DI TÍCH ĐÌNH LONG HƯƠNG Ở BÀ RỊA

(28/05/2019)

Cách một chiếc cầu bắc qua sông Dinh là Long Hương, một làng quê yên bình mộc mạc với những di tích cổ xưa còn nguyên vẹn.

 

Long Hương, cái tên thật ấn tượng, từ xa xưa mảnh đất này đã là một hình thể đẹp núi liền núi, sông liền sông, màu xanh sức sống tỏa ra mọi nơi, lưng dựa vào núi cao, mặt nhìn về thị tứ, trải qua nhiều cuộc đổi thay của của lịch sử, lòng đất đầy sỏi đá mà vẫn tràn đầy sức sống.

Đôi bờ sông Dinh gắn với sự mưu sinh cũng như sáng tạo và giữ cái đẹp vốn có của người dân Long Hương. Long Hương là một địa danh có từ 300 năm. Buổi đầu chỉ có một nhóm hơn 100 người đi thuyền đến Rạch Dừa, vượt qua sông Bà Cói, đến định cư trên bờ sông Dinh về phía xóm lăng họ chuyên nghề đánh bắt cá, dần dần có những cư dân khác đến lập nghiệp. Về phía xóm Đình cũng có nhóm khác theo đường bộ từ (Bàu Lâm –Xuyên Mộc) đến xóm Đồng, trong số họ cũng có cả những người Hoa biết làm ruộng. Người dân Long Hương trong thời gian khai phá mở mang thôn xóm, xây dựng đời sống đã trải qua lắm gian nan. Con người đã phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, ác thú, bệnh tật. Theo nhiều cụ kỳ lão xã Long Hương kể lại rằng : “… Ngày xưa cư dân ở đây thưa thớt, đất rộng, cây cối, cỏ dại mọc um tùm có rất nhiều loại động vật hoang dã sinh sống trong đó có cả những loài thú dữ như gấu, chó sói, cọp, lợn nòi. Cuộc đời của người dân lam lũ, cực nhọc, nắng mưa tần tảo mà vẫn thiếu ăn, rách nát, đói khát quanh năm chỉ trông vào trời đất phù giúp. Vì đó, người dân Long Hương càng thêm nương tựa vào nhau trong đời sống, hình thành những tập quán tín ngưỡng gắn liền với đời sống tâm linh như là một cứu cánh cho cuộc đời. Thời đó Long Hương đã lập miếu thờ cá Ông, miếu thờ thần Nông (miếu Bổn Điền), Long Cốc Tự (tức chùa phật ở xóm Đồng) và đình thần ở xóm Đình, hay tên ban đầu là đình Phước An.

Đình làng Phước An (nay là đình Long Hương) ra đời trong bối cảnh dân làng thiếu thốn cực khổ đủ điều. Ban đầu chỉ dựng bằng khung tre mái lá. Qua nhiều đổi thay, tôn tạo mới có vóc dáng ngôi đình như nay. Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ, đình thờ thần Thành hoàng mà trong tâm linh của dân làng đó là nơi thiêng liêng và cũng rất gần gũi với họ. Năm 1852, niên hiệu Tự Đức thứ 5, đề ngày 29 tháng11 ban Sắc thần cho vị thần đình Long Hương. Đầu năm 1946 Đình Thần Long Hương bị đốt cháy với mục đích để tiêu thổ kháng chiến nhưng sau đó lửa tự tắt, dấu tích bị cháy hiện còn ở tấm liễn và bàn thờ thần trong chánh điện.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đình Long Hương là nơi che chở, nuôi dấu cán bộ hoạt động cách mạng như đồng chí Phạm Công Minh, Lê Văn Chương, Trần Văn Sáu (Sáu Dái). Khuôn viên Đình có nhiều cây dầu cổ thụ cao lớn được lực lượng du kích tận dụng làm nơi quan sát, canh gác kẻ địch từ nhiều phía, điều kiện thuận lợi gây dựng cơ sở cách mạng. Trong thời kỳ chống  Mỹ, thôn Hương Điền, Hương Sơn xã Long Hương là nơi có vị trí chiến lược quan trọng nên Mỹ, ngụy luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn tìm mọi cách để thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược.

Đình tọa lạc đầu thôn trên một gò đất cao ráo rộng hơn 1970 mét vuông, nơi có con lạch sông Dinh chảy qua, phong cảnh đẹp. Kiến trúc đình hình dáng chữ Tam, lưng tựa núi Dinh, mặt hướng sông Dinh. Theo quan niệm phong thủy đình tọa lạc nơi long mạch quý, phong cảnh minh quang tỏa xuất ra các hướng. Xưa kia đình không có cổng, năm 1992 mới xây cổng đình.

 Đến đầu thế kỷ 20 đình Long Hương được sửa chữa lớn, xây thành quần thể nhiều nhà vuông, mỗi ngôi có bốn cột cái lớn bằng cả tay ôm, chạm khắc hình rồng nên dân làng ở đây gọi là “Long trụ”, đuôi các bộ kèo chạm khắc rồng lúc ẩn lúc hiện gọi là “Long ẩn”. Mái đình lợp ngói âm dương, trên nóc gắn “Lưỡng long tranh châu,, “Cá hóa long”, “Ông mặt trời, Bà mặt trăng” tượmg trưng cho âm dương hòa hợp. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như các bộ bao lam, hoành phi, đối liễn, tủ thờ bằng gỗ quý điêu khắc trang trí lộng lẫy.

Đình Long Hương còn thờ 51 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ để muôn đời tri ân những người con của đất Long Hương vị quốc vong thân.

Lệ đình hằng năm vào ba 15,16,17 tháng 11 âm lịch ngày hàng năm. Lễ nghinh sắc thần trang nghiêm long trọng từ công sở của làng về đình, và nét đẹp là dân làng hai bên đường nhà nhà lập bàn hương án đón sắc thần ngang qua tạo nên bản sắc riêng có của đ Long Hương.

Đình Long Hương với những nghi thức lệ đình truyền thống được truyền thừa bảo lưu đến nay, nơi tựu trung văn hóa tinh thần, niềm tin và khát vọng của người dân Long Hương từ bao đời nay và chắc chắn sẽ còn tiến xa nữa dù cho cuộc sống con người có đổi thay£

MAI HOA


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu