Đánh giá và nghiệm thu kết quả khai quật 3 di chỉ khảo cổ học tại xã Kim Long, Cù Bị và Quảng Thành
Ngày 10/12, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức đánh giá và nghiệm thu kết quả khai quật 3 di chỉ khảo cổ học tại xã Kim Long, Cù Bị và Quảng Thành (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đến dự có ông Trần Anh Thiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh; Tiến sỹ Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó viện trưởng, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học – Viện khoa học Xã hội vùng Nam bộ; đại diện khách mời và các đơn vị Báo chí, Đài Phát thanh truyền hình trên địa bàn.
Các di vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị 4 và Quảng Thành (huyện Châu Đức).
Theo báo cáo khai quật của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, chương trình khai quật di tích Cù Bị 4 thuộc Nông trường cao su Cù Bị (thôn Đồng Tiến, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) được tiến hành trong tháng 8. Đối với di tích khảo cổ học Kim Long (thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức), từ tháng 7 – 10/2024. Di tích Quảng Thành (thôn Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) được tiến hành chương trình khai quật từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10/2024. Qua đó, Đoàn khảo sát đã ghi nhận nhiều phát hiện mới giúp làm rõ không gian cư trú thời tiền sử khoảng 3.000 – 3.500 năm trước ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Những hiện vật tìm thấy phản ánh quan hệ giao lưu văn hóa, mua bán trao đổi sản phẩm hàng hải thời tiền sử.
Cụ thể, di chỉ Kim Long là di tích cư trú – mộ táng nằm trong vùng tiếp giáp giữa vùng cao Đông Nam Bộ và vùng cận biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Di chỉ có niên đại từ 2.500-2000 năm cách ngày nay. Di vật tìm thấy gồm đồ gốm, đồ trang sức và công vụ vũ khí bằng kim loại.
Di chỉ Cù Bị 4 là phát hiện mới về loại hình di tích cư trú thời tiền sử ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Di vật tìm thấy gồm đồ gốm và công cụ đá (rìu vai, rìu tứ giác, đục, dao hái). Niên đại di chỉ Cù Bị 4 có thể vào khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay.
Di chỉ Quảng Thành thuộc niên đại khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay gồm đồ gốm và đồ gỗ.
Các chuyên gia khảo cổ học đề xuất điều tra khai quật diện rộng làm rõ tính chất của những di chỉ khảo cổ học; phục dựng 3D để phục vụ công tác trưng bày; kiến nghị Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm tiến hành công tác lập hồ sơ xếp hạng các di chỉ kể trên để có cơ sở pháp lý và điều kiện bảo vệ di sản văn hóa địa phương.
Lê Hạnh