Quy Chế Thăm Dò, Khai Quật Khảo Cổ : Chương III
(05/08/2020)
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008
|
QUY CHẾ
THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL
ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Chương III
HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ
Điều 11. Điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ
1. Tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ được quy định tại Điều 19 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá (sau đây gọi là Nghị định số 92/2002/NĐ-CP) và Điều 12 Nghị định số 86/2005/NĐ-CP.
2. Người chủ trì việc thăm dò, khai quật khảo cổ phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Di sản văn hoá.
3. Có giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
Điều 12. Thủ tục và hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ
1.Tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ gửi hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tới Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ (mẫu Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Quy chế này) của tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ.
Trường hợp tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ mời tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ thì tổ chức chủ trì phải có văn bản báo cáo nêu rõ tên của tổ chức, cá nhân đó và những tài liệu giới thiệu về chương trình hợp tác của các bên tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ;
b) Văn bản thỏa thuận đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ đối với trường hợp tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ không phải là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoặc không phải là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
c) Sơ đồ vị trí địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ tỉ lệ 1:500, trong đó thể hiện rõ vị trí, diện tích các khu vực thăm dò, khai quật khảo cổ;
d) Văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ của tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ (nếu có).
Trường hợp tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ mời tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ thì tổ chức phối hợp phải có văn bản báo cáo tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ. Căn cứ ý kiến thỏa thuận của tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ sẽ xem xét, quyết định;
đ) Trong trường hợp cần thiết, nếu việc thăm dò, khai quật tại các địa điểm có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử của đất nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịchsẽ yêu cầu tổ chức xin cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ đệ trình kế hoạch thăm dò, khai quật khảo cổ và các tài liệu liên quan để xem xét trước khi cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không cấp giấy phép sẽ nêu rõ lý do bằng văn bản.
Điều 13. Thăm dò khảo cổ
Thăm dò khảo cổ bằng hoạt động đào thám sát trong lòng đất được quy định như sau:
1. Diện tích đào thám sát không quá 5m2/1 hố;
2. Không đào quá 5 hố thám sát trong một lần được cấp phép thăm dò khảo cổ;
3. Diện tích đào thám sát trong khu vực di tích kiến trúc được xem xét giải quyết theo yêu cầu cụ thể trong đơn đề nghị cấp phép thăm dò khảo cổ;
4. Việc thăm dò khảo cổ đối với di sản văn hóa dưới nước thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.
Điều 14. Khai quật khẩn cấp
1. Khi phát hiện địa điểm khảo cổ có nguy cơ bị xâm hại, huỷ hoại, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm khảo cổ có trách nhiệm:
a) Báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí để tổ chức khai quật khẩn cấp;
b) Cấp giấy phép khai quật khảo cổ khẩn cấp cho tổ chức có đủ điều kiện khai quật khảo cổ tại địa phương hoặc tổ chức có chức năng theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này (mẫu Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Quy chế này);
c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, báo cáo bằng văn bản tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấp phép khai quật khẩn cấp, trong đó nêu rõ những nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của địa điểm khảo cổ và gửi kèm theo bản sao giấy phép khai quật khẩn cấp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
2. Thủ tục cấp phép khai quật khẩn cấp:
a) Hồ sơ đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp được gửi tới Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi có địa điểm khảo cổ cần khai quật khẩn cấp;
b) Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép khai quật khẩn cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không cấp giấy phép phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
3. Hồ sơ đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp (mẫu Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Quy chế này) của tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ;
b) Sơ đồ tỉ lệ 1:500, thể hiện rõ vị trí, diện tích địa điểm khảo cổ cần khai quật khẩn cấp;
c) Văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ của tổ chức phối hợp khai quật khẩn cấp (nếu có).
4. Trước khi tiến hành khai quật khẩn cấp, tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải ghi chép mô tả chi tiết, thu thập tài liệu, lập sơ đồ và chụp ảnh hiện trường. Các bước khai quật tiếp theo thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.
Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thăm dò, khai quật khảo cổ
1. Thực hiện việc thăm dò, khai quật khảo cổ đúng với nội dung ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ. Trong trường hợp thay đổi tổ chức hoặc người chủ trì khai quật, thời gian khai quật và điều chỉnh diện tích khai quật thì tổ chức được cấp giấy phép phải có văn bản đề nghị và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
2. Thực hiện đúng quy trình khai quật khảo cổ quy định tại Điều 17 của Quy chế này.
3. Tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm xây dựng báo cáo sơ bộ và hồ sơ khai quật khảo cổ.
4. Thu giữ, bảo quản và bàn giao đầy đủ di vật khảo cổ thu thập được và hồ sơ khai quật khảo cổ cho cơ quan được giao trách nhiệm bảo quản, gìn giữ di vật ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
5. Tuyên truyền để nhân dân địa phương nơi có địa điểm khảo cổ hiểu về ý nghĩa, giá trị của di sản văn hoá và ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương.
6. Bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên nơi khai quật khảo cổ.
7. Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân cấp xã, Phòng Văn hóa và Thông tin và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, xử lý hiện vật phục vụ việc nghiên cứu, phát huy giá trị lâu dài tại bảo tàng hoặc địa điểm khảo cổ.
8. Không công bố và phổ biến những kết luận về địa điểm khai quật khi chưa có sự thoả thuận bằng văn bản của Cục Di sản văn hoá.
Điều 16. Lập dự án khai quật khảo cổ
1. Trường hợp diện tích khai quật khảo cổ từ 1.000m2 trở lên, tổ chức chủ trì khai quật khảo cổ phải xây dựng dự án khai quật khảo cổ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thoả thuận trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp diện tích khai quật khảo cổ dưới 1.000m2, tổ chức chủ trì khai quật khảo cổ phải xây dựng kế hoạch khai quật và dự toán kinh phí để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương xem xét, phê duyệt hoặc thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp kinh phí khai quật của địa phương).
3. Trường hợp khai quật di sản văn hoá dưới nước, thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.
Điều 17. Quy trình khai quật khảo cổ
1. Công tác chuẩn bị khai quật khảo cổ:
a) Nghiên cứu toàn diện những thông tin liên quan tới địa điểm khai quật và xây dựng phương án khai quật khảo cổ, bảo quản xử lý di tích, di vật;
b) Xây dựng kế hoạch và tiến độ thăm dò, khai quật theo thời gian ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật;
c) Liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp xã và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Văn hóa và Thông tin tại địa phương để thông báo kế hoạch khai quật và thống nhất phương án bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ;
d) Chuẩn bị đầy đủ phương tiện và thiết bị chuyên dụng phục vụ khai quật khảo cổ và bảo quản di vật khảo cổ, địa điểm khảo cổ;
đ) Tuyển nhân viên kỹ thuật và nhân công có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực lao động phù hợp với yêu cầu của hoạt động khai quật khảo cổ;
e) Làm mái che, hàng rào bao quanh công trường khai quật khảo cổ trong trường hợp cần thiết;
g) Ban hành và phổ biến đến những người có liên quan các quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ địa điểm khai quật, bảo vệ di vật khảo cổ trong quá trình khai quật khảo cổ và các quy định về an toàn lao động.
2. Công tác khai quật khảo cổ:
a) Lập sơ đồ chính xác khu vực khai quật khảo cổ;
b) Dọn dẹp mặt bằng khai quật;
c) Tiến hành khai quật theo địa tầng;
Lập bản vẽ tọa độ, chụp ảnh di vật, dấu vết kiến trúc và mộ táng phát hiện được trong khi khai quật và làm “Phiếu hiện vật” (mẫu Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Quy chế này);
d) Phân loại sơ bộ di vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ;
đ) Ghi nhật ký quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ.
Người phụ trách thăm dò, khai quật hàng ngày phải ghi chép vào Sổ nhật ký khai quật khảo cổ những nhận xét về kết cấu và diễn biến địa tầng, sự phân bố các di vật tìm thấy và những quan sát, nhận xét khoa học khác để làm cơ sở cho việc viết báo cáo khoa học và nghiên cứu lâu dài về địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.
Trong trường hợp công trường khai quật có quy mô rộng lớn gồm nhiều hố khai quật thì mỗi hố khai quật phải có Sổ nhật ký khai quật khảo cổ riêng.
3. Khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, tổ chức và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ và đưa ra phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp với tính chất và tình trạng bảo quản của di tích, di vật khảo cổ. Người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm nộp Sổ nhật ký thăm dò, khai quật khảo cổ cho cơ quan chủ quản để lưu trữ phục vụ nghiên cứu lâu dài.
Điều 18. Đình chỉ thăm dò, khai quật khảo cổ
1. Việc thăm dò, khai quật khảo cổ sẽ bị đình chỉ trong những trường hợp sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy trình thăm dò, khai quật và những quy định đã ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ;
b) Xét thấy tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai quật không đủ khả năng tiếp tục thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ theo đúng yêu cầu khoa học;
c) Do những lý do khách quan và chủ quan làm ảnh hưởng tới sự an toàn của các thành viên tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ cũng như sự toàn vẹn của các di vật và địa điểm khảo cổ;
d) Vi phạm các quy định tại Điều 5 của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Người có thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ có quyền quyết định đình chỉ thăm dò, khai quật khảo cổ.
Điều 19. Bảo vệ, quản lý, xử lý địa điểm khảo cổ sau thăm dò, khai quật
1. Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan quản lý trực tiếp địa điểm khảo cổchịu trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ đã được thăm dò, khai quật.
2. Nội dung việc bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ sau thăm dò, khai quật khảo cổ bao gồm:
a) Áp dụng các biện pháp bảo quản các phế tích kiến trúc, di vật và các dấu vết khảo cổ khác mà không thể di dời;
b) Tiến hành lấp hố khai quật đến cao độ mặt bằng khu đất trước khi thăm dò, khai quật, trừ trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hố khai quật để phục vụ cho việc nghiên cứu, trưng bày về địa điểm khảo cổ;
c) Cắm mốc giới đánh dấu vị trí hố khai quật và đặt biển chỉ dẫn về địa điểm khảo cổ. Biển chỉ dẫn ghi rõ tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật, kinh độ, vĩ độ của hố khai quật.
3. Trường hợp xét thấy địa điểm khảo cổ có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm khảo cổ có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích khảo cổ theo quy định.
Điều 20. Chỉnh lý, bảo quản di vật khảo cổ sau thăm dò, khai quật
Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý, bảo quản di vật khảo cổ đã được thăm dò, khai quật. Di vật khảo cổ được xử lý, bảo quản theo nguyên tắc sau đây:
1. Kiểm kê, chỉnh lý và phân loại theo các tiêu chí khoa học;
2. Làm sạch và tiến hành các biện pháp bảo quản thích hợp đối với những di vật khảo cổ, đặc biệt là các di vật khảo cổ được làm từ chất liệu dễ hư hỏng;
3. Phân tích, thẩm định mẫu di vật khảo cổ;
Trường hợp gửi các mẫu đi nước ngoài để xác định niên đại, giá trị thì thực hiện theo quy định tại các Điều 43, Điều 44 Luật Di sản văn hóa và Điều 24 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP;
4. Gắn chắp, phục dựng những di vật khảo cổ bị vỡ khi đủ căn cứ khoa học;
5. Lập hồ sơ khoa học cho các di vật khảo cổ.
Điều 21. Việc quản lý và sử dụng di vật khảo cổ
1. Việc bàn giao, giữ gìn và bảo quản tạm thời hoặc lâu dài di vật khảo cổ thu được từ thăm dò, khai quật khảo cổ được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 41 Luật Di sản văn hóa và nội dung ghi tại giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
2. Trường hợp khai quật khẩn cấp thì Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất việc giao di vật khảo cổ cho bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan có chức năng thích hợp để Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.
3. Khi thực hiện việc bàn giao phải có biên bản giao nhận, không để di vật khảo cổ bị hư hỏng, thất lạc hoặc bị mất (mẫu Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Quy chế này).
Điều 22. Báo cáo sơ bộ và Hồ sơ khai quật khảo cổ
1. Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, các tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải xây dựng báo cáo sơ bộ và hồ sơ khai quật khảo cổ.
2. Báo cáo sơ bộ bao gồm những nội dung sau đây:
a) Sơ lược về diễn biến quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, kết cấu địa tầng hố khai quật và những nhận định bước đầu về loại hình di vật, tính chất và niên đại của địa điểm khảo cổ;
b) Kiến nghị, đề xuất phương án giải pháp bảo quản và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ kèm theo mặt bằng tổng thể di tích, vị trí hố (hay các hố) khai quật và bản ảnh về các di vật khảo cổ tiêu biểu;
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, Báo cáo sơ bộ phải được gửi về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại địa phương nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ, Cục Di sản văn hoá và lưu tại tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ, tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ.
3. Hồ sơ khai quật khảo cổ bao gồm các thành phần sau:
a) Nhật ký khai quật khảo cổ;
b) Bản vẽ (hiện trường, hiện vật), bản ảnh (hiện trường, hiện vật), bản dập;
c) Phiếu hiện vật, bảng thống kê các di vật khảo cổ;
d) Các kết quả phân tích mẫu vật (nếu có) và các tài liệu viết, nghe, nhìn khác có liên quan đến cuộc khai quật;
đ) Báo cáo khoa học.
Báo cáo khoa học bao gồm những nội dung: trình bày chi tiết quá trình khai quật khảo cổ với những nhận định về loại hình di vật khảo cổ, tính chất và niên đại của địa điểm khảo cổ qua nghiên cứu so sánh với các địa điểm khảo cổ khác có liên quan; kiến nghị, đề xuất, giải pháp, bảo quản và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.
Báo cáo khoa học phải có chữ ký của người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ và xác nhận của người đứng đầu tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
4. Hồ sơ khai quật khảo cổ phải được hoàn thành trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc khai quật khảo cổ. Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian hoàn thành Hồ sơ khai quật khảo cổ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ. Hồ sơ khai quật khảo cổ phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chân thực và đầy đủ.
Hồ sơ khai quật khảo cổ được sao gửi về Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại địa phương nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ, và lưu tại tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ và tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ ngay sau khi hoàn thành Hồ sơ khai quật khảo cổ.