Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Bàu Sen
Căn cứ Bàu Sen nằm trong địa giới xã Xà Bang của huyện Châu Đức. Xà Bang trước đây vốn là một khu rừng nguyên sinh rậm rạp trong địa hình thấp trũng, nhiều sình lầy, bưng bàu, suối. Nơi sinh trưởng của nhiều loại thực vật cận nhiệt đới như sao, dầu, còng… nhiều loại thú rừng nai, khỉ và cả heo rừng, cọp dữ cùng với nhiều loài bò sát, chim muông.
Đây là nơi cư trú bản địa của đồng bào dân tộc Chơro có ập quán du canh du cư. Tháng 7 năm 1965 đế quốc Mỹ chính thức thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Tuyến lộ 2 (lộ 56 nay) lúc bấy giờ là con đường huyết mạch quan trọng của địch. Quân Mỹ, Úc đã thiết lập một hệ thống đồn bót dày đặc trên lộ 2 và các đồn điền cao su. Chúng triển khai Trung đoàn 11 thiết giáp cơ động miền Đông tại Suối Râm (phía tây lộ 2, núi con Rắn – một điểm cao có thể quan sát được một vùng rộng lớn. Tại Xà Bang có 1 tiểu đoàn quân Mỹ đồn trú.
Sau chiến thắng Bình Giã (1964 – 1965) Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh chọn địa điểm Bàu Sen, nơi có hai bên lộ là rừng cao su ngút ngàn giáp với rừng già nguyên sinh, thuận lợi cho việc trú ém, di chuyển quân của quân cách mạng để xây dựng căn cứ kháng chiến của Tỉnh đội và huyện Cao Su. Tháng 2 năm 1966 Trung đoàn 4 của Sư đoàn 5 Miền về đứng chân tại Bàu Sen. Tại căn cứ này Trung đoàn tổ chức đợt huấn luyện tác chiến mới, sẵn sàng bước vào trận đối đầu trực tiếp cùng với quân viễn chinh Mỹ. Đêm 17.2.1966 Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 4 Sư đoàn đoàn 5 quân chủ lực bí mật tập kích đánh thiệt hại 1 đại đội lính Mỹ đóng tại suối Tầm Bó. Tháng 6 năm 1967 trung đoàn 11 thiết giáp của Mỹ và 1 trung đoàn bộ binh mở cuộc càn quét về phía tây lộ 2, hướng chủ yếu ở dốc 30 và Xà Bang. Sau đó chúng dồn lại hai cụm quân ở đồi Hêan gồm 40 xe tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp. Cụm quân thứ hai địch đóng tại Kim Long cũng nhiều xe tăng, bộ binh và pháo binh. Trung đoàn 4 lúc này đang đóng quân ở Bàu Sen theo lệnh của Ban chỉ huy khéo léo giấu đội hình chờ dịp đánh trả. Đêm 18.6.1967 Tiểu đoàn 1, 2 của Trung đoàn 4, các đơn vị hỏa lực, Tiểu đoàn 445 và đội thanh niên xung phong rời căn cứ Bàu Sen hành quân tiếp cận các mục tiêu. Đúng 22 giờ, tất cả đã vào vị trí chiến đấu. Không giờ 10 phút ngày 19.6.1967 toàn lực lượng chia làm 3 mũi tấn công vào cụm đồi Hêan từ hai hướng đông bắc và tây nam. Pháo hỏa lực của Trung đoàn 4 bắn ác liệt để kiềm chế địch từ cụm quân tại Kim Long. Trong 15 phút đầu ta đã diệt chỉ huy sở Trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ. Khoảng 25 phút máy bay C47 lên thả hỏa châu làm sáng rực bầu trời trên rừng núi lộ 2. Bốn máy bay trực thăng vũ trang và máy bay ném bom của Mỹ nhào lộn trên bầu trời oanh kích vào trận địa. Bộ binh và xe tăng Mỹ sau những phút rối loạn do bất ngờ đã phản kích ác liệt. Kết quả trận tập kích ở Hêan và Kim Long quân ta diệt chỉ huy sở Trung đoàn 11 thiết giáp, tiêu diệt nhiều lính Mỹ và bắn cháy làm hư 67 xe tăng, thiết giáp và 1 đại đội pháo 175 mm, 1 đại đội pháo 105 mm và 1 đại đội pháo cối… Đây là lần đầu tiên Trung đoàn 11 thiết giáp ở căn cứ Suối Râm lực lượng cơ động của Mỹ ở miền Đông Nam bộ bị ta đánh thiệt hại nặng nề. Cũng từ căn cứ Bàu Sen lực lượng cách mạng tổ chức làm bàn đạp, bám trụ, nhiều lần tấn công tiêu diệt địch tại Yếu khu Bình Ba, Chi khu Đức Thạnh giành thắng lợi. Bàu Sen cũng là địa bàn đứng chân của lực lượng huyện Cao Su, từ đó tỏa đi xây dựng phong trào công nhân trên lộ 2, lộ 1…
Ngày 3.1.2007 Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khánh thành tượng đài chiến thắng Tầm Bó tại khu văn hoá Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Công trình có tổng diện tích 2.459m2, bao gồm những hạng mục Cụm tượng đài cao 11,2 mét (nhóm tượng cao 8,2 mét), mảng phù điêu thể hiện nội dung 3 chiến dịch Kim Long, Tầm Bó, Chòi Đồng với diện tích 69,6m2 và sân lễ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, cây xanh… Công trình tượng đài chiến thắng Tầm Bó được đầu tư với tổng giá trị 2,95 tỷ đồng. Đây là công trình tưởng niệm chiến thắng lịch sử hào hùng của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu từ sau chiến dịch Bình Giã đến chiến thắng Tầm Bó, Kim Long, Chòi Đồng, tôn vinh thành quả cách mạng trong chiến đấu tại chiến trường Bình Giã nói chung và Tầm Bó nói riêng. Công trình đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa lịch sử, là điều kiện giáo dục truyền thống quý báu cho lớp trẻ hôm nay và mai sau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nguyễn Thị Thiện