu đổi thuyền nhỏ thì về rạch Miễu (Bến Tre), đây là vùng đất lịch sử. Bến Tre không chỉ nổi tiếng về cây lúa truyền thống mà còn là nơi sinh sản những giống cây mới như: sầu riêng Mon Thoong (Thái Lan), ổi Mã Lai, sa-pô-chê Mêhicô, đặc biệt là bưởi da xanh, ruột đỏ hồng rất đẹp, vị ngọt thanh không bị he. Ngày Tết đi chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) là vui nhất. Chợ nổi nằm ở giao điểm năm con sông đi Cà Mau, Vĩnh Quốc, Long Mỹ, Thạch Trị, Phụng Hiệp. Chợ có từ lâu đời, nhộn nhịp nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có đến hàng trăm chiếc ghe lớn đậu san sát nhau. Hàng hóa không thiếu thứ gì, chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm tươi sống. Trên bờ thì mua bán hàng tiêu dùng cao cấp. Ngày Tết đi chợ nổi mới thấy cái đông vui, độc đáo của một miền sông nước.

Người dân ở đồng bằng Nam Bộ ngày nay đời sống đã khá lên, họ ăn Tết dài ngày. Có nhiều gia đình du xuân miệt vườn 2-3 ngày. Họ sinh hoạt ngay trên những chiếc ca nô của mình. Ban đêm họ ngủ giữa trời nước mênh mông. Họ ăn chơi hết mình, để sau đó lại vào công việc đồng áng đang cận kề và hứa hẹn một mùa bội thu mới.

BÔNG MAI VÀNG


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu