Khai quật khảo cổ học Di tích Giồng Lớn lần II năm 2005
Giồng Lớn là một giồng cát nổi cao ven biển, kéo dài theo hướng Đông -Tây khoảng 1km, rộng chừng 100m, thuộc thôn 3 Rạch Già, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Toạ độ địa lý được xác định là 100 27’73” vĩ bắc, 1070 04’002” kinh Đông. Phía bắc cách quốc lộ 51 khoảng 4km, phía đông nam cách thành phố Vũng Tàu khoảng 7km, phía nam cách vịnh Gành Rái khoảng trên 1km.
Giồng Lớn nằm trong hệ sinh thái ngập mặn ven biển, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, thông ra vịnh Gành Rái – nơi hợp lưu của sông Thị Vãi và Cần Giờ đổ ra biển Đông.
Năm 2002, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện chương trình điều tra, khảo sát lập bản đồ di tích khảo cổ học thời tiền – sơ sử trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua đợt khảo sát này, nhiều di tích tiền – sơ sử đã được phát hiện và đánh dấu trên bản đồ khảo cổ học, trong đó Giồng Lớn được đánh giá là một di tích hết sức quan trọng.
Năm 2003, được phép của Bộ Văn hóa – Thông tin, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ nhất. Với 5 hố khai quật được mở trên diện tích 350m2 trên thửa đất của bà Trần Thị Anh đã tìm thấy 54 cụm mộ và một số lượng lớn hiện vật (1638 hiện vật) rất phong phú về loại hình cũng như chất liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là một khu mộ táng có niên đại cách ngày nay trên dưới 2000 năm. Dựa vào táng thức và đồ tuỳ táng có trong các cụm mộ cho thấy di tích Giồng Lớn có nhiều điểm tương đồng với khu di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ – thành phố Hồ Chí Minh).
Nhận thấy đây là một di tích quan trọng đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do quá trình khai thác cát và xây dựng nhà ở của nhân dân địa phương. Tháng 6 năm 2005 được phép của Bộ Văn hóa – Thông tin theo quyết định số 5536/QĐ-BVHTT, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khảo sát và khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ II. Đợt công tác được tiến hành trong thời gian hơn 2 tháng do tiến sĩ Vũ Quốc Hiền chủ trì.
Để kiểm tra phạm vi phân bố của khu mộ táng Giồng Lớn, chúng tôi đã tiến hành đào 9 hố thám sát với tổng diện tích 100m2. Phía đông đào 3 hố trên phần đất của ông Nguyễn Văn Tư. Phía Tây mở 4 hố và phía bắc mở 2 hố trên phần đất của ông Nguyễn Đoàn Luyến. Cả hai khu vực thám sát trên nằm liền kề với khu đất của bà Trần Thị Anh nơi có khu mộ táng.
Kết quả cho thấy không có dấu hiệu mộ táng trong các hố thám sát và có nhiều khả năng khu mộ táng chỉ phân bố trong phạm vi phần đất phía tây của bà Trần Thị Anh (nơi đã khai quật 350m2 năm 2003) và một phần đất của ông Nguyễn Đoàn Luyến trong diện tích khoảng 1000m2.
Dựa trên kết quả của các hố thám sát, chúng tôi đã quyết định mở 2 hố khai quật. Hố thứ nhất có ký hiệu 05.GL.HI, nằm trên đất của ông Nguyễn Đoàn Luyến, liền kề với hố khai quật HIII năm 2003 về phía tây. Hố mở theo hướng tây bắc – đông nam, có diện tích 84m2 (12 x 7m). Hố thứ hai có ký hiệu 05.GL.HII, nằm trên đất của bà Trần Thị Anh, liền kề với hố khai quật HII và HV năm 2003 về phía đông. Hố mở theo hướng tây bắc – đông nam, có diện tích 108m2.
Với diện tích thám sát và khai quật gần 300m2, chúng tôi đã phát hiện được 26 cụm mộ. Cũng như lần khai quật thứ nhất, loại hình mộ táng vẫn là mộ đất và mộ nồi, trong đó mộ đất chiếm đa số.
Dưới đây là bảng thống kê loại hình mộ:
STT | Loại hình | Vị trí | Tổng số | |
HI | HII | |||
01 | Mộ đất | 20 | 3 | 23 |
02 | Mộ nồi | 2 | 1 | 3 |
Tổng số | 23 | 4 | 26 |
So với lần khai quật thứ nhất thì mật độ phân bố các cụm mộ ở lần khai quật thứ II này tương đối giống nhau. Lần khai quật I có diện tích là 350m2 phát hiện 54 cụm mộ (6,5m2/mộ), lần khai quật II có diện tích 192m2 phát hiện 26 cụm mộ (7,3m2/mộ). Qua số liệu trên cho thấy mật độ phân bố của khu mộ táng Giồng Lớn khá thưa, không dày đặc như khu mộ táng Giồng Cá Vồ.
Mộ nồi: Cũng như lần khai quật thứ nhất, mộ nồi phát hiện lần này cũng là loại nồi nhỏ có đường kính dao động từ 35 -50cm, gồm hai loại là: nồi vai xuôi, đáy tròn được làm bằng gốm mịn, xương đen, áo trắng, có phủ văn thừng và nồi vai gẫy, đáy tròn được làm bằng gốm thô pha nhiều cát hạt to, áo gốm màu vàng sẫm hoặc xám đen. Hầu hết các nồi táng đều chôn ngửa, trên miệng được úp một chiếc nồi nhỏ, trong một số mộ có đồ tùy táng là một chiếc nồi gốm nhỏ. Một đặc điểm đã thấy trong lần khai quật trước là tất cả đồ gốm đều bị đập bỏ phần miệng trước khi đem chôn. Một hiện tượng mới phát hiện trong lần khai quật này là ngoài đồ tuỳ táng đặt trong nồi còn thấy một số đồ tùy táng được đặt ở bên ngoài.
Mộ đất: Cũng như lần khai quật thứ nhất việc nhận biết được các mộ là sự tập trung của các cụm gốm, đồ sắt và đồ trang sức phân bố trên cùng một bình diện. Hiện tượng mộ được đánh dấu bằng 1 – 2 hòn cuội biển vẫn được tìm thấy nhưng không phổ biến ở tất cả các cụm mộ.
Hiện tượng tro than nằm rải rác vẫn được thấy trong các cụm mộ, đặc biệt trong mộ có ký hiệu 05.GL.HI.M1, bên cạnh cụm đồ tùy táng là một cụm tro than gần tròn đường kính khoảng 50cm, dày khoảng 10 – 15cm. Hiện tượng này củng cố thêm cho giả thiết về việc đốt các đống lửa để sưởi ấm linh hồn người chết khi đem chôn.
Phần lớn các đồ trang sức tùy táng tìm thấy đều nằm dưới các cụm gốm, hiện tượng này đã được ghi nhận trong khai quật lần trước. Theo chúng tôi nhiều khả năng khi mai táng, đồ trang sức được đeo trực tiếp lên thi thể người chết, đồ gốm được đặt hai bên sườn hoặc trên đầu và dưới chân. Khi thi thể bị phân hủy thì đồ trang sức đã bị lọt xuống phía dưới.
Dưới đây là một số mộ tiêu biểu:
05.GL.HI.M1, xuất lộ ở độ sâu 1m, đồ tuỳ táng chôn theo nằm thành một dải kéo dải theo hướng đông – tây khoảng 1,7m, rộng 0,5m. Đồ gốm có 1 nồi vai gẫy, 1 nồi miệng thẳng thân eo, đáy tròn, xương gốm đen; 3 bát bồng, 1 bình nhỏ có chân. Về đồ sắt có 1 đục sắt, 1 dao nhỏ. Đồ trang sức gồm có 1 mặt nạ có hình khuôn mặt người và 2 khuyên tai bằng vàng, 1 hạt chuỗi đá quý có kích thước lớn khoảng 2cm và 2 hạt chuỗi thủy tinh.
05.GL.HI.M14, đồ tuỳ táng xuất lộ ở độ sâu 1,3m, kéo dài theo hướng đông – tây 1,6m, rộng 0,8m. Đồ gốm có 3 chiếc nồi khá nguyên vẹn, một chiếc đặt đứng phía Đông và 2 chiếc đặt nằm nghiêng ở đầu phía tây và một số mảnh vỡ của nồi và bát bồng. Đồ trang sức gồm 24 hạt chuỗi thủy tinh màu xanh; 2 lá vàng hình chữ nhật dát mỏng, 1 hình dương vật uốn bằng sợi vàng, 1 hạt chuỗi vàng và một mẩu sợi vàng nhỏ.
Qua hai lần khai quật với các kết quả thu được có thể có thể nhận thức đây là khu mộ táng được chôn vào nhiều thời điểm khác nhau trong cùng một thời đại. Cách thức chôn của các cụm mộ phân bố không theo quy luật, có thể nằm sát với nhau thành từng cụm hoặc nằm riêng lẻ.
So với lần khai quật thứ I thì số lượng hiện vật thu được trong lần khai quật thứ hai có số lượng ít hơn nhưng cơ bản là giống nhau. Chất liệu bao gồm gốm, đá, đồng, sắt, thủy tinh và vàng. Với gần 200m2 khai quật chúng tôi đã thu được 672 hiện vật với nhiều loại hình khác nhau.
Đồ gốm: Giồng Lớn là di tích mộ táng nên hiện vật gốm thu được còn khá nguyên vẹn, một số vỡ nhưng có khả năng phục dựng. Có 84 tiêu bản đã được phục dựng gồm các loại hình như nồi vai gẫy, nồi vai xuôi chiếm số lượng lớn, tiếp đến là loại hình bát bồng và một số loại hình khác như bình nhỏ có chân, gốm con tiện…Do chôn ở giồng cát, mùa khô nóng, mùa mưa thẩm thấu nước mạnh nên hầu hết đồ gốm ở đây đã bị bong hết lớp áo. Đồ gốm ở Giồng Lớn được làm từ hai chất liệu, phổ biến là loại gốm xương thô áo gốm vàng sẫm hoặc xám đen và số lượng đáng kể loại gốm xương đen mịn.Về hình dáng: phổ biến là loại nồi, bình vai gẫy, vai xuôi, tạo dáng khá cân đối. Gốm ở đây có nhiều đặc điểm gần gũi với gốm Giồng Cá Vồ về kiểu dáng ở loại nồi vai gẫy, vai xuôi, bát bồng và một số loại bình. Về hoa văn, phổ biến vẫn là loại hoa văn khắc vạch bằng que nhiều răng với mô típ trang trí khắc vạch song song, chữ S, hình tam giác nhiều lớp. Ngoài ra còn thấy sự có mặt của văn thừng, văn đập và văn in vỏ sò. Bố cục trang trí trên gốm có có phần nào đó đi vào khuôn mẫu, nét vẽ cứng không phóng khóang mềm mại như ở Giồng Cá Vồ.
Đồ đá: có 6 tiêu bản chủ yếu là các hòn cuội biển có hình gần bầu dục, toàn thân khá nhẵn.
Đồ sắt: tìm được 7 tiêu bản là các loại công cụ, vũ khí đã phát hiện được trong lần khai quật thứ nhất. Gồm có 3 đục sắt lưỡi bằng, 3 dao nhỏ trong đó có 2 dao lưỡi cong giống loại dao của người Mạ, 1 mũi giáo được quấn vải sợi thô.
Đồ trang sức: chiếm số lượng lớn trong tổng số hiện vật thu được, gồm 575 hiện vật có các chất liệu như đá Nêphrít, mã não, thủy tinh đồng và vàng. Về đá có 5 vòng Nêphrít (trong đó có 4 vòng hình ống màu vàng nhạt và 1 vòng mặt cắt chữ D màu đỏ nhạt), 1 hạt chuỗi mã não lớn màu đỏ có đường kính 2cm, thủy tinh có 557 hạt chuỗi nhiều màu. Về đồ vàng có 1 mặt lạ, 4 khuyên tai, 1 mô hình dương vật, 2 mảnh vàng hình chữ nhật 1 sợi vàng và 1 mảnh vàng nguyên liệu. (…còn tiếp)