Những thuận lợi và thách thức bảo tồn – phát huy văn hóa lễ hội truyền thống tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay

(27/09/2011)

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh duyên hải Miền Đông Nam Bộ, là địa phương có nhiều thuận lợi trong việc góp sức cùng cả nước phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bà Rịa – Vũng Tàu hôm nay được biết đến như là một địa phương có nhiều thế mạnh về một vùng đất còn bảo tồn nhiều giá trị di sản văn hoá, ngoài hệ thống các di tích lịch sử – văn hoá độc đáo hiện tồn còn có rất nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể là những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc đang được bảo lưu và tiếp tục đồng hành cùng cuộc sống hiện tại. Toàn bộ di sản văn hóa hữu hình và vô hình đó là kết quả tất yếu xuất phát từ nguồn lực thiên nhiên và nhân văn trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Vậy trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá lễ hội truyền thống ở Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay có những thuận lợi và thách thức như thế nào?

Thuận lợi thứ nhất trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và lễ hội truyền thống ở Bà Rịa – Vũng Tàu xuất phát từ nguyên nhân khách quan là Đảng và Nhà nước Việt Nam đang rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ V (khoá VIII) và Luật di sản văn hoá và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hoá được ban hành, Nghị định của chính phủ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống dân tộc. Những chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho các đầu tư tài chính vào di tích, lễ hội ở cả cấp độ trung ương cũng như địa phương. Số tiền các địa phương trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư cho các di tích, lễ hội ngày một tăng góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và văn hoá vùng miền nói chung.

Thuận lợi thứ hai là kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu đang trên đà phát triển. Là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn ở khu vực miền Đông Nam bộ. Bà Rịa – Vũng Tàu có đủ tiềm lực kinh tế để phát triển các lĩnh vực mà tỉnh chú trọng ưu tiên phát huy thế mạnh. Hơn thế nữa, trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn (2010 – 2015) được Chính phủ thông qua, Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Việc coi du lịch là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế trong lúc đó văn hoá phục vụ du lịch cho nên dẫn đến những đầu tư không nhỏ cho văn hoá. Dù biết rằng không phải mọi đầu tư cho văn hoá, đặc biệt là việc đầu tư ồ ạt, không có kế hoạch, thiếu khoa học, sẽ dẫn đến sự phát triển văn hoá chưa gắn kết với du lịch dẫn đến hiệu quả còn thấp, chưa xứng tầm. Nhưng dù sao nữa những đầu tư ấy bước đầu có thể cho phép ngành văn hoá có những khoản hỗ trợ tài chính thực hiện các công việc lâu nay do thiếu kinh phí.  Hy vọng, trải qua thời gian, với những bài học cụ thể, những nguồn đầu tư tài chính đúng chổ, đúng mục đích, có khoa học, có bài bản sẽ dẫn đến ngày một có hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thuận lợi thứ ba đến từ cơ sở hạ tầng. Bà Rịa – Vũng Tàu có một cơ sở hạ tầng rất tốt, được qui hoạch cụ thể, đặc biệt là đường sá. Ngoài ra, nhiều bờ biển được qui hoạch thành các khu công viên, tránh được tình trạng người dân chiếm đất. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuân lợi cho đón tiếp khách du lịch và khách du lịch cảm thấy thoải mái mỗi khi đến với Bà Rịa – Vũng Tàu. Có thể nói du lịch có một vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển văn hoá. Mặc dù việc làm và thu nhập thường được xem là những nhân tố quan trọng khi nói đến du lịch, nhưng du lịch cũng mang lại những lợi ích khác. “Nhu cầu của khách du lịch có thể được xem là chiếc ô che chở cho các công trình lịch sử cho truyền thống và cho môi trường. Ngoài ra, du lịch cũng được xem như “ cứu tinh cho các truyền thống bản địa và nghề thủ công truyền thống. Phần lớn những người đi du lịch muốn đem về một vài vật kỷ niệm gì đó để thỉnh thoảng nhắc họ về kỳ nghỉ đáng nhớ mà họ đã trải qua. Đặc biệt là mua bán những sản phẩm địa phương làm kỷ niệm luôn đem lại sự thoả mãn và mang giá trị tinh thần rất lớn.

Những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lễ hội truyền thống ở bà Rịa – Vũng Tàu.

Cũng như tình hình chung của nhiều địa phương trong cả nước, dưới áp lực của sự phát triển kinh tế xã hội dẫn đến những thay đổi tập quán sinh sống, nhiều lễ hội truyền thống của địa phương đã biến mất, hoặc mai một dần mà không có khả năng phục hồi (nếu có chăng thì rất ít). Ví dụ một số lễ hội, tục lệ của tộc người thiểu số Châu Ro như lễ ZangVri (cúng thần rừng), ZangVa trước đây đã là một thời gian dài không được tổ chức, và mới chỉ phục hồi được gần đây, trong đó số người biết cúng (bà bóng, thầy trang) ở các lễ này còn rất hiếm hoi có chăng có một vài người thì tuổi đã cao. Một số lễ hội khác của người Việt hay người Hoa cũng không nằm ngoài qui luật đó. Ngoại trừ các lễ hội ở các khu di tích lớn nơi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Nhiều lễ hội khác được tổ chức nhưng không đều đặn hoặc ở qui mô nhỏ. Ngoài nguy cơ mai một của các yếu tố phi vật thể, yếu tố vật thể trong các di tích cũng có nguy cơ hư hại dần theo thời gian, dưới ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết và những hạn chế về nhận thức của con nguời, chúng ta thấy rõ rằng văn hoá lễ hội ở Bà Rịa – Vũng Tàu có thể được chia làm hai loại. Loại thứ nhất do ưu thế về qui mô, danh tiếng, gần các khu du lịch có nhiều khách tới tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn cho nên nguồn thu được nhiều từ tiền công đức. Có thể nói đây là khoản tiền đầu tư chính cho các di tích lễ hội có tiếng vang, tầm ảnh hưởng lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vì thế được đầu tư bảo tồn, bảo quản tốt hơn, ngày càng phát triển hơn về qui mô. Loại thứ hai, ngược lại, chịu nhiều bất lợi nên không thu hút được du khách, không thu được nhiều tiền công đức, vì vậy công tác bảo tồn, phát huy giá trị hạn chế, và lẽ dĩ nhiên ngày càng xuống cấp mai một.

Du lịch nhiều khi được xem như một cứu cánh của văn hoá, tuy nhiên, không phải ở đâu, khi nào du lịch cũng có thể đảm nhiệm tốt vai trò hỗ trợ phát triển văn hoá của nó. Đăc biệt khi phát triển du lịch không có định hướng và kế hoạch cụ thể. “Hiện nay, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu mới đang chỉ dừng lại ở hình thức du lịch đại chúng, chứ chưa phát triển thành các loại hình du lịch lễ hội, du lịch văn hoá riêng biệt. Hoạt động du lịch những năm qua ở Bà Rịa – Vũng Tàu mới chỉ đơn thuần tập trung vào các loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vui chơi tắm biển. Còn những nội dung cơ bản của loại hình du lịch văn hoá như tổ chức hướng dẫn tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử, danh thắng thắng cảnh, tham quan bảo tàng, thưởng thức văn hoá ẩm thực, xem các làng nghề truyền thống thực sự còn đơn điệu, thiếu bài bản, thiếu đồng bộ và mang tính tự phát. Sự gắn kết các hoạt động văn hoá với du lịch còn nhiều hạn chế chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Do phát triển du lịch tràn lan, chủ yếu lấy biển làm lợi thế so sánh, nên thách thức lớn đối với Bà Rịa – Vũng Tàu trong hiện tại cũng như trong tương lai gần sẽ là tình trạng ô nhiễm môi trường, sự tràn lan của các nhà hàng, dịch vụ phục vụ khách, chưa hẳn đã tạo điều kiện giúp phát triển văn hoá truyền thống của địa phương.

Đoàn Long An

(Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu