Nghề sơn mài

(24/02/2009)

Sau ngày miền nam giải phóng (tháng 4 –1975) một số nghệ nhân quê ở Bình Dương, Sông Bé…về Vũng Tàu sinh sống lập nghệp. Với nguồn nguyên liệu bằng ốc khá phong phú: xác vàng, xác đen, ngọc nữ, bào ngư, trai, gáo, kiểu, xuồng, nhảy, bẹ, đá…các nghệ nhân sáng tác ra nhiều loại hình nghệ thuật: tranh sơn mài cẩn bằng các chất liệu: ốc, trai, vỏ trứng, để tạo thành các sản phẩm độc bình cẩn ốc, phù điêu cẩn ốc và các sản phẩm có từ nguồn gốc bằng vỏ ốc: khay đựng trà rượu, bình hoa, đèn ngủ, hộp đựng nữ trang, túi xách vòng đeo tay, kẹp tóc…

 Hiện nay nghệ sơn mài cẩn phù điêu nổi và chìm  ở thành phố Vũng Tàu tiếp tục phát triển thu hút và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động và tận thu nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Những sản phẩm mỹ nghệ làm bằng vỏ ốc đã được du khách trong nước và nước ngoài ưa thích và dần dần trở thành món quà lưu niệm độc đáo khi đến thăm thành phố biển Vũng Tàu.  Sau khi ốc được rửa và ngâm thuốc tẩy làm sạch vỏ ốc, tiếp đó là mài và tách vỏ ốc  Khi làm sơn mài người thợ dùng sơn ta phủ trên bề mặt gỗ sau đó đem ủ cho khô sơn gọi là vóc. Đắp bằng bao cói ẩm để chỗ râm mát thì sơn mới khô. Tiếp theo người ta vẽ hình ảnh đề tài trên nền vóc bằng các màu chủ: Đen, trắng, xanh, vàng, đỏ…pha chế thành các màu sắc khác nhau để diễn tả các hình ảnh chủ đề cần thể hiện rồi lại phủ sơn lên tất cả, đem ủ khô, dùng kỹ thuật mài và  đánh bóng  mà tạo thành. Dưới ma sát của đá mài các lớp sơn được mài mỏng dần và các họa tiết hiện dần ra cảnh gần chồng lên cảnh xa tầng tầng lớp lớp. Tranh sơn mài tạo nên những hình khối nổi sinh động, với không gian sâu thẳm và những màu sắc đằm thắm hoà quyện với nhau vừa lộng lẫy kiêu sa vừa thâm trầm trang nhã…Quá trình mài bỏ lớp sơn phủ là quá trình làm hiện lên hình tượng nghệ thuật, có nhiều điều bất ngờ thú vị.

Cẩn trai: Những loại ốc có 7 sắc cầu vồng óng ánh, được mài mỏng trước khi làm phải ngâm nước, hơ lên đèn uốn phẳng. Từ mẫu hình đã xác định người nghệ nhân đục hình lên mặt gỗ và vẽ nên thỏi vỏ trai ốc. Có hình lõm trên mặt gỗ và có mảnh vỏ trai ốc đã cưa cắt gọt tỉa tỷ mỷ tùy theo khuôn hình nghệ nhân phải dùng sơn ta gắn mảnh trai mảnh ốc vào gỗ. Một bức tranh cần đến hàng trăm mảnh trai, ốc xà cừ các loại cứ ghép lại theo các gam màu khác nhau. Kỹ thuật ghép đòi hỏi phải thật khéo léo các đường ghép với nhau phải thật khít, cắt các góc cạnh thật sắc xảo, uyển chuyển.  Sau khi ghép xong đến khâu đánh bóng sản phẩm. Dùng sơn và muội đèn miết nhiều lần và thật đều trên mặt tranh khảm xà cừ, mài thủ công đến khi thật phẳng và nhẵn nhưng những nét chạm khắc vẫn còn giữ nguyên. Để tạo ra chiều sâu của bức cẩn nghệ nhân dùng mũi dao khắc thêm những đường nét, sau đó dùng sơn màu đỏ hoặc đen trát lên một lớp rồi đánh bóng. Muốn tác phẩm hoàn hảo người ta phải có kỹ thuật đánh bóng phải đánh bóng bằng giấy nhám hạt to, sau dó là loại giấy nhám hạt mịn, và cuối cùng dùng bột đá hay vôi bột để xoa thật đều. Kỹ thuật tạo màu với các màu cơ bản đen, trắng vàng đỏ các nghệ nhân còn sáng tạo thêm vỏ trứng để làm phong phú chất liệu. Dùng vỏ trứng vịt lộn, bóc tách hết màng trắng bên trong vỏ, sau đó đem hơ tuỳ màu sắc để hơ trên lửa lâu hay ít, gần hay xa để tạo màu nên trắng ngà, hay màu ngà xám. Kỹ thuật sơn mài cẩn ốc nổi phù điêu, sau khi ghép các hình ôc lên hình vẽ mới dùng sơn ta phủ lên tồi mài. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sơn mài và điêu khắc. Nếu sơn mài chỉ tạo nên các hình tượng nghệ thuật qua quá trình vẽ, người nghệ nhân làm bức tranh sống động bằng phương pháp kỹ thuật mài, còn nghề cẩn ốc sơn mài là thể hiện sự cưa cắt mài ghép các mảnh ốc sao cho các màu sắc trở nên sinh động muôn màu sắc.

Tranh sơn mài cẩn ốc ở thành phố Vũng Tàu với thời gian khoảng trên 30 năm đã tạo nên những nét đặc trưng độc đáo sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, kết hợp với các đề tài sáng tác truyền thống để tạo nên những tác phẩm có nét đặc sắc riêng.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu