Lê Hội Nghinh Ông truyền thống tại Lăng Ông làng Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu
Lễ nghinh Ông cầu ngư tại Lăng Ông, làng Thắng Tam, Vũng Tàu diễn ra từ 16/8 đến ngày ngày 18/8 âm lịch hàng năm, trong đó quan trọng nhất là ngày 16/8 với nhiều nghi lễ quan trọng.
Trước đó nhiều ngày, Ban tổ chức họp quyết định phân công công việc cho các ban lễ, chánh tế, bồi tế, tiếp tân… cho tất cả mọi người. Công việc chuẩn bị kỹ lưỡng, phức tạp trong đó tiêu biểu là việc nấu xôi cúng.
Gạo nếp được lựa thật kỹ lưỡng không để cho một hạt tẻ nào lẫn vào, sàng sẩy cho thật sạch đem ngâm nước biển (nước biển được lấy trước đó cả tuần, để lóng hết tạp chất và thật trong) vài giờ. Sau đó đem ra xả nước lạnh thật kỹ, vo sạch đến khi nào nước vo gạo trong mới đem đi đồ xôi. Nhờ vị mặn của nước biển thấm vào nếp nên xôi ở đây có hương vị rất đậm đà, ăn không ngán. Công việc nấu xôi vất vả được những người phụ nữ đảm trách.
Đêm 15 tháng 8, tất cả mọi người đều tất bật với công việc chuẩn bị. Nhà bếp phải nấu cho xôi, đồ cúng cũng như hoa quả, nhang đèn. Khi xôi đã chín, người ta đơm xôi ra để nguội và nắn thành từng cỗ xôi để hôm sau đặt lên các bàn thờ.
Đúng 12 giờ đêm, lễ thỉnh sanh bắt đầu. Đây là lễ cúng xin được giết heo(con heo chính, phần thịt heo này sẽ được đặt lên các bàn thờ ngày hôm sau). heo hiến tế được lựa chọn rất cẩn thận, toàn thân chỉ có một màu lông (thường là màu trắng); người giết heo cũng được lựa chọn và tuyệt đối không được là người có tang.
Lễ cúng thỉnh sanh diễn ra khá đơn giản với 1 người làm chủ lễ, 1 ban nhạc ngũ âm, 2 học trò xướng lễ. Con heo được đặt dưới đất trước miếu thỉnh sanh. ông chủ lễ thắp nhang khấn vái xin được giết heo cúng ông, cầu cho mưa thuận gió, cuộc sống ấm no.
4 giờ sáng, chủ nhân của chiếc thuyền đặt Long vị Nam Hải Đại Tướng Quân đến lăng để nhận 1 thúng lễ vật gồm hai phần: một phần để cúng Nam hải tướng quân và các thuỷ thần khác: một con vịt, nhang, đèn hoa quả và một số thứ khác. Phần khác gồm bỏng, trầu cau và đặc biệt nhất là quanh mâm cỗ phải có 6 cái chén cháo, 6 đôi đũa (tượng trưng cho “lục đạo luân hồi”) để cúng thập đạo cô hồn, những oan hồn của ngư dân bị nạn trên biển. Chiếc thúng lễ vật được đem ra thuyền chuẩn bị cho lễ nghinh Ông ở biển.
Đúng 6 giờ sáng, tất cả chuẩn bị đi rước long vị Ông Nam Hải ngoài biển, đoàn người đi rước chuẩn bị tập trung trước lăng ông Nam Hải theo một trình tự như sau
Tất cả rời khỏi Lăng đi về hướng biển. Tập trung trên bãi biển. Lần lượt đoàn người lên từng chiếc thuyền nhỏ ra ngoài tàu lớn để nghinh Ông. Nghi thức nghinh đón thần Nam Hải trước đây, khi đoàn thuyền ra khơi, cứ đi mãi cho đến khi thấy có dọi nước của cá voi phun lên thì mới dừng lại. Ngày nay quan niệm đổi khác, đơn giản hơn. Khi ra khơi chỉ cần thấy hết nước đục (nước sông) có nước trong (nước biển) là vùng nước có thần Nam Hải ngự trị là dừng lại làm lễ đón ông về.
Tại chiếc thuyền dẫn đầu, ban tổ chức tiến hành tế lễ, đón rước: Nam Hải Tướng quân, Thuỷ Long Thần nữ và các bạn lái xưa tức các ngư dân tử nạn do nghề nghiệp. Nghi lễ cũng đặc biệt trang trọng với nghi thức đại lễ có chánh tế, có Học trò xướng lễ, nhạc ngũ âm, trống, chiêng với các nghi thức tế lễ: dâng hương, dâng ba tuần rượu, dâng một tuần trà. Tế lễ xong có thể triệt hạ các lễ vật cúng thần xuống. Riêng các mâm lễ vật cúng các ngư dân tử nạn nghề nghiệp và các oan hồn thì phải quăng xuống biển. Điều này chứng tỏ tục nghinh đón thần Cá Voi của người Chăm đã được Việt hoá và sáp nhập thêm nghi lễ “chiêu u” (đón cô hồn), mang đậm tính nhân văn của người Việt. Mọi nghi thức tế tự đã xong, đoàn thuyền quay đầu hướng vào bờ.
Đoàn thuyền nghinh Ông trở về. Trên chiếc thuyền dẫn đầu có hương án với đội giàn hầu đầy đủ nghi trượng. Đoàn thuyền hộ tống theo sau. Long vị cùng với bát hương lúc này được xem như biểu tượng của Nam Hải Tướng quân. Một chiếc kiệu đặt sẵn tại bến thuyền để rước Nam hải tướng quân về lăng. Đoàn người nghinh Ông được bố trí theo một trật tự nhất định: Cờ Tổ quốc + Cờ soái + Đoàn múa lần, sư, rồng + Đổ Kiểng (người đánh kiểng) + Chiêng + Trống + Ban nhạc ngũ âm + Cờ ngũ sắc + Tàn soái lọng + Khay trầu rượu + Bát hương + Long vị Nam Hải Tướng quân + 4 Cô đào hát bội + Ban tế tự miếu Ngũ hành + Các chủ thuyền đánh cá + Kiệu nghinh Ông, 2 học trò lễ và 12 ngư phủ + Ban tiếp tân + Ngư dân và quần chúng đi theo…
Khi kiệu thờ về đến lăng, long vị và lư hương đặt lên bàn thờ chính một cách trang trọng. Mọi người vào thắp hương trước long vị Nam Hải tướng quân như một cách ra mắt. Sau đó đoàn thỉnh sắc tiến hành nghi lễ rước 3 đạo sắc thần Nam Hải, được lưu thờ tại đình Thắng Tam trong cùng một khuôn viên, về đặt trên bàn thờ Nam Hải Tướng quân của Lăng Ông. Các sắc thần này là của triều đình dành riêng cho thần Nam Hải nên nhất thiết phải thỉnh về bàn thờ long vị của Thần.
Trước đây, khi đoàn thuyền nghinh Ông đang lênh đênh trên biển thì khoảng 7 giờ sáng, những người còn lại trong lăng sẽ tiến hành lễ thỉnh sắc. Một đoàn người sẽ đi đến nhà ông trưởng ban tế tự để thỉnh sắc thần về lăng. Tất cả phải tính toán sao cho đoàn người đi nghinh Ông sẽ gặp đoàn thỉnh sắc trên đường nhập lại thành một đoàn để cùng vào lăng. Trước đây, do nhiều nguyên nhân: chiến tranh, loạn lạc và sợ cả ăn trộm nên sắc thần không để ở lăng hay đình mà phải để ở nhà ông Chánh bái của lăng để tiện việc bảo quản. Từ năm 2003, sắc thần đã được chuyển về đình Thắng Tam cất giữ. Chính vì vậy mà năm nay, đoàn thỉnh sắc không cần phải đi sớm mà chờ đoàn nghinh Ông về đến Lăng, thỉnh long vị ông Nam Hải vào lăng rồi mới đi rước 3 đạo sắc thần.
Lễ cúng giỗ tiền hiền tại lăng Ông, Thắng Tam
Sau khi Long vị Nam hải Tướng quân và sắc thần đã an vị, mọi người nghỉ ngơi đôi chút để đúng 9 giờ sáng thì tiến hành làm lễ cúng giỗ Tiền hiền. Nghi thức cúng tiền hiền được xem như một đại lễ gồm 3 tuần rượu, 3 tuần hương, 3 tuần trà để cúng các vị tiền bối đã có công đóng góp sức người, sức của cho lăng. Tham gia vào lễ cúng giỗ tiền hiền này gồm 1 ông chánh tế (quì ở bàn thờ chính), 2 ông bồi tế (quì hai bên bàn thờ đông hiến và tây hiến), 2 Học trò xướng lễ, 6 học trò hành lễ chia làm 3 cặp phụ trách các bàn Tiền hậu hiền, Đông hiến, Tây hiến, 4 lính hầu (2 người cho bàn thờ chính và 1 người một bàn thờ Đông hiến và một cho Bàn tây hiến), 6 đào thài và một ban nhạc ngũ âm. Do cúng tiền hiền là tưởng nhớ đến các vị tiền nhân có công với xã tắc, những người vị quốc vong thân nên tất cả các đồ cúng đều là những đồ chín. Bàn thờ tiền hậu hiền vị, có một đĩa thủ vĩ còn gọi là đĩa xôi dư, 1đĩa thịt ba sườn, 1 đĩa thịt ba rọi, một cổ xôi, 5 đĩa lòng heo, 5 chén xôi, 5 cái bánh tráng nhỏ và một cái bánh tráng lớn. Các bàn thờ khác đều có một đĩa ba sườn, hai đĩa ba rọi, số bánh tráng nhỏ, xôi và lòng heo luôn bằng tổng số đĩa ba sườn với đĩa ba rọi cộng lại. Ngoài ra, các bàn thờ cúng các hương chức, cúng đất đai, liệt sĩ còn có thêm các món cúng cơm.
Lễ cúng tiền hiền kết thúc, mọi người nghỉ ngơi đôi chút đến khoảng 12 giờ trưa thì tiến hành nghi lễ quan trọng nhất đó là lễ tế Nam Hải Tướng quân.
Lễ tế Nam Hải tướng quân tại lăng Ông, Thắng Tam
Nghi thức tế Nam Hải Tướng quân là nghi thức đại tế. Do Nam Hải tướng quân được sắc phong của triều đình nên những nghi thức cúng tế phải diễn ra theo như triều đình qui định. Trước bàn thờ thần Nam Hải có 4 chiếc chiếu cho 4 ông quì, ông quì ở giữa gọi là chánh tế, một ông quì ở sau gọi là bồi tế, hai ông quì 2 bên gọi là Đông hiến và Tây hiến. Mỗi bàn thờ đều phải có quân lính và một người đứng hầu, riêng bàn thờ ông Nam Hải phải có thêm 2 ông quan áo xanh, đội mão cầm đao đứng hầu hai bên cho tương xứng với cương vị của mình.
Ngoài những lễ vật như heo quay, hoa quả, nhang đèn, các lễ vật trong lễ cúng tế Nam Hải Tướng quân đều tuân theo những qui tắc nhất định. Trên bàn thờ chính – bàn thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần gồm có 2 phần lễ vật: một dành cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần có một mâm thủ vĩ được luộc chín (bao gồm đầu, đuôi, lòng, tiết… tượng trưng cho nguyên cả một con heo), một đĩa thịt ba sườn (sống), 4 đĩa thịt ba rọi (sống) và này phải được lấy từ con heo đã giết trong lễ thỉnh sanh đêm hôm trước, một cổ xôi lớn, một cái bánh tráng lớn, số đĩa lòng heo luộc, chén xôi nhỏ, bánh tráng bằng tổng của số thịt ba sườn và ba rọi cộng lại. Qui tắc này cũng tương ứng với một số bàn thờ khác. Phần thứ 2 để cúng cho Hữu Lý ngư, Tả Lý ngư là 2 cận vệ của Nam Hải Tướng quân gồm 2 đĩa thịt ba rọi, 2 đĩa lòng, 2 chén xôi nhỏ và 2 cái bánh tráng nhỏ.
Trước khi tiến hành lễ cúng tế, tất cả những người từ ban nhạc ngũ âm, Học trò hành lễ, đến ông đánh chiêng, đánh trống… đều phải thắp hương khấn nguyện. Khi mọi người đã sẵn sàng thì các nghi thức tế lễ mới được tiến hành.
Lễ cúng tế Nam Hải Tướng quân kết thúc, những thành viên tham gia lễ tế lại phải thắp nhang trước bàn thờ ông. Lúc này mọi người có thể vào thắp nhang cúng bái, khấn nguyện cầu mong trời yên biển lặng, biển lắm cá nhiều tôm. Theo tín ngưỡng thì những nghề nào càng nguy hiểm, lòng tin con người vào lực lượng siêu nhiên càng lớn. Ngày nay, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã làm cho nhiều người dân không còn làm nghề biển. Tuy nhiên lòng tin của họ vào vị Nam Hải tướng quân thì vẫn còn nguyên vẹn, mạch nguồn văn hoá truyền thống vẫn được tiếp nối ngay cả trong cuộc sống hiện đại, khi mà họ vẫn hướng về những vị tiền hiền, hậu hiền, về những con người đã khai phá và tạo dựng nên một vùng đất để có một ngày như hôm nay. Khách thập phương cũng đến để thắp hương khấn nguyện một điều gì đó cho bản thân, cho gia đình và cũng để hoà nhập vào lịch sử, truyền thống và những nét văn hoá của một vùng đất con người Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau đó, mọi người tiến hành đưa sắc thần về lại lăng Ông- Thắng Tam để chuẩn bị cho lễ xây chầu đại bội và chương trình sân khấu hát bội. Sắc thần được đưa về Lăng cũng trang trọng không kém lúc rước. Bởi ngoài giá trị là một văn bản hành chính của triều đình, của vua mà nó đã trở thành một biểu tượng của tín ngưỡng dân gian.
Lễ xây chầu đại bội tại lăng Ông, Thắng Tam
Phần hội hè của Lễ nghinh Ông – Cầu ngư ở Lăng Ông làng Thắng Tam ở Vũng Tàu chủ yếu là chương trình sân khấu, vui chơi, ăn uống…
Chương trình sân khấu hát bội được mở đầu bằng nghi thức xây chầu đại bội – tức là nghi thức đánh ba hồi trống còn gọi là khai trống. Để tiếng trống được linh thiêng người ta bày một số ma thuật như tẩy uế mặt trống, thử tang trống, mặt trống và vẽ bùa “tứ tung ngũ hoành” cùng những lời khấn nguyện phong đều vũ thuận, quốc thái dân an, thôn cư khang thái.
Nội dung chương trình diễn xướng văn nghệ là cầu Ngư ở dinh Ông Nam Hải cũng tương tự như chương trình diễn xướng văn nghệ trong lễ Kỳ yên ở các đình làng. Theo truyền thống thì chỉ có đình làng, do thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, một vị thần thay mặt Thượng Đế mới được tiến hành nghi thức xây chầu đại bội. Tuy nhiên, Nam Hải Tướng quân tuy là một vị Thuỷ thần, không phải là thần Thành hoàng nhưng ngài cũng được sắc phong là thần phù hộ ngư dân được ấm no, nghề nghiệp thuận lợi. Theo dân gian thì Nam Hải Tướng quân cũng là một vị thần Thành hoàng của làng đánh cá, thế nên trong ngày lễ cầu ngư, họ cũng có thể tổ chức diễn xướng văn nghệ, xây chầu đại bội.
Hiện nay, chương trình văn nghệ cầu Ngư đã dùng loại hình cải lương tuồng cổ thay thế loại hình nghệ thuật hát bội. Đặc biệt nội dung ba vở tuồng văn nghệ cầu ngư thường nhắc đến nghề đánh bắt cá, nhắc đến các vị thuỷ thần.
Lễ cúng tạ (lễ tất) tại lăng Ông, Thắng Tam
Sau những ngày tế lễ, vui chơi, hát bội… 9 giờ sáng ngày 19/8 âm lịch, ban tế tự Lăng tiến hành một lễ cúng nhỏ gọi là lễ tạ hay lễ tất. Lễ cúng với những lễ vật đơn giản nhưng hoàn toàn tuân theo một qui tắc nhất định là “cúng ông thì cúng vịt, cúng cho bà thì cúng gà” (có thể hiểu như một nguyên lý âm dương điều hoà) cho nên các bàn thờ ngôi tiền hiền, bàn thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, bàn Đông hiến, Tây hiến… đều cúng vịt, xôi và bánh tráng. Bàn thờ cốt Bà thì cúng gà. Riêng bàn thờ Tổ nhạc Ngũ âm cũng được cúng gà vì người theo nghề nhạc ngũ âm cúng tổ bằng gà nên ở đây cũng theo truyền thống mà cúng như vậy.
Lễ cúng diễn ra với 1 người thắp hương, khấn nguyện trước tất cả các bàn thờ trong Lăng, trước hết là các bàn thờ Tiền hiền, sau đó đến bàn thờ của Nam Hải Tướng quân và những bàn thờ khác. Phụ lễ có thêm 2 người đánh chuông. Ông chủ lễ thắp hương khấn nguyện tạ lễ với mọi vị thần rằng lễ nghinh Ông cầu ngư đã hoàn mãn.
Đây là một nghi lễ xem như kết thúc mọi việc trong lễ nghinh Ông cầu ngư. Lễ cúng này có ý nghĩa là mời các vị thần sau khi đã hưởng hương hoả mấy ngày vừa qua thì trở lại chốn ở của mình. Và năm sau, các vị thần một lần nữa sẽ cưỡi mây, đạp gió đến đây để dự lễ, hưởng hương hoả và chứng kiến lòng thành của các ngư dân, rồi giúp cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mọi người được ấm no, đất nước được yên bình.
Lễ hội nghinh Ông ở Lăng Nam Hải – Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu đã có từ hai thế kỷ trước. Thực chất đây lễ hội cầu ngư và tưởng nhớ đến các vị Tiền hiền, Hậu hiền, tưởng nhớ các bạn lái vì kế sinh nhai mà phải gửi thân vào lòng biển cả. Đây cũng là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà cư dân miền biển của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu đã mang theo, kế thừa và phát triển với một tấm lòng trân trọng. Nét đẹp truyền thống này càng trở nên rạng rỡ hơn trong cuộc sống hiện đại ngày nay khi mà con người phải tất bật lo toan cuộc sống hàng ngày.