Tầng 3 : Cổ vật trục vớt từ vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu
Phần “Sưu tập cổ vật trục vớt từ vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu” trưng bày 710 cổ vật chọn lọc trong hàng ngàn cổ vật được trục vớt từ vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, ngư dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản đã phát hiện nhiều xác tàu cổ dưới lòng biển. Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các đơn vị, ngư dân, các chuyên gia khảo cổ học dưới nước tiến hành thăm dò, khai quật, trục vớt các tàu cổ ở Hòn Cau, Lộc An, Hòn Bà, Bãi Dâu, X.3… Đây là những con tàu có nguồn gốc xuất bến từ các quốc gia: Trung Hoa, Thái Lan, Pháp niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Kết quả trục vớt đã thu được hàng chục ngàn cổ vật đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kinh tế.
Phần trưng bày các bộ sưu tập cổ vật trục vớt từ vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu sử dụng phương pháp trưng bày khá mới lạ làm cho người xem cảm nhận như đang đi vào phía bên trong của một con tàu cổ, chìm dưới đáy đại dương cách đây nhiều thế kỷ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển cả cũng như các cổ vật đang trưng bày tại đây, để hiểu rõ hơn về con đường giao thương quốc tế trên biển Bà Rịa – Vũng Tàu trong quá khứ.
1. Cổ vật Hòn Cau, Trung Hoa – thế kỷ XVII.
Do ngư dân phát hiện năm 1990, tại vùng biển Hòn Cau, huyện Côn Đảo. Đây là con tàu chở đồ gốm sứ sản xuất từ các lò Cảnh Đức Chấn (tỉnh Giang Tây), Đức Hóa (tỉnh Phúc Kiến), thời Khang Hy, nhà Thanh, Trung Hoa, vào cuối thế kỷ XVII, trên đường sang châu Âu.
Lần đầu tiên các nhà khảo cổ học dưới nước của Việt Nam tổ chức khai quật thành công con tàu cổ dài 37m, rộng 8-9m, chìm đưới biển ở độ sâu 40 m. Sau 2 năm (1990 – 1992), đã trục vớt được hơn 60.000 cổ vật. Bộ sưu tập cổ vật Hòn Cau với nhiều loại hình kiểu dáng: choé, bình, lọ, bát, tô, đĩa, ống cắm bút, ấm, ách pha trà, ly chân cao, ca sứ, hộp sứ…làm bằng các chất liệu: đất nung, gốm, sứ, kim loại, đá, gỗ…vào thời Khang Hy, đời Thanh, Trung Hoa thế kỷ XVII, cách ngày nay hơn 300 năm.
Với phương pháp trưng bày hiện đại, hệ thống đèn chiếu sáng đã làm tôn thêm vẻ đẹp của từng hiện vật. Trên các cổ vật du khách thực sự ngạc nhiên trước sự tài hoa của các nghệ nhân gốm sứ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo “mỏng như giấy, sáng như gương, trong như ngọc” với nhiều họa tiết hoa văn sống động và sắc sảo của đất nước Trung Hoa.
2. Cổ vật Lộc An, Trung Hoa – cuối thế kỷ XIX
Con tàu đắm do một ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện vào năm 1995, chở gốm sứ, nằm dưới độ sâu 25 mét cách bờ biển khu vực xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc khoảng 30 km. Đây là những sản phẩm của những lò gốm dân gian sử dụng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Bộ sưu tập có 1.982 cổ vật gồm đĩa, tô, gốm men trắng vẽ lam được sản xuất vào nửa cuối thế kỷ XIX, cách ngày nay 150 năm.
3. Cổ vật Hòn Bà, Việt Nam – giữa thế kỷ XIX
Do ngư dân phát hiện vào năm 1993, tại khu vực Hòn Bà, cách Bãi Sau, TP. Vũng Tàu 2 hải lý. Đây là con tàu gỗ chở hàng gia dụng tại vùng biển Nam Trung Bộ chìm dưới mực nước biển 20 mét. Quá trình thăm dò, khai quật đã thu được 569 hiện vật, phần lớn là đồ gia dụng: nồi, hũ, nắp chất liệu bằng đất nung và một số đồng tiền Minh Mạng thông bảo (1820-1840). Niên đại con tàu vào giữa thế kỷ XIX, cách ngày nay hơn 150 năm.
4. Cổ vật tàu cổ X3, Trung Hoa – cuối thế kỷ XIV
Được trục vớt năm 2013, tại vùng biển ngoài khơi Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bộ sưu tập gồm 300 cổ vật với các chủng loại : tô, bình, hũ, chén, quả cân, quả rọi, muôi, gương, tiền cổ Trung Hoa với nhiều chất liệu gốm, sứ, kim loại, đá được tìm thấy trong xác con tàu gỗ, chìm dưới mực nước biển 42 m.
Việc phát hiện một số đồng tiền Trung Hoa Thiên Hy thông bảo, đời Tống Chân Tông (977-1022) đúc năm 1017-1021, Hoàng Tống thông bảo đời Tống Nhân Tông (1024 -1064) đúc năm 1039, Thánh Tống thông bảo (1100 -1125), đúc năm 1101, Hồng Vũ thông bảo, đời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1368-1398), đúc năm 1368.…có thể đoán định con tàu đắm X3 có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIV, cách ngày nay hơn 600 năm.
5. Cổ vật Bãi Dâu, Pháp – thế kỷ XX
Do ngư dân phường Thắng Nhì phát hiện vào đầu năm 1997 tại khu vực Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu, cách bờ khoảng 4 hải lý. Con tàu chìm dưới độ sâu 15m. Đã tìm thấy 105 cổ vật gồm các loại hình: tô, đĩa, thố, hộp, tách, ly bằng chất liệu sứ men trắng, pha lê, thủy tinh, ngoài ra còn có đèn đi biển, đèn hoa tiêu. Những hiện vật này được sản xuất tại Pháp, vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Đây con tàu theo hải trình đi từ Pháp tới Sài Gòn – Gia Định và bị chìm, có niên đại cách ngày nay hơn 150 năm.
Bộ sưu tập gốm sứ Pháp hầu hết là men trắng, đáy một số đĩa có ghi ký hiệu De Pole-Paris in chìm dưới men có thể là nơi sản xuất, một số tô sứ có in chữ E. Biedermann và C0– Sài Gòn, cho phép nhận định hàng công ty nói trên tại Sài Gòn đặt hàng vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Ngoài ra, còn có những cổ vật liên quan đến con tàu như phù điêu con tàu gắn ở carbin, đèn hoa tiêu. Những hiện vật này được sản xuất từ Pháp vào khoảng giữa thế kỷ XIX.
6. Cổ vật Ung Chính, Trung Hoa – thế kỷ XVIII:
Được ngư dân thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện từ con tàu chìm ngoài biển vào năm 2000. Bộ sưu tập cổ vật thời Ung Chính (1723-1735) Trung Hoa, thế kỷ XVIII gồm 2.342 hiện vật. Chủng loại hiện vật gồm có choé, bình, hủ, chén, bát, đĩa, hộp, tượng…với nhiều kiểu dáng, kỹ thuật chế tác, trang trí độc đáo của nghệ thuật gốm sứ Trung Hoa.
7. Cổ vật gốm sứ Thái Lan, thế kỷ XV :
Được phát hiện năm 1999. Con tàu cổ chở 298 hiện vật là đồ gốm men màu với các loại: vò, hũ, bình, bát, đĩa, thố…với nét đặc trưng phủ men màu đen, nâu, men ngọc, trang trí hoa văn khắc vạch, đắp nổi. Những cổ vật này có nguồn gốc sản xuất từ các tỉnh Sukhothai và Sawankhalok của Thái Lan vào khoảng thế kỷ XV, cách ngày nay hơn 500 năm.
8. Súng thần công, Trung Hoa – thế kỷ XVI :
Do ngư dân phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện năm 1991, tại khu vực Bãi Rạng, gần Bãi Dâu, thuộc vùng biển Vũng Tàu, dưới độ sâu 25 mét so với mực nước biển, bị vùi sâu 2/3 dưới cát, bùn trong diện tích khoảng 120 m2. Trong khu vực này thấy một vài mảnh ván gỗ dày, mục nát vùi sâu dưới cát, đây có thể là dấu tích của một xác tàu cổ bị chìm.
Bộ sưu tập gồm 7 súng thần công được đúc bằng hợp kim đồng đỏ, do nằm ở dưới đáy biển lâu năm nên phía ngoài có các mảnh hào bám và gỉ màu xanh đậm. Nét độc đáo của bộ sưu tập súng thần công này là được đúc từ các nước ở Hà Lan và Trung Hoa. Súng đúc hình trụ, thân súng phía ngoài mỗi khẩu có những viền đai đúc nổi, bên trong rỗng dưới các thời Gia Tĩnh, Vạn Lịch, triều Minh (1551, 1588), Trung Hoa, thế kỷ XVI. Bộ sưu tập súng thần công được trang bị trên các con thuyền hành trình giữa Tây và Đông bán cầu.
Đây là lần đầu tiên tại Bà Rịa – Vũng Tàu tìm thấy những khẩu súng thần công chạm khắc minh văn bằng chữ Hán, ghi rõ thời gian, niên đại, niên hiệu, trọng lượng.