Nghề Truyền Thống Ở Bà Rịa – Vũng Tàu

(21/02/2009)

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu cùng cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và cả những thách thức đang đặt ra của xu thế hội nhập thời kỳ toàn cầu hoá. Với nhận thức văn hoá là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực phát triển xã hội, việc nghiên cứu những giá trị di sản văn hoá nói chung, văn hoá phi vật thể nói riêng, trong đó tiêu biểu là nghề thủ công truyền thống đối với Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là rất cần thiết, góp phần khẳng định bề dày về lịch sử văn hoá vùng đất, làm phong phú thêm truyền thống văn hoá địa phương, bản sắc văn hoá dân tộc.

Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu từ thế kỷ XVII, cộng đồng dân cư từ các miền đã đến đây lập nghiệp sinh sống. Từ đó đã hình thành nhiều ngành nghề khác nhau, để tạo nên những sản phẩm không chỉ cung cấp cho đời sống sinh hoạt cộng đồng mà còn trao đổi giao lưu buôn bán với khu vực. Lưu dân Việt khi đến khai phá vùng đất Mô Xoài (nay là Bà Rịa – Vũng Tàu) vốn là những nông dân gắn chặt với nền nông nghiệp trồng lúa nước mà làng xã là kết cấu cộng đồng cơ bản. Quá trình phát triển của làng xã, không thể tách rời quá trình phát triển tự nhiên của các hình thái kinh tế xã hội. Do đó, có thể tìm hiểu làng xã cổ truyền của người Việt từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó nghề truyền thống là lĩnh vực kinh tế quan trọng, để hiểu thêm về sự phát triển của làng quê. Tìm ra những giải pháp khắc phục mặt hạn chế, phát huy tính ưu việt của nghề truyền thống trong sự phát triển hiện đại hóa nông thôn ngày nay.

Nghề truyền thống vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là giá trị văn hóa phi vật thể, cần được bảo tồn những giá trị quí giá của cha ông ta để lại. Đồng thời từ đó đề ra một số biện pháp khôi phục, bảo tồn, tạo ra những sản phẩm mới phục vụ cho du lịch, xuất khẩu…Qua điều tra khảo sát trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, các nhà nghiên cứu Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thu được một khối lượng tài liệu, hiện vật phong phú bao gồm các loại hình, chất liệu: đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, kim loại từ các nghề truyền thống. Những tư liệu vật chất thu được từ những đợt sưu tầm này đã khai mở và làm phong phú thêm nhận thức của chúng ta về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cùng những bằng chứng về sinh hoạt đời sống, kinh tế, văn hoá vật chất, tinh thần của những lớp cư dân người Việt đầu tiên trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu, thời kỳ khai phá mở đất (từ thế kỷ XVII- nay). Cùng với những phát hiện về khảo cổ học tiền sơ sử, lịch sử ở Bà Rịa-Vũng Tàu, kết quả thu được từ khảo sát, sưu tầm hiện vật đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá phi vật thể Bà Rịa – Vũng Tàu và Đông Nam Bộ. Góp phần đề ra những kế hoạch cụ thể cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá cổ. Đồng thời, nó rất cần thiết cho việc ứng dụng một số nội dung trong công tác trưng bày tại Nhà Bảo tàng, đóng góp tư liệu cho việc nghiên cứu, biên soạn địa chí, lịch sử địa phương. Bảo lưu giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha ta, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà nghị quyết TW 5, khóa VIII đã đề ra.

Các nghề truyền thống tiêu biểu của người Việt ở Bà Rịa Vũng Tàu,bao gồm: Nông nghiệp (nghề nông); Ngư nghiệp (nghề cá); Diêm nghiệp (nghề muối); Nghề chế biến; Nghề thủ công mỹ nghệ. Để nghiên cứu nghề truyền thống có thể dựa trên tiêu chí phân loại theo đặc điểm kinh tế – xã hội. Trong khoảng thời gian nhiều thế hệ đời người tiếp nối nhau làm một nghề cố định và nguồn sống chính của họ là do nguồn lợi kinh tế của nghề nghiệp đó mang lại, thì có thể gọi đó là nghề truyền thống. Trên cơ sở xác định nghề thủ công truyền thống là một bộ phận cấu thành nên làng xã cổ truyền của người Việt, cho nên cần đặt các nghề truyền thống trong môi trường nông thôn thời trung đại (thời khai phá mở đất TK XVII- giữa TK XIX), nhưng không tách rời một cách cô lập, mà luôn có mối tương quan với nghề nông (nghề truyền thống cơ bản) và hoạt động thương mại ở nông thôn.

Việc dựng lại bức tranh toàn cảnh kinh tế, xã hội của cư dân thời khai phá trên mảnh đất Bà Rịa-Vũng Tàu là một việc làm khó khăn và phức tạp. Một phần do những khiếm khuyết về tình hình tư liệu, nhất là sự mai một nhiều dữ liệu vật chất của cha ông như: hiện vật về sinh hoạt, phong tục tập quán và dụng cụ sản xuất của chính lớp người đương thời. Mặt khác việc nghiên cứu về vấn đề này trên vùng duyên hải Đông Nam Bộ cũng chưa làm được bao nhiêu, cho nên việc tái hiện đời sống vật chất và tinh thần, những hoạt động kinh tế và tổ chức xã hội của cộng đồng cư dân thời khai phá trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Tuy nhiên, dựa vào những gì còn lại hiện nay từ các di tích dân tộc học Bà Rịa-Vũng Tàu và từ nghề thủ công truyền thống, bằng nhiều hướng tiếp cận và nhiều phương pháp khác nhau của dân tộc học, thử phác dựng những nét chung nhất bức tranh thời khai phá ở trong một địa bàn cụ thể như vùng Bà Rịa, Long Điền, Đất đỏ

Một trong những giá trị nhận thức sử liệu quan trọng nhất của nghề truyền thống là đã đóng góp vào văn hoá Bà Rịa-Vũng Tàu một dạng thức di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì vậy, phần trình bày ở nội dung này cũng chỉ là những phác thảo bư­ớc đầu về diện mạo văn hoá của cư dân đương thời dựa trên những đặc điểm về cấu trúc: sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt đời sống tinh thần của lớp lưu dân Việt tại đây: Sinh hoạt cộng đồng thôn ấp thời khai phá ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Đông Nam Bộ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về đời sống kinh tế, là sự phát triển dân số trên toàn vùng Đông Nam Bộ.

Trên nhiều vùng địa lý khác nhau, trên những tiểu vùng văn hoá khác ở Đông Nam Bộ các tài liệu nghiên cúu đã cho ta biết hình ảnh những làng nông nghiệp trù phú trải dọc đôi bờ sông, nhanh chóng trở thành những khu dân c­ư kinh tế trù phú. Ở những vùng cửa sông, cửa biển như­ Long Sơn, Tân Hòa, Vũng Tàu, các đảo xa bờ như­ Côn Đảo, cũng cho thấy có sự tập trung dân cư­ và hình thành các làng xã cổ truyền. Đã có thể khẳng định rằng, những chủ nhân làng nghề truyền thống là những nhóm cư dân khai phá và cư chiếm những vùng châu thổ mới vùng cửa sông cận biển Bà Rịa Vũng Tàu. Trên vùng đất mới, họ nhanh chóng thích ứng và hoà nhập với môi trường sinh thái duyên hải, triển khai những hoạt động sản xuất và giao lưu văn hoá, kỹ thuật với các vùng chung quanh. Nhờ vào những bằng chứng di vật qua cuộc khảo sát, chúng ta có điều kiện để tìm hiểu về một kiểu làng xã cổ truyền Việt Nam

Kết quả khảo sát cho thấy qui mô làng nghề khác với những làng nông nghiệp thuần tuý. Trên cơ sở kết hợp sản xuất nông nghiệp và hoạt động thủ công, được xây dựng trên cở sở huyết tộc và cao hơn nữa là mối liên hệ trong ngành hoạt động sản xuất nghề nghiệp. Như GS. Hà Văn Tấn nhận xét, “Trong lịch sử Việt Nam các làng thủ công và các làng thương nghiệp có những mối liên hệ liên làng và siêu làng mạnh mẽ hơn là những làng thuần tuý nông nghiệp”. Dầu sao những nhận định trên mới chỉ là bước đầu để phác hoạ bề nổi của một mô thức làng nghề cổ truyền ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn việc nghiên cứu thiết chế xã hội bên trong, phần chìm của tảng băng, thì cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, dài hơi hơn trong tương lai.

Thời khai phá, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, tuy nhiên ở một số nơi như­ Bà Rịa, Long Điền, Long Đất, cho thấy đây là những làng kinh tế nông nghiệp có sự mở rộng của lao động thủ công. Trong lao động thủ công có phân công lao động giữa các ngành nghề. Đây có thể là một cơ tầng kinh tế tạo sự ổn định cũng nh­ư tạo khả năng giao lư­u trong thời khai phá. Kinh tế là một biểu hiện rõ nét đặc thù văn hóa, là phần nổi về cấu trúc văn hoá. Với quan niệm những ngành nghề cổ và sản phẩm của nó ẩn chứa những giá trị, những sáng tạo về văn hoá. Trong phần này xin đề cập một số nghề chủ yếu của cư­ dân thời khai phá Bà Rịa -Vũng Tàu.

Chính sự tiến bộ kinh tế sản xuất nông nghiệp và mở rộng các hoạt động thủ công trên vùng đất Bà Rịa Vũng Tàu đã thúc đẩy truyền thống văn hoá phát triển. Nh­ư vậy sản xuất nông nghiệp luôn là hoạt động đáng chú ý và quan trọng nhất trong đời sống kinh tế của lưu dân Việt. Kết quả khảo sát các địa phương nông thôn trong tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho thấy có một số l­ượng c­ư dân tư­ơng đối lớn 505.585 người (55,7%). Đó là kết quả dựa trên nền tảng của vùng sản xuất nông nghiệp ổn định.

Kết quả nghiên cứu nghề truyền thống trên địa bàn Bà Rịa –Vũng Tàu, cho thấy mối quan hệ giao lưu văn hoá- kỹ thuật đã diễn ra khá sớm trên mảnh đất này. Dựa vào những tài liệu dân tộc học cho thấy , khác với những làng nông nghiệp thuần tuý ở các tiểu vùng khác, nghề truyền thống ở Bà Rịa –Vũng Tàu hình thành trên cơ sở kết hợp sản xuất nông nghiệp và hoạt động thủ công. Những sản phẩm của được dùng làm hàng hoá trao đổi với khu vực xung quanh. Đời sống vật chất và tinh thần của họ đã phát triển ở một trình độ nhất định.

Các nghề truyền thống ở Bà Rịa –Vũng Tàu có những giá trị lịch sử- văn hoá quan trọng. Thực tiễn tình hình hiện nay hoạt động bảo tồn và phát huy tác dụng các giá trị di sản văn hoá phi vật thể đó đang có những thuận lợi, và khó khăn nhất định. Do vậy, ngoài việc đề cập đến thực trạng các nghề truyền thống hiện nay cần xây dựng đề án định hướng bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống ở Bà Rịa- Vũng Tàu trong thời gian tới.

                                                                                                                            QUANG MINH
_________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
– Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa Vũng Tàu. Đề cương Trưng bày Nhà Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu. Vũng Tàu, 2006.
– Bán nguyệt san Xưa & Nay. Miền Đông Nam Bộ lịch sử và phát triển. NxbTp.Hồ Chí Minh, 2002
– Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Nxb Giáo dục, 1998
– Bùi Văn Vượng. Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Hà Nội, 1998
– Huỳnh Lứa (chủ biên). Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1985
– Imprimerie L. Ménard. Monographic de la frovince de Baria et de la ville du Cap Saint – Jacques. Sai Gon, 1902.
– Phạm Quang Minh. Công cuộc khẩn hoang của người Việt ở Bà Rịa- Vũng Tàu (TK 17-Giữa TK 19). TT Khoa học Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu, 2000.
– Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam thực lụctiền biên và chính biên. Nxb Sử học. Hà Nội, 1963
– Sở Văn hóa Thông tin Bà Rịa Vũng Tàu. Bà Rịa Vũng Tàu xưa và nay. Tạp chí X­ưa và Nay, 2000.
– Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (chủ biên). Địa chí Bà Rịa Vũng Tàu. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2005

Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu