Danh Thắng Niết Bàn Tịnh Xá

(08/02/2009)

Niết Bàn Tịnh Xá nằm ở trung điểm Bãi Dứa, trên triền núi Nhỏ hướng ra biển Đông, xây dựng năm 1969 trên diện tích gần 10.000m2 hoàn thành năm 1974, nằm vào vị thế Sơn thủy, hữu tình, luôn cuốn hút dẫn du khách thập phương.

Là một công trình đồ sộ gồm nhiều phần, nhiều cấp. Đường lên chánh điện 37 bậc tam cấp. Bên phải chánh điện, ngay lối lên dựng lầu trống tôn trí Phật Di Lặc ngồi trên cao, giữa là tượng hộ pháp, Di Đà. Chiếc lư bồng trang trí hình tứ linh Long – Ly – Quy – Phụng của Niết Bàn Tịnh Xá có kích thước lớn ghép sứ men màu là tác phẩm khá mỹ thuật. Trung tâm tòa chánh điện tôn trí pho tượng Phật tư thế nhập niết bàn, vì lẽ đó mà ngôi chùa có tên Niết Bàn Tịnh Xá. Tượng Phật nhập niết bàn dài 12 mét nổi bật giữa chánh điện, màu nâu hồng nằm nghiêng mặt về hương tây, đầu gối lên tay phải hướng phía bắc, chân duỗi thẳng về nam, lòng bàn chân khắc văn 52 điểm ấn. Theo truyền thuyết đó là tư thế của Đức Phật khi nhập niết bàn trên tảng đá tại Kusinara. Pho tượng Phật nhập niết bàn là trung tâm điểm của ngôi chùa, lại được bố cục trong không gian phối họa các tích Phật có tính nghệ thuật như cây Long Thọ nổi bật giữa thiên nhiên xanh thẳm, những con công, con hạc rộng cánh ẩn hiện giữa trời mây, những loài sư tử, hổ, khỉ phục chầu Đức Phật viên tịnh vào cỏi niết bàn đều đắp nổi, chạm khắc công phu, màu sắc hài hòa tạo nên bức tranh sống động nhưng trang nghiêm, sâu lắng.

Trước chánh điện dựng trụ phướn  cao 21 mét, 42 nấc bê tông ốp gạch men màu, đỉnh phướn đính ba nhánh búp sen tỏa đều ba hướng làm độc đáo thêm cho Niết Bàn Tịnh Xá.

Sau chánh điện là Trai đường của chư tăng, trên vách 34 bích họa diễn tả lại cuộc đời Đức Phật từ khi sinh ra đến khi nhập niết bàn cùng nhiều tranh tượng khác bài trí cho Trai đường.

Dựa vào thế núi, Niết Bàn Tịnh Xá xây trên nhiều độ cao khác nhau. Phía trên và sau chánh điện là nơi thờ Phật Tổ. Điện thờ Phật Tổ bài trí ba pho tượng Phật Thích Ca tọa thiền trên đài sen sơn son thiếp vàng, rực rỡ trong nắng chiều làm sáng lên toàn khu điện. Trên tường bên phải điện là tranh Đức Phật ngồi dưới tán bồ đề với nữ thí chủ tới cúng dường vào giờ ngọ. Gần đó là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên trái điện là tranh thuyền chở ba vị thánh với dòng chữ hán “Tây phương tiếp dân Tam Thánh hóa hải thoàn. Gần đó là tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và tranh của Ngài. Tại đây có lối dẫn lên tầng trên. Gọi là tầng trên nhưng kỳ thực đây là độ cao lùi vào phía núi được tận dụng làm mặt bằng chứ không phải là lầu nhà. Do là mặt bằng rộng, thoáng mát lại có độ cao, du khách có thể tầm dõi mắt ra xa phía biển khơi, hoặc dễ dàng ngắm cảnh vịnh Bãi Dứa. Ở đây bài trí nhiều hoa cảnh đẹp mắt. Phía sau là thuyền Bát Nhã tạc cách điệu thành một con rồng lớn, quanh thuyền ốp các loại mảnh sứ trắng men lam, men màu. Trong thuyền Bát Nhã chứa nước ngọt, thả cá làm cảnh. Với ý nghĩa “thuyền Phật độ chúng sinh qua giác nạn” (chúng sinh tới bến bờ hiểu biết), thuyền Bát Nhã tượng trưng cho trí tuệ Phật giáo.

Phía sau Bát Nhã là điện thờ Phật rộng rãi, dựng lại cánh rừng Phổ Đà, nơi Hoàng thái tử Siddharta bắt đầu khoác chiếc áo vàng của tu sĩ, bước vào cuộc đời tu hành khổ hạnh khi mới 29 tuổi. Cảnh cánh rừng Phổ Đà được thể hiện công phu đến từng chi tiết, là một bức tranh nghệ thuật giàu tính hiện thực. Hai bên phía ngoài có nhiều tượng voi, ngựa rất sống động. Chính giữa là Quan Thế Âm Bồ Tát cao 3 mét. Gần đó có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thứ hai được thể hiện ở tư thế ngồi, bên cạnh có tượng Kim đồng đứng trên tòa sen. Bên trái Long nữ đứng hầu, phía trên là cảnh hạc ngân tràng đang bay tới, bên phải có tượng thần Dạ Lan với hai đệ tử đứng hầu hai bên, cạnh là tượng bồ tát Địa Tạng. Cách bày trí điện thờ nổi bật với sự đối xứng mà mà không ràng buộc sự tương đồng trong các điển tích Phật giáo. Du khách thưởng ngoạn thuần túy sẽ luôn luôn được hấp dẫn vì sự đa dạng, không đơn điệu như một số ngôi chùa khác.

Nổi bật trên mặt bằng trang trí nhiều hoa cảnh của sân thuyền Bát Nhã là gác chuông lớn nối liền với dãy nhà nghỉ của chư tăng. Gác chuông hình vuông, bốn  mái uốn cong, đầu đao đắp nổi. Trong tháp treo Đại Hồng Chung bằng đồng cao 2,8 mét, chu vi 3,8 mét, nặng tới 3.500kg. Đại Hồng Chung không những là chiếc chuông lớn nhất và nặng nhất mà còn có âm vang hay nhất trong các chuông chùa hiện có ở Vũng Tàu. Muốn thỉnh chuông phải dùng chiếc vồ bằng gỗ dài, treo lơ lửng lao vào núm chuông, âm thanh phát ra thành chuỗi ngân dài vang xa, khơi dậy sự đầm ấm và niềm tin hướng về cửa phật. Từ giác chuông, toàn cảnh Niết Bàn như hiện ra trước mắt du khách, đó là một công trình kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên, biển trời mây núi và tiếng chuông ngân vang tha thiết.

                                                                                                                                    Admin


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu