Khu Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Đình Thắng Tam Vũng Tàu

(26/11/2019)

Địa chỉ di tích tại số 77A, đường Hoàng Hoa Thám phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quần thể Khu di tích đình Thắng Tam bao gồm: Đình Thần Thắng Tam, Lăng Ông Nam Hải, Miễu Bà Ngũ Hành, xây dựng ở thế đất Án Sơn Tụ Thủy.

 

  1. Đình thần Thắng Tam.Khởi dựng năm Canh Thìn (1820) đầu triều vua Minh Mạng.

Kiến trúc gồm Ngôi Tiền hiền, thờ tự các vị hương chức tiền bối dày công tạo lập tu bổ ngôi đình và thờ danh tánh các anh hùng, liệt sĩ là con em của thành phố Vũng Tàu và các nơi đã chiến đấu, hy sinh trên đất Thắng Tam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Bài trí có các ngôi thờ 13 đạo sắc phong thần, Tiền – Hậu tôn hiền, Đông hiến tiền vãng hiền, Tây hiến hậu vãng hiền, ngôi thờ các anh hùng liệt sĩ, thờ thổ thần – thổ địa – tài thần. Ngôi Chánh điện, bài trí có các ngôi Bàn Vua thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần (thờ bà Dương Thái Hậu và 3 bà Hoàng phi họ Triệu) các vị thần phò hộ những người đi biển, được vua Thiệu Trị và vua Tự Đức cấp ban 3 đạo sắc phong “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần” vào năm 1845,1846 và 1850; Ngôi Tả Ban liệt vị – Hữu Ban liệt vị thờ hai vị quan hầu các vị thần linh; Ngôi Thành Hoàng Chi Thần thờ thần hoàng bổn cảnh, được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1853; Bàn Hội Đồng thờ các vị đế vương, các vị thần trong bổn cảnh; Bàn Thần Nông thờ vị thần dạy dân cày cấy làm ruộng; Bàn Cao Các thờ thần núi. Bàn Trương Thiên Sư thờ tổ sư thầy pháp; Bàn Ngũ Đức Thánh Phi thờ các vị ngũ hành nương nương (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Bàn Lang Lại nhị Đại Tướng Quân thờ hai vị thần Rái Cá. Bàn Ngũ thổ Ngũ tự thờ năm vị thần (môn thần – hộ thần – hành thần – tĩnh thần – táo thần); Bàn La Liệt thờ các quan quân của linh thần. Bàn thờ các vị học trò lễ sinh quá vãng. Nhà hội, nơi hội họp, làm việc của Ban Tế tự, hương chức và Ban Quản lý khu di tích và là nơi tiếp kiến, tổ chức giao tế của các sự kiện lễ hội thường niên tại đình, lăng, miễu. Võ Ca, nơi làm lễ xây chầu, trình diễn hát bội, tuồng cổ mỗi khi lệ cúng lễ đình thần, lăng ông, miễu bà. Lễ hội cúng Kỳ Yên đình thần diễn ra vào ngày 17,18,19 tháng Hai âm lịch hàng năm. Cổng Tam quan (nghi môn) ngói lợp hai mái, trang trí bốn phù điêu “rồng chầu, hổ phục, bát tiên quá hải, lý ngư hóa long”.

Trong khuôn viên đình còn có miếu Thỉnh Sanh (khấn nguyện làm heo tế), miếu thờ ông hổ sơn lâm, ban thờ Tả du, Hữu du (Đông trại, Tây trại), mộ táng cá Ông (lụy) lấy ngọc cốt thờ tự.

  1. Lăng ông Nam Hải.Tạo lập năm Giáp Thân (1824), thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, được vua Thiệu Trị, vua Tự Đức phong 3 sắc thần vào năm 1845, 1846 và 1850. Ngôi chánh điện lăng ông bài trí bàn thờ bộ ngọc cốt cá Ông dài 18 mét, lụy (chết) vào năm Tân Mão (1831) tại biển Bãi Sau Vũng Tàu(1). Bàn thờ tả Lý ngư, hữu Lý ngư. Bàn thờ Đông hiến – Bàn thờ Tây hiến thờ 180 bộ ngọc cốt cá Ông; Bàn thờ cốt Bà (Thần Rùa); Bàn thờ Tổ nhạc ngũ âm và 3 bàn thờ Tiền hiền phía sau chánh điện lăng ông.

Lễ hội Nghinh Ông cúng cầu ngư hàng năm trong ba ngày 16, 17, 18 tháng Tám âm lịch. Từ mờ sáng ngày 16, đoàn ghe thuyền rời bến Bãi Trước, nhắm hướng đông, vươn ra vùng biển nơi giáp mũi Nghinh Phong ở Bãi Sau để tế lễ, cầu ngư rồi quay về lại bến để khai hội Nghinh Ông. Tiếp đó, đoàn diễu hành qua các đường phố Quang Trung – Lê Lợi – Trưng Trắc –  Trần Hưng Đạo – Hoàng Hoa Thám – an vị tại ngôi Lăng Ông đình Thắng Tam. Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là một trong các sự kiện văn hóa đặc trưng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của cả nước.

Lễ hội Nghinh Ông thành phố Vũng Tàu năm 2011

  1. Miễu bà Ngũ hành.Tạo lập vào năm Nhâm Thìn (1832), thờ năm bà nữ thần Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và hai vị hộ quốc là bà Thiên Y A Na và Thuỷ Long Thần Nữ, được vua Thiệu Trị, vua Tự Đức ban 6 sắc phong “Thượng Đẳng Thần” vào những năm 1845, 1846 và 1850. Trong chánh điện còn có bàn Đông Hiến thờ cậu Tài, cậu Quý; Bàn Tây Hiến thờ bà phi Hồng Hạnh Liễu Thái Xuân Tri; Bàn thờ ông Quan Thánh, bàn thờ ông địa, thần tài và 3 bàn thờ Tiền Hiền phía sau chánh điện.

Lễ hội Miễu bà Ngũ hành diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 10 âm lịch hàng năm theo thông lệ cổ truyền.

  1. Miếu Hòn Bà – Bãi Sau.Tọa lạc tại mũi Nghinh Phong, Bãi Sau thành phố Vũng Tàu, là một miếu đảo ngoài biển do thiên nhiên tạo nên, được tạo lập vào năm Đinh Dậu (1781), do Ban Tế tự đình Thắng Tam trực tiếp quản lý. Miếu thờ bà Thủy Long Thần Nữ, cúng lễ vào rằm tháng giêng, rằm tháng 4, rằm tháng 7, rằm tháng 10. Ngày 16 tháng 10 âm lịch hàng năm tổ chức lễ nghinh thỉnh Bà về Miễu bà Ngũ hành Thắng Tam tế lễ.

Lễ Nghinh Bà miếu Hòn Bà (Bãi Sau) năm 2013

Tổng thể kiến trúc các ngôi thờ tự trong khu di tích, nóc được lợp bằng ngói móc, trên mái có “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi, đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng phụng theo lối nối tiếp, gồm một gian ba chái. Trong chánh điện 4 ngôi còn có các hoành phi, bao lam, câu đối, câu liễng.

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa hữu hình, nghệ thuật – kiến trúc, cùng với dấu ấn riêng về phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh, năm Tân Mùi – 1991, Khu di đình thần Thắng Tam được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.

______________

(1)Tương truyền trong dân gian, năm 1831 có một phần đầu cá ông (cá voi) lụy (chết) trôi vào biển Bãi Sau. Ngư dân đem vào thờ trong Lăng Ông. Nhưng thực tế, năm 2011, Viện hải dương học Nha Trang khảo sát trong số 180 bộ xương cá ông thờ tại Lăng và phục dựng lại, có một bộ chiều dài khoảng 18 mét.

Lăng Ông Nam Hải Thắng Tam Vũng Tàu hiện thờ tự nguyên bộ cốt cá ông có chiều dài khoảng 18 mét, là bộ ngọc cốt nguyên thể cá ông được ngư dân đưa vào thờ tự năm 1831.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu