Đình Phước Lợi

(23/02/2010)

Trong công cuộc khai phá vùng đất mới, sau khi vượt qua bao thời gian đào mương đắp lũy, mở rộng xóm làng xác lập đơn vị cư trú đầy gian nan, khó nhọc, hiểm nguy. Đến việc đầu tiên của lưu dân là đắp lộ xây cầu lập chợ và xây dựng đình, chùa, miễu là những nhu cầu thiết yếu của một làng

Đình thần vốn là chỗ dựa tinh thần, gắn liền với tâm thức thiêng liêng của tiền nhân và do nhu cầu tín ngưỡng đã hằn sâu trong nếp nghĩ, sinh hoạt nên bao giờ cũng được ưu tiên xây cất ở nơi cao ráo, có phong thủy đẹp.

Theo địa bạ đầu thời Minh Mạng (1820) làng Phước Lợi thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Làng Phước Lợi xưa thường gọi là Gò Tre theo lời kể lại của các bô lão trong làng do hai ông Trần Văn Hòa và Dương Văn Hớn đã về đây khai phá rừng, lập ấp, quy tụ dân quanh vùng Gò Tre. Hai ông sau khi mất được nhân dân tôn thờ vào bậc “Tiền hiền” khai sơn, phá trạch, dựng làng, lập ấp.

Các  kỳ lão của làng và ban tế tự đình Thần Phước Lợi còn cho biết, đình được xây dựng khá lâu do nhân dân trong làng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng. Đình cách trung tâm thị trấn Đất Đỏ khoảng 1500 mét về phía đông. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Mỹ, đình bị tàn phá, hủy hoại nên được tái tạo sửa chữa nhiều lần. Những năm tái tạo, sửa chữa trước đây các cụ không rõ cụ thể năm nào chỉ biết năm  gần đây nhất là  1988 có trùng tu nâng cấp chánh điện và một phần nhà tiếp đãi khách.

Đình có diện tích đất là 7000m2 trong đó diện tích xây dựng 300m2. Kiến trúc xây dựng trước đây theo kiểu dáng chữ tam (º), vật liệu chủ yếu là gỗ, lắp ráp với nhau bằng  hệ thống mộng, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu. Các đầu, đuôi cột, xà, kèo, đều có chạm trổ hoa văn rất tinh xảo. Kiến trúc bài trí trong đình là các bao lam, câu đối, hoành phi  rất hoành tráng. Trong hai cuộc chiến tranh tàn phá, cùng với sự hủy hoại của thời gian và tác động của con người những báu vật và các tác phẩm nghệ thuật chạm trổ điêu khắc không còn. Hiện nay đình còn lưu giữ một vài bộ phận kiến trúc bằng gỗ nhưng bị mối mọt, hư hỏng xuống cấp không còn giữ được những yếu tố nguyên gốc ban đầu.

Đối tượng thờ cúng chính tại đình là : “Thần Hoàng Bổn Cảnh”  là vị thần bảo hộ cộng đồng dân cư, “Ngài ngự trị ở trong đình cùng chứng kiến đời sống sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ mọi người an khang thịnh vượng” (Đình Nam Bộ – tín ngưỡng và nghi lễ, tr 61) và phối thờ ông Hồ Quí Thống vị tướng có công chống giặc Chiêm Thành được vua Tự Đức  sắc phong “Thoại Thần Hào”. Trong văn tế cầu an hàng năm có viết tước vị “Thống kiểm soát nhân gian thiên hạ đồng đại Thành Hoàng Đại Vương”. Ông là người có công với  nước được nhân dân tôn kính như một vị “Nhân Thần” . Đình Thần Phước lợi còn thờ tự những bậc tiền hiền (khai khẩn) hậu hiền (khai cơ). Đây là các vị tiền bối, lớp người đi trước từng bỏ công sức, tiền của có cả xương máu để khai khẩn vùng đất mới, gây dựng xóm làng, thôn ấp  và mở ra cơ nghiệp để lại cho con cháu đời sau. Đặc biệt trong đình còn thờ năm Bà Ngũ Hành. Theo dân gian Ngũ Hành Nương Nương là năm vị thần có tên như sau: Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi. Đây là năm vị có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến sông nước, củi lửa, gỗ cây, vàng bạc và đất đai. Trong đình còn thờ ông Địa, Thổ Công vị thần cai quản đất đai. Họ cầu mong vị thần này phù hộ cho dân làng có một vùng đất lành ”An cư lạc nghiệp”,  làm ăn thuận lợi. Ngoài ra tại đình còn tổ chức các lễ: khai rừng 7/1 âm lịch, tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch, vía Thần Hoàng Bổn Cảnh 11/5 Âm lịch.  Hiên nay trong đình còn lập bàn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ.

Đình Thần Phước Lợi tổ chức lễ cầu an  hàng năm vào các ngày 10, 11, 12/12 âm lịch. Lễ hội được ban tế tự và dân làng tổ chức chu đáo theo nghi thức truyền thống. Trước khi thực hiện nghi thức cúng thần, chánh bái, bồi bái đi từng bàn thờ để kiểm soát các lễ vật để bổ sung cho đủ.

Vào đầu lễ hội là lễ khai kinh, cầu an, cúng tế Tiền hiền, Hậu hiền, sau đó là lễ nghinh Thần bằng kiệu lộng, có học trò lễ, chiêng, trống, cờ hoa lộng lẫy.

Trong lễ cầu an hằng năm trước đây Ban tế tự cùng  với dân làng tổ chức rước đoàn hát bội về phục vụ thời gian từ 2 đến 3 ngày, đêm, sau này do kinh phí có hạn nên chỉ tổ chức hát một đêm.

Đình Thần Phước Lợi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và vị tướng quân triều Nguyễn được vua phong hiệu “Thoại Thần Hào”  Hồ Quí Thống . Vị tướng quân Hồ Quí Thống hiện nay được thờ tại các đình thần Phước Bửu, Xuyên Mộc, Đình thần Thạnh Mỹ xã Phước Thạnh, Đình thần Long Tân, xã Long Tân, Đất Đỏ.

                                                                                                                                           BBT


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu