Di tích lịch sử cách mạng Nhà má Tám Nhung

(29/03/2019)

Phương Nguyên

       Di tích lịch sử cách mạng nhà má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) số cũ 42/11 đường Trần Phú, nay là số 1, Trần Xuân Độ phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nằm dưới chân núi Lớn, cách ngã tư Bến Đình phường Thắng Nhì, khoảng 100 mét về phía tây. Trước đây là một khu vườn rậm rạp, yên tĩnh gồm nhiều cây ăn trái do ông bà Tám Nhung khai phá, gây dựng. Tại ngôi nhà này vào những ngày cách mạng tháng Tám 1945 là nơi họp của Ủy ban mặt trận Việt Minh, trong 2 cuộc kháng chiến ngôi nhà cơ sở nuôi dấu cán bộ hoạt động trong nội ô của Tỉnh ủy, Thị ủy Vũng Tàu…Với giá trị và ý nghĩa lịch sử tiêu biểu năm 1989 nhà má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện nay ngôi nhà của má Tám Nhung đã được trùng tu, tôn tạo vào năm 2015, di tích trở thành điểm tham quan giáo dục truyền thống về một bà mẹ Việt Nam tiêu biểu, sáng người chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thành phố Vũng Tàu trong hai thời kỳ kháng chiến thật giản dị, nhân hậu mà trung kiên, bất khuất…đã hết lòng ủng hộ, bí mật nuôi dấu cán bộ cách mạng an toàn cho đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất.

       Má Hồ Thị Khuyên sinh năm 1905 mọi người trong xóm thường gọi với tên thân mật là má Tám Nhung (vì chồng của má là ông Nguyễn Văn Nhung).  Ông Nhung cũng là một người có tinh thần yêu nước, căm thù thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào, ác bá, sớm được giác ngộ cách mạng.

       Năm 1930 ông tham gia cướp chính quyền tại 18 thôn Vườn Trầu. Cuộc khởi nghĩa thất bại ông bị thực dân Pháp bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc tra tấn dã man nhưng ông không hề khai báo. Thân hình ông bị chúng đánh đập đến tàn phế, rồi lưu đày biệt xứ.. Khoảng năm 1941-1942 ông Nguyễn Văn Nhung từ Gò Công (Tiền Giang) đến khu vực Núi Lớn (Vũng Tàu) sinh sống sau đó ông   xây dựng gia đình với bà Hồ Thị Khuyên. Hai ông bà chặt cây, khai hoang đất đai dưới chân Núi Lớn, phường Thắng Nhì để làm nhà, trồng cây ăn trái. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh khu vực Nam Bộ tạm thời lắng xuống trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Tại Bà Rịa -Vũng Tàu các cơ sở cách mạng không bị vỡ, tiếp tục duy trì hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng tháng Tám 1945. Vợ chồng ông bà Tám Nhung đã kịp thời bí mật liên lạc với Ban Việt Minh và binh vận ở Vũng Tàu. Hình thành bộ phận cốt cán trong cuộc vận động giành chính quyền 1945. Ngôi nhà của ông bà Hồ Thị Khuyên là nơi thành lập Ủy ban khởi nghĩa, quyết định giành chính quyền tại Vũng Tàu.

       Vũng Tàu là một bán đảo nhỏ án ngữ cửa sông Lòng Tàu con đường thủy duy nhất vào cảng Sài Gòn. Con đường huyết mạch này cung cấp phần lớn phương tiện cho hai cuộc chiến tranh xâm lược thực dân cũ và mới của Pháp và Mỹ. Vì vậy mà cả hai đế quốc Pháp và Mỹ đều tăng cường bộ máy kềm kẹp đàn áp phong trào cách mạng Vũng Tàu. Trong chống Mỹ, Vũng Tàu là một căn cứ quân sự quan trọng của địch có mặt hầu hết các sắc lính Mỹ, lính Ngụy và lính đánh thuê. Vũng Tàu còn là một trung tâm huấn luyện đào tạo những tên tay sai chống cộng khét tiếng như cảnh sát, bình định nông thôn, gián điệp, biệt kích, thiên nga, phượng hoàng… Mỗi người dân Vũng Tàu phải chịu đến mấy tầng kềm kẹp, kiểm soát của địch. Trên địa bàn phường Thắng Nhì thời kỳ chống Pháp,  chống Mỹ, địch đều xây dựng ở xung quanh khu vực Bến Đình nhiều căn cứ quân sự  xưởng sửa chữa pháo, Trại lính khố xanh, Trại lính dù, trại thủy quân lục chiến, trường thiếu sinh quân, trường truyền tin, chưa kể đến các loại cảnh sát tình báo, mật vụ, an ninh, tề ấp. Phường Thắng Nhì có vị trí đặc biệt đối với Vũng Tàu cho nên địch bố phòng nghiêm ngặt để bảo vệ trung tâm thị xã. Đối với cách mạng thời kỳ chống Pháp, Mỹ là nơi tập trung đầu mối lãnh đạo của Đảng, là nơi liên lạc quan trọng giữa Vũng tàu với căn cứ núi Nứa, Núi Dinh, Thị Vải, Cần Giờ…Trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ông bà Hồ Thị Khuyên tiếp tục bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1962 trước sự khủng bố khắt khe của kẻ thù má Hồ thị Khuyên chuyển về hoạt động tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, má tham gia trong Hội mẹ chiến sĩ, trực tiếp đi đặt chông, gài mìn tiêu diệt địch …Năm 1968 giặc bình định xã Tân Điền, huyện Gò Công, Tiền Giang má Tám bị địch bắt và giam giữ 2 tháng. Trong trại má Tám bị chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn, té nước, tra điện vào đầu ngón chân, ngón tay… nhưng má kiên quyết không khai báo. Cuối cùng không có chứng cớ má Tám được trả tự do và trở về Vũng Tàu. Vào thời gian này địch ráo riết lập thêm nhiều đồn bót, kiểm soát gắt gao. Nhiều cơ sở cách mạng tại Vũng Tàu phải chuyển sâu vào Rừng Sác, sang Núi Dinh, Thị Vải… Để lãnh đạo phong trào cách mạng Thị ủy Vũng Tàu quyết định bám trụ các cơ sở. Nhà má Tám được giao nhiệm vụ bí mật nuối dấu các cán bộ cách mạng.  Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho anh em hoạt động má Tám nghĩ ra cách trú ẩn độc đáo bằng cách xây một căn hầm bí mật tại ngôi nhà của gia đình. Người trực tiếp xây dựng căn hầm là đồng chí Bảy Thép, thuộc cơ sở bí mật của ta. Công việc đang tiến hành thì tên cảnh sát nằm vùng đến. Nhìn đống cát gạch ngổn ngang hắn hỏi: “Dạo này bà làm ăn phát đạt quá ta, định xây nhà lầu cho Việt cộng ở chắc”. “Đâu có thưa ông, nhà bán được mấy túm nhãn mua ít xi măng về bảo thằng cháu ở dưới quê lên xây cái bể đựng nước. Quanh năm không có bể cứ phải gánh nước cực quá”.

       Hầm bí mật được xây vào tháng 6 năm 1967 dưới hình thức là bể chứa nước chiều dài là 2m, rộng 1,8m. Bể chứa nước được chia hai phần đều nhau. Nửa làm hầm không có nước, hầm được mở một cửa. Nắp hầm là hình thức bức vách rộng 40cm, dài 80cm, trên nắp hầm được ngụy trang bằng dụng cụ của gia đình để lên trên. Một cửa vào ra là vách nhà. Muốn vào hầm thì đi vào buồng, vách vào được đóng bằng bản lề phía trên với một cây ngang, khi có động cán bộ chỉ cần đẩy bức vách bước xuống hầm rồi đóng lại thì nhìn bên ngoài như một bức vách của vách nhà, rồi để một tủ nhỏ đựng chén đĩa để ngụy trang. Nửa còn lại là bể nước có máng xối dẫn nước từ mái nhà xuống bể. Nhìn bề ngoài là hình thức một bể chứa nước, phần có máng xối xuống là bể chứa nước, còn nửa kia thực ra là hầm bí mật cửa ở vách trong buồng, bên cạnh chiếc giường gỗ và một tủ nhỏ đựng chén đĩa.

       Bọn địch nhiều lần nghi ngờ chúng lục soát nhưng không tài nào phát hiện nổi. Có lần chúng cho quân lính đến lục sùng rất kỹ nhà má Tám Nhung. Trước đó trên mặt bể nước má đã kịp phơi cá từ buổi sớm. Khi đén gần bể nước thấy mùi cá hôi tanh nên chúng đã vội lánh xa. Ngôi nhà và căn hầm bí mật má Tám Nhung là cơ sở bí mật an toàn cho các đồng chí trong thành ủy Vũng Tàu hoạt động từ 1968  cho đến ngày Vũng Tàu giải phóng, tiêu biểu là đồng chí: Võ Thị Dậu, Ba Khánh (Trần Văn Khánh).

       Đến thăm ngôi nhà và căn hầm bí mật của gia đình má Hồ Thị Khuyên chúng ta càng thêm tự hào về tinh thần yêu nước, tấm lòng nhân hậu, cao cả của một người mẹ Việt Nam anh hùng trọn đời hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu