Hải đăng Vũng Tàu
Với tuổi đời 145 năm, hải đăng Vũng Tàu được xếp vào hàng cổ xưa nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ở Việt Nam hiện có 79 ngọn đèn biển, trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) và trên hầu hết các đảo thuộc lãnh hải. Một số ít ngọn hải đăng nằm ở thành phố, bến cảng lớn tấp nập thuyền bè qua lại như hải đăng Vũng Tàu, hầu hết các ngọn đèn biển đều nằm ở vị trí heo hút, xa xôi mà không phải ai cũng dễ dàng đến tham quan được.
Từ xa xưa, vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã có tầm chiến lược trọng yếu, nằm trên đường hàng hải quốc tế, thường xuyên có tàu thuyền qua lại, nhất là tàu buôn nước ngoài. Các thế kỷ trước có nhiều thuyền buôn bị đắm do không xác định được tọa độ vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của quân đội Pháp cũng như tàu buôn nước ngoài qua đây, người Pháp cho xây dựng hải đăng Bảy Cạnh (Côn Đảo -1883) và hải đăng Vũng Tàu.
Hải đăng Vũng Tàu cùng với hải đăng Bảy Cạnh (trong tài liệu cũ gọi Phare de BaiKan) là những ngọn đèn biển được xây dựng sớm nhất với kỹ thuật cao nhất ở nước ta trong thời kỳ cận đại. Về vị trí hàng hải, ngọn hải đăng Bảy Cạnh nằm sát ngay luồng hàng hải quốc tế. Ngoài việc đảm bảo hành hải quốc tế, ngọn hải đăng có nhiệm vụ thắp sáng để báo hiệu luồng tàu thuyền theo hướng Sài Gòn, Vũng Tàu, Kiên Giang. Hải đăng Vũng Tàu giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng ra vào vịnh Gành Rái. Nẽu như hải đăng Bảy Cạnh có một niên đại rõ ràng vì nó gắn với cuộc nổi dậy của tù nhân Nhà tù Côn Đảo chống lại nạn lao dịch khủng khiếp của thực dân Pháp tại công trường xây dựng hải đăng, xảy ra vào ngày 27 tháng 8 năm 1883 thì niên đại hải đăng Vũng Tàu chưa biết đến một cách rõ ràng. Hải đăng Vũng Tàu ngày nay tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Núi Nhỏ chỉ mới được xây dựng vào năm 1910. Trước đó có tòa hải đăng cổ (tên tiếng Pháp ghi trong các địa đồ cũ là Ancien Phare) ở mỏm núi thấp hơn phía nam trong cùng dãy Núi Nhỏ – (nơi hiện có tượng Chúa Giêsu – hiện nay không còn dấu vết gì của tòa hải đăng cũ). Vì vậy, khi nói đến hải đăng Vũng Tàu các sách hướng dẫn du lịch trong ngoài nước thường đưa ra những niên đại khác nhau, không có tài liệu lịch sử để chứng minh. Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã sưu tầm, nghiên cứu một số tài liệu lịch sử cho biết về niên đại xây dựng hải đăng Vũng Tàu.
Tài liệu thứ nhất : Đó là bài thơ “Phong cảnh Cần Giờ” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871). Trong chuyến đi từ kinh thành Huế trở lại Gia định năm 1866 để chờ tàu qua Pháp (chuyến đi kéo dài 3 ngày, từ 15 đến ngày 17 tháng 9 năm 1866), khi tới Cần Giờ (thuộc Gia Định) Nguyễn Trường Tộ đã làm bài thơ, trong đó có miêu tả Vũng Tàu và ngọn hải đăng cũ như sau :
Bài thơ : Phong cảnh Cần Giờ
Nhân gia lao lạc tạp Tây triền,
Nhất vọng bình lâm trấn hiểu yên.
Sơn khởi tam phong hồi hải ngạn,
Đăng cao nhất trụ dẫn dương thuyền.
Quan hà diện định nhưng y cựu,
Cảnh sắc thương mang dĩ bất tiền.
Như thử giang sơn thùy thị chủ ?
Yếu tương tình sự vấn chi thiên.
(Bản dịch của Lê Thước)
Nhà dân lác đác phía trời Tây,
Rừng thấp bạt ngàn tỏa khói mây.
Núi dựng ba tòa quanh bãi biển,
Đèn cao một ngọn dẫn tàu Tây.
Non sông như cũ hồn sông núi,
Cảnh sắc rõ ràng đã đổi thay.
Đất nước sơn hà ai đấy chủ ?
Biết đem tâm sự hỏi trời thôi.
Qua phân tích về mặt lịch sử bài thơ chúng ta có thể khẳng định : ngọn hải đăng cũ đã được xây dựng trên Núi Nhỏ muộn nhất cũng vào năm 1866.
Tài liệu thứ hai : Trong cuốn sách “Cochinchine contemporaine” xuất bản tại Paris năm 1884 của tác giả A.Bouinais, có đoạn viết : “Cap Saint Jacques là tên mũi núi đá chạy dài 250 m và tạo nên một bán đảo nhỏ có chiều dài 20 km, chiều rộng 3 – 5 km. Trên đỉnh núi phía nam, ở độ cao 140 m nổi lên một hải đăng kiểu xưa nhất, với tia sáng trắng quay quanh. Người ta có thể thấy ở mọi góc độ hải đăng rọi xa tới 28 dặm. Vào ban ngày hình dáng hải đăng là tòa tháp cao bằng đá trắng (ở 10019’40’’ vĩ Bắc, và 107004’43’’ kinh Đông), làm điểm mốc cho tàu bè ngoài khơi. Chiều cao của tháp đèn là 8 m. Hải đăng do ông kỹ sư Maucher xây dựng, được khánh thành vào ngày 15/8/1862”. “… bán đảo Cap Saint Jacques có chừng vài trăm dân cư ngụ, có nhiều bãi lầy nước lợ trong phạm vi diện tích. Sản phẩm làm ra là dừa. Dầu dừa dùng để cung cấp cho hải đăng.” (Bản dịch từ tiếng Pháp). Tài liệu đã nêu một cách cụ thể về thời gian và vị trí ban đầu xây dựng hải đăng. Hải đăng cổ này chính là ngọn hải đăng trên núi Nhỏ do người Pháp xây dựng đầu tiên ở nước ta sau khi Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 1910, hải đăng được di chuyển lên địa điểm mới, trên đỉnh cao nhất của Núi Nhỏ (cao 170 m so với mực nước biển), so với nền hải đăng cũ cao hơn 30 m.
Theo đường trải nhựa uốn quanh triền núi dẫn ta lên hải đăng Vũng Tàu. Được xây dựng từ khá sớm, tồn tại lâu đời, hải đăng Vũng Tàu vẫn giữ nguyên kiểu dáng, kỹ thuật cổ điển. Toàn bộ khuôn viên của hải đăng rộng 3.407,5m2 bao gồm : Tháp Hải đăng, Nhà Quản đăng và một số công trình khác liên quan lĩnh vực quân sự, hàng hải do Pháp xây dựng (đường Ngầm, cột tín hiệu, hầm ngầm, hầm chứa nước ngọt, đài báo tín hiệu morse…).
Hải đăng là một tháp tròn, xây bằng đá hộc, cao 18 m, đường kính 3 m, sơn màu trắng, ba mặt Đông – Tây – Nam giáp biển, phía Bắc giáp khu dân cư và trung tâm thành phố Vũng Tàu. Về màu sắc hải đăng luật hàng hải quốc tế qui định : Thông thường hải đăng được sơn 2 màu từng đoạn một (tựa như barie) để ban ngày có thể luôn nổi bật trên nền biển xanh. Nếu ở sát bờ, hải đăng thường được sơn màu trắng. Nhưng nếu bờ toàn cát trắng hoặc cát vàng thì chúng phải được sơn màu đen… Bên trong lòng tháp có cầu thang xoắn ốc, làm bằng thép dày với 55 bậc đi qua 3 tầng tháp lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công bên ngoài. Tầng thứ ba là nơi đặt máy vận hành thấu kính hải đăng. Tầng cuối cùng là nơi đặt hệ thống lăng kính đồ sộ, bóng đèn sợi đốt lên tới 172V – 1000W. Hai thấu kính thủy tinh dày 300mm, thiết kế kiểu đèn lồng có chu vi đường tròn 3,2m, phân thành 1 mặt tối 2 mặt sáng tạo cho ánh sáng chớp 2 nhịp, chu kỳ 12 giây, tầm chiếu xa 34 hải lý (63 km) vào ban ngày và 23 hải lý (43 km) vào ban đêm. Đèn chuyển động bằng môtơ điện, mỗi phút quay 5 vòng hướng dẫn tàu bè qua lại. Đêm đến, đứng ở Bãi Trước ta thấy hai luồng ánh sáng trắng như hai đường thẳng quét tròn kế tiếp nhau trên nền trời tối sẫm. Tại hành lang bao quanh bên ngoài tháp tầng thứ ba đặt một đèn phụ dự phòng, có tầm chiếu 18 hải lý và một thiết bị vô tuyến có tầm hoạt động xa 12 hải lý. Thời kỳ đầu chưa có điện, sử dụng chất đốt (dầu dừa, dầu mỏ, gas…) cơ chế vận hành của hải đăng Vũng Tàu tương đối đơn giản, để ánh sáng từ ngọn hải đăng được quay vòng, người ta sử dụng loại máy như kiểu máy đồng hồ (hệ thống dây thiều, cứ ba giờ phải lên cót một lần). Đứng ở ban công tháp đèn (cách xa 70 km có thể trông thấy được tháp Hải đăng) quan sát được toàn cảnh non nước Vũng Tàu và xa hơn nữa như Kỳ Vân – Minh Đạm, Vàm Láng – Gò Công, vùng đảo Cần Giờ. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất trong ngày lên đỉnh hải đăng là lúc hoàng hôn mặt trời sắp lặn và khi thành phố lên đèn, để chiêm ngưỡng phong cảnh một vùng biển mở ra trước mắt đẹp đến sững sờ.
Tháp hải đăng được nối liền với khu nhà ở của những người vận hành (nhà quản đăng) bằng một con đường hầm cong kiên cố với dáng vẻ kiến trúc độc đáo chưa có ở bất cứ hải đăng nào. Khu nhà quản đăng là một kiến trúc kiểu Pháp, hai tầng đồ sộ, xây dựng cùng thời. Nhà dài, rộng có đến 25 phòng, phòng nào cũng rộng, thoáng mát. Vì ở cao không đào giếng nước được, người ta xây dựng hầm chứa nước mưa 100 m3 đủ để những người canh hải đăng dùng trong cả năm.
Dưới chân tháp đèn có bốn khẩu đại bác dài trên 10 m (30 ft), nặng hàng tấn, thuộc di tích trận địa pháo cổ do người Pháp xây dựng tại núi Nhỏ từ năm 1895, nhằm khống chế một vùng rộng lớn từ Long Hải đến Cần Giờ, kiểm soát đường biển vùng Đông Nam Bộ.
Bao quanh khu nhà vận hành và đoạn cuối đường lên hải đăng là vườn sứ nhiều chục năm tuổi, tỏa bóng mát rượi, trổ bông thơm ngát.
Trong thời kỳ chống Pháp (1946 – 1954), hải đăng Vũng Tàu có vị trí quan trọng trong vận tải quân sự của quân Pháp chiếm đóng nên đã bị Đội Biệt động thành phố Vũng Tàu đã hai lần tổ chức tấn công đánh sập, làm tắt Đèn Pha (lần thứ nhất xảy ra vào đầu tháng 4 năm 1950 ; Lần thứ hai xảy ra ngày 10 tháng 5 năm 1950). Các trận đánh mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn bởi từ lâu Pháp vẫn cho thị xã Cấp là rất an toàn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, “Đoàn tàu không số” phải dựa vào luồng sáng hải đăng Vũng Tàu để cập bến Lộc An thành công, kịp đưa vũ khí đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Đông đánh thắng quân địch trên chiến trường Bình Giã (1964 – 1965) làm sụp đổ hoàn toàn “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và tay sai trên chiến trường Miền Nam.
Ngoài giá trị tự nó về chức năng của ngành hàng hải, vẻ đẹp hấp dẫn về kiến trúc độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hải đăng Vũng Tàu còn có giá trị lịch sử-văn hóa.
Hơn một trăm năm qua, hải đăng Vũng Tàu là người bạn tin cậy và trung thành của những người đi biển. “Với những người lâm nạn, mất phương hướng giữa đêm trên biển thì ánh sáng nhấp nháy của ngọn hải đăng thực sự là một điều kỳ diệu, một vị cứu tinh. Nó không những đưa đường dẫn lối, mà còn như thắp lên tia hy vọng, làm bùng cháy những khát khao sống mạnh mẽ của con người, là động lực cho những con thuyền rẽ sóng về bến đỗ an toàn”.
Hải đăng Vũng Tàu cùng với những hải đăng lâu đời nổi tiếng do người Pháp xây dựng tại Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX – Hải Đăng Mũi Điện (Tuy Hòa) -1890 ; Hải đăng Đảo Dáu (Hải Phòng) – 1896 ; Hải đăng Kê Gà (Bình Thuận) -1899 ; Hải Đăng Hòn Khoai (Cà Mau) – 1899 ; hải đăng Cù Lao Xanh (Qui Nhơn) – 1899, đang là điểm du lịch hấp dẫn của du khách, đặc biệt là những người yêu thích khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của hải đăng.
Đến với thành phố biển Vũng Tàu không chỉ được nghỉ ngơi, tắm biển, dưỡng bệnh trong không khí trong lành mát mẻ, được hiểu biết nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, du khách còn có cơ hội tham quan hải đăng Vũng Tàu – biểu tượng của thành phố biển.
Trong một vài năm tới, khi dự án cáp treo nối liền hai đỉnh Núi Lớn – Núi Nhỏ dài hơn 2 km đi vào hoạt động, du khách sẽ có thêm một lựa chọn nữa để lên núi khám phá ngọn hải đăng Vũng Tàu, ngoài cách đi bộ hoặc ngồi xe như hiện nay.
Lê Dung
(Bảo tàng BRVT)