Phòng Trưng Bày Lưu Niệm Nhạc Sĩ Camille Saint Saens Tại Di Tích Nhà Công Quán

(05/08/2020)

Di tích Nhà Công Quán nằm trong quần thể kiến trúc thị trấn tù do thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX bằng sức lao động khổ sai của tù nhân nhằm phục vụ cho bộ máy cai trị tù.

Chức năng đầu tiên của ngôi nhà này là Nhà khách (Maisson de passanger) – nơi dừng chân cho lữ khách đến thi hành công vụ tại đảo. Đến thời Mỹ, ngôi nhà này được xây thêm mặt tiền nhô ra và đặt tên là Công Quán. Di tích nhà Công Quán cũng như các công trình kiến trúc của thị trấn tù là minh chứng cho việc bóc lột sức lao động khổ sai của người tù, là sự so sánh đối lập với kiến trúc ghê rợn của trại giam. Với ý nghĩa đó, di tích Nhà Công Quán được khởi công trùng tu, tôn tạo năm 2005 theo kiến trúc ngôi Nhà khách vãng lai thời Pháp và đã hoàn thành vào cuối năm 2006.

Di tích Nhà Công Quán gắn liền với sự kiện tháng 3/1895 một nhạc sĩ người Pháp đã đặt chân đến Côn Đảo, say lòng trước vẻ đẹp của hòn đảo này đã tỏ ra không đồng tình trước những tội ác mà thực dân Pháp đang gây ra. Tại ngôi nhà này ông đã hoàn tất ba chương cuối vở nhạc kịch “Brunehilda” của người bạn nhạc sĩ thân thiết lúc quá cố đã ủy thác cho ông. Trước khi rời đảo, ông đã gửi lại những nỗi niềm trăn trở của mình trong bức thư gửi Chúa đảo Jacquet. Những dấu ấn đẹp đẽ của ông trên Côn Đảo có thể xem là dấu ấn văn minh nhất của người Pháp trên hòn đảo ngục tù này. Ông chính là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ pianô và organ Pháp Charles Camille Saint Saens, sinh ngày 9/10/1835 tại Paris.

Trong thời gian tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích nhà Công Quán, Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo đã đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu về nhạc sĩ người Pháp này. Sau nhiều lần đặt vấn đề với bà Thiều Thị Tân – một nữ cựu tù chính trị Côn Đảo có mối quan hệ với nhiều bạn bè người Pháp, ngày 25/6/2005 ông Dominique Foulon – người đã sưu tầm tư liệu và hình ảnh về nhạc sĩ Camille Saint Saens cùng với bà Thiều Thị Tân đã tặng đơn vị một số tư liệu và hình ảnh về người nhạc sĩ này như một món quà để trưng bày bên trong ngôi nhà mà ông đã từng lưu trú tại Côn Đảo. Với hơn 50 tư liệu và hình ảnh có được, đơn vị đã thực hiện Phòng trưng bày lưu niệm nhạc sĩ Camille Saint Saens tại hai phòng nhỏ của di tích nhà Công Quán với diện tích 36,9m2 gồm 2 phần: Tiểu sử, sự nghiệp nhạc sĩ Camille Saint Saens và Dấu ấn Côn Đảo, nhằm giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Camille Saint Saens đặc biệt thời gian ông lưu trú, sáng tác tại Côn Đảo.

Trước tiên, khách tham quan sẽ dừng chân tại phòng khánh tiết đối diện với cửa ra vào để tưởng niệm người nhạc sĩ kỳ tài này. Nơi đây đặt tượng bán thân của nhạc sĩ Camille Saint Saens làm bằng chất liệu composite phủ một lớp nhũ đồng bên ngoài cùng với câu trích trong bức thư của ông gửi Chúa đảo Jacquet trước khi rời đảo “…Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”. Với nền đai màu vàng mang ý nghĩa tưởng niệm, gian khánh tiết còn trưng bày một số hình ảnh giới thiệu tiểu sử của nhạc sĩ. Mới lên 3 tuổi ông đã sáng tác đoạn nhạc đầu tiên. Đến khi 10 tuổi lần đầu tiên ông biểu diễn các bản nhạc của Beethoven và Mozart. Vào năm 1848 ông vào học tại nhạc viện Paris và đã gây được ấn tượng bằng tài biểu diễn pianô, organ và soạn nhạc. Năm 36 tuổi (1871) ông tham gia sáng lập Hội Quốc gia Âm nhạc. Ngoài ra, Camille Saint Saens đã đặt chân đến nhiều nước Châu Âu và Châu Mỹ. Khi đã bước sang tuổi 50 tuổi, ông lại càng đi xa hơn nữa về phía những xứ sở lạ lẫm và ông cũng từng đi đến La Havana (CuBa), Miến Điện, Đông Dương,… Vào tháng 3/1895, ông đến Côn Đảo và lưu trú một tháng tại ngôi Nhà khách này. Phòng trưng bày còn giới thiệu hình ảnh ngôi mộ của nhạc sĩ Camille Saint Saens khi ông qua đời ở Alger (Pháp) ngày 16/12/1921.

Trong suốt cuộc đời vĩ đại của mình, ông đã sáng tác 13 vở opéra, trong đó Samson và Dilila (1897) là vở nổi tiếng nhất, 10 bản concerto (5 bản viết cho piano), 3 bản giao hưởng, thánh ca và rất nhiều bài hát và trích đoạn pianô. Gian phòng kế tiếp dành hai mảng tường để giới thiệu một số tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của ông như: tác phẩm Ave Maria, Tollite hostias, Angela Brownridge, album nhạc “Concherto N 2”, tập nhạc “Tiếng Chuông chiều”, tập nhạc “Samson et Dalila”, tác phẩm Lễ hội các loài thú, đĩa nhạc “Symphonie No.3 avec orgue”, đĩa nhạc “Le rouet d’omphale – Danse Macabre”,v.v.. Nền đai trưng bày phần này được thể hiện cách điệu trên nền vải simili in hình những nốt nhạc và làm nổi 2 cây đàn piano và violoncelle là nhạc cụ mà ông thường dùng để sáng tác đã tạo cho phần trưng bày này thêm phần sinh động.

Phần trưng bày Dấu ấn Côn Đảo với nền đai in hình ảnh Bagne I và cảnh khổ sai xây dựng cầu tàu trên vải simili trưng bày một số hình ảnh lao động khổ sai như khuân vác, dọn tàu, lấy san hô,… cùng những bức kí họa của ông Lelorgne cảnh cổng vào trại giam (Bagne I); quang cảnh Cầu tàu, Sở Lưới và Nhà khách vãng lai vào cuối thế kỷ XIX; hình ảnh nữ hoàng Brunehaut mà ông tưởng nhớ đến để viết lên những trang nhạc u uất trước hoàn cảnh của những người tù khổ sai ,… Tuy chưa thật đầy đủ nhưng những hình ảnh này phần nào nói lên được hoàn cảnh đã tạo nguồn cảm hứng cho ông sáng tác ba chương cuối vở nhạc kịch bất hủ Brunehilda. Vở nhạc kịch này là một tác phẩm lớn do Guirand sáng tác, phỏng theo các tác phẩm văn học cổ điển của Grégoire de Tours và Augustin Thierry. Guirand bắt đầu viết bản đại hòa tấu lịch sử này từ năm 1889, đến năm 1892 ông lâm bệnh qua đời đã ủy thác cho Camille Saint Saens. Trong vòng 3 năm, ông đã đi chu du nhiều nước trên thế giới để tìm cảm hứng bi tráng của sử thi. Theo lời mời của A.Rousseau mới sang nhậm chức toàn quyền Đông Dương và một người bạn cùng phố “Ông Hoàng” tại Paris là Louis Jacquet – quyền Giám đốc Nhà tù Côn Đảo mà ông quen trong một chuyến đi từ Pháp sang Xây Lan (nay là Srilanka) mấy năm trước đó, ông đã đến Côn Đảo. Trước cảnh vật và vẻ đẹp của Côn Đảo, ông đã lưu lại đúng một tháng (từ ngày 20/3/1895 đến 19/4/1895) ở ngôi Nhà khách mới xây gần cầu tàu, có cửa sổ rộng không chấn song tràn trề ánh sáng. Tại đây ông miệt mài làm việc, nhiều lần nửa đêm về sáng ông thức giấc vì tiếng lọc cọc của những đoàn xe bò chở rau quả từ các sở tù xa đi ngang nhà khách, tiếng xiềng xích kéo lê trên mặt đường, có tiếng roi quất đen đét, tiếp đó là tiếng người rên rỉ. Rồi tất cả lại lặng đi. Trong giờ làm việc, qua khung cửa sổ, ông chỉ thấy những bộ sắc phục màu kaki trông đến nản người. Xa xa đầu dốc là hình ảnh những người tù đang làm khổ sai mở đường nối Bến Đầm với thị trấn Côn Đảo. Một thị trấn lạ lùng chỉ toàn công sở và cư xá của các loại cai ngục.

Vào một buổi tối ông vừa đi dạo tới gần bót gác đầu đường, lẫn trong tiếng ồn ào quen thuộc của trại giam một âm thanh lạ tai vọng lên dè dặt: một người tù đang so dây nhị một cái nhị, tiếng nhị vang lên một đoạn giáo đầu kỳ lạ. Cái thứ âm thanh ngọt ngào, quyến rũ, say đắm vượt lên, lan tỏa khắp nơi làm mờ dịu những đường nét gớm ghiếc của dãy tường đá chăng kẽm gai cài mảnh chai tua tủa. Ông đã nghe thấy lời đối thoại từ cuộc sống đích thực vọng tới, thứ âm thanh ông hằng mong đợi, tìm kiếm tưởng như vô vọng, thứ âm thanh như kể lể, chậm rãi kể lể. Bỗng có tiếng đấm cửa sắt thình thình, tiếng nhị im bặt. Những khúc dạo đầu kỳ lạ ấy đã hé mở một chân trời âm thanh mới mẻ, phong phú chưa biết đến. Đêm 19/4/1895, ông đã thức trắng trong ngôi nhà này để hoàn tất chương cuối vở nhạc kịch bất hủ “Brunehilda”. Đó là những trang nhạc u uất tưởng nhớ đến nữ hoàng Brunehaut thất thủ trong những ngày cuối đời phải bị lâm vào những cảnh tra tấn ghê rợn nhất. Nỗi niềm trăn trở của người nhạc sỹ còn lưu lại trong bức thư chia tay gửi cho chúa đảo Jacquet trước khi rời đảo:

“…Phong cảnh Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã qua, tôi chưa thấy ở đâu như thế…Cũng có thể vì tôi đến đây với tâm tình bè bạn. Và tôi đã hoàn tất vở opéra Brunehilda mà bạn tôi giao phó. Tôi hài lòng.
…Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là nền âm nhạc xứ này. Nhưng những cái tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu, trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào.
…Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi nhiều quá! Hay đã làm đảo lộn hết rồi chăng. Cái gì đã khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế ở trên mảnh đất này, trên hòn đảo này? Đương nhiên không phải vì cuộc sống của mỗi chúng ta, càng không phải nền văn minh của ta. Còn cách nào cứu vãn được không?
…Là một người yêu nhạc, tôi tin chắc rằng: ở đâu Cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó Tội Ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp” (theo Nguyễn Linh).
Sau khi đọc thư ấy, Chúa đảo Jacquet đã cho gắn lên vách tường Nhà khách một tấm bảng đồng lưu lại thời gian nhạc sĩ Camille Saint Saens ở đây. Tấm bảng đồng ấy vẫn còn đến sau ngày giải phóng có nội dung như sau:

DANS CETTE MAISON VÉCUT
LE GRAND COMPOSITEUR CAMILLE SAINT SAENS
DU 20 MARS AU 19 AVRIL 1895 IL Y ACHEVA L’OPÉRA BRUNEHILDA

Thế nhưng không biết ai đã gỡ xuống đem đi đâu. Hiện nay đơn vị đã phục chế lại tấm tấm bảng đồng và treo đúng vào vị trí trước đây của nó, đó là dấu tích của một tác phẩm lớn – lớn không chỉ vì đó là tác phẩm của Camille Saint Saens mà còn vì cái bi tráng của Brunehilda có một phần được ghi lại từ tiếng sóng, tiếng gió, từ hơi thở rên siết và cả tiếng thét cuồng nộ của những người tù Côn Đảo. Đây được xem là dấu ấn đẹp đẽ duy nhất của người Pháp trên hòn đảo “Địa ngục trần gian” này.

Phòng trưng bày này còn dành một mảng giới thiệu những thành tựu kinh tế – văn hóa – xã hội,… mà Côn Đảo đã và đang đạt được trên đường phát triển sau hơn một trăm năm kể từ ngày Camille Saint Saens đặt chân đến. Quả đúng như lời nhận xét trước đó của ông, Côn Đảo giờ đây đã thoát khỏi ngục tù, không còn hình ảnh đau khổ của những người tù nữa mà thay vào đó là biển trời trong xanh với nhiều phong cảnh đẹp và con người hiền hòa. Đảng bộ, quân và dân Côn Đảo hôm nay quyết tâm xây dựng Côn Đảo thành hòn đảo ngọc như mục tiêu của đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/10/2005:“…Xây dựng Côn Đảo thành Khu kinh tế – du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị Vườn Quốc gia Côn Đảo…Phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế…”.

Với những cố gắng của Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo, phòng trưng bày lưu niệm nhạc sĩ Camille Saint Saens bước đầu đã được thực hiện và tiếp tục bổ sung sưu tầm tư liệu hiện vật, đặc vở nhạc kịch Brunehilda, bức tranh sơn dầu cảnh nhạc sĩ Camille Saint Saens đang sáng tác chương cuối vở nhạc kịch Brunehilda, phía trước là cảnh tù nhân Sở Lưới đang lao động khổ sai kéo lưới, lấy san hô, khuân vác nặng, dọn tàu,…và cảnh một đoàn tù nhân đang lê bước trên Cầu tàu 914 với xiềng xích và đòn roi của cai ngục Pháp.

                                             Nguyễn Thị Bích Đào
 (Ban quản lý di tích nhà tù Côn Đảo)

____________________________________________

Tài liệu tham khảo :
1. Ngọc Phan. Charles Camille Saint Saens – Brunehilda và Côn Đảo, Côn Đảo ký sự và tư liệu, Ban LL TCT – Sở VHTT – Nxb Trẻ Tp.HCM, 1996, tr.81-82.
2. Nguyễn Linh. Chương cuối của một vở nhạc kịch, Nhà tù Côn Đảo – nhà lao Phú Quốc, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2005, tr.65-70.
3. Nguyễn Đình Thống. Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.19-20.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu