Giồng Lớn xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu năm 2003
Di tích khảo cổ học Giồng Lớn thuộc thôn 3 Rạch Già xã Long Sơn nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 7km về phía Tây . Long Sơn đối diện với huyện Cần Giờ qua vịnh Ghềnh Rái nơi có một hệ thống di tích khảo cổ tiền sơ sử phân bố khá đậm đặc như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Am.
Giồng Lớn xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu năm 2003
1. Vị trí địa lý, quá trình khai quật.
- 1.1. Vị trí địa lý: Di tích khảo cổ học Giồng Lớn thuộc thôn 3 Rạch Già xã Long Sơn nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 7km về phía Tây . Long Sơn đối diện với huyện Cần Giờ qua vịnh Ghềnh Rái nơi có một hệ thống di tích khảo cổ tiền sơ sử phân bố khá đậm đặc như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Am.
- 1.2. Hố khai quật: mở 5 hố khai quật với tổng diện tích 350m2 nằm bên rìa của giồng cát, giáp với khu cánh đồng muối và khu sinh thái ngập mặn ven biển.
– Hố thứ nhất: ký hiệu: 03.GL.HI; Hố thứ 2: ký hiệu 03.GL. Hố thứ 3: ký hiệu 03.GL.HIII; Hố thứ 4: ký hiệu 03.GL.HIV. Hố thứ 5: ký hiệu 03. GL. HV
2. Mộ táng.
Di chỉ mộ táng ở Giồng Lớn nằm ở độ sâu 0,8 – 1,4m, mật độ phân bố không dày lắm, không thấy sự có mặt của tầng văn hoá cho nên di tích này chỉ đơn thuần là một di chỉ mộ táng. Có hai loại hình mộ táng: mộ nồi và mộ đất.
Trong diện tích 350 m2 phát hiện được 54 mộ, dưới đây là bảng thống kê mộ qua các hố đào.
STT | Loại hình | Vị trí | Tổng số | ||||
Hố I | Hố II | Hố III | Hố IV | Hố V | |||
01. | Mộ nồi | 1 | 1 | 3 | 5 | ||
02. | Mộ đất | 5 | 12 | 18 | 6 | 8 | 49 |
Tổng số | 6 | 12 | 19 | 6 | 11 | 54 |
Loại hình mộ nồi nhỏ có đường kính thân từ 35 – 50 cm, thân xuôi hoặc gẫy có đế hình cầu, trên được đập văn thừng hoặc khắc vạch, và ở đây cũng có hiện tượng giống như Giồng Cá Vồ là các nồi này đều được cắt miệng trước khi đem chôn, trên miệng được đặt một chiếc nồi nhỏ hơn hoặc úp vào đó một cái chậu. Mộ nồi phân bố riêng lẻ chỉ có một chiếc nồi không thấy có đồ tuỳ táng chôn theo. Duy nhất ở mộ 03. GL.HI.M5 là một nồi có đáy dạng hình cầu, bên ngoài được phủ văn thừng trên toàn thân, xương đen áo trắng, miệng bị cắt và được đặt lên trên đó một chiếc nồi khác, trong mộ nồi có một chiếc nồi vai gẫy nhỏ đặt nằm nghiêng
Loại hình mộ đất đặc điểm nhận biết là sự tập trung của gốm thành các cụm đi kèm với gốm là đồ sắt và đồ trang sức. Phổ biến hiện tượng mỗi mộ được đánh dấu bằng một hoặc hai hòn cuội biển, trong tổng số 54 mộ đã tìm được tất cả 12 hòn, đặc điểm này rất giống với hình thức chôn ở khu mộ táng Giồng Cá Vồ và một số địa điểm khác ở Đồng Nai.
Về đồ gốm chôn trong mộ phổ biến là các loại nồi vai gẫy, bình nhỏ có chân, bát bồng các loại, chậu, nắp và một số loại mô hình của đồ thờ. Đồ sắt có dao, kiếm, đục. Đồ trang sức có vòng đeo tay, hạt chuỗi các loại bằng thuỷ tinh, đá quý, vàng. Nhưng trong mỗi mộ số lượng và loại hình đồ tuỳ táng không đồng đều nhau có mộ có rát nhiều đồ tuỳ táng còn có mộ thì chỉ chôn theo một hiện vật.
Ở khu mộ này thấy có hiện tượng tro than được rải quanh các cụm gốm, đây có thể là một hình thức táng tục của người thời đó và cũng có thể những tàn lửa đuốc khi đem người đi chôn vào ban đêm. Ngoài ra còn có các đống than củi khá lớn nằm bên ngoài các cụm mộ, đây có thể là dấu tích của các đống lửa được đốt để sưởi ấm linh hồn người chết, một cách mà hiện nay vẫn thấy khi ở một số vùng nông thôn phía Bắc vẫn làm khi người ta cải táng cho người chết.
Đây là khu mộ táng được chôn vào nhiều thời điểm, ở những độ sâu khác nhau. Chúng tôi nhận thấy rằng cách thức chôn ở đây không theo một quy luật nào cả, các mộ có thể nằm sát vào với nhau thành từng cụm hoặc có thể nằm riêng lẻ.
3.Hiện vật
Trong 350 m2 khai quật thu lượm được tổng số 1636 hiện vật khá phong phú về chất liệu, loại hình và số lượng. Có đầy đủ các chất liệu như đồ gốm, đồ đá, đồ sắt, đồ thuỷ tinh, và cả vàng. .
Về gốm có tổng số 133 hiện vật gồm các loại hình như nồi, bình, vò, bát bồng, mâm bồng, chậu, nắp, đồ thờ và chân đế. Đa số gốm ở đây có áo màu vàng hoặc màu nâu, xương gốm màu vàng sậm hoặc màu đen xám pha khá nhiều cát hạt to, độ nung khá cao. Ngoài ra ở đây còn có sự xuất hiện của loại đồ gốm óc Eo giai đoạn sớm có áo trắng xương đen mịn, điển hình ở mộ 03.GL.HI.M1 có một chiếc nồi có áo trắng và xương cũng trắng.
Hoa văn gốm ở đây phổ biến là khắc vạch bằng que nhiều răng hình chữ S nối tiếp nhau kết hợp với án lõm cũng bằng que nhiều răng, mô típ trang trí hình tam giác nhiều lớp cũng phổ biến, ngoài ra ở đây cũng thấy sự có mặt của loại văn thừng và văn đập.
Điều nhận thấy ở di tích này là sự tồn tại của hai loại hình gốm sử dụng làm đồ tuỳ táng đó là đối với những loại hình như nồi vai gẫy ở một số hiện vật trong các mộ còn dấu vết tro than dính khá dày trên đáy, chứng tỏ người ta đã dùng những vật dụng đã qua sử dụng để làm đồ tuỳ táng.
Loại gốm thứ hai sản xuất chỉ phục vụ cho mục đích là làm đồ thờ như đã tìm thấy ở đây là các loại hình nắp có đính khối tượng chim hay gốm hình con tiện hoặc những chiếc bình nhỏ có chân đế. những loại hình được tìm thấy rất phổ biến trong các mộ ở Giồng Cá Vồ.
Đồ đá ở đây chủ yếu là cuội biển, ở mỗi mộ được đánh dấu bằng 1 hòn cuội. Tổng số cuội thu được ở trong các hố đào là 11 hòn.
Đồ sắt thu được tổng số 17 hiện vật gồm có kiếm, dao găm, dao nhỏ lưỡi cong, đục. Trên một số hiện vật vẫn còn dấu vết của vải bọc và bao gỗ.
Đồ trang sức chiếm một số lượng lớn trong tổng số sưu tập hiện vật có 1468 tiêu bản với các loại chất liệu như thuỷ tinh, đá quý và vàng, trong đó hạt chuỗi chiếm số lượng lớn 1450 hạt, 11 vòng đeo tay, 5 khuyên tai, 1 khuyên nhỏ.
4. Một vài nhận xét.
Từ những tư liệu sơ bộ về di tích di vật đã trình bày ở trên, có thể nhận thấy rằng Giồng Lớn là một di tích đất xen kẽ với mộ nồi có những đặc điểm giống với di tích mộ táng Giồng Cá Vồ ở huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh.
– Tính chất của di tích Giồng Lớn là một khu mộ táng, không có tầng văn hoá và không có dấu hiệu của sự cư trú. Hình thức chôn ở đây là mộ đất xen kẽ với mộ nồi nhỏ, trong đó loại hình mộ đất phổ biến hơn.
– Đặc trưng cơ bản nhất của di tích này là hình thức chôn mộ đất và dấu hiệu của xương cốt hầu như đã bị tiêu huỷ. Có thể nhận thức được cách thức chôn ở đây là người ta đặt người chết xuống cùng với người chết là đồ trang sức sau đó mới đặt đồ gốm lên trên , và ở đây còn có một điều đặc biệt là việc phát hiện ra các miếng vàng có hình đôi mắt nổi là minh chứng rất quan trọng trong táng thức. So sánh với các địa điểm khảo cổ học như… thì những miếng vàng này là chiếc mặt nạ dùng để đặt lên mắt người quá cố. Một trong những đặc trưng nữa ở đây là đồ gốm dùng làm đồ tùy táng đã được dùng làm đồ tuỳ táng đã được sử dụng trước đó trong sinh hoạt.
Trên cơ sở so sánh di vật tuỳ táng của di tích mộ táng Giồng Lớn với các di tích mộ táng Giồng Cá Vồ thì chúng có nhiều nét kế thừa và phát triển lên để tiến tới văn hoá óc Eo thể hiện đồ gốm và đồ trang sức. Một bằng chứng quan trọng là chúng tôi đã phát hiện trong 03.GL.HIII.M2 một đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán điều này cho phép khẳng định niên đại của di tích này là vào khoảng trên dưới 2000 năm.
ở loại hình đồ trang sức được tạo bởi nhiều chất liệu khác nhau như thuỷ tinh, đá quý và cả bằng vàng. Riêng về chất liệu thuỷ tinh đã tìm được những hạt chuỗi ở dạng phế phẩm nhưng vẫn được sử dụng như ở mộ 03.GL.HII.M5 có một vài hạt chuỗi màu xanh nõn chuối vẫn còn dính những vết xỉ thuỷ tinh hoặc như ở mộ 03.GL.HIV.M2 có hiện tượng hai hạt thuỷ tinh vẫn còn dính liền vào nhau. Không chỉ dừng lại ở loại hình hạt chuỗi thuỷ tinh mà ở loại hình hạt chuỗi bằng đá quý trình độ chế tác cũng đạt tới một trình độ cao tinh xảo. Cư dân ở đây đã nhập các nguyên liệu đá quý từ nơi khác về đây và chế tác tại chỗ, bằng chứng là đã phát hiện được một số đáng kể các hạt chuỗi bằng mã não hình thoi cụt hai đầu tiết diện có hình lục lăng không được khoan lỗ.
Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng vàng ở đây cũng đạt đến một trình độ cao với việc phát hiện ra một sưu tập các hạt chuỗi bằng vàng với nhiều kiểu khác nhau như hình thoi cụt hai đầu, hình lục lăng, hình con tiện và hình cầu. hầu hết các hạt chuỗi ở đây được tạo bằng kỹ thuật đúc, đi đôi với đúc thì cũng phổ biến kỹ thuật dát mỏng vàng. Phát hiện trong hố đào hai miếng vàng lá hình chữ nhật có trang trí nổi hình hai con mắt với đầy đủ lông mày, ngoài ra còn hai miếng vàng nhỏ có dấu vết cắt và trên bề mặt vẫn còn những dấu vết vẩy vàng nhỏ còn lại khi dát mỏng. Từ những điều nêu trên cho thấy chủ nhân của khu mộ táng này là những người bản địa
Từ cuộc khai quật thông qua di tích và di vật cho thấy cư dân cổ nơi đây đã có một trình độ phát triển cao cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Họ không những có sự giao lưu trong vùng mà còn có sự giao lưu rộng với các vùng văn hoá khác đồng đại trên đất nước ta và cả trong khu vực Đông Nam Á.