Khảo Sát Khảo Cổ Học Di Tích Đình Long Điền
Tháng 06 năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) đã phối hợp Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành khảo sát và đào thám sát tại khu vực di tích đình Thần Long Điền , thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
1. Đình Thần Long Điền: hay còn gọi là đình Long Phượng có tọa độ 100 29’ 02,5” vĩ bắc, 1070 13’ 37,6” kinh đông, trên một gò đất phía tây cao và thấp dần về phía đông, cách di tích Bàu Thành khoảng 100m về phía tây – tây nam. Toàn bộ khuôn viên đình nằm trong một vòng tường bao hình chữ nhật, cửa mở về phía đông.
Đây là ngôi đình cổ nhất tại khu vực Long Điền. Căn cứ vào những tư liệu cổ có liên quan thì ở thôn Long Điền xưa có đình Long Phượng và chùa Long Bàn, mà chùa Long Bàn có niên đại xây dựng vào khoảng năm 1845, đời vua Thiệu Trị (“Thiệu Trị ngũ niên”). Dựa vào tập tục của người Việt lúc mới khai hoang, lập ấp trên một vùng đất mới thì việc đầu tiên là hợp chợ để phục vụ nhu cầu đời sống vật chất, kế đó là dựng đình để phục vụ nhu cầu cuộc sống văn hóa tinh thần (tâm linh), đồng thời làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Bởi vậy, đình Long Điền phải được xây trước chùa Long Bàn (trước năm 1845).
Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), nhân dân Long Điền cùng cả nước thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, theo đó, ngôi đình đã bị tháo dỡ và đốt cháy. Đến năm 1958, hưởng ứng vận động của Hội đồng hương chức thôn, dân chúng trong vùng đã góp công sức và tiền của xây dựng lại ngôi đình khang trang, bề thế như ngày nay.
2. Vòng tường đá ong. Hiện tại, trong khuôn viên đình Long Phượng có dấu vết một vòng tường cổ xây bằng đá ong (laterit) bao quanh ba mặt ở các phía tây, nam và bắc các kiến trúc đình.
- Vòng tường phía tây còn khá nguyên dài 54m, cao trung bình 3m, dày 0,80m, xây bằng đá ong lẫn gạch đinh. Khoảng giữa vòng tường có dấu vết cổng mở về phía tây đã bị xây bít, trên cổng có vọng lâu, hai bên có hai mảng tường tô bằng xi măng cát vữa có trang trí hình án thư với hai cột giả hình trụ tròn, trên đỉnh là hai búp sen lớn làm từ đá ong. Quan sát hiện tượng những mảng tường đá ong với mạch bằng vôi và mảng tường đá ong xây lẫn gạch đinh có mạch trát bằng cát vữa xi măng, so sánh giữa phần trên và dưới cho phép xác định, bức tường này không còn nguyên hiện trạng ban đầu mà đã được xây, sửa nhiều lần. Án thư và búp sen lớn ở phía trên có lẽ được làm mới khi đình được tôn tạo vào đầu thế kỷ XX.
- Vòng tường phía bắc có phần trên bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại chân móng dày 1 – 2 lớp đá ong nối từ trụ vuông ở góc tây bắc của bờ tường phía tây, chạy về phía đông trên chiều dài 28m, bị mất dấu một đoạn dài khoảng 5m và tiếp theo về phía đông là một vỉa đá bị xáo trộn với những khối đá ong nằm không thẳng hàng có lẫn những tảng hoa cương, mảnh sành, sứ.
- Tường phía nam bị đào lấy mất đá trên một đoạn dài khoảng 22m từ chỗ nối góc tây nam với bức tường phía tây đến gần miếu Thần Nông. Phần còn lại có hướng chạy thẳng vể phía đông đến cái giếng cổ bỏ phế.
Ngoài vòng tường, ở khoảng giữa, cách chánh điện 20m về phía nam có miếu Thần Nông xây bằng gạch. Hai phía bắc và nam của các kiến trúc đình còn có hai giếng cổ xây bằng đá ong: giếng phía bắc nằm ở bên trong vòng tường (cách tường 2,40m về phía nam) hiện đang còn sử dụng, có phần âm xây tròn đường kính rộng 1,00m, phần dương xây vuông có cạnh lọt lòng rộng 1,00m, thành giếng xây bằng đá ong cao 0,70m, dày 0,20m. Giếng ở phía nam nằm bên ngoài vòng tường đá ong, bị bỏ phế, có phần âm hình tròn được xây bằng đá ong, phần dương được xây bằng gạch tô xi măng cát vữa. Dựa vào vị trí hiện tại của giếng, có thể nghĩ rằng, chúng được xây vào thời kỳ tái tạo đình, khoảng đầu thế kỷ XX. Đá xây giếng là đá lấy từ bờ tường.
Để tìm hiểu đặc điểm, quy mô, nội hàm của vòng tường đá ong, đoàn khảo sát đã thực hiện những hố đào chạy dọc hai bên bờ chân tường, mỗi bên rộng hơn 40cm so với chiều rộng phần xuất lộ của chân móng. Kết quả ghi nhận được như sau:
- Cạnh tường phía nam, đã xác định được đoạn chân móng của bức tường đã bị phá vỡ hoàn toàn trên chiều dài 22m từ chân cột ở góc tây nam của bức tường còn hiện hữu ở phía tây, đoạn chân móng còn lại dài 26m từ đầu Miếu Thần Nông đến điểm cuối là chân móng của cột ở góc đông nam, từ đó xác định tổng chiều dài của cạnh tường phía bắc là 48m, được xây không theo phương vuông góc với cạnh tường phía tây mà tạo thành một góc tù.
Đoạn chân móng này chỉ còn cao một lớp đá (15cm), rộng 0,75m – 0,80m, được xây bằng các khối đá ong kích thước trung bình từ 34cm x 35cm x 16cm, 42cm x 18cm x 15cm đến 46cm x 38cm x 16cm và 50cm x 38cm x 14cm.
Chân móng cột ở góc đông nam dạng hình vuông, mỗi cạnh rộng 1,10m, chỉ còn một lớp đá (15cm).
- Cạnh tường phía bắc, đoạn chân móng khá nguyên dài 28m, cao còn lại 1 – 2 lớp, được xây bằng những khối đá ong hình chữ nhật xếp ngang song song liên tiếp nhau rộng trung bình 0,80m, nối liền từ chân cột ở góc tây bắc chạy về phía đông. Hố thám sát được mở ở đoạn chân móng xuất lộ xáo trộn ở phía đông trên cùng đường thẳng với đoạn chân móng nguyên dạng đã cho thấy phần chân móng ở phía này đã bị xáo trộn hoàn toàn, các khối đá ong bị lật lên và bị đào hất ra các phía trong diện tích rộng khoảng 6,00m x 3,50m theo hướng đông tây. Từ vị trí này, đã xác định được tổng chiều dài của cạnh tường phía bắc chỉ còn lại là 39m.
- Cạnh tường phía đông không xác định được dấu vết, có thể đã bị phá hủy do trong quá trình xây đình, tái thiết đình vào những thập niên đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Một vài ý kiến nhận xét:
- Việc phát hiện được dấu vết của hai cạnh bức tường ở phía bắc và phía nam đã xác định vòng tường xây bằng đá ong trong khu vực Đình Thần Long Điền có dạng hình tứ giác gần vuông (được xây không theo phương vuông góc với cạnh tường cao còn lại ở phía tây mà tạo thành góc hơi tù), qui mô nhỏ, diện tích rộng khoảng 2.700m2, không có yếu tố biểu hiện của một cấu trúc thành lũy.
- Hợp chất vôi vữa (có trộn mật) dùng làm mạch gắn kết trong việc xây dựng vòng tường đá ong phát trong khu vực di tích Đình Thần Long Điền là kỹ thuật truyền thống mà người Việt thường sử dụng trong các công trình kiến trúc thời cận đại.
- Việc phát hiện chân móng vòng tường đá ong gần như nằm ngay trên lớp đất mặt hiện đại – trên mặt bằng địa tầng có nhiều ngói, nhiều mảnh sành thuộc các loại đồ đựng như lu, vại, vò của người Việt thời nhà Nguyễn, là bằng chứng xác định vòng tường này được xây dựng vào thời kỳ Nguyễn..
Theo tài liệu đã công bố, quần thể các kiến trúc đình (bao gồm nhà võ ca, chánh điện, nhà hậu, nhà trù…) đều tọa lạc trên một gò có tên gọi là Gò Đồn – một tên gọi dân gian của lưu dân Việt dùng để chỉ những địa điểm trong vùng họ đang sinh sống có nghĩa là tại địa điểm là cái gò mà trên đó có cái đồn, tượng tự như tên gọi Gò Cây Me, Gò Cây Cám, Gò Tháp, Gò Đình… Theo đó, có thể tạm hiểu rằng: trước đình Long Điền, trên gò cát này đã có một kiến trúc dạng tường thành xây bằng đá ong nhưng vì có qui mô nhỏ nên dân chúng trong vùng gọi là đồn và ghép cái gò với cái đồn lại với nhau thành tên Gò Đồn có nghĩa là trên cái gò có đồn. Thế nhưng, trong các tài liệu ghi chép về giai đoạn lịch sử này chỉ nói tới những thành, đồn lũy đắp đất mà không thấy nhắc tới những thành, lũy hoặc đồn xây bằng gạch hoặc bằng đá ngoài thành Bát quái của nhà Nguyễn xây vào năm 1790[1]. So sánh dấu vết bờ tường bằng đá ong phát hiện trong phạm vi kiến trúc Đình Thần Long Điền với những tư liệu về thành, đồn lũy, đã cho thấy di tích này không có những biểu hiện của đồn trại (qui mô nhỏ, hai bên tường vách thẳng đứng, bên ngoài không thấy có dấu vết lũy đắp) mà nó có một chức năng khác quan trọng hơn.
Dựa vào đặc diểm cấu trúc vòng tường, những tài liệu lịch sử và những lưu truyền trong dân gian (ông Phạm Văn Mão, 98 tuổi, cố vấn Đình Thần Long Điền), có thể đoán định vòng tường này là dấu vết của một “đồn kho”, chính xác hơn có thể là một “đồn thu thuế” hay “trường khố”- là nơi thâu trữ thuế khóa, chi cấp lương bổng trong thời kỳ mà nhà Nguyễn chưa có sự phân thiết hành chánh rõ ràng và chưa lập sở nha cai trị vững chắc[2], ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng di tích là dấu vết của một “đồn dinh”- chỗ ở dành cho quan tổng trấn trong vùng(?). Niên đại đoán định của vòng tường vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII (có thể vào khoảng sau năm 1780, khi Nguyễn Ánh làm chủ hoàn toàn vùng đất Nam Bộ).
3. Các dấu vết cổ. Tại di tích đình, theo tài liệu khảo cổ học, Pierre Paris đã đào thấy ở độ sâu 1,60m một số mảnh gốm, một con lăn bằng sa thạch còn nguyên và một con lăn khác bị gãy. Những hiện vật này được đưa về Bảo tàng Sài Gòn. Theo L. Malleret, gốm tìm thấy ở Bàu Thành thuộc các loại gốm mịn, gốm có vòi và loại núm của nắp vung trũng là loại gốm đặc trưng của Óc Eo, và Bàu Thành là một di chỉ Phù Nam. Ngoài ra, ở đây cũng có loại gốm chắc làm bằng bàn xoay, thuộc thời kỳ muộn hơn, giống gốm Kulen và loại gốm men màu kem hay xanh nước biển có vết rạn tương tự như gốm Tống.
Năm 2002, các cán bộ Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã tiến hành đào một hố thám sát tại khu vực phía nam của đình, nhằm mục đích kiểm tra lại vị trí khai quật của Pierre Paris, kết quả ghi nhận được như sau:
- Từ 0m – 0,15m lớp đất mặt màu đen xám chứa nhiều mảnh gạch ngói từ thời Nguyễn đến hiện đại.Từ 0,15m – 0,85m đất màu xám vàng chứa ít mảnh ngói Nguyễn và một ít mảnh gốm thô. Từ 0,85m trở xuống là sinh thổ, cát màu nâu vàng không chứa hiện vật. Địa tầng ở đây mờ nhạt khả năng nghiên cứu rất ít[4].
Đợt thám sát trong khuôn viên đình vào tháng 6 – 2008 do Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu và Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ thuộc Viện KHXH vùng Nam Bộ thực hiện, đã đào 5 hố quanh khu vực đình (bên trong vòng tường đá ong) với tổng diện tích 20m2 và một hố bên ngoài, cách chánh điện khoảng 45m về phía bắc có diện tích rộng 2m x 7m theo hướng đông tây.
+ Các hố thám sát phía nam đình Long Phương:
Hố 1 diện tích rộng 10m x 1m theo hướng bắc nam, được đào cắt qua tường đá ong ở phía nam với mục đích kiểm tra dấu vết chân móng bờ tường ở phía này và tìm hiểu địa tầng phía dưới. Kết quả, đã ghi nhận đoạn chân móng từ chân cột góc tây nam của bờ tường phía tây đến gần Miếu Thần Nông trên chiều dài 22m đã bị phá hủy hoàn toàn.
Trong hố, từ bề mặt đến độ sâu 0,60m là lớp đất cát màu xám tro, xáo trộn, có chứa nhiều mảnh ngói hiện đại.
- Từ 0,60m – 1,20m địa tầng có kết cấu đất pha cát mịn màu xám nâu nhạt, rất ít hiện vật gồm một vài mẩu gốm thô, gốm mịn và một số mảnh sành.
- Từ 1,20m – 1,80m địa tầng là lớp cát mịn màu xám nâu nhạt hơn lớp trên, có than củi, nhiều mảnh gốm mịn, mảnh miệng bình, vòi bình màu đỏ tươi, vòi bình màu trắng xám cùng một số mảnh gốm thô pha cát, gốm thô cứng chắc, lớp áo ngoài màu xám đen, dày đều, xương đen.
- Từ 1,80m – 2,20m: tầng cát màu xám trắng, kết cấu không đồng nhất, chỗ tơi xốp, chỗ rất cứng chắc, có than củi. Hiện vật thu được gồm các mảnh gốm thô, gốm mịn, đất nung có pha cát hạt thô màu đỏ. Từ 2,20m trở xuống là đất cát sinh thổ màu xám không có hiện vật khảo cổ.
Hố 2 và hố 3 mở song song, cách nhau 3m, diện tích mỗi hố 3m x 1m theo hướng bắc nam, cách tường phía nam của nhà chánh điện 1m. Cả hai hố đều có kết cấu địa tầng giống nhau và có hiện vật tương tự như của hố đào nêu trên. Tuy nhiên, do gần tường chánh điện và bị nước mưa xoáy lở nên ở hai hố này chỉ đào đến độ sâu khoảng 1,80m thì kết thúc.
+ Các hố trong sân đình: Hố 4 và hố 5, trong sân đình, ở vị trí cao hơn vòng tường đá ong bên ngoài từ 0,40m – 0,50m.
Hố 4 đào ở góc đông bắc nhà chính điện (phía nam nhà võ ca) kích thước 2m x 1m theo hướng bắc nam, địa tầng có cấu tạo từ trên xuống như sau:
- Từ bề mặt sân đến độ sâu 0,40m là lớp đất xáo trộn có lẫn nhiều đá dăm, vữa xi măng và ngói hiện đại.
- Từ 0,40m – 1,20m đất pha cát màu xám nâu nhạt, tìm thấy nhiều mảnh sành thuộc các loại lu, vại, vò có tai, niên đại thuộc thời Nguyễn.
- Từ dưới 1,20m – 1,80m có kết cấu cát pha hạt mịn màu xám nâu nhạt lẫn nhiều mảnh gốm thô và mịn kích thước lớn. Ở lớp này, mật độ gốm nhiều dần lên từ độ sâu 1,40m trở xuống. Từ 1,80m là đất cát sinh thổ cứng chắc.
Hố 5 đào giữa sân, cách nhà võ ca về phía bắc khoảng 10m, diện tích rộng 2m x 1m theo hướng bắc nam, có diễn biến địa tầng tương tự như hố 4 nhưng hoàn toàn không có hiện vật.
Hố đào ở phía bắc đình.
Hố H6 nằm ở sườn thấp, cách chính điện khoảng 45m về phía bắc, diện tích 7m x 1m, diễn biến địa tầng là lớp đất pha cát hạt thô đồng nhất từ trên xuống đến độ sâu 1,80m, không có hiện vật khảo cổ.
Hiện vật
Cuộc đào thám sát trong khuôn viên đình Long Phượng đã tìm thấy trên 100 mảnh gốm vỡ trong địa tầng khảo cổ, gồm nhiều loại chất liệu khác nhau:
- Đồ sành: tìm thấy chủ yếu ở độ sâu từ 0,40m đến 1,20m, chủ yếu trong hố 4 ở trước sân đình, trong địa tầng không có hiện tượng xáo trộn, gồm các loại đồ đựng như chum, ghè, vò, một số mảnh có trang trí văn vạch những đường song song trên thân và vai thuộc những loại hình đồ đựng do người Việt sản xuất vào thời Nguyễn, niên đại khoảng thế kỷ XVIII – XIX, đồng đại với đồn xây bằng đá ong.
- Đồ đất nung: phần lớn là những mảnh gốm vỡ, tìm thấy từ độ sâu 1,20m cho đến 2,20m, gồm loại gốm mịn và gốm thô. Trong đó, gốm thô làm từ sét thô pha cát mịn lẫn bã thực vật, xương màu nâu đen, mỏng và rất cứng chắc, thuộc các loại nồi, bình miệng loe xiên thẳng, vai tròn, trên thân có văn in thừng thưa rất khác biệt so với gốm tiền sử ở vùng Đông Nam Bộ và gốm thô văn hóa Óc Eo (thế kỷ II – VII sau công nguyên), giống với đồ gốm trong các di chỉ kiến trúc gạch thời kỳ muộn trên vùng núi Ba Thê (An Giang), Gò Tám Ấu (Đồng Tháp)… có niên đại đoán định và niên đại C14 từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII. Gốm mịn làm từ đất sét gạn lọc kỹ, không pha cát, thường mỏng đều (0,4cm – 0,5cm), gồm những mảnh vỡ của các bình, bình có vòi, các vòi bình có gờ nhẫn ở đầu, có áo và xương màu nâu đỏ, đỏ hồng, trắng ngà và màu trắng xám chuyển sang trắng ghi… thuộc truyền thống gốm Óc Eo thường được phát hiện trong các di tích thời kỳ muộn – sau Óc Eo – khoảng thế kỷ IX – XI, trên vùng cao, vùng đất giồng Nam Bộ.
.Nhận xét:
Cuộc điều tra, đào thám sát tháng 6 – 2008 đã khẳng định, trên gò cát (Gò Đồn) nơi tọa lạc Đình Thần Long Điền, có dấu vết cư trú của một lớp người cổ vào thời kỳ sau văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ, niên đại khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI, và sau một thời gian dài nhiều thế kỷ chưa xác định, đến khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu XIX một đồn kho hay đồn thu thuế thời kỳ nhà Nguyễn chồng lên lớp cư trú này. Sau khi đồn – kho hết chức năng hoặc chuyển đi nơi khác, vùng đất Long Điền phát triển thành khu dân cư trù phú, theo đó đình được dựng lên và tồn tại cho tới ngày nay.
Đào Linh Côn
[1] Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP. HCM, 1987, tr.125 – 231.
[2] Nguyễn Đình Đầu, tài liệu đã dẫn.
[3] Paris.P, CEFEO, 1939, 10, tr.9; L. Malleret,ADM, 1963, tr. 124 – 125.
[4] Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu. Báo cáo điều tra khảo sát khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hà Nội 12 – 2002. tr.40 – 41.