Lễ cầu ngư – nghi lễ nhân văn
Trong suốt chiều dài lịch sử bám biển của ngư dân đất Việt, từ việc tôn thờ một hiện tượng tự nhiên, một sinh vật có mối quan hệ gắn bó lâu đời với ngư dân trong phương thức sinh tồn, lễ cầu ngư trở thành một hình thức tín ngưỡng tích hợp những giá trị văn hóa dân gian, trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của ngư dân làm nghề biển.
Từ rất nhiều câu chuyện của người dân làng chài Phước Tỉnh, huyện Long Điền đến làng chài Bến Đình, thành phố Vũng Tàu kể lại những câu chuyện xúc động và ý nghĩa về cá voi cứu người trong lúc bão to, gió lớn. Câu chuyện cá voi cứu người gặp nạn trên biển với nhân chứng sống trở về vì thế lại trở nên thiêng liêng trong cộng đồng ngư dân.
Sự thoát hiểm của họ thật là kỳ diệu song không phải là dị biệt nhưng đã củng cố mãnh liệt về niềm tin của ngư dân vào loài cá voi. Trong quan niệm của người đi biển thì cá voi là một vị thần đối với họ mỗi khi gặp sóng to, bão tố. Do đặc tính sinh học thì cá voi thường bơi theo các vật trôi nổi trên biển khi gặp bão gió. Điều này đã làm cho các ngư dân tin tưởng và đều thắp hương mong cho cá Ông phù hộ độ trì giúp cho họ tai qua nạn khỏi, sóng yên bể nặng trở về bến bình an. Vào những ngày thời tiết đẹp trời họ còn mong và tin rằng ngài sẽ dẫn các loài cá khác về gần để họ đánh bắt. Có lẽ điều đó việc thờ cá Ông đã trở thành một tín ngưỡng dân gian đối với người đi biển. Việc thờ cá Ông rất phổ biến ở nước ta. Từ Bắc đến Nam có rất nhiều địa phương có phong tục cá Ông nhưng việc thờ cúng này hiện diện tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một minh chứng rõ nét nhất. Cá Ông là hình tượng được tiếp biến từ vị thần Cha-Aih-Va của người Chăm. Đây không phải là vị thần chỉ chuyên cho những người ngư dân mà là một vị thần dành cho những người đi biển và liên quan đến biển. Trong quá trình di cư về phương Nam, người Việt đã tiếp thu và thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống văn hóa, tâm linh. Cá Ông là ân nhân của những người đi biển, mỗi lần tàu bè bị đắm thì Ông lại xuất hiện để cứu vớt.
Tục thờ cá Ông ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thể hiện trong văn hóa dân gian, đặc biệt là ở Lăng Ông Nam Hải, đình thần Thắng Tam, các nghi thức ở đây đều được thực hiện đầy sự kính trọng của con người, bao gồm đầy đủ từ việc để tang, cho đến nghi lễ cải táng, thờ cúng, xây dựng miếu thờ. Ngay ở cách gọi cũng được tôn kính: Lăng Ông, Dinh Ông, Ngọc cốt, Ông lụy.
Dưới thời phong kiến, nghi lễ này đã được thể chế hóa như là một đại lễ, vượt ra khỏi quy mô ranh giới của làng. Minh chứng là đình thần Thắng Tam đã có tới 13 sắc phong do triều Nguyễn ban tặng. Gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là lễ hội cầu ngư. Cầu ngư là lễ tiết quan trọng nhất tại đình Thần này nhằm tưởng nhớ đến những lần cá Voi cứu vớt ngư dân bị nạn. Ngày diễn ra lễ cầu ngư là ngày cá Ông lụy. Lễ cầu ngư gồm hai phần, phần lễ tế và phần diễn xướng. Trong ngày lễ bàn thờ được trang hoàng với đầy đủ sự tôn nghiêm. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn hoa. Đình Thần chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức có uy tín và không mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên sự biết ơn của dân làng đối với công đức của cá Ông và cầu cho một mùa đánh bắt bình an và nhiều tôm cá.
Ở đình Thắng Tam nghi lễ này cũng giống nhiều địa phương khác song điểm nhấn ở đây phần lễ là phần nghinh Ông Sanh (Đông Hải Ngọc Lân). Nghi lễ này được thực hiện ở cả trên biển và trên bờ. Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là hát bả trạo. Lễ xây chầu hát bả trạo là nghi thức bắt buộc mở màn cho buổi hát. Hát bả trạo là một phần nghi lễ, thể hiện diễn xướng tổng hòa nhiều yếu tố hát và múa với đạo cụ là mái chèo. Đội trình diễn bao gồm các con trạo dưới sự chỉ huy của tổng mũi, tổng thương, tổng lái… Tất cả được xếp thành một chiếc thuyền rồng, thuyền linh để đưa hồn cá Ông và những người chết trên sông hay ngoài biển được siêu thoát. Nội dung các bài hát là ca ngợi đức độ cao dày của cá Ông, xin thần ban cho cuộc sống ngư dân được bình an, no ấm. Ở điểm này hát bả trạo mang lại một giá trị nhân văn cao cả. Những câu hát bả trạo lúc thì dìu dặt mang âm hưởng huyền bí của buổi đưa linh, lúc thì dồn dập, khẩn trương vội vã thể hiện cảnh đối đầu với sóng to gió lớn, lúc lại nhẹ nhàng thể hiện cảnh gió yên biển lặng.
Cùng với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, lễ hội cầu ngư ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đặc biệt là ở đình thần Thắng Tam đã góp phần giải tỏa tâm linh trong đời sống ngư dân. Các sinh hoạt ở đây đã đem lại sự hưng phấn cho ngư dân, tạo cho họ có sự tin tưởng khi vượt sóng to gió lớn, vượt qua sự khắc nghiệt của biển cả. Đây còn là dịp tri ân đối với những người đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề đánh bắt cá.
Song tồn với rất nhiều loại hình văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh nhà, lễ hội cầu ngư ở đình thần Thắng Tam đã góp phần làm sinh động thêm kho tàng văn hóa dân gian trên cả nước nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng đồng thời tạo nên một điểm nhấn trong đời sống tinh thần của ngư dân biển mang giá trị đầy tính nhân văn.
Lê Dung