Khai quật khảo cổ học Di tích Giồng Lớn lần II năm 2005 (tiếp theo)

(24/02/2010)

Có thể nói so với lần khai quật thứ nhất thì số lượng đồ trang sức thu được trong lần thứ hai có số lượng ít hơn lần khai quật đầu. Bên cạnh một số loại hình đã thấy như các loại hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu sắc, khuyên tai vàng có đường ren, hạt chuỗi vàng…

… chúng tôi phát hiện thêm một số loại hình độc đáo như: mặt nạ vàng được chế tác hoàn chỉnh hơn với đôi mắt mở to có lông mày rậm giao nhau, mũi to, sống mũi nổi cao và đôi môi khá dày; khuyên tai hình tròn hở có xỏ thêm mảnh vàng lá hình tròn; mảnh vàng dát mỏng hình chữ nhật có trổ lỗ thủng xung quanh. Đặc biệt là lần đầu tiên phát hiện được mô hình dương vật bằng vàng.

So với cuộc khai quật lần thứ I (2003), đợt khảo sát và khai quật lần thứ II di tích Giồng Lớn đã làm rõ được tính chất và quy mô của di tích.

Có thể yên tâm khẳng định tính chất của di tích Giồng Lớn là một khu mộ táng. Qua cả hai đợt khai quật hoàn toàn không phát hiện được vết tích cư trú. Mộ táng bao gồm hai loại hình: mộ nồi và mộ đất, trong đó mộ đất chiếm ưu thế, trên 90% (73 trên tổng số 80 mộ đã phát hiện).

Các di tích đã phát hiện và nghiên cứu trong khu vực Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) như Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ v.v. đều có tính chất vừa là nơi cư trú vừa là khu mộ táng. Nằm trong cùng hệ sinh thái nhưng ở Giồng Lớn khu vực mộ táng đã được tách riêng, điều đó có thể phản ánh bước chuyển biến, thay đổi trong nếp sống, tín ngưỡng cũng như cách thức tổ chức xã hội của cư dân nơi đây.

Quy mô khu mộ táng Giồng Lớn, qua 9 hố thám sát của đợt II đã cơ bản được xác định. Chúng có quy mô không lớn, được định vị trên sườn phía nam của Giồng Lớn, diện tích trong khoảng 1000m2 (chiều dài khoảng 50m, chiều rộng khoảng 20m). Các hố khai quật ở trung tâm di tích cho thấy mật độ phân bố của các cụm mộ táng tương đối đều, khoảng 7m2/ 1mộ.

Như vậy qua hai đợt khai quật với sự kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã kịp thời nghiên cứu khai quật cứu vãn được một di tích quan trọng trước nguy cơ bị hủy hoại.

Vấn đề chủ nhân khu mộ táng Giồng Lớn: trong nhiều đợt khảo sát vùng ngập mặn ven biển đảo Long Sơn, khu vực giáp vịnh Gành Rái cách di tích Giồng Lớn khoảng hơn 1km từ năm 2002 đến nay, chúng tôi đã phát hiện nhiều di tích khảo cổ như Giồng Ông Trượng, Bãi Cá Xỉu, Bãi Cá Sóng v.v. Qua các hố đào thám sát và hiện vật thu lượm được cho thấy đây là các di tích của một khu sản xuất gốm lớn, sản phẩm chủ yếu là loại bình miệng bẻ khum được mệnh danh là bình Giồng Cá Vồ (được tìm thấy đầu tiên ở Giồng Cá Vồ, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). Qua so sánh táng thức cũng như hiện vật tùy táng tại Giồng Cá Vồ và Giồng Lớn, chúng tôi cho rằng chủ nhân của khu mộ táng Giồng Lớn rất có thể chính là chủ nhân của các di tích Giồng Ông Trượng, Bãi Cá Xỉu, Bãi Cá Sóng trên đảo Long Sơn.

Với 672 hiện vật thu được trong khai quật lần II cộng với 1638 hiện vật của đợt khai quật đầu di tích Giồng Lớn đã có một sưu tập lớn rất phong phú về chất liệu và loại hình. Đây là một sưu tập quý giá có giá trị nhiều mặt trong nghiên cứu và trưng bày phát huy tác dụng tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nhìn tổng thể đồ gốm ở Giồng Lớn là sự phát triển của truyền thống gốm Giồng Cá Vồ nói riêng và Văn hóa Đồng Nai nói chung. Ở Giồng Lớn bắt đầu có sự xuất hiện của những loại hình gốm Óc Eo giai đoạn sớm: một số đồ gốm nhỏ có cổ và miệng hẹp, một số loại đồ gốm có áo trắng, xương đen mịn hoặc có áo trắng, xương gốm trắng.

Đồ trang sức ở Giồng Lớn được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như thủy tinh, đá quý và vàng, đây là các chất liệu mà cư dân Văn hóa Óc Eo rất ưa chuộng. Qua nghiên cứu bước đầu chúng tôi nhận thấy nhiều khả năng thủy tinh đã được chế tác tại chỗ, thể hiện ở một số hạt dính vào nhau, vê chưa tròn và dính xỉ.

Đồ trang sức bằng vàng và đá quý mà cư dân ở đây có được chắc chắn thông qua con đường giao thương buôn bán. Điều lý thú là một số hiện vật còn ở dạng bán thành phẩm như những hạt mã não chưa khoan lỗ xâu dây, hoặc ở dạng nguyên liệu như một số mảnh vàng nhỏ còn để lại nhiều vết gia công trên bề mặt… cho thấy nhiều khả năng cư dân nơi đây đã hình thành nghề gia công chế tác đồ trang sức bằng vàng và đá quý?

Đồ trang sức bằng vàng ở Giồng Lớn đã đạt độ tinh xảo hơn hẳn so với Giồng Cá Vồ. Ba chiếc mặt nạ và mô hình dương vật bằng vàng là những hiện vật lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam, phản ánh một phong cách mới trong nghệ thuật của cư dân đương thời.

Qua hiện tượng mức độ hiện vật bằng chất liệu quý thường tập trung trong một số cụm mộ, có thể thấy được sự phân hóa xã hội cao của cư dân Giồng Lớn.

Cùng với việc phát hiện và nghiên cứu các di tích  khảo cổ ở khu vực Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) trong thập kỷ cuối thế kỷ 20, việc phát hiện và nghiên cứu di tích Giồng Lớn (Long Sơn – Vũng Tàu) chắc chắn là một phát hiện lớn, quan trọng đối với Khảo cổ học Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 21. Một trong nhiều vấn đề lớn của Khảo cổ học Việt Nam sau ngày miền Nam giải phóng là đi tìm nguồn gốc của Văn hóa Óc Eo – một văn hóa khảo cổ lớn mà các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là dấu tích của vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ được biết đến qua các thư tịch cổ Trung Hoa, trên minh văn và bia ký.

Về văn hóa, qua di tích và di vật chúng tôi cho rằng có thể xếp di tích Giồng Lớn thuộc văn hóa Óc Eo.

Về niên đại, đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán (206 TCN đến năm 25 SCN) phát hiện trong lần khai quật thứ nhất cho phép khẳng định niên đại của di tích này vào khoảng trên dưới 2000 năm cách ngày nay.

        Như vậy từ Giồng Cá Vồ (thành phố Hồ Chí Minh) cách ngày nay khoảng 2500 năm tới Giồng Lớn (Long Sơn – Vũng Tàu) cách ngày nay 2000 năm đã khẳng định một tuyến phát triển văn hóa nội tại, một con đường trong nhiều con đường tiến tới văn hóa Óc Eo. Con đường này được hình thành trên cơ tầng văn hóa Đồng Nai kết hợp với những dòng văn hóa mới của thời đại: Ấn Độ, Trung Hoa thông qua giao lưu thương mại. Trong đó yếu tố bên ngoài được đánh giá như một “cú hích” tạo sự tiếp biến văn hóa để hình thành một văn hóa mới có bản sắc riêng, kết hợp với các yếu tố kinh tế xã hội tạo cơ sở cần và đủ để hình thành các quốc gia cổ đại đầu tiên ở khu vực Nam Bộ.

BBT


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu