Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu là một trong những lễ hội được Bộ văn hoá Thông tin và Tổng cục Du lịch chọn trong 15 lễ hội lớn của cả nước năm 2000.
Lễ hội Nghinh Ông và tục thờ cá Ông (cá voi) bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng vật tổ cư dân vùng ven biển nước ta, phổ biến rộng rãi từ vùng biển Thanh Hoá đến tận Kiên Giang.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bà con cư dân ở các làng cá đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông: Xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), xã Phước Hải, Phước Tỉnh, Long Hải (huyện Long Ðất), Ðình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (TP.Vũng Tàu)… trong đó tiêu biểu nhất là Lễ hội Lăng Ông – đình Thắng Tam. Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: “Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi.Từ đó, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị thần đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ”. Truyền thuyết dân gian của dân tộc Kinh thì cho rằng: “Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển bị lâm nạn”.
Trong lịch sử triều Nguyễn có ghi lại: Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Ðẳng Thần”.
Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá Voi) thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe doạ.
Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm. Trong Lăng Ông còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông, bộ xương sớm nhất được đưa vào năm 1868, khi cá Ông dạt tới bãi biển Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu. Bộ xương này nặng khoảng 4 tấn và có chiều dài khoảng 30 mét. Hiện nay, Lăng Ông còn giữ được hai sắc thần được phong vào năm 1846 và 1850 dưới triều Tự Ðức.
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với sự tham dự của nhân dân trong vùng. Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn người gồm các vị kỳ lão, kỳ hương… lên một chiếc ghe lớn (có trang trí hoa, cờ, bàn thờ và bài vị thuỷ tướng, có đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống và đội múa lân rộn ràng) đi đến địa điểm đã định rồi dâng hương, rượu.
Sau đó, đoàn thuyền về bến rước Ông đến lăng, tiếp đến là các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, đọc văn tế, sắc phong, học trò dâng trà, hoa, rượu…
Ðến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các tiết mục: Võ thuật, múa lân, hát Bội… cùng với nhịp điệu hoà âm của chiêng, trống trong khói hương nghi ngút.
Lễ hội Nghinh Ông là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Lễ hội Nghinh Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.