Những danh nhân văn hóa Việt Nam thờ tại đình Phước Lễ thị xã Bà Rịa

(28/05/2019)

Đình Phước Lễ tọa lạc tại Trung tâm thương mại, thuộc khu phố 3, phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa. Đây là ngôi đình có lịch sử lâu đời và các đối tượng thờ tự trong tòa chánh điện đều là những danh nhân văn hóa dân tộc nổi tiếng.

Theo lời truyền lại của các bậc tiền nhân và lời kể của các bậc cao niên trong vùng, đình Phước Lễ có từ cách đây khoảng trên 200 năm. Thời kỳ đó, đình được dựng khá lớn tại khu Lò Than ở trong rừng, sau đó do khu Lò Than quá hẻo lánh nên đình được chuyển về như vị trí hiện nay. Với kết cấu toàn bằng các loại danh mộc, đình Phước Lễ lúc đó quy mô còn lớn hơn đình Long Hương. Đến năm 1948, đình thần bị thực dân Pháp đốt cháy, sắc phong  bị thất lạc. Từ năm 1956- 1959, đình được xây dựng lại với kiến trúc hiện đại.

Tại đình Phước Lễ thờ vị Thành Hoàng là danh sĩ Nguyễn Thiếp. Đây là vị thần duy nhất được tôn thờ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão (1723) tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là danh sĩ có nhiều tên hiệu nhưng được người đời biết đến nhiều nhất với tên La Sơn Phu Tử. Năm 1743, Nguyễn Thiếp đỗ Hương Cống. Sau khi đỗ, ông được chúa Trịnh Doanh bổ làm Huấn Đạo và sau đó thăng làm Tri Huyện của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Do bất mãn với chế độ phong kiến Đàng Ngoài, ông từ quan về núi Thiên Nhẫn sống cuộc đời thanh bạch của bậc ẩn sĩ. Tuy chỉ đỗ Hương Cống nhưng do tài năng và đức độ nên tên tuổi Nguyễn Thiếp có ảnh hưởng khá lớn đối với đội ngũ sĩ phu đương thời. Chính vì vậy, sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Quang Trung Nguyễn Huệ đã nhiều lần sai quan lại cao cấp, sau đó đích thân đến mời Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Cảm động trước sự chân tình đó, Nguyễn Thiếp đã dốc lòng vì sự nghiệp cao cả của nhà Tây Sơn. Ông đã được Quang Trung Nguyễn Huệ tin cậy, giao phó cho hai nhiệm vụ lớn: Nhiệm vụ thứ nhất là làm Viện Trưởng viện Sùng Chính. Đây là viện trông coi về giáo dục, đồng thời, phụ trách việc dịch các tác phẩm kinh điển và sách giáo khoa của Nho gia ra chữ Nôm. Viện Sùng Chính tuy tồn tại không lâu nhưng đã góp phần đối với sự phát triển của văn hóa nước nhà cuối thế kỷ XVIII  nhất là về văn học chữ Nôm. Nhiệm vụ thứ hai mà Nguyễn Thiếp đảm nhận là chọn nơi đóng đô cho chính quyền của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông đã chọn địa điểm đóng đô mới cho chính quyền Quang Trung Nguyễn Huệ ở khoảng giữa núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng, tỉnh Nghệ An. Kinh đô mới này được đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành dang dở thì Hoàng Đế Quang Trung đột ngột qua đời. Vua kế vị là Quang Toản không tiếp tục sự nghiệp này nữa. Dưới thời Quang Trung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp còn là một nhà giáo lớn, một người có công rất lớn đối với nền giáo dục của đất nước ta thời bấy giờ. Chính ông là Chánh chủ khảo trong khoa thi Hương đầu tiên của chính quyền Quang Trung tổ chức tại Nghệ An năm 1789. Ông cũng là người được Quang Trung tin cậy giao phó cho việc khảo xét tài năng và đức độ của những người mới ra hợp tác với Tây Sơn để làm cơ sở cho việc bổ dụng. Đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục là một phần sự nghiệp của nhà Tây Sơn. Sau khi Quang Trung qua đời, nội bộ Tây Sơn khủng hoảng trầm trọng. Đến năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy tên hiệu là Gia Long chính thức khai sinh ra triều Nguyễn. La sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về quê ở ẩn và mất tại đây. La sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, danh sĩ nổi tiếng thế kỷ XVIII gắn với tên tuổi Quang Trung Nguyễn Huệ được tôn thờ làm Thành Hoàng làng tại đình Phước Lễ, Bà Rịa là điều khá đặc biệt. Điều này có thể lý giải bởi hai lý do. Thứ nhất, người dân tôn thờ ông là một danh sĩ nổi tiếng thời kỳ đó. Thứ hai, có thể vào thế kỷ XVIII, những cư dân từ vùng đất Hà Tĩnh quê ông vào vùng đất Bà Rịa lập nghiệp và xây dựng đình thờ vị danh nhân quê hương mình, tôn kính ông như một vị thần Thành Hoàng ở vùng quê hương mới.

Vua Tự Đức (1848 – 1883) đã ban sắc phong cho Thành Hoàng làng đình Phước Lễ. Đáng tiếc năm 1948, đình thần cháy, sắc phong bị thất lạc. Hiện nội dung sắc phong còn được lưu lại tại đình có nội dung: “Sắc tặng Thành Hoàng báo ân chính trực Nguyễn Thiếp đôn nghinh tôn thần. Thần Hoàng bảo vệ lê dân”. Vị thần thứ hai mà đình Phước Lễ thờ tự là Đức Thánh Trần. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là một vị anh hùng dân tộc. Người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, bảo vệ bờ cõi. Ông là người có tài thao lược, trí dũng song toàn, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của quốc gia lên trên hết. Ông có những tác phẩm nổi tiếng như: “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”. Những tác phẩm này đã khơi dậy lòng yêu nước của quân dân Đại Việt, khích lệ tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trần Hưng Đạo là người trung hiếu có nghĩa khí cao cả như Quan Thánh  nên Tam giáo cũng tôn ông là Thượng đẳng thần, gọi là Cửu Thiên Vũ Đế. Với việc thờ tự một vị thần là danh sĩ nổi tiếng, một vị thánh là tướng sĩ  sự nghiệp lẫy lừng, Đình Phước Lễ đã thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước, nhớ nguồn của dân tộc ta.

Đến với Phước Lễ, ta được chiêm ngưỡng một ngôi đình nguy nga, bề thế với lối kiến trúc hiện đại. Đình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm cổng nghi môn, võ ca, chánh điện, nhà khách và nhà bếp. Qui mô và tráng lệ  nhất là tòa chánh điện. Chánh điện đình Phước Lễ được dựng kiểu tứ trụ với nóc mái uốn cong, lợp ngói cuốn, đầu đao trang trí hình rồng uốn lượn rất sinh động. Phía trong chánh điện có bài trí nhiều án thờ trang trí sơn son thếp vàng, hình rồng, công đang múa, đầu hổ… Chính giữa chánh điện thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh Nguyễn Thiếp, hai bên thờ Tả Ban, Hữu Ban. Phía dưới thờ tượng Trần Hưng Đạo đúc bằng thạch cao. Ngoài ra, bài vị 158 anh hùng, liệt sĩ của địa phương cũng có tại đây. Cũng giống như các ngôi đình khác, trong khuôn viên sân đình có hai miếu thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu và Thủy Long Thánh Mẫu. Ngũ Hành Thánh Mẫu là năm vị thần tượng trưng cho các yếu tố của tự nhiên luôn tồn tại và ảnh hưởng đến sự sống của con người. Vì vậy, cư dân Việt xưa thờ cúng Ngũ Hành Thánh Mẫu để mong phù hộ cho một cuộc sống an lành, mùa màng bội thu.

Đến tham quan đình Phước Lễ, trước hết là để tìm hiểu về lịch sử các vị Thần được thờ tại đây và sau đó được dự những lễ hội văn hóa dân gian đình làng hết sức sinh động, hấp dẫn. Những lễ hội tại đình Phước Lễ rất nhiều và trải dài trong cả năm nhưng có 6 dịp lễ lớn lôi cuốn đông đảo khách thập phương.

  1. Lễ Xuân Thủ (ngày 10 tháng giêng âm lịch). Đây là dịp khai lễ đầu năm nhằm tống đi những điều xấu của năm cũ, đem lại bình an cho năm mới.
  2. Lễ cầu an Thủy Long Thánh Mẫu (ngày 21 tháng 2 âm lịch). Nghi lễ được tổ chức nhằm thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với các vị thần tự nhiên, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa
  3. Lễ vía Thành Hoàng Bổn Cảnh và Tiền Hiền, Hậu Hiền. Lễ vía nhằm ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.
  4. Lễ hội Đền ơn đáp nghĩa (27 tháng 7 dương lịch). Lễ hội thể hiện lòng tri ân đối với công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương.
  5. Lễ vía Đức Thánh Trần (ngày 20 tháng 8 âm lịch). Lễ Vía trang trọng thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với vị anh hùng dân tộc.
  6. Lễ hội quan trọng nhất và lớn nhất trong năm là lễ Cầu An (ngày 8 – 10 tháng 11 âm lịch). Lễ hội Cầu An được tổ chức rất công phu bao gồm nhiều nghi lễ nhỏ khác nhau, mà mỗi nghi lễ đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng, không có sự sai sót từ vật phẩm cúng đến nghi thức.

Chiều ngày mùng 8, lễ nghinh Bà Ngũ Hành vào dinh được bắt đầu. Vật phẩm cúng gồm một con heo sống, xôi, trái cây. Đội học trò lễ sáu người và bốn cô đào thài. Sau một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà có chiêng trống và đốt văn tế. Sáng mùng 9, tổ chức lễ Nghinh Thần, cúng heo quay nguyên con, xôi, trái cây. Có tám cô đào thài, đi sau học trò lễ, vừa đi vừa xướng những bài hát riêng cho tuần rượu thứ nhất, tuần rượu thứ hai, tuần rượu thứ ba. Sau đó là lễ mời khai sắc, mở sắc cho Thần xem. Từ trưa đến chiều ngày mùng 9, có hai nghi lễ quan trọng là lễ Thỉnh Sanh và Túc Yết. Vật phẩm cúng phải lựa chọn rất kỹ. Một con heo sống cỡ 70-80 kg, loại heo tuyền trắng hoặc đen, heo phải béo đẹp, một hương chức đình làm đồ tể tượng trưng khai đao hóa kiếp cho heo. Nghi lễ cúng cũng có nhạc, học trò lễ xướng, rót rượu, khai đao, văn tế rất ngắn gọn. Dùng một nhúm lông và bát máu cúng tượng trưng để cho Thần thấy dân làng đã thành kính chọn heo tốt cúng thần. Sau lễ Thỉnh Sanh, con heo sống mới giết được dùng làm vật phẩm cho lễ Túc Yết. Nghi thức cúng có ba tuần rượu và nghi lễ Ẩm Phước Thọ. Hình thức là học trò lễ dâng cho ông Chánh bái một ly rượu và một miếng thịt để ông làm nghi thức Thọ Lộc tượng trưng. Chiều ngày mùng 10, đình tổ chức lễ Đàn Cả. Cúng một con heo sống to nguyên con. Ngoài phần nghi lễ còn có phần tế với nội dung cầu cho bá tánh mạnh khỏe, các ngành nghề phát triển. Đêm ngày mùng 10, đoàn hát thực hiện lễ Tôn Vương. Ông chánh bái dùng ấn sắc đóng sắc phong tôn một vị tài đức lên ngôi Vua. Phần cuối của lễ hội là lễ Tống Gió. Nghi lễ: đem các vật phẩm cúng kiếng bỏ trôi sông, nhằm tống đi những điều xấu. Chánh bái vái lậy, hồi mõ tống tiễn các vị khách mời ra về. Đến 2h30 sáng, hoàng mãn lễ Cầu An, lễ hội kết thúc… Trong ba ngày lễ hội, khách thập phương đến chiêm bái cúng kiếng còn được thưởng lộc và xem hát với những tích tuồng cổ nổi tiếng.

Từ lâu nay, ngôi đình làng thờ Thần Hoàng được xem như ngôi nhà sinh hoạt chung của làng xã. Đó là nơi người dân địa phương thể hiện sự tôn kính đối với vị Thần có công với quê hương, đất nước, cũng là nơi thể hiện sự đoàn kết gắn bó của cư dân trong làng xã. Nếu có dịp đến thị xã Bà Rịa, bạn hãy ghé thăm đình Phước Lễ để  tận mắt chiêm ngưỡng những nét hay, nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng đình làng Việt xưa.

Trịnh Lan Hương


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu