Hội thảo khoa học cấp tỉnh về Di tích khảo cổ học Vòng Thành Đá Trắng
Sáng ngày 11/9/2023, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp tỉnh về Di tích khảo cổ học Vòng Thành Đá Trắng do Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ đồng chủ trì tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự đông đủ các nhà khoa học đầu ngành về khảo cổ học như: PGS.TS. Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS. Bùi Chí Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS. Bùi Văn Liêm – Viện Khảo cổ học; PGS.TS. Phạm Quốc Quân – Hội đồng Di sản Quốc gia…các vị lãnh đạo, các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Viện nghiên cứu, các Sở, Ban ngành trong tỉnh và các bảo tàng trong khu vực.
Di tích Vòng Thành Đá Trắng thuộc ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Di tích được khảo sát lần đầu tiên vào năm 2002, trải qua 2 đợt điều tra thăm dò, khảo sát, đào thám sát vào năm 2007, năm 2012 và hai đợt khai quật từ tháng 11 năm 2021 đến năm 2023. Kết quả khai quật khảo cổ học tìm rất nhiều di vật, hiện vật chất liệu bằng gốm, đất nung có nguồn gốc đa dạng từ Champa (gốm Gò Sành), Trung Hoa (gốm hoa lam thời nhà Minh), gốm hoa lam Đại Việt (Chu Đậu), gốm Thái Lan (Sawankhalok) trong đó gốm Champa chiếm số lượng lớn nhất. Qua đó cho thấy di tích Vòng Thành Đá Trắng đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, qua nhiều thời kỳ – giai đoạn phát triển từ sớm đến muộn, đó là: Thời Tiền sử (2.500 – 2.000 năm BP); Thời Chân Lạp (thế kỷ VIII – X) và Thời kỳ Champa (thế kỷ XV – XVI). Trong đó, đậm nét nhất là thời kỳ văn hóa Champa – gắn liền với quá trình xây dựng và tồn tại của Vòng Thành Đá Trắng.
Nguyễn Quốc Mạnh trình bày báo cáo về kết quả khai quật di tích Vòng Thành Đá Trắng
(Ảnh Văn Thoa)
Hội thảo đã nghe các báo cáo, tham luận: Di tích Vòng Thành Đá Trắng (Bà Rịa – Vũng Tàu) từ những ghi nhận trong lịch sử đến kết quả khai quật gần đây của TS. Nguyễn Quốc Mạnh – Viện KHXH vùng Nam Bộ; Gốm sứ khai quật tại di tích Vòng Thành Đá Trắng những nhận thức ban đầu của TS. Hoàng Anh Tuấn – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh; Nguồn nguyên liệu đá ong khu di tích vòng thành Đá Trắng (Bà Rịa – Vũng Tàu) trên cơ sở địa chất khu vực của TS. Đinh Quang Sang – Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam và Di tích Vòng Thành Đá Trắng trong bối cảnh phát triển du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay của TS. Nguyễn Thị Hậu – Trường Đại học KHXH và NV Tp.HCM. Nội dung các báo cáo, tham luận và ý kiến của các chuyên gia đều thống nhất quan điểm đánh giá cao kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học Vòng thành Đá Trắng và giá trị văn hóa lịch sử của di tích, đồng thời đề xuất các giải pháp để bảo tồn, phát huy di tích này.
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Khánh Trung Kiên – Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học thay mặt Ban điều hành Hội thảo gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo. Những ý kiến đóng góp trên có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ giúp cho Sở văn hóa và Thể thao cùng Ban Tổ chức Hội thảo tham mưu, xây dựng giải pháp xếp hạng di tích, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích Vòng Thành Đá Trắng trình UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận.
Phạm Vẹn