Một số hiện vật kim loại vàng được phát hiện tại di chỉ Giồng Lớn, Long Sơn, Vũng Tàu
Năm 2002, 2005 Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với bảo tàng lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ học Giồng Lớn, Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với sự phát hiện các mộ đất, mộ nồi cùng với các đồ tùy táng trong các hố khai quật đã giúp cho các nhà khảo cổ học có nhiều nhận định, đánh giá mới về vùng đất Long Sơn, giai đoạn thế kỷ đầu Công nguyên, cách ngày nay hơn 2000 năm. Tháng 9/2015 bảo tàng Khảo cổ LWL (Cộng hòa liên bang Đức) dự kiến tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam“ giới thiệu 50 năm thành tựu khảo cổ học Việt Nam, trong đó có sưu tập hình ảnh mặt nạ của di chỉ Giồng Lớn, Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Trong 2 đợt khai quật các nhà khảo cổ đã tìm thấy 192 tiêu bản kim loại vàng gồm 3 mặt nạ, 178 hạt chuỗi, 4 khuyên tai, 4 sợi vàng và một số mảnh vàng nguyên liệu. Đối với di tích Giồng Lớn, Long Sơn tìm thấy 04 khuyên tai vàng với hai kiểu. Một loại khuyên tai hình tròn có khe hở, tiết diện tròn, trên thân có các gờ xoắn nhỏ cách nhau 0,10cm đến 0,15cm, đường kính 1,5cm, đường kính tiết diện 0,25cm-2,35cm. Hai chiếc khuyên tai còn lại với kiểu dáng rất lạ, gồm có lá vàng nhỏ hình tròn, có lỗ lệch tâm, một khuyên khác dạng dây vàng cuốn hình tròn xuyên qua lỗ, sợi vàng kim loại được vuốt nhỏ dần.
Mặt nạ gồm ba tiêu bản như sau: 03 GL, HIII.M2.88. kích thước: dài 10,9cm; rộng 4,25-4,5cm; dày 0,03cm, có hình chữ nhật, chất liệu chế tác bằng kim loại vàng, kỹ thuật dát mỏng, ở 4 góc rìa cạnh, có đục 4 lỗ nhỏ dùng để xỏ dây đeo. Bề mặt dập nổi hình đôi mắt mở to, vói cặp lông mày rậm, cong xếch, sống mũi nổi cao. Mặt nạ 03GL.HIII.M10.89 kích thước dài 9,7cm, rộng 6,10cm; dày 0,03cm, có dạng hình chữ nhật, được làm bằng vàng, dát mỏng, rìa cạnh có sáu lỗ xỏ dây đeo. Bề mặt dập nổi hình đôi mắt tròn, mở to, hai lông mày cụp xuống. Mặt nạ 05GL.HI.M1.88 kích thước: dài 9,1cm; rộng 7,5cm; dày 0,03cm, có hình chữ nhật, chất liệu chế tác bằng kim loại vàng, kỹ thuật dát mỏng, có lỗ nhỏ xuyên ở 4 góc. Bề mặt được in dập nổi hình khuôn mặt người với đôi mắt mở to, cặp lông mày rậm giao nhau ở sống mũi. Mũi được dập khá to ngang và có vẻ dẹt, môi dày, miệng nhỏ. Với các loại mặt nạ được phát hiện tại khu vực châu Á cho thấy, mặt nạ vàng với nhiều hình dạng được xem như điển hình của những sản phẩm đến từ bên ngoài và cũng là từ quan hệ buôn bán. Người cổ Ấn Độ và người cổ Java, Indonesia đều có cùng một ý niệm chôn cất người chết với những mặt nạ vàng được đặt lên hai mắt. Đặc biệt hơn có cả mặt nạ lớn đủ các bộ phận trên mặt: mắt, mũi và miệng. Mặt nạ vàng ở Giồng Lớn, Long Sơn có những nét tương đồng mặt nạ vàng ở các di tích tiền sử Java, Indonesia. Lần tìm nguồn gốc của những hiện vật bằng vàng này, John Miksic cho chúng ta thấy rằng vào khoảng 300 năm TCN các thương cảng cổ dọc bờ biển miền Trung và nam Việt Nam, là những điểm rất điểm rất quan trọng trong con đường thương mại qua biển Đông nối châu Á với thế giới phương Tây. Có một số điểm cảng cổ mà ông cho là quan trọng dọc theo bờ biển Việt Nam từ miền Trung trở vào đến vịnh Thái Lan, bao gồm Hội An, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Óc Eo…có niên đại vào những thế kỷ đầu công nguyên là hệ quả của con đường thương mại đó.
Hạt chuỗi vàng: Trong tổng số 178 hạt chuỗi thì có một hạt chuỗi hình thoi cụt, mặt cắt ngang là một hình lục giác, có lỗ bên trong rỗng. Khi tìm thấy hiện vật được gắn với một sợi vàng hình chữ nhật. Những hạt chuỗi còn lại khác đều có kích thước nhỏ giống với những hạt cùng loại ở di tích Lai Nghi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và một số di tích thuộc thời đại sắt ở Thái Lan như Noen UpLoke (khai quật năm 1997 với hàng trăm mộ táng). Ban Don TaPhet và Kham Sam Kaeo. Hạt chuỗi hình tam giác hay những mảnh lá vàng nhỏ có trổ lỗ như ở Giống Lớn và Giồng Cá Vồ còn thấy ở hang Palawan, miền trung Philippine. Cùng những hạt chuỗi hình quả nhót hay hình tròn bọc vàng, những di vật này cho thấy những mối liên hệ tiếp xúc rõ ràng giữa các cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng cận biển Đông Nam Bộ ở di tích Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh), Giồng Lớn (Long Sơn, Vũng Tàu- với các cộng đồng dân cư khác ở Philippine, Thai Lan, Malaysia. Tại Giồng Lớn, Long Sơn, Vũng Tàu cũng đã tìm thấy 178 hạt chuỗi bọc vàng hoặc cuộn bằng những mẩu vàng dát mỏng. Di tích Phú Hòa cũng có những hạt chuỗi vàng hình đốt trúc. So sánh những hạt chuỗi vàng ở di tích Giồng Cá Vồ thì ở bên trong được làm bằng gốm hay vỏ nhuyễn thể bên ngoài bọc vàng (bằng vàng lá đã được dát mỏng)…
Sự có mặt của những khuyên tai vàng xoắn rãnh và những mặt nạ vàng đánh dấu sự giao thương trong khu vực đã bước sang một giai đoạn mới. Về những khuyên tai bằng vàng xoắn rãnh và những mặt nạ vàng đánh dấu sự giao thương trong khu vực đã bước sang giai đoạn mới. Về những khuyên tai bằng vàng xoắn, nếu trước đây loại hiện vật khuyên tai bằng này mới chỉ được phát hiện ở một mộ chum ở Sa Huỳnh là Lai Nghi một di tích quan trọng nằm trong khu vực cảng biển Hội An thì nay sự xuất hiện loại khuyên tai này ở Giồng Lớn cho thấy quỹ đạo buôn bán tiếp xúc thương mại dọc miền trung và Nam Việt Nam là rất rộng. Trong nhiều di tích khảo cổ học Thái Lan cũng đã tìm thấy loại khuyên tai giống hệt như thế này như di tích Khao Sam Kaeo hay một vài di tích cảng ở nam Thái Lan khác. Một số nhà nghiên cứu cho rằng loại hình khuyên tai có khe hở rãnh xoắn này được sản xuất ở vùng nam Thái Lan, giáp Miến Điện trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Tuy nhiên nhiều quan điểm cho rằng Java là quê hương là loại hình khuyên tai này…
Những hiện vật vàng ở Giồng Lớn, Long Sơn là những bằng chứng rõ rệt nhất chứng minh mối quan hệ trao đổi buôn bán của những thương nhân nằm trong tầng lớp giàu có. Từ những tiêu bản kim loại vàng ở Giồng Lớn chúng ta có thể suy đoán rằng người cổ Bà Rịa -Vũng Tàu vào đầu Công nguyên đã phát triển mối quan hệ buôn bán rất xa với Ấn Độ và Thái Bình Dương. Họ đóng góp rất lớn vào quan hệ buôn bán khu vực Indo – Roman, góp phần quan trọng trong việc kết nối mạng lưới thương mại giữa Nam Á và Đông Nam Á, thông qua vùng biển của Việt Nam.