Điều Tra, Khai Quật Khảo Cổ Học Khu Vực Xây Dựng Nhà Máy Hóa Dầu Long Sơn
Xã đảo Long Sơn (thuộc thành phố Vũng Tàu), là địa bàn tập trung nhiều di tích Khảo cổ học thời Tiền sử – Sơ sử, xác tín sự có mặt, chiếm cư và sinh sống của cư dân Việt Nam trên vùng đảo này suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Các di tích khảo cổ ở Long Sơn là những chứng tích lịch sử, văn hóa khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của nước ta trong vùng biển và hải đảo miền Đông Nam bộ. Có vị trí trọng yếu trong nghiên cứu lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lịch sử dân tộc ở giai đoạn tiền nhà nước, cũng như quá trình đấu tranh hình thành dân tộc, thống nhất quốc gia cùng tất cả những mối quan hệ xã hội, kinh tế bên trong và bên ngoài của quá trình đó.
1. Quá trình nghiên cứu
Từ năm 2002 đến 2005 Sở Văn hóa Thông tin (trực tiếp là Bảo tàng tỉnh) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành nhiều cuộc điều tra khảo sát trên địa bàn xã Long Sơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực này giàu tiềm năng về khảo cổ học, dấu tích thời đại kim khí với qui mô lớn, nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm lần đầu tiên tìm thấy, có giá trị lớn phục vụ nghiên cứu và trưng bày. Đặc biệt là dấu tích khu mộ táng có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Trong quy hoạch cụm công nghiệp dầu khí hiện nay các di chỉ khảo cổ rất cần được tiếp tục khai quật nghiên cứu.
Năm 2003, được phép của Bộ Văn hoá – Thông tin, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ nhất. Với 5 hố khai quật được mở trên diện tích 350m2 đã tìm thấy 54 cụm mộ và 1.638 hiện vật, rất phong phú về loại hình cũng như chất liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là một khu mộ táng có niên đại cách ngày nay trên dưới 2000 năm. Dựa vào táng thức và đồ tùy táng có trong các cụm mộ cho thấy di tích Giồng Lớn có nhiều điểm tương đồng với di chỉ Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, Tp Hồ Chí Minh).
Nhận thấy đây là một di tích quan trọng đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do quá trình khai thác cát và xây dựng nhà ở của nhân dân địa phương. Tháng 6 năm 2005 được phép của Bộ Văn hoá Thông tin theo quyết định số 5536/QĐ-BVHTT, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khảo sát và khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ II. Đợt công tác được tiến hành trong thời gian hơn 2 tháng do Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền chủ trì. Với diện tích thám sát và khai quật gần 300m2, đã phát hiện được 26 cụm mộ. Loại hình mộ táng vẫn là mộ đất và mộ nồi, trong đó mộ đất chiếm đa số.
2. Đặc trưng cơ bản về di tích, Di vật
- 2.1. Về di tích: Hiện tại di tích Giồng Lớn phân bố trên giồng cát lớn thuộc thôn 3 (Rạch Già), xã Long Sơn, kéo dài theo hướng Đông Tây khỏang 1 km.
Xét về mặt địa hình, Giồng Lớn có nhiều đặc điểm giống với lọai hình di tích đồng đại khác ven biển ở Vũng Tàu nói riêng vùng Đông Nam bộ nói chung và một số di tích ven biển miền Trung. Từ các kết quả khai quật có thể khẳng định Giồng Lớn là một di tích mộ táng, hòan tòan không có tầng văn hóa và dấu vết cư trú.
Qua khảo sát thực tế cho thấy cách di tích khỏang 1,5km về phía nam vịnh Gành Rái phát hiện được một bãi gốm dày đặc kéo dài hàng km, nhiều khả năng đây là nơi cư trú và sản xuất gốm của cư dân nơi đây và họ chính là chủ nhân của khu mộ địa. - 2.2. Về di vật di chỉ: Đồ đá: Sự có mặt các hòn cuội biển tìm thấy trong các mộ. Đây là lọai hình đồ tùy táng. Hạt chuỗi bằng đá quý với nhiều kiểu dáng, khác nhau chế tác trên các chất liệu đá quý và bán quý như mã não, hồng ngọc và thạch anh. Vòng tay hình ống chiếm số lượng lớn và là lọai hình đặc trưng của di tích này.
Đồ gốm: Trước hết là sự phổ biến của các kiểu lọai nồi tùy táng và nồi vai xuôi, với đặc trưng kiểu dáng miệng loe bẻ hoặc loe ngang, vai gẫy góc nhọn ở hông, đáy hình cầu đối với nồi vai gẫy và vai xuôi, thân phình, đáy lồi tròn đối với kiểu nồi vai xuôi. Một đặc điểm phổ biến là dùng đồ gốm đã qua sử dụng làm đồ tùy táng và trên đáy của một số nồi còn dính tro than. Nhìn tổng thể gốm ở Giồng Lớn là sự phát triển của truyền thống gốm Giồng Cá Vồ nói riêng và Văn hóa Đồng Nai nói chung.
Hiện vật kim lọai: Chất liệu đồng: phát hiện đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán (khỏang 206 trước Công nguyên đến năm 25 sau công nguyên). Đây là một trong những cơ sở để xác định niên đại của di tích này. Chất liệu sắt: Giồng Lớn phát hiện được khá nhiều lọai hình đục và đặc biệt là phát hiện được một sưu tập 5 con dao nhỏ thân cong hình chữ S. Chất liệu vàng: Hiện vật vàng phát hiện được ở Giồng Lớn phong phú và có những hiện vật lần đầu tiên tìm thấy ở nước ta như hai chiếc mặt nạ lạ bằng vàng và 4 chiếc khuyên tai và sưu tập hạt chuỗi với các hình dáng khác nhau cho thấy trình độ chế tác vàng đã đạt tới trình độ khá cao. Các hạt chuỗi tìm thấy phần lớn được đúc khối và có lỗ xâu dây. - 2.3. Về niên đại: Đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán (206 trước CN tới 25 sau CN) phát hiện trong di tích cho phép khẳng định niên đại tuyệt đối của di tích này vào khỏang trên dưới 2000 năm).
Trên cơ sở so sánh di tích, di vật, thấy di tích Giồng Lớn có nhiều điểm tương đồng với di tích Giồng Cá Vồ và mang nhiều yếu tố muộn hơn. Dựa vào phương pháp so sánh lọai hình di tích, di vật di tích Giồng Lớn có niên đại khỏang 2000 năm B.P. - 2.4. Đặc trưng văn hóa: Việc phát hiện và nghiên cứu Giồng Lớn chắc chắn sẽ là một phát hiện lớn, quan trọng đối với Khảo cổ học Việt Nam trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.
3. Nhận xét ban đầu
- Có thể khẳng định tính chất của di tích Giồng Lớn là một khu mộ táng, bao gồm hai loại hình: mộ nồi và mộ đất, trong đó mộ đất chiếm ưu thế. Quy mô khu mộ táng được định vị trên sườn phía Nam của Giồng Lớn, diện tích trong khoảng 1.000m2 (dài khoảng 50m, rộng khoảng 20m).
- Vấn đề chủ nhân khu mộ táng Giồng Lớn: chủ nhân của khu mộ rất có thể chính là chủ nhân của các di tích Giồng Ông Trượng, Bãi Cá Xỉu, Bãi Cá Sóng trên đảo Long Sơn.
- Với 2.310 hiện vật thu được trong các đợt khai quật (lần 1: 672 hv, lần 2: 1.638 hv) di tích Giồng Lớn đã có một sưu tập lớn rất phong phú về chất liệu và loại hình. Đây là một sưu tập quý giá có giá trị nhiều mặt trong nghiên cứu và trưng bày phát huy tác dụng tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đồ trang sức ở Giồng Lớn được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: thuỷ tinh, đá quý và vàng… có được chắc chắn thông qua con đường giao thương buôn bán. - Về văn hóa, qua di tích và di vật có thể xếp di tích Giồng Lớn thuộc văn hoá tiền Óc Eo. Về niên đại, đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán (206 TCN đến năm 25 SCN) cho phép khẳng định niên đại của di tích này vào khoảng trên dưới 2.000 năm cách ngày nay.
- Các di tích Tiền – Sơ sử Long Sơn cách nay trên 2.000 năm hợp thành chuỗi chứng cứ lịch sử hàng ngàn năm xác tín chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Việt Nam trên vùng đất này. Việc điều tra, khai quật di dời các di tích, di vật khảo cổ trên đảo Long Sơn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội, cho nghiên cứu khoa học và trưng bày bảo tàng là điều rất cần thiết trước khi việc xây dựng Nhà máy lọc dầu và hóa dầu Long Sơn triển khai.
Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như vai trò vật chất của các di tích khảo cổ trên đảo Long Sơn, Căn cứ công văn 6228/UBND-VP ngày 30/9/2008 của của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc cho phép lập tiểu dự án khảo sát khai quật khảo cổ học Long Sơn và Công văn 6917/UBND-VP ngày 27/10/2008 của của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện dự án khảo sát và khai quật khảo cổ học xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương lập dự án và dự toán “Điều tra khảo sát, thăm dò khai quật khảo cổ học khu xây dựng nhà máy Hóa dầu, thuộc khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (phạm vi 400 ha)”, phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Hóa dầu Long Sơn, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, di vật khảo cổ học cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đây cũng là sự thực hiện luật Di sản Văn hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung, ở xã đảo Long Sơn nói riêng trước khi các công trình kiến trúc trên đảo Long Sơn triển khai xây dựng.
Cuộc điều tra, khai quật, di dời các di tích khảo cổ trên đảo Long Sơn là một hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện đúng Luật Di sản Văn hóa. Bảo tồn, phát huy các nguồn di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà. Đây đồng thời cũng là việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của xã Long Sơn.
Điều tra, khai quật di dời đầy đủ, toàn diện các di tích, di vật khảo cổ ở Long Sơn sẽ góp một lượng tư liệu vật chất phong phú cho việc nghiên cứu lịch sử, trưng bày bảo tàng và giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, mặt không thể bỏ qua khi xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, không chỉ thiết thực với riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án này cũng là sự thể hiện tính gắn kết hữu cơ giữa xây dựng phát triển với bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tạo ra sự phát triển bền vững của Quốc gia.
Đây là lần đầu tiên một dự án Điều tra, khai quật di dời khảo cổ học quy mô lớn chuẩn bị cho việc triển khai một dự án đầu tư kinh tế – xã hội ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Do vậy, nó có tác động và tiếng vang khoa học, chính trị, văn hóa, xã hội, không chỉ với Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án này cũng là bước khởi đầu cho những dự án cùng tính chất và mục đích sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh nhà trong những năm tới.
Quang Minh
Bảo tàng BRVT
___________________________
TÀI LIỆU THAM KHÀO
– Đoàn khai quật khảo cổ. Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ học di tích Giồng Lớn lần 1 (2003) và lần 2 (2005). Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu
– Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu. Đề cương Trưng bày Nhà Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu. Vũng Tàu, 2006.
– Bùi Chí Hoàng. Giai đoạn Hậu kỳ đồng, Sơ kỳ sắt miền Đông Nam Bộ. Luận án PTS khoa học lịch sử, Viện KHXH tại Tp.HCM, 1994
– Hà Văn Tấn. Miền Nam Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á tiền sử. Tạp chí KCH (3), 1985
– Hoàng Xuân Chinh. Miền Đông Nam Bộ một trung tâm thời đại kim khí ở nước ta. Nxb Long Xuyên, 1984.
– Lê Trung Khá. Sài Gòn thời tiền sử. Địa chí Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh (1). Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1987.
– Phạm Quang Minh. Long sơn đất và người. Tập san Di sản Văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu. 2003
– Trần Quốc Vượng. Di tích khảo cổ, một đối tượng nghiên cứu quản lí của ngành Bảo tồn bảo tàng. Tạp chí Quản lý Văn vật, tập 1, 1974.