NGHỊ ĐỊNH SỐ 86/2005/NĐ-CP : Quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (Chương IV, V, VI, VII)

(05/08/2020)

Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG VIỆC BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA DƯỚI NƯỚC
Điều 24. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát hiện di sản văn hóa dưới nước
1. Khi phát hiện di sản văn hóa dưới nước, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ kịp thời thông báo chính xác địa điểm phát hiện di sản văn hóa dưới nước và chậm nhất sau 03 ngày phải giao nộp những di sản văn hóa dưới nước có được dưới bất kỳ hình thức nào cho một trong các cơ quan nhà nước gần nhất tại địa phương:
a) Uỷ ban nhân dân các cấp;
b) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa thông tin;
c) Các đơn vị lực lượng vũ trang.
2. Chỉ thông báo việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về văn hóa thông tin và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này.
 
Điều 25. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân khi tiếp nhận thông tin và nhận bàn giao di sản văn hóa dưới nước
1. Việc tiếp nhận thông tin và giao nhận di sản văn hóa dưới nước phải được lập thành văn bản, gồm những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin và giao nộp di sản văn hóa dưới nước; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và di sản văn hóa dưới nước;
b) Mô tả địa điểm, thời gian, hoàn cảnh khi phát hiện di sản văn hóa dưới nước; loại hình, chất liệu, kích thước, đặc điểm, tính năng và các thông tin khác về di sản văn hóa dưới nước được giao nộp.
2. Triển khai kịp thời hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức công tác bảo vệ nơi phát hiện di sản văn hóa dưới nước, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Trong trường hợp không đủ điều kiện thực hiện những quy định tại khoản 2 Điều này thì cần báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
4. Trong thời gian 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin về di sản văn hóa dưới nước, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
 
Điều 26. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
a) Tiếp nhận thông tin phát hiện di sản văn hóa dưới nước và báo cáo ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa thông tin theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định này;
b) Tổ chức bảo vệ, thu hồi, bảo quản di sản văn hóa dưới nước;
c) Tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước;
d) Tạo điều kiện và phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ và tổ chức các hoạt động khác liên quan đến di sản văn hóa dưới nước.
2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan trong huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước;
b) Chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước;
c) Thông báo kịp thời cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa thông tin.
3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Khi nhận được thông tin hoặc báo cáo về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Báo cáo kịp thời cho Bộ Văn hóa – Thông tin;
b) Tổ chức thẩm tra tính chính xác của thông tin về di sản văn hóa dưới nước;
c) Chỉ đạo việc bảo vệ địa điểm có di sản văn hóa dưới nước;
d) Chỉ đạo Sở Văn hóa – Thông tin tổ chức bảo vệ, bảo quản, tiến hành giám định sơ bộ di sản văn hóa dưới nước được giao nộp;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan lập dự án khai quật di sản văn hóa dưới nước và chỉ đạo các hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước;
e) Tổ chức bảo quản, bảo vệ và lập phương án sử dụng di sản văn hóa dưới nước sau khai quật.
Điều 27. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân được tiến hành thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước
Cơ quan, tổ chức và cá nhân được tiến hành thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước có trách nhiệm:
1. Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.
2. Giữ bí mật tọa độ địa điểm thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
3. Bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
4. Bảo vệ môi trường sinh thái, sinh vật dưới nước và tài nguyên thiên nhiên khác.
5. Tuân thủ các quy định của pháp luật về thăm dò, khai quật khảo cổ.
Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa – Thông tin
Bộ Văn hóa – Thông tin ngoài việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, có trách nhiệm:
1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.
2. Xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa dưới nước.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo,Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo quản và khai quật di sản văn hóa dưới nước; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao sự hiểu biết về kỹ năng bảo quản di sản văn hóa dưới nước.
4. Quản lý, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.
5. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thẩm định các dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
6. Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di sản văn hóa dưới nước và các Bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
 
Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Tổng hợp và cân đối vốn đầu tư cho các dự án quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định các dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo thẩm quyền và có vốn hợp tác đầu tư của nước ngoài.
Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách tài chính trong việc quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai quật, bảo quản, sử dụng, chuyển giao, tiếp nhận, chuyển nhượng và thanh lý di sản văn hóa dưới nước.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về tài chính đối với các dự án về quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
3. Cấp phát, kiểm tra và thanh tra việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai quật các di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.
4. Ngăn chặn và xử lý việc xuất khẩu, nhập khẩu trái phép di sản văn hóa dưới nước.
Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực có di sản văn hóa dưới nước và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước khai quật được.
2. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan ngăn chặn và xử lý các hành vi tìm kiếm, thăm dò, trục vớt, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển quyền sở hữu trái phép di sản văn hóa dưới nước.
3. Chỉ đạo lực lượng công an thuộc phạm vi quản lý của Bộ, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tại địa phương trong việc bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; bảo đảm an ninh trật tự khu vực đang thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
Điều 32. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ bảo đảm an ninh, trật tự khu vực có di sản văn hóa dưới nước; bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia; kiểm tra xử lý, ngăn chặn các hành vi trục vớt, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép di sản văn hóa dưới nước.
Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Ưu tiên cung cấp các phương tiện vận tải khi nhận được đề nghị của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm hoạt động thăm dò, khai quật và vận chuyển di sản văn hóa dưới nước.
2. Hướng dẫn, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho di sản văn hóa dưới nước và an toàn giao thông trong khu vực có di sản văn hóa dưới nước.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
Điều 35. Trách nhiệm của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
1. Tổ chức nghiên cứu và đề xuất các phương án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước; xây dựng mô hình tổ chức ngành khảo cổ học dưới nước.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
Điều 36. Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác trong việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
Các cơ quan nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.
Chương V
HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ
DI SẢN VĂN HÓA DƯỚI NƯỚC
Điều 37. Chính sách của Nhà nước trong việc hợp tác quốc tế về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
Nhà nước khuyến khích hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, học tập trao đổi về kinh nghiệm quản lý các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa dưới nước; ứng dụng chuyển giao các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong công tác bảo vệ, bảo quản di sản văn hóa dưới nước.
Điều 38. Nội dung về hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
1. Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng dự án quản lý, bảo quản, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
2. Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong việc quản lý, bảo quản, bảo vệ, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
3. Hợp tác trong lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý, bảo quản, bảo vệ, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
4. Trao đổi thông tin về di sản văn hóa dưới nước.
Điều 39. Tranh chấp và giải quyết tranh chấp về di sản văn hóa dưới nước có yếu tố nước ngoài
Việc tranh chấp và giải quyết tranh chấp về di sản văn hóa dưới nước có yếu tố nước ngoài dựa theo nguyên tắc:
1. Tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia.
2. Thoả thuận và bình đẳng.
3. Phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Chương VI
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 40. Khen thưởng
1. Các hình thức khen thưởng và mức thưởng:
Tổ chức, cá nhân phát hiện, tự nguyện giao nộp di sản văn hóa dưới nước cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy theo giá trị của di sản văn hóa được xét tặng, truy tặng giấy khen, bằng khen, huy chương hoặc được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di sản văn hóa dưới nước theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 41. Xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
1. Mọi hành vi vi phạm trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Người có thẩm quyền mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 42. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
2. Cá nhân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
3. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 43. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những quy định của Chính phủ trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
 
Điều 44. Hướng dẫn tổ chức thi hành
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
 
  TM. CHÍNH PHỦ
      THỦ TƯỚNG
             (Đã ký)
     Phan Văn Khải

Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu