Nhà Lớn Long Sơn và đạo Ông Trần
Từ TP. Hồ Chí Minh theo quốc lộ 51 hướng về TP. Vũng Tàu, cách cổng chào TX. Bà Rịa khoảng 8km, du khách gặp một ngã ba phía tay phải, là con đường dẫn vào xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu), nơi có quần thể di tích Nhà Lớn khá nổi tiếng với đạo ông Trần.
Xã Long Sơn nằm gọn trên núi Nứa, án ngữ bên vịnh Gành Rái và phía Nam rừng Sác, nơi có Nhà Lớn Long Sơn. Nhà Lớn là tên gọi của khu đền thờ đạo Ông Trần tại xã đảo Long Sơn. Nhà Lớn Long Sơn do ông Lê Văn Mưu (người dân Long Sơn thường gọi là ông Trần, hay Ông Nhà Lớn)- một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vốn xuất phát từ vùng Bảy Núi (An Giang) xây dựng nên. Ông Lê Văn Mưu từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do quản cơ Trần Văn Thành làm thủ lĩnh. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông đưa gia quyến về lánh nạn tại núi Nứa, lập ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn.
Ông Trần đã xây dựng nên quần thể kiến trúc Nhà Lớn để thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh… từ năm 1910 và được trùng tu vào năm 1991 (đã được Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận là di tích Lịch sử – Văn hoá năm 1991). Nhà Lớn có diện tích khoảng 2ha, chia thành ba khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần. Đây là một trong những di tích bằng gỗ đồ sộ được làm bằng các loại gỗ lim, sến, trắc, bá gụ… Kiến trúc Nhà Lớn pha trộn tín ngưỡng dân gian với Nho giáo và Lão giáo. Tại đây còn lưu lại bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình 8 vị tiên ông, được cẩn hoa cương và xà cừ) mà Vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh. Ngoài ra còn có bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc, có nguồn gốc từ vùng Hà Đông…
Sinh thời, ông Lê Văn Mưu thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là Ông Trần. Khi ông mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo Ông Trần. Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Trùng Cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục ngàn người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ về tham dự.
Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử và thời gian nhưng đến nay toàn bộ khuôn viên Nhà Lớn vẫn còn nguyên vẹn không hề mai một cùng với những phong tục, tập quán của đạo Ông Trần. Đây là một tín ngưỡng khác lạ pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau nhưng không hề có kinh kệ, chuông mõ, ăn chay, cũng như tệ mê tín dị đoan mà chỉ có những lời dạy truyền khẩu trong dân gian.
Bên cạnh các ngày vía Ông, Lễ Trùng Cửu, nếu du khách đến Nhà Lớn vào ngày 21 tháng chạp, sẽ được chứng kiến cảnh viết liễn Tết ở Nhà Lớn. Hình ảnh những ông già mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn, ngồi trên chiếc chiếu, tay miệt mài viết liễn là nét đẹp được lưu truyền từ nhiều đời nay tại xã đảo này. Đây cũng là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được phong tục viết liễn đón Xuân tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Nội dung những câu viết trên liễn ngày Tết ở Nhà Lớn thường là có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
Ngày nay, người dân theo đạo Ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo ba bà đen, đi chân đất, đầu để tóc búi gọn sau gáy. Người dân Long Sơn vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt cũng như tính cách đậm chất Nam bộ, thật thà, hiếu khách. Khi đến thăm Nhà Lớn, du khách còn được thưởng thức các món khoai mì hấp nước dừa trộn đậu phộng; bánh ít trần, bánh quy… mang nét đặc trưng của Long Sơn.