Nghề Đan Rổ Ở Đất Đỏ

(24/02/2009)

Đất Đỏ, mảnh đất gian lao mà anh dũng, kiên trung trong hai cuộc kháng chiến. Nơi đây đã ghi dấu những địa danh và sản sinh ra những người con anh hùng của dân tộc mà ngày nay chúng ta còn nhớ mãi như khu căn cứ Minh Đạm, khu lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu.

Hoà vào dòng chảy của sự phát triển kinh tế xã hội nơi đây, chúng ta xuôi về quốc lộ 55 men theo con đường đất đỏ ghé thăm một làng nghề truyền thống. Đó là làng nghề đan rổ ở ấp Phước Trung xã Phước Long Thọ.
Như một số nghề thủ công truyền thống khác ở bà rịa vũng tàu, nghề đan rổ cũng được hình thành phát triển cùng với tụ cư lập ấp của bà con nơi đây. Phải thật sự yêu mến và quan tâm tìm hiểu thì ta mới biết hết được sự thăng trầm của làng nghề này.
Ngày đầu với nghề .
Nghề đan rổ ở ấp Phước Trung được gầy dựng và phát triển chủ yếu bởi người dân tỉnh Quảng Bình đem theo để vào đây sinh cơ lập nghiệp. Họ đều chủ yếu là các làng ven biển của huyện Quảng Trạch, Bố Trách nhưng lại chọn cho mình nghề đan rổ và sản phẩm của họ lại gắn nhiều với nghề nông hơn.
Những người đầu tiên đem theo nghề này giờ đây cũng có người mất, người còn. Trải qua thời gian gần 60 năm tồn tại, một con số cũng đã nói lên được nhiều điều.
Tôi đã tìm đến một hộ gia đình làm nghề này từ những buổi đầu vào đây lập nghiệp đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Đường để hiểu thêm.
Ông Đường cho biết những ngày đầu đến đây còn nhiều lạ lẫm và khó khăn lắm nhưng vì mình có cái nghề trong tay, lại chọn được mảnh đất sinh sống tốt và nơi đây chủ yếu làm nghề trồng lúa. Nghĩ suy là vậy nên gia đình ông đã bắt tay ngay vào sản xuất.
Trong những năm 1956 – 1967 gia đình ông và một số hộ gia đình khác chỉ coi đây là nghề tay trái của mình. Sau những ngày lúa được gặt về nhà, những mầm xanh cũng đã được ươm xuống dưới đất thì làng nghề nơi đây bắt tay ngay vào sản xuất. Những sản phẩm làm ra chủ yếu là tận dụng nguyên liệu tại chỗ và đem đi tiêu thụ cũng với quy mô rất nhỏ. Sản phẩm làm ra chủ yếu là phục vụ cho nông nghiệp như thúng, mẹt, dần, sàng, đó đánh cá… Theo thời gian sau đó nhờ nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng nên nghề đan rổ đã bước vào một thời kỳ phát triển thịnh vượng. Thị trường tiêu thụ không dừng lại trong các xã lân cận mà còn mở rộng ra các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Sản phẩm cũng phát triển đa dạng. Từ một sản phẩm đơn giản đã phát triển thêm nhiều vật dụng đòi hỏi phải có tính tỉ mỉ khéo léo như gầu giai, gầu sòng, thuyền thúng… Cuộc sống thu nhập của làng nghề nhờ đó được nâng cao và phát triển ra nhiều hộ gia đình nữa, bà con rất tin tưởng và yên tâm sản xuất.
Lúc cao điểm trong làng có 60 – 70 hộ làm nghề đan lát và nghề đan rổ đã trở thành một nghề lao động cho thu nhập chính trong mỗi hộ gia đình và nó đã huy động hết toàn bộ nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Nguyên vật liệu địa phương đã không đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất nên người đàn ông chuyển dần sang công việc mua tre, vác tre rồi chẻ nan và người phụ nữ đã trở thành người đan rổ chính trong gia đình.
Cũng như bao làng quê khác. Người dân ở Phước Trung chủ yếu sống bằng nghề nông. Đây là nghề mà người dân có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi làm quanh năm. Hơn nữa nó đòi hỏi tay nghề không cao. Nên nó có thể thu hút nhân công từ mọi lứa tuổi từ người già đến em bé. Nguyên liệu để làm sản phẩm gồm tre dùng để đan và mây hoặc cước dùng để buộc. Quá trình hoàn thành một sản phẩm người lao động phải trả qua 4 giai đoạn chính là chẻ nan, đan rổ, lận và buộc rổ. Trong đó khâu buộc rổ là khâu gần như quan trọng nhất.
Ban đầu để hoàn thành một chiếc rổ người làm phải chẻ tre và vót nan tạo thành những chiếc nan đều nhau. Kích cỡ của chiếc nan tuỳ theo sản phẩm mà nó có độ dày mỏng, to nhỏ khác nhau . Sau khi nan được vót xong thì đem ra ngoài phơi nắng khoảng 30 phút, mục đích nhằm giúp cho nan khô, cong hơn và dẻo hơn. Tiếp đến là nhờ các bàn tay khéo léo của người thợ mà các nan được đan chéo với nhau tạo thành một mảng gắn kết lớn. Sau đó người ta dùng cạp rổ đè cong tấm tre đan và dùng dây mây buộc lại một cách hoàn chỉnh. Trung bình để làm ra một chiếc rổ thì bà con mất khoảng ba, bốn giờ đồng hồ.
Sự thịnh vượng của một làng nghề thì bao giờ cũng có và nghề đan rổ cũng như vậy. Từ đa dạng hoá về sản phẩm, chất lượng được nâng cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng, đời sống của bà con được khấm khá một cách rõ rệt và điều quan trọng nữa là cả ấp ai cũng biết đan lát.
Khi đời sống vật chất đã được cải thiện thì cuộc sống về tinh thần cũng nhờ đó mà được nâng cao. niềm tin yêu vào sự phát triển của nghề cũng thêm gắn bó. Những vần thơ dân dã đã được viết lên nhưng nó lại có ý nghĩa hơn khi được chính người trong nghề gửi gắm. Dẫn theo lời của ông Nguyễn Hữu Đường, thì đây mới chỉ là những câu thơ ngắn trong rất nhiều bài thơ của ông viết.
Đó” ơi là đó
Trời mưa trời gió
Vác đó ra đơm
Chạy vào ăn cơm
Chạy ra mất “đó”
Tôi khóc đó ơi là đó
Làm thêm nghề phụ
Gốc tre già tôi trao đòn gánh
Đoạn tre mềm tôi đánh thành quang
Tôi đan rổ, rá, dần, sàng
Tay em vuốt cật, tay chàng uốn đai
 . . .
Qua sông ta nhờ con đò
 Nâng thêm sức sống ta nhờ thủ công

Nỗi niềm một làng nghề.

 

Từ năm 1993 trở lại đây nghề đan rổ thủ công truyền thống không còn phát triển mạnh mẽ nữa. Những hộ gia đình hoạt động sản xuất dưới dạng cầm chừng.
Điều này nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính ở đây là thu nhập từ nghề này rất thấp, không đủ chi phí cho việc mua nguyên liệu sản xuất. Trung bình mỗi cây tre bà con phải mua lại từ tư thương mất từ 15 – 20 nghìn đồng. Khi đó thành phẩm qua bàn tay người lao động thì chỉ lời khoảng 5 nghìn đồng. Đây là một con số rất nhỏ không đáng kể so với công sức họ bỏ ra. Hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Đường khi làm cật lực thì một ngày chỉ cho thu nhập từ 35 – 40 nghìn đồng mà thôi.
Giá nguyên vật liệu ngày càng cao cộng với việc người tiêu dùng thích sử dụng đồ nhựa để thay thế đồ tre ngày càng phổ biến dẫn đến sự thu hẹp thị trường tiêu thụ vì thế mà nghề đan rổ ngày càng bị thu hẹp. Bà con nơi đây chỉ còn biết làm ra những sản phẩm theo sự yêu chuộng của thị trường . Bên cạnh đó việc lớp trẻ không còn mặn mà với nghề nữa. Đó là điều đáng báo động vì thu nhập không phù hợp với họ nên làng nghề đang bị mai một rõ rệt khi không có con người để truyền dạy cho nhau.
Sự thiếu quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng làm một phần cho nghề này thêm khó khăn hơn. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên cần phải có những chính sách cấp bách hơn cho những ngành nghề này vừa để tạo thu nhập cho người dân vừa tạo sự tin tưởng cho thế hệ trẻ yên tâm gắn bó với nghề. Hãy không nên để “ làng có nghề nhưng không có làng nghề”.
___________________________
Tài liệu tham khảo:
Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam – NXB Văn Hoá 2002

Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu