Lễ hội Nghinh Cô Long Hải
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 2 Âm lịch, hàng chục ngàn người khắp các miền quê Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), Nam Trung bộ và Nam bộ tề tựu về Dinh Cô, thị trấn Long Hải tham dự lễ hội. Lễ hội Nghinh Cô Long Hải là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam bộ. Lễ hội Nghinh Cô thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu-Nữ thần, nhưng không đơn thuần chỉ thờ Mẫu-Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi) và tín ngưỡng thờ Mẫu-Nữ thần của cư dân địa phương (vị thần kết tinh, hòa nhập của các “Mẫu” khác). Nghi thức Nghinh Cô thực chất là kiểu thức Nghinh Ông (nghinh từ ngoài biển vào) trong lễ cúng cá voi. Sự độc đáo của nó là thể hiện sự hội tụ, ngưng đọng của những nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của nhiều miền.
Lễ hội diễn ra ở Dinh Cô, dưới mỏm núi Thùy Vân, thuộc ấp Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Nhân dân địa phương thường gọi đây là lễ hội Dinh Cô. Thực ra, Dinh Cô là điện thờ Cô. Phía Đông điện thờ, chừng hơn 1 km là mộ Cô. Tên gọi chính xác là lễ hội Nghinh Cô (theo nghi thức hành lễ), cũng có người gọi đây là lễ rước Bà Thủy, nhưng tên gọi này mang đặc điểm chung của lễ hội nước, không phản ánh đầy đủ tính địa phương của lễ hội này. |
Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Cô tên là Lê Thị Hồng Thủy, quê quán ở Phan Rang (có người kể quê ở Bình Thuận). Cô là con gái duy nhất của ông Lê Văn Khương và bà Thạch Thị Hà, thường theo cha vào vùng Bà Rịa và Gò Công (Tiền Giang) buôn bán. Cô rất yêu cảnh mến người và không muốn rời xa vùng đất phía Nam. Trong một lần vào Nam buôn bán, khi thuyền còn neo đậu tại vũng Mù U (Long Hải), Cô không muốn rời khỏi đất này nên đã xin cha ở lại nơi đây sinh sống lâu dài. Lúc ấy Cô mới 16 tuổi. Nhưng người cha kiên quyết không bằng lòng, buộc cô phải trở về quê hương cùng ông. Khi thuyền nhổ neo rời bến khá xa, nhìn lại trong thuyền không thấy cô, người cha quay lại cất công tìm kiếm ba ngày liền nhưng không thấy. Ông buồn bã quay về quê nhà. Vài hôm sau, xác Cô trôi dạt vào Hòn Hang. Một cụ già ở làng Phước Hải phát hiện. Ngư dân Phước Hải chôn cất Cô trên đồi cát gần nơi tìm thấy xác Cô (đó là Mộ Cô bây giờ). Mộ của Cô luôn được cát bồi đắp, cỏ không mọc được mà ngay bên cạnh một cây đa tươi tốt mọc nhanh như thổi che mát mộ Cô. Sau một thời gian, vùng này có dịch bệnh, rất nhiều người bị đau và chết. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, có người nằm mơ thấy Cô báo sẽ giúp dân làng qua khỏi dịch khí. Dân làng đã thắp hương cầu khấn, quả nhiên dịch bệnh qua khỏi. Sau sự việc ấy, có người đã xin bà con xây am thờ phượng, hy vọng Cô sẽ độ trì dân làng làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành… Từ đó Cô càng hiển linh. Hàng năm, dân làng tổ chức cúng Cô. Ngày Chính lễ diễn ra lễ hội Nghinh Cô là ngày mất của Cô.
Truyền thuyết thứ 2: Cô là liên lạc viên của nghĩa quân Tây Sơn (cũng có người nói Cô là con một viên chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn), thường qua lại nơi đây. Cô đã bị quân nhà Nguyễn giết chết (cũng có người kể là bị đắm thuyền). Sau này, để tưởng nhớ một người con gái hiển linh, chết vì đạo nghĩa, nhân dân đã lập miếu thờ.
Trong hai câu chuyện truyền ngôn của ngư dân địa phương kể trên thì truyền thuyết thứ nhất được nhiều người cho là gần với sự thật hơn. Theo khảo sát của các tác giả cuốn 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, thì khi thuyền buôn của ông Lê Văn Khương đi ngang qua mũi Thùy Vân, dây lèo buồm đã gạt cô Lê Thị Hồng Thủy xuống biển. “Mặc dù những người cùng đi trên thuyền đã ra sức tìm kiếm, nhưng vẫn không tìm được cô. Ba ngày sau xác cô nổi lên nơi vũng Mù U, được bà con ngư dân xã Phước Hải chôn cất tử tế. Về sau cô trở nên linh hiển, nhập vào xác đồng, kể lại cái chết oan uổng của mình. Dân làng lập miếu thờ, lấy ngày cô chết (12-2 âm lịch) để cúng bái hàng năm. Chuyện xẩy ra vào năm Gia Long thứ ba (1804), lúc ấy cô mới 16 tuổi”1.
Không giống với truyền thuyết trên đây, khi viết về núi Thùy Vân (một phần của dãy Minh Đạm ngày nay, chứ không phải Núi Nhỏ Vũng Tàu như một số tác giả lầm tưởng) sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn (viết nửa cuối thế kỷ 19) cho biết: “Núi Thùy Vân cách huyện lỵ Phước An 12 dặm về phía Đông Nam. Trên núi có chùa Hải Nhật (là chỗ trông ra biển đón mặt trời), dưới núi có vũng Sơn Trư (Bãi Heo). Ngoài mỏm núi có ngọn Thần nữ, tục gọi là mỏm Dinh Cô, trước kia có người con gái chừng 17,18 tuổi, bị bão gạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ”2.
Mặc dù cách giải thích có khác nhau, nhưng những nét chung đáng lưu ý: trinh nữ, chết oan, có mồ mả, địa điểm được xác định khá rõ ràng. Truyền thuyết dân gian cũng nói rõ lý do nhân dân thờ phụng, cúng bái hàng năm chính là vì sự hiển linh của Cô. Sự hiển linh của Cô càng tăng lên khi những ngư dân tới đây cúng bái và cầu nguyện truyền tụng với nhau về những điều được Cô giúp đỡ, phù hộ, che chở trong những lần đi biển hay trong cuộc sống. Và sau những lần được Cô giúp đỡ, họ lại đến cúng bái, dâng phẩm tạ ơn. Lời đồn đại về sự linh thiêng của Cô thế hệ này
nối tiếp thế hệ kia ngày càng lan rộng. Vào ngày vía Cô, khách thập phương lại tề tựu về Dinh Cô dự đại lễ, có cả ngư dân từ Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đến ngư dân Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá… và không ít du khách từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai về tham dự lễ hội, kết hợp hành hương với nghỉ ngơi, tắm biển, làm cho lễ hội Nghinh Cô trở nên đông nhất trong các lễ hội ở BR-VT nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.
Dinh Cô: nằm sát ngay bên bãi biển Long Hải. Có thể nói, đây là vị trí đẹp nhất của thị trấn Long Hải, một vị trí sơn thủy hữu tình. Tương truyền ngày trước, nơi thờ Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng cây lá, sát bờ biển. Về sau, do bị thủy triều xâm thực nên dân làng đã dời lên chân núi Thùy Vân. Hồi đầu thế kỷ 20, điện Cô được xây cất, mái ngói. Vào khoảng năm 1930, do có sự tranh chấp đất đai giữa một người Hoa với người Pháp, Điện Cô một lần nữa được dời lên triền núi Thùy Vân (tức là vị trí hiện nay). Lần này điện Cô cũng được xây dựng tương đối khang trang bằng vật liệu gạch, đá, xi măng cốt thép.
Mồng Tám Tết Đinh Mão 1987, một trận hỏa hoạn dữ dội thiêu trụi hoàn toàn bên trong chánh điện. Dân làng đã quyên góp tiền của xây dựng lại Dinh Cô. Năm 1989, người ta xây dựng thêm trước chánh điện một căn nhà hai tầng theo thế dựa vào vách núi trước chánh điện tầng dưới làm nơi tiếp khách, tầng trên là nhà Võ Ca. Liên tiếp các năm sau đó, 1992, 1993 Dinh Cô luôn được xây dựng bổ sung Phật Đài Quan Thế Âm Bồ tát, nhà khách… Qua nhiều lần tu bổ, xây thêm, hiện nay Dinh Cô đã là một tòa nhà đồ sộ dựa vào lưng núi, mặt quay ra biển uy nghi, với tổng diện tích xây dựng gần 1.000 m2.
Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ (đều làm bằng bệ xi măng). Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ Bà Cô. Nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5 mét, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài.
Dinh Cô là điện thờ Cô, trước đây người ta gọi là điện thờ Bà Cô. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội, nơi thực hiện các nghi thức thờ cúng. Cổng Tam quan vào Dinh Cô nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi hình rồng và hổ theo quan niệm “Long Hổ hội”, phía trên có “Lưỡng long chầu nguyệt” và song phụng chầu. Lối lên điện Cô là 37 bậc tam cấp. Chính điện không phải là một ngôi nhà xây theo kiểu cổ mặc dù trên đao nhà người ta đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Hầu hết các câu đối, câu liễn đều được đúc bằng xi măng và sơn màu xanh đỏ. Trong chính điện dường như chỉ còn một đôi câu đối duy nhất làm từ các mảnh sứ ghép. |
Liên quan đến Dinh Cô và là một bộ phận quan trọng của di tích là Mộ Cô, nằm trên đồi “Cô Sơn”, cách Dinh Cô chừng 1 km. Năm 1999, Dinh Cô được trùng tu tôn tạo theo phương châm xã hội hóa công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp ra lễ hội Nghinh Cô.Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát. Vì sự phối tự với Bà Cô-một nhân thần địa phương, ngư dân Long Hải đã đưa vào Dinh Cô một hệ thống thần thánh đông đảo đại diện cho rất nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác nhau, sống trên những địa bàn khác nhau. Và chính điều đó cho thấy “sự liên kết giữa tín ngưỡng thờ các Mẹ tiêu biểu cho các Mẫu nhiều thần ở khắp nước ta với cái trục trung tâm xoay quanh một mẫu nhân thần (địa phương) là Bà Cô”3.
Quản lý và điều hành mọi tổ chức hoạt động của Dinh Cô đều do Ban Quản trị Dinh Cô thực hiện… Ban Quản trị có Trưởng ban, Phó ban và các thành viên. Khi Dinh Cô bắt đầu vào mùa tổ chức lễ hội, Ban Quản trị phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, lập ra Ban Tế tự, cử Trưởng ban, 4-5 phó ban và 17 tiểu ban để lo những công việc cụ thể trong ba ngày Nghinh Cô.[i]
Lễ Nghinh Cô: Hàng năm, Dinh Cô có rất nhiều ngày cúng lễ: Tết Nguyên đán, Tam Nguyên, Đoan Ngọ (trùng ngũ), nhưng lớn nhất, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất là lễ Nghinh Cô hay ngày Vía, ngày giỗ Cô.
Lễ Nghinh Cô diễn ra trong ba ngày, mồng 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch. Ngư dân địa phương gọi là ngày “Lệ” (hay “Lệ Cô”). Trước đó nhiều ngày, người ta đã tính toán sao cho chuyến đi biển phải về kịp đúng ngày diễn ra lễ hội. Tất cả mọi công việc đều được gác lại, tất cả dường như chỉ chuẩn bị cho ngày cúng Cô. Lịch lễ hàng năm được bố trí một cách sít sao, hầu như rất ít có sự thay đổi:
Từ 6 giờ sáng ngày 10-2, Ban quý tế và ngư dân tề tựu về Dinh Cô chuẩn bị cho lễ Nghinh Cô. 7 giờ ban quý tế tiến hành Thỉnh Long vị Bà Lớn (bà Thủy) và ông Nam hải về Dinh. Đám rước được chuẩn bị một cách công phu với sự tham gia của Ban quý tế. Đám rước có học trò lễ, ban nhạc, bạn chèo (12 người), trang phục áo đỏ, nẹp vàng, nón lá vàng, tay cầm chèo, long đình (hai ngôi, một ngôi Nghinh Bà Lớn, một ngôi nghinh cá Ông), cờ ngũ hành… 9 giờ cúng Tiền hiền Hậu hiền. 10 giờ cầu quốc thái dân an.
Bước sang ngày thứ hai, 11 tháng 2: 8 giờ sáng tổ chức hội thi chèo thúng và bơi lội. 21 giờ tối cúng Tiên thường. Điều đặc biệt là tăng ni tổ chức lễ tụng kinh cầu an. Trước đó, từ 4 giờ chiều, hàng trăm thuyền ghe của các làng cá Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, và một số thuyền ghe từ miền Trung vào, được kết cờ hoa lộng lẫy tề tựu về neo đậu và hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức “chầu Cô”. Đêm xuống đèn trên ghe chiếu sáng một góc trời. Ngư dân tin rằng khi thuyền của họ về chầu Cô, nếu trang trí đẹp cũng có nghĩa là bày tỏ lòng thành kính chân thành nhất đối với Cô, được Cô phù hộ, giúp đỡ cho thuyền ghe nhiều tôm cá. Từ quan niệm ấy cho nên tất cả các thuyền ghe đều thi đua trang trí thuyền ghe của mình sao cho đẹp nhất, tạo nên một vùng biển với hàng trăm chiếc ghe trang trí đủ sắc màu.
Ngày 12 tháng 2: Chánh giỗ. Từ 7 giờ sáng ngư dân tổ chức lễ Nghinh Cô (ngoài biển) về dinh nhập điện. Nghi thức Nghinh Cô được thực hiện theo nghi thức tương tự với lễ Nghinh Ông Nam Hải Đại tướng quân. Ghe Nghinh Cô được chuẩn bị kỹ lưỡng, trang hoàng rực rỡ. Đoàn ghe Nghinh Cô gồm hàng trăm chiếc, trong đó có 2 ghe chính, 6 ghe hộ tống. Hai ghe chính có bày bài vị, hương án, cúng phẩm. Chủ tế, ban nhạc, 12 lễ sinh và 12 bạn chèo cùng ở trên ghe này. Đúng 7 giờ đoàn ghe Nghinh Cô bắt đầu khởi hành, tiến thẳng ra khơi. Khi đoàn ghe cách bờ hơn chừng 1 km, Chủ tế ra lệnh đoàn ghe dừng lại, bắt đầu cho việc cúng lễ. Chủ lễ niệm hương, ban nhạc lễ và lễ sinh xướng. Sau khi lễ niệm hương xong, đoàn ghe tiếp tục diễu hành một vòng lớn trên biển, đi qua miếu Bà Thủy Long rồi trở về bãi biển phía Tây, cách Dinh Cô chừng trăm mét. Trên bờ hai Bóng chàng và 10 thanh niên cầm cờ ngũ hành đứng thành hai hàng đối xứng nhau để rước bài vị, hương án Nghinh Cô về an vị tại Dinh.
Khoảng 9 giờ tổ chức (Nghi) đại lễ cúng Bà Cô. Lễ vật chính gồm heo quay cúng Bà thủy long, heo toàn sinh (thịt heo sống để nguyên con) cúng Ông Nam hải và các thức ăn chay cúng Bà Cô. Từ 3 giờ chiều đến quá nửa đêm tổ chức hát Bóng rỗi, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc), chầu mời, diễn xướng dân gian hát Chặp địa nàng.
Cúng phẩm dâng Cô và các thần linh trong lễ hội Nghinh Cô không có gì khác so với lễ hội Nghinh Ông, nhưng nhiều hơn về số lượng và thường xuyên được thay mới. Sở dĩ như vậy có lẽ do số người đến phụng cúng Cô nhiều hơn. Phẩm vật dâng Cô và thần thánh trong các lễ cúng gồm thịt heo sống để nguyên con, heo quay, xôi, chè, các thứ đồ xào, hoa quả…
Về nghi thức, các bước lễ cầu an, lễ tế, lễ Nghinh Cô, nghinh Ông, rước kiệu… đều tiến hành tương tự nghi thức Nghinh Ông. Một nghi thức khác mà chúng ta ít thấy trong các lễ hội khác ở BR-VT là lễ phóng sinh trong lễ hội Nghinh Cô. Người ta mua chim để trong lồng và tổ chức thả chim ra, tương tự việc phóng sinh vào các ngày rằm hay mồng một (âm lịch) mà nhân dân một số nơi vẫn làm…
Trong những ngày diễn ra lễ hội Nghinh Cô, Ban qúy tế mời các đoàn hát về diễn tuồng, hát bội. Ngoài ra, người ta còn tổ chức múa lân sư rồng và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, bắt lươn và các môn thi đua thuyền, đua thúng… Các trò chơi dân gian, đặc biệt môn đua thuyền, đua thúng thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân trong làng tham gia. Đây là một trò chơi thu hút rất nhiều người cổ vũ nên thường diễn ra rất hào hứng và sôi nổi, làm cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn…
Hạnh Phước
1 Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1995, tr. 127.
2 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế 1992, tr.49.
3 Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam bộ-khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc, Luận án tiến sĩ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.92.