Di tích Bàu Thành – Long Điền
Câu ca thủa xưa vẫn còn mãi trong tâm những người dân nơi đây và cả những du khách đã từng ghé thăm di tích Bàu Thành.
“Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương”
Một góc Bàu thành và Đền liệt sĩ trong khuôn viên di tích
Di tích Bàu Thành tại tọa độ 10°29’1″N; 107°12’39″E. Thuộc thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Từ thành phố Bà Rịa theo đường quốc lộ 55, đi qua thị trấn Long Điền khoảng 1 km rẽ trái vào Trung tâm Văn hóa huyện Long Điền. Di tích Bàu Thành nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa, nơi đây có một hồ nước rất lớn đó chính là Bàu Thành. Bàu có diện tích tương đối lớn (450m x 250m), bờ đất đắp cao và những khóm tre bao quanh; cách Bàu 100m về phía Đông Bắc là đình Long Phượng, ở đây còn dấu vết của một đoạn tường thành cổ được xây dựng bằng chất liệu đá ong (có lẽ bàu nước ở kế bên thành cho nên người ta gọi là Bàu Thành). Địa điểm này đã được Malleret khai quật, ở độ sâu 1,60m tìm thấy đồ gốm và con lăn (chày dạng pesani, chất liệu đá sa thạch). Những hiện vật này được đưa về viện Bảo tàng Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh); sau đó được các nhà chuyên môn nghiên cứu và cho rằng hiện vật tìm thấy ở khu vực Bàu Thành mang dấu ấn nền Văn hóa Óc Eo.
Theo các tài liệu sử học trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Vùng đất nơi đây xưa kia là lãnh thổ vương quốc cổ Phù Nam, đến thế kỷ VII (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp. Thế kỷ XIII – XIV vương quốc Chân Lạp suy yếu chia làm hai lãnh thổ, Thượng Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Thế kỷ XVII – XVIII một phần lãnh thổ Thủy Chân Lạp trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam (tức Nam Bộ ngày nay).
Bàu Thành còn có tên gọi khác là Dục Tượng trì hay còn gọi là (ao voi tắm). Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết: “ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An. Khi xưa là chỗ đồn binh của người Cao Miên, Bô Tâm tắm voi, xung quanh đắp đê bằng đất, nay dấu cũ vẫn còn”. Đất Long Điền – Bà Rịa lúc đó thuộc xứ Mô Xoài (Mỗi Xuy), còn có một đạo quân của chúa Nguyễn, gọi là “Đạo Mô Xoài”. Đạo là cấp hành chính – quân sự nhỏ hơn cấp huyện. Đạo Mô Xoài được Gia Định thành thông chí chép có đoạn viết về luỹ Phước Tứ: “Lũy ấy trải mấy đời sau cũng nhân theo đó nhận làm yếu địa đồn trú cho đạo Mô Xoài, nay giặc giã yên lặng, tứ bề không còn đồn lũy, tuy thành tường đào phá làm ruộng vườn, mà bờ tre còn xanh tốt, còn nhìn nhận được dấu tích lũy xưa”.
Dấu tích Bàu Thành cổ đến nay vẫn còn rõ nét. Năm 2012, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu khảo cổ học cùng với cán bộ chuyên môn thuộc Bảo tàng tỉnh đến Bàu Thành khảo sát thực tế những dấu tích còn lại. Hiện nay Bàu Thành có diện tích 19,75 ha, nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa huyện Long Điền. Ở phía Đông Bắc của Bàu còn dấu tích của rạch nước, con rạch này dẫn nước từ suối Ngang là một nhánh của suối Đá Nghệ về bàu. Bờ lũy phía Bắc và phía Nam chiều dài mỗi bờ còn lại khoảng 400m. Bờ lũy phía Bắc cao từ 5m đến 7m, bờ phía Nam cao từ 7m đến 8 m, chân lũy rộng khoảng 15 đến 25 m, mặt lũy nhiều đoạn rộng từ 6 đến 12 m và còn nhiều bụi tre gai giống như sách xưa mô tả.
Từ những tư liệu lịch sử, khảo cổ học và thực tế khảo sát nói trên. Có thể nhận định rằng di tích Bàu Thành được hình thành vào khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI. Người xưa đã biết lợi dụng địa hình nơi đất trũng và gò đất tự nhiên tạo thành bờ lũy để đào hồ chứa nước đáp ứng nhu cầu mưu sinh.
Để di tích Bàu Thành mãi mãi trường tồn với những giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Bảo Tàng tỉnh phối hợp với các ban, các ngành và chính quyền địa phương xây dựng hồ sơ khoa học, trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Hiện nay khu vực Bàu Thành đã được quy hoạch thành Trung tâm Văn hóa huyện Long Điền. Bờ phía Tây trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nên đã bị san lấp mất dấu tích và giờ đây đã xây lên ngôi Đền thờ liệt sỹ của huyện Long Điền. Tại vị trí này trước đây là một gò đất cao, những người dân sống lâu đời ở đây thường gọi là “Gò Đồn”. Bờ bàu phía Đông, qua biến cố thời gian nên đã bị san lấp để lấy đất canh tác, trồng trọt, dấu tích xưa đã mất, thay vào đó là công trình sân vận động, khu luyện tập bóng đá. Lòng bàu đã được lạo vét, chỉnh trang, xây kè đá xung quanh và trong khuôn viên đã xây dựng thêm các công trình tôn tạo cảnh quan. Các hạng mục như bờ lũy phía Bắc và phía Nam còn lại vẫn được giữ nguyên hiện trạng, được bảo vệ nghiêm ngặt, trồng thêm cây xanh chống xói mòn đất.
Di tích Bàu Thành và các di tích như: Đình Long Phượng (thị trấn Long Điền), đình Hắc Lăng, chùa Thiên Thai (xã Tam Phước), chùa Long Hòa (xã An Ngãi)..v.v.. tạo nên một quần thể di tích cùng với những danh lam thắng cảnh trên địa bàn, là địa chỉ lý tưởng cho du khách trong nước cũng như khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu. Đến với di tích Bàu Thành du khách không những được tìm hiểu về thiên nhiên, con người, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã được kết tinh trong nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt, mà còn được hưởng thụ những dịch vụ như: Vui chơi giải trí, ẩm thực, giải khát, giao lưu.v.v..
————————————————————————————————————–
Tài liệu tham khảo:
– Địa chí Bà Rịa Vũng Tàu, Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh: KHXHNV – Hà Nội 2005
– Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam: Trẻ – HCM 2004
– Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, tập thượng, Q I, II: NVH Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa – 1972.
– Quốc Sử Quán Triều/ Nguyễn Ngọc tỉnh, Đào Duy Anh biên dịch & hiệu đính: GD – Hà Nội 2007
– Về di tích Bàu Thành/ Phạm Quang Minh: http:// 4phuong.net
– Vương quốc Phù Nam – lịch sử và văn hóa (Fu Nam history and culture)/ Lương Ninh: VH TT – Hà Nội 2005.
– Xứ Mô Xoài vùng đất đầu tiên người Việt khai phá ở Nam Bộ/ Nguyễn Đình Thống: http:// Khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.
Trần Thị Hoa