Những làng cổ, làng nghề truyền thống trên đất Biên Hòa – Đồng Nai

(29/02/2012)

Đồng Nai là vùng đất được khai phá sớm ở Nam bộ. Trong đó, một số làng cổ là nơi đứng chân cho công cuộc khẩn hoang lập nghiệp. Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều ngành nghề được hình thành góp phần cho việc ổn định của cư dân trên vùng đất mới. Trong dòng chảy của lịch sử, những làng cổ, nghề truyền thống đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đất Đồng Nai.

Làng Bến Gỗ: Làng Bến Gỗ thuộc xã An Hòa, huyện Long Thành. Địa bàn này được các tộc người đến định cư, lập nghiệp xuyên suốt cả một thời kỳ lịch sử từ thời đại đồng thau cách nay hàng ngàn năm. Vùng Bến Gỗ có núi Thiết Khâu và sông An Hòa. Núi Thiết Khâu tục gọi là núi Lò Thổi, gò đống gồ ghề, rừng rú rậm rạp, có mỏ sắt và nhân dân trong vùng đến khai thác nấu quặng; sông An Hòa là chi lưu của sông Phước Long, ngoài cửa là sông Đồng Châu, chảy về phía bắc đến chợ An Hòa làm bến tre gỗ, tục gọi Rạch Gỗ. Khu vực Bến Gỗ xưa là vùng đất có nhiều đền, chùa, miếu nhưng qua nhiều biến động của xã hội, một số bị phá hủy nay không còn dấu vết. Họ đạo Bến Gỗ là một trong những họ đạo ra đời sớm trên đất Biên Hòa – Đồng Nai, xây dựng vào năm 1882. Làng Bến Gỗ hiện tại có nhiều đình, chùa, miếu và mỗi di tích thường gắn liền với những câu chuyện kể dân gian đầy màu sắc huyền bí như: Bà Mụ Trời, miễu bà Khoanh, chuyện Ông Tượng… Đình An Hòa là ngôi đình bề thế còn bảo lưu nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc độc đáo.

Đất Bến Gỗ còn nổi tiếng về đua thuyền. Tương truyền, từ thời Minh Mạng, dân Bến Gỗ đã thành lập đội đua để tham gia vào cuộc đua tổ chức ở Biên Hòa. Ngày nay, đội đua thuyền ở Bến Gỗ còn duy trì dù là tự nguyện nhưng đã giật nhiều giải cao trong các kỳ thi trên toàn quốc. Lễ hội ở Bến Gỗ cũng rất đa dạng. Đặc biệt, tại đình An Hòa và chùa Ông, đáo lệ ba năm được tổ chức lễ hội kéo dài nhiều ngày với các hình thức diễn xướng dân gian độc đáo như hát bội, xô giàn, đua thuyền… người dân tham dự đông đảo.

Làng Bến Cá: Bến Cá là vùng đất được người Việt định cư khá sớm, nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Từ thế kỷ XIX, địa danh Bến Cá là huyện lỵ huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa. Sử sách cho biết: chợ Bình Thảo, thôn Bình Thảo, huyện Phước Chánh có tên nữa là chợ Ngự Tân -tức Bến Cá, người buôn tấp nập, đường thủy, đường bộ giao thông, hàng ngoài và thổ sản, giang vị, sơn hào không thiếu thứ gì, là một chợ lớn ở miền núi. Vùng Tân Bình còn dấu vết của một con rạch mang tên Bến Cá, được sử sách chép rằng: do lụt lội vào năm 1774 làm xói lở, cù lao Ngô và cù lao Tân Triều chia làm hai, ở giữa là con sông nhỏ, nước cạn và hẹp, nước sông nhỏ chảy ngược ra sông lớn không theo tiết. Người dân địa phương có câu ca dao “Nước sông trong sao lại chảy hoài. Thương người đáo xứ lạc loài tới đây… ” để lý giải hiện tượng này. Ở Bến Cá đã phát hiện một số di vật cổ bằng đá của người tiền sử. Bến Cá xưa – Tân Bình nay là địa phận có nhiều đình, chùa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Bến Cá là một trung tâm Phật giáo của Nam Bộ với sự hiện diện của chùa Kim Cang và bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều dòng Lâm Tế đời thứ 38. Bên cạnh đạo Phật, đạo Công giáo cũng được truyền bá vào đây khá sớm. Sự phát triển của họ đạo Tân Triều có liên quan đến những hoạt động của Nguyễn Ánh trước đây trên vùng đất này. Bến Cá nổi danh về bưởi Tân Triều với nhiều loại như: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi, bưởi long, bưởi xiêm… Nhiều vườn bưởi trở thành địa điểm du lịch sinh thai ly tưởng.

Làng Hiệp Hòa (Cù lao Phố) Địa bàn này thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa- vốn là thương cảng Cù lao phố nổi tiếng một thời của đất Nam Bộ. Nơi đây được ví như một chốn đô hội với: “mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm. Chia vạch làm ba đường phố: đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng. Kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đều neo liên tiếp nhau… ”. Là một trung tâm thu mua hàng hóa được từ nhiều nguồn, đa dạng và thương mại phát triển diễn ra náo nhiệt với nhiều tàu buôn của các nước trong khu vực. Trong lịch sử phát triển của xứ Đồng Nai, Cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như: dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, trồng mía, nấu đường… Sản phẩm đường làm ở Cù lao Phố được xem là đặc sản xuất bán cho nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ XVII, XVIII. Qua thời cuộc bể dâu, thời kỳ hoàng kim Cù Lao Phố lui vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mệnh của một đô thị cổ, một thương cảng sầm uất vào bậc nhất ở đất phương Nam cách nay hàng mấy thế kỷ. Ở Cù lao Phố hiện nay có 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 ngôi miếu, 1 biểu tòa Cao Đài và ngôi chùa Hoa cổ kính. Cù lao Phố là đơn vị hành chánh cấp xã có số lượng cơ sở đình, chùa, đền, miếu thuộc loại nhiều nhất ở Nam Bộ; phong phú về dạng thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen, hòa trộn vào nhau. Trên cù lao, tồn tại một số nhà cổ với kiến trúc truyền thống của người Việt khá độc đáo, nhiều hoành phi, liễn đối và cấu kết kiến trúc được chạm khắc tinh xảo.

Làng nghề đá Bửu Long: Làng nghề này trải dài theo đường Huỳnh Văn Nghệ thuộc phường Bửu Long. Những người Hoa bang Hẹ từ Trung Quốc đến sinh sống đã hình thành nên làng nghề và phát triển cho đến ngày nay. Nhiều thế hệ gia đình của người Hoa duy trì nghề truyền thống này với những cơ sở được phát triển, than gia nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật ở Nam Bộ. Nghề được truyền theo kiểu cha truyền con nối với những bí quyết trong các công đoạn chế tác sản phẩm. Những người làm nghề điêu khắc đá đòi hỏi sự cẩn trọng, tính kiên trì, cần cù, tỉ mỉ và sự sáng tạo với tính mỹ thuật cao. Sản phẩm điêu khắc từ làng nghề Bửu Long rất phong phú, chúng có mặt hầu hết trong các gia đình từ vật dụng, đồ dùng sinh hoạt (cối đá, ly, chén, bình đựng, bộ cờ… ), các cấu kết kiến trúc trong nhà ở, chùa chiền, đình miếu (tán cột, kèo ngang… ) hay các mảng trang trí, đồ thờ cúng (bát nhang, lư hương, đèn, mảng hoa văn, tượng linh thú… ) trong tín ngưỡng, tôn giáo (tượng thờ, khám thờ, linh vị, bia, nhà mồ… ). Tùy theo tính chất, công năng của của từng loại sản phẩm, nghệ nhân thực hiện đề tài chạm khắc phù hợp, mang tính mỹ thuật. Trải qua hơn ba thế kỷ tồn tại, nhiều thăng trầm làng nghề đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đẩu… và góp phần tôn thêm vẻ đẹp của nhiều công trình kiến trúc trên đất Biên Hòa (miếu Tổ sư, chùa Bà thiên Hậu, Thất phủ cổ miếu, Chùa Ông, Văn miếu Trấn Biên) và nhiều cụm tượng đài ở các địa phương trên cả nước bằng chất liệu đá.

Làng gốm Tân vạn: Nghề làm gốm lu xuất phát từ những thợ gốm người Hoa ở Biên Hòa lập nên. Nửa cuối thế kỷ XIX (1875), nhiều lò gốm gia dụng ở Tân Vạn đã bắt đầu hình thành. Một trong những lò gốm thành lập khá sớm là Tú Hiệp Thái, sau đổi là Quảng Thuận Long rồi Quảng Phát Long hay Lò Cũ. Những lò gốm cũ của người Hoa chuyên làm đồ gia dụng với những loại sản phẩm như: lu, hũ, chậu, ghè, mái vú… bằng gốm sành. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao tạo cho xương sành dày, chắc và cứng. Quá trình tạo ra sản phẩm gốm lu còn mang tính thủ công cổ truyền, kỹ thuật chế tác chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn và qua nhiều công đoạn. Bên cạnh các lò gốm lu, nhiều cơ sở làm gốm mỹ nghệ hiện nay cũng được hình thành và phát triển khá mạnh ở Tân Vạn, Bửu Hòa. Đầu thế kỷ XX, nghề gốm đã phát triển khá mạnh ở Biên Hòa nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng như: nồi, trả, trách, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng chứ chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật. Các lò sản xuất gốm mỹ nghệ thịnh hành kể từ khi trường Bá Nghệ Biên Hòa được thành lập cách đây hàng thế kỷ. Qui trình sản xuất, tạo mẫu, pha chế men màu, đặc biệt khâu cải tạo nguyên liệu gốm… được nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Năm 1923, các nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công “gốm mỹ nghệ Biên Hòa”. Từ đó, nhiều sản phẩm gốm đa dạng được sản xuất dùng trong sinh hoạt, trang trí, thờ cúng… Hiện nay, sản phẩm gốm Biên Hòa được xuất khẩu ra đến nhiều quốc gia.

Làng đất nung Bửu Long: Tên quen gọi của làng gốm đất nung này là xóm Lò Nồi, thuộc phường Bửu Long. Xóm nghề hình thành do một số hộ gia đình quê huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đến Đồng Nai lập nghiệp vào khoảng những năm 1940 – 1945. Quá trình làm gốm đất nung hoàn dựa vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt về nguyên liệu tạo gốm và chất đốt nung gốm. Quá trình làm gốm đất nung tương đối đơn giản, nhẹ nhàng và hoàn toàn mang tính thủ công. Đất sét vàng lấy từ vùng núi đá Bửu Long, phơi khô, đập nhỏ vụn, sàng lấy bột đất nhuyễn, đất cục thô ngâm nước quậy thành bùn. Lọc sạn khỏi bùn sau đó trộn với bột đất khô, pha thêm cát trắng mịn, nhào lên đất cho đủ độ dẻo để có thể nặn, xoay và chuốt ra sản phẩm. Chỉ cần một bàn xoay gỗ nhỏ đơn giản, người phụ nữ xóm Lò Nồi có thể xoay từ viên đất đã lên dẻo thành những sản phẩm gốm. Sản phẩm của xóm Lò Nồi chủ yếu là đồ gia dụng như: bếp lò, nồi xông, trách (trả thửng), xoong (tộ) kho cá, chậu trồng lan, cơi tráng bánh, nồi thử vàng, khuôn bánh khọt… Hơn nửa thế kỷ tồn tại, đã có lúc nghề này rất hưng thịnh và phát triển rộng gần hết xóm, sản phẩm đất nung Bửu Long có mặt ở khắp địa phương và các vùng lân cận như: Sài Gòn, Bình Dương, Bình phước, Tây Ninh và cả các tỉnh miền Tây Nam bộ…

 Làng nghề dệt thổ cẩm: Đây là làng nghề của người Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú. Công việc dệt thổ cẩm với nhiều công đoạn là công việc hằng ngày của phụ nữ Mạ. Mỗi  nhà, luôn có khung dệt, đồ cán sợ, xe chỉ. Trước đây, các nguyên liệu để dệt thổ cẩm đều tự tay người Mạ làm từ việc trồng bông làm sợi, xe chỉ cho đến việc lấy vỏ cây làm màu từ những loại cây trong rừng. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm Mạ vẫn còn duy trì trong cộng đồng nhưng, các khung quay, đồ cán sợi, xe chỉ không còn nữa. Qua nhiều dự án truyền dạy, nghề dệt thổ cẩm Mạ đang hồi sinh. Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Mạ là chăn, váy, khố, dây quấn đầu… Trên những sản phẩm đó, qua bàn tay khéo léo của người dệt, thổ cẩm của người Mạ có nhiều loại hoa văn trang trí đa dạng. Nó không chỉ là sự kết hợp khéo léo của màu sắc mà còn là biểu tượng cho cách nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới vốn phong phú của cộng đồng người Mạ. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, công dụng của nó mà người Mạ trang trí các loại hoa văn có ý nghĩa. Có nhiều biểu trưng hoa văn và ý nghĩa trên thổ cẩm của người Mạ. Hầu hết, nó liên quan đến tư duy của cộng đồng Mạ về cuộc sống, thế giới, và những tín niệm được đúc kết, trải nghiệm qua bao đời. Nhiều hoa văn được truyền qua nhiều thế hệ bởi những câu chuyện, trường ca… có liên quan đến nguồn gốc, phong tục của tộc người Mạ. Chúng được thể hiện trên thổ cẩm với những nét tinh tế, sắc sảo qua sự khéo léo của mỗi người dệt; đặc biệt là những nghệ nhân. Và hơn nữa, khi dệt những hoa văn họa tiết trên thổ cẩm, mỗi sản phẩm làm ra không chỉ là công sức bỏ ra mà còn tình cảm của những người dệt gởi gấm vào đó.

Cùng với quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ của các cộng đồng cư dân, nhiều làng nghề được hình thành, nhiều nghề thủ công truyền thống xuất hiện trên vùng đất Biên Hòa  góp phần trong phát triển kinh tế xã hội từ địa bàn cơ sở. Sự có mặt của nhiều ngành nghề đã làm phong phú cho ngành nghề kinh tế ở Đồng Nai, thể hiện sự thích ứng linh hoạt của người dân. Đó là các làng nghề, nghề truyền thống như đúc gang ở Thạnh Phú (Vĩnh Cửu), dệt vải ở Tân Mai (Biên Hòa), nghề đúc đồng (Long Thành), làm trống (Trảng Bom), dệt lưới (Định Quán), nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ, nghề làm bún, làm thùng thiếc, chằm nón, đan mây tre… ở nhiều địa bàn dân cư. Dẫu có những thăng trầm trong quá trình phát triển nhưng một số làng nghề, nghề truyền thống đã  khởi sắc, từng bước được đầu tư nâng cao công nghệ kỹ thuật, khẳng định một sức sống trên đất Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung.

Phan Dũng


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu