Mộ Vò cồn Hải Đăng (Côn Đảo)
KHAI QUẬT ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ HỌC
MỘ VÒ CỒN HẢI ĐĂNG ( CÔN ĐẢO).
Từ năm 1995 trở lại đây, qua nhiều lần nghiên cứu và khai quật khảo cổ học nhận thấy Côn Đảo có nhiều dấu tích khảo cổ học thuộc thời đại kim khí (cách ngày nay trên dưới 2.500 năm). Tháng 10 năm 1999, Bảo tàng tổng hợp Bà Rịa-Vũng Tàu và nhóm chuyên gia Viện Khảo Cổ đã điều tra phát hiện khu mộ vò Cồn Hải Đăng (Côn Đảo) với phạm vi diện tích phân bố khoảng 500m2 (nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao Côn Đảo). Đây là khu mộ cổ có giá trị về thời kỳ tiền sơ sử với mật độ dày đặc, lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Miền đông Nam bộ.
Được phép của Bộ Văn hóa thông tin và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tháng 11/2001 Bảo tàng tổng hợp tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học chính thức tiến hành khai quật khu mộ vò tại Cồn Hải Đăng (Côn Đảo). Với diện tích khai quật 300m2 đã xuất lộ hàng trăm mộ vò của cư dân cổ tại Côn Đảo thuộc Văn hóa Sa Huỳnh.
Nhận định bước đầu: Khu mộ vò Cồn Hải Đăng chứa đựng nhiều tư liệu, di vật quan trọng trong việc nghiên cứu đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và kết cấu xã hội của cư dân cổ Côn Đảo, cần phải nhanh chóng khai quật và bảo tồn. Việc xây dựng nhà trưng bày bảo tồn tại chỗ về loại hình mộ vò thời tiền sử đầu tiên ở Việt Nam sẽ góp phần giáo dục về kiến thức lịch sử cho nhân dân địa phương, du khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, nhất là khu mộ vò được phục dựng tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao Côn Đảo.