Không gian lễ hội truyền thống cúng mừng lúa mới của đồng bào Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

(06/05/2021)

Đồng bào Chơ ro sinh sống tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Thị xã Phú Mỹ… vào trước năm 1945 chủ yếu định cư tại các vùng đất cao, với chủ yếu là nghề làm nương rẫy, du canh du cư là phương pháp canh tác chính. Nương rẫy thường được quay vòng theo chu kỳ từ 10- 15 năm, để cây rừng tái sinh nuôi dưỡng đất đai, tái tạo sự cân bằng sự sinh thái. Vào khoảng tháng giêng, tháng 2 âm lịch hằng năm, bà con đi tìm những nơi đất phì nhiêu, màu mỡ gần khu vưc rừng rậm, độ ẩm cao và đất tơi xốp…để chọn làm rẫy. Trước khi phát hoang mảnh đất làm nương rẫy, bà con thường làm thử chừng 2-3m2, rồi đóng cọc, khoanh dây rừng đánh dấu rồi trở về nhà chờ qua đêm, để trong giấc mơ có báo mộng cho biết nơi đất đó có làm rẫy được hay không mới tiến hành làm tiếp…Năng suất lúa canh tác nương rẫy của đồng bào tính trung bình đạt 1,5 tấn/ha. Gắn liền với nghề trồng lúa của đồng bào Chơ Ro là lễ cúng thần Lúa (Yang Va).

Lễ cúng thần Lúa được tổ chức luân phiên nhau tại các gia đình, diễn ra vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch hàng năm. Lúc này theo quan niệm của đồng bào “ lúa đã bò vào nhà” (tức là lúa đã được cất trữ vào kho hoặc bồ), “tay chân không còn dính đất” và cũng là lúc  đã đốt rẫy xong chuẩn bị tỉa hạt cho vụ mùa mới.

Với tập quán du canh, du cư trước đây, vừa thích nghi, vừa phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu, chế độ thủy văn, hệ sinh thái động thực vật của vùng rừng núi…nên đời sống kinh tế của đồng bào rất bấp bênh, thiếu đói nên đồng bào rất tin tưởng vào các vị thần linh.

Tín ngưỡng dân gian của đồng bào Chơ ro cũng như một số đồng bào ít người định cư tại vùng Trường Sơn –Tây Nguyên là tôn thờ vạn vật hữu linh.  Theo quan niệm truyền thống của đồng bào, con người cùng các sự vật như (đất đá, núi rừng, sông suối, cây cối…) chung quanh đều có linh hồn và có các  vị thần đang ngự trị ở đó, chi phối tác động đến đời sống của con người. Vai trò, vị trí thần Lúa rất quan trọng đối với đồng bào, vì vị thần này luôn mang lại no đủ, sung túc cho mỗi gia đình và cộng đồng. Lễ cúng thần Lúa nhằm tôn vinh, biết ơn vị phúc thần và thể hiện niềm tin, ước mong có cuộc sống no đủ và hạnh phúc của đồng bào…

Lễ hội cúng thần Lúa được tiến hành vào ban đêm trong nhà của mỗi gia đình. Các lễ vật đã chuẩn bị sẵn như các chóe rượu cần, đầu heo, cặp gà, cặp vịt, bánh dày, bánh ống, bánh cặp, trái cây, bông vạn thọ, trầu cau, thuốc rê… Tất cả đều được bày trên hai tầng của tổ Nhang nhà (gồm một giá đỡ bằng khung gỗ, có bốn chân, hai tầng đan bằng tre). Không gian xung quanh được bài trí hai bồ lúa đựng đầy thóc đã phơi khô. Một cây lúa thiêng bằng tre dựng lên giữa gian nhà chính, phía trên có trang trí 4 nhánh, vươn ra 4 hướng,tượng trưng cho bông lúa nảy nở, trĩu hạt. Ở phía đỉnh bông lúa có đặt các lễ vật cúng như: bánh cặp, cơm lam,bánh dầy … Trong không gian buổi lễ ta nhìn thấy nối giữa Tổ nhang nhà (bàn thờ), Cây lúa thiêng và bồ lúa là một sợi dây chỉ bông màu trắng, theo tương truyền ngày xưa kể lại…trước đây đồng bào không phải dùng liềm cắt lúa mang về nhà mà khi lúa chín ở trên nương rẫy, lúa theo đường dẫn sợi chỉ này rồi tự bò về bồ lúa trong nhà…

 

Dưới ánh đèn sáp ong được thắp sáng lung linh, già làng kiểm tra lại các lễ vật dâng lên cúng thần Lúa đã đầy đủ chưa rồi mời thầy Chang (thầy cúng) và bà Bóng (Xà Băm) tiến hành các bước nghi lễ truyền thống. Thần cúng với trang phục truyền thống, đầu chít khăn thổ cẩm, cổ tay đeo chuỗi lục lạc đồng, tay cầm thanh nứa khô, một đầu buộc lông gà và lục lạc tỏ rõ sự uy nghiêm, linh thiêng… Các bước tiến hành cúng thần Lúa: mời thần Lúa về nhà, tiếp đón, thăm hỏi sức khỏe và tiếp chuyện cùng thần Lúa.Sau khi đọc bài khấn nguyện Thần Lúa thầy cúng hớp một ngụm rượu trắng phun sương lên trán từng thành viên trong gia đình. Mọi thành viên trong gia đình cùng vái lạy thành kính, cầu mong thần Lúa và tổ tiên, ông bà phù hộ cho con cháu sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, mong cho “lúa đầy bồ, trâu đầy sân”…

Quá trình diễn ra buổi lễ đều có dàn chiêng đồng 7 chiếc và một số nhạc cụ như đàn tre, gõ nhịp phụ họa, đệm cho từng động tác của thầy cúng, làm cho buổi lễ thêm rộn ràng, sinh động.

Sau khi buổi lễ kết thúc đại diện chủ nhà mời bà con tham gia vui chơi nhảy múa theo cùng nhịp chiêng. Những người già trầm ngâm, kể chuyện xưa cho nhau nghe, trai gái đôi lứa yêu nhau hát huê tình, một số người khác nắm tay nhau nhảy múa bên bếp lửa theo nhịp chiêng đung đưa, mãi không dứt…Tiếng chiêng vang xa” leo lên ngọn cây, bò vào sàn nhà và đọng lại trong tâm khảm mỗi người”…

 

Nguyễn Tâm


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu