Tìm về truyền thống lễ hội miếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Lịch lễ tại các ngôi miếu dân dã ở Bà Rịa – Vũng Tàu rất đơn giản: đầu năm vào ngày mồng 7 tháng giêng có lễ ra mắt. Thỉnh thoảng mới có một vài ngôi miếu tổ chức cúng vào ngày Tam nguyên, hoặc có một vài ngôi miếu mở cửa đón khách hành hương vào ngày sóc, vọng hàng tháng. Mỗi ngôi miếu thường có một hay hai lễ long trọng.
Trừ các ngôi miếu thờ Quan Thánh Đế Quân, cô hồn, Quan Âm Bồ Tát, Thiên Hậu Thánh Mẫu phải tuân theo qui định sẵn, còn các miếu thờ Ngũ Hành Nương Dương, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thần Nông, Thần Hổ tuân theo truyền thống của mỗi một địa phương.
Lễ cúng miếu thường chỉ kéo dài trong thời gian khoảng 24 giờ đồng hồ, chương trình cúng miếu mô phỏng theo chương trình cúng đình. Bắt đầu từ chiều hôm trước là lễ Cáo Yết. Ban tổ chức cúng miếu đánh ba hồi trống, chiêng dâng trầu, rượu, hương, hoa mang ý nghĩa báo cáo để sáng hôm sau chính lễ tổ chức theo nghi thức long trọng. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu có một vài ngôi miếu qui mô đồ sộ, chương trình lễ hội kéo dài mấy ngày, thu hút hàng vạn khách hành hương. Chương trình có nhiều nghi thức tế lễ nhưng vẫn không ngoài hai lễ ấy.
Ngày cúng miếu là ngày bà con trong xóm hội họp, nếu so sánh không khí ngày cúng miếu và không khí ngày cúng đình chúng ta thấy không khí của xóm, ấp mang tính thân mật hơn. Ngày cúng miếu bà con trong xóm tự giác đến, không cần phải mời mọc, già, trẻ, nam, nữ, người khá giã, kẻ bình dân, ai ai cũng có thể tham dự. Người đến cúng thật sự không có e ngại tính toán một điều gì. Đặc biệt ở Dinh Cô Long Hải trong mấy ngày lễ, hàng ngàn du khách đã dâng hương lễ bái, họ đến đây với mục đích tín ngưỡng tôn sùng một nhân vật luôn phù hộ độ trì cho mọi người làm nghề chài lưới, lênh đênh trên sóng nước biển cả.
Nghi thức cúng miếu có hai dạng: nghi lễ truyền thống Nho giáo. Tất cả các loại miếu thờ nữ thần, nam thần, cô hồn, kể cả tiên sư đều có thể áp dụng nghi thức tế lễ của Nho giáo.
Chương trình cúng lễ có các tiết mục sau:
Chiều hôm trước, người chủ hội hoặc người chủ miếu đánh ba hồi trống chiêng báo tin. Tối hôm đó là lễ Cáo Yết, lễ vật dâng lên thần thánh gồm: hương, hoa, trầu, rượu. Nếu có lễ vật mặn thì cũng đơn giản. Thành phần tham dự thường có ban tổ chức và một số bà con trong xóm. Nghi thức dâng lễ cũng đơn giản. Khuynh hướng chung hiện nay là tối hôm đó ban tổ chức thường mời một số nhà sư, bày bàn thờ Phật, tụng kinh cầu an, cầu siêu cho bá quan, bá tánh. Một số nơi có người theo đạo Cao Đài, đêm cáo yết cũng mời ban đồng nhi đến tụng kinh cho an lòng số tín đồ tôn giáo này. Lễ chính tế lúc gần trưa của ngày hôm sau. Nghi thức cúng miếu cũng giống như nghi thức cúng đình, nhưng bỏ các chi tiết kiểm tra lễ vật, “tấn mao huyết” (trình lông và huyết con vật hy sinh), “ế mao huyết” (chôn lông và huyết), chỉ giữ lại các nghi tiết “quán tẩy”(rửa mặt), “phần hương” (đốt hương), nguyện hương, “tấu nhạc, nghinh thần”, “châm tửu”, “châm trà”, “tiến tửu”, “tiến trà”, “đọc chúc” (đốt bài văn tế, kèm mấy tờ giấy vàng bạc ngụ ý gửi tiền làm cước phí, tống đạt. Các bài văn tế ngày nay đều viết bằng chữ Quốc ngữ).
Chủ tế xưa nay chỉ là các anh trùm ấp, trùm lân, hoặc các bô lão trong xóm, mũ không cần phải có khăn be, áo rộng, không cần có giàn áp hầu hoặc giàn trống lệnh, khiêng rước.
Cũng có nhiều ngôi miếu khi cúng có tế, không có nhạc. Lý do các ngôi miếu này mới xây dựng từ sau 1975, ở nông thôn sâu, thiếu điều kiện. Lúc dâng lễ vật họ chỉ đốt nhang cầu nguyện, rót rượu, dâng trà, không có văn tế.
Lễ vật cúng miếu ngày nay thường chỉ cúng heo quay, các vị thần đạo Lão hoặc các Bồ tát đạo Phật phải dâng lễ chay, Quan Thánh Đế Quân và các tuỳ tướng trình tự phải cữ dâng gà làm lễ vật. Các nữ thần xuất phát từ tín ngưỡng Chăm thường cúng vịt, cúng cô hồn thường dùng vịt chặt nhiều miếng vì nhiều người. Đặc biệt phải có gạo, muối, thuốc lá. Cúng thần Hổ nhiều lúc phải có trứng sống, thịt sống. Cúng thần Nông phải có mô hình cái cộ và thúng lúa, phải có nón gậy cho thần Mục Đồng cộ lúa chở về nhà. Nhưng ngày nay có một số trường hợp đã dùng lễ vật chay dâng lên bàn thờ, còn lễ vật mặn cúng các thần tùng tự. Theo suy nghĩ của dân địa phương nếu có dùng lễ vật chay cúng thì khỏi tội sát sinh. Còn quan gia tuỳ tùng các vị thần có thể còn ăn mặn, phải dâng lễ vật mặn dâng cúng để sau đó thiết đãi tiện lợi.
Nghi lễ cúng miếu bà có thể tổng hợp ba loại nghi lễ: Nghi thức tế lễ theo Nho giáo, mời các vị kinh sư đến tụng kinh cầu an cầu siêu theo nghi thức Phật giáo và đặc biệt phải mời Bà bóng đến dâng lễ.
Tục mời Bà bóng làm nữ tự tế bắt nguồn từ tục thờ các nữ thần Thiên-Y-A-Na Diễn Ngọc Phi của người Chăm đã được Việt hóa rồi đưa từ miền trung vào. Tại Nha Trang hiện nay có địa danh gọi là “xóm bóng” tức là xóm đào tạo bà bóng để cung cấp cho các địa phương có nhu cầu thờ cúng, bà bóng ở nam bộ có nguồn gốc từ nơi này. Bà bóng là nữ tự tế khi cúng miếu thờ các nữ thần biến dạng như Chúa xứ, Chúa tiên, Chúa Ngọc, Thuỷ Long mới được mời bà bóng. Thế nhưng về sau, khi cúng bất cứ nữ thần nào, thuộc dòng văn hoá nào, kể cả Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Hậu Thánh Mẫu người ta đều mời bà bóng đến dâng lễ. Điều đó chứng minh rằng vùng đất này tính giao lưu văn hoá cao độ.
Chương trình cúng miếu của các bà bóng gồm những tiết mục sau:
– Lễ nghinh Bà về miếu, có nơi nghinh Bà bằng thuyền đánh cá, tương tự như nghinh thần cá Ông.
– Lễ khai tràng, sau ba hồi chiêng trống, giàn nhạc bóng ra trước bàn thờ tấu nhạc khai mạc.
– Chầu mời, các bà bóng rỗi mời các nữ thần, nam thần thờ trong miếu chứng lễ, mỗi vị thần mời ba lần.
– Dâng lễ, các bà bóng múa dâng ba bát bông và một chiếc mân vàng tức chiếc mân trên có hình một cái tháp chàm bằng giấy trang kim.
– Múa đồ chơi, các màn múa phục vụ khán giả do các diễn viên chuyên nghiệp đảm nhận.
– Ban lộc, một bà bóng đóng vai một tiên nữ vâng lệnh bà xuống trần ban lộc cho thế gian.
– An vị, một bà bóng hát kết thúc chương trình. Sau đó đoàn bóng tuồng trình diễn các vở tuồng đồ như tuồng ông Đông, tuồng Địa Nàng phục vụ khán giả.
Nhìn chung ngôi miếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi hội tụ nhiều dòng tín ngưỡng của người Việt, bên cạnh còn có các yếu tố văn hoá Hoa, Chăm. Vị nữ thần được thờ phổ biến nhất ở đây là Ngũ Hành Nương Nương, ngoài ra còn có các nữ thần gốc Hoa như Thiên Hậu Thánh Mẫu, gốc đạo giáo như Cửu Thiên Huyền Nữ, nữ thần Thiên-Y-A-Na Diễn Ngọc Phi có nhiều biến dạng. Đặc biệt, đây là vùng giáp với lĩnh địa của dân tộc Châu Ro, dân tộc Chăm, giáp với rừng núi hoang dã nơi người dân còn thờ Sơn Quân (thần Hổ), bà Sơn Lâm (tức nữ thần núi rừng), Cố Hỷ Tiên Phi, Phấn Nhĩ Quỷ vương thần nữ. Đặc biệt Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất tiếp giáp với biển, người dân làm nghề đánh cá biển lâu đời, nên tục thờ thần Nam Hải Tướng Quân bao trùm lên nhiều dạng tín ngưỡng khác. Tuy nhiều tín ngưỡng dân gian tại địa phương bắt nguồn từ nhiều dạng tín ngưỡng khác nhưng sinh hoạt tế lễ chỉ có một hình thức, điều đó nói lên sức mạnh của văn hoá Việt Nam. Tín ngưỡng của người Việt có thể sẵn sàng thu nhận các yếu tố của các dân tộc anh em, nhưng sau khi thu nhận xong thì đã chuyển hoá thành của mình, mang những yếu tố căn bản của văn hoá mình, nếu không muốn nói là đa Việt hoá toàn bộ. Tính giao lưu văn hoá trong tín ngưỡng dân gian của người Việt tại Bà Rịa – Vũng Tàu chẳng những tạo sự đoàn kết mà còn giúp đỡ sự đồng cảm, gắn bó giữa các cộng đồng cư dân.
Trương Ngọc
(P.Quản lý Phát huy di tích)