Giáo dục lịch sử truyền thống
Qua thực tiễn của ba năm tham gia chương trình “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, gắn nội dung giáo dục lịch sử truyền thống và văn hóa ứng xử trong học đường chúng ta thực sự đồng cảm, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên dạy môn lịch sử và niềm tự hào về truyền thống quê hương đất nước của các em học sinh khi đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dấu ấn khắc sâu vào tâm trí thế hệ trẻ là dịp được gặp gỡ trao đổi, giao lưu với các bác, các chú là những nhân chứng lịch sử đã từng bám trụ và chiến đấu trong những ngày tháng vô cùng gian khổ, ác liệt.
Lịch sử là những sự kiện tiêu biểu, quan trọng, quyết định… đã từng diễn ra trong mỗi một dân tộc quá trình ấy từ lúc hình thành đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Giáo dục lịch sử cho học sinh các cấp hiện nay thông thường các em chỉ được nghe các thầy cô kể chuyện về các sự kiện, diễn biến, địa điểm, thời gian lịch sử trên cơ sở các nguồn sử liệu, tài liệu ghi chép… Nhưng hiện nay môn lịch sử đang có nguy cơ báo động nhiều em không nghe giảng, không ghi chép môn học hay lấy môn khác ra học… dẫn đến kết quả thi môn thi lịch sử cuối cấp và đại học nhiều em bị điểm kém…
Những tâm tư, bức xúc của người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục truyền thống đặt ra là làm thế nào để tìm hướng khắc phục từng bước yếu điểm này. Chúng ta từng ứng dụng và nêu lên một số giải pháp để cùng thực nghiệm trong từng lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến và giáo dục như sau: Giáo dục dấu vết tiền sơ sử ngoài những tài liệu, tư liệu ấn hành phổ biến cho người nghe, tin và hiểu lịch sử tìm cơ hội để tiếp cận với hiện vật nên đến các viện bảo tàng. Hoặc qua các truyền thuyết lịch sử, ngoài nội dung cốt truyện người phổ biến, cần tóm tắt, phân tích về niên đại, thời đại phát triển của thời kỳ lúc bấy giờ mới có được điểm nhấn để người nghe ham thích và tìm cách nghiên cứu thêm. Truyền thuyết về Thánh Gióng xảy ra vào thời Hùng Vương thứ VI. Câu chuyện cần tóm lược các điểm nhấn khái quát hóa để người nghe hiểu sâu hơn và tự tìm hiểu nghiên cứu thêm về địa danh liên quan đến Thánh Gióng: dưới chân núi Sóc ngày nay có đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, tre của làng cháy sém màu ngà do ngựa sắt hý phun lửa, các ao hồ liền kề nhau là những dấu tích chân ngựa để lại… Đặc biệt các em cần được thấy giai đoạn lịch sử của truyền thuyết này xảy ra vào thời kỳ đồ sắt. Con người đã đúc được ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt… để giáo dục cho các thế hệ mai sau về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hay chuyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” xảy ra vào đầu Công nguyên, thời Vua Hùng thứ XVIII đã bỏ qua chế độ mẫu hệ, chuyển chế độ hôn nhân một vợ, một chồng kèm theo tục kén rể, không còn chế độ mẫu hệ “Mỵ Nương đi theo chồng lên núi Tản viên”. Tục thách cưới, các sản vật lúc bấy giờ của vùng trung du bắc bộ: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao (Phú Thọ) ngày nay. Và còn rất nhiều câu chuyện hấp dẫn khác như Nỏ thần An Dương, Mỵ Châu Trọng Thủy, khởi nghĩa hai bà Trưng, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, rồi đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… cho đến ngày nay mỗi câu chuyện đều gắn với không gian lịch sử, những sự kiện, nhân vật tiêu biểu, điển hình… phụ thuộc vào người dẫn dắt và gợi ý để làm nổi bật các chi tiết cần thiết, có sức cuốn hút người nghe.
Giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua tham quan học tập thực tế tại các di tích lịch sử cách mạng của địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến nay phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” triển khai cho các Phòng Giáo dục – Đào tạo trong tỉnh, riêng Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Vũng Tàu đã có một số trường ký kết với Bảo tàng tỉnh như Trường Tiểu học Thắng Nhất, Trưng Vương, Hòa Bình, Lam Sơn, Đoàn Kết, Lê Lợi… nhằm mục đích chăm sóc, bảo vệ di tích tại Bạch Dinh, trận địa pháo hầm thủy lôi trên núi Lớn Vũng Tàu, ngôi nhà lưu niệm số 86 Phan Chu Trinh… Hoạt động này chỉ là bước mới đầu khởi động, đặt nền tảng cho những chương trình hoạt động tiếp theo lâu dài, sâu rộng và hiệu quả hơn.
Sự phối kết hợp giữa Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Hội Khoa học Lịch sử và Bảo tàng về cuộc thi Tự hào sử xanh được các trường học trong tỉnh tham gia nhiệt tình với chất lượng cao. Hàng tháng cứ luân phiên tại phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện, thị, thành phố chọn địa điểm và những trường tham gia theo các chủ đề do Ban tổ chức sắp xếp, trong đó có sự tham mưu của Hội khoa học Lịch sử và Bảo tàng tỉnh nên chương trình diễn ra sôi động, có sức cuốn hút. Nội dung cuộc thi Tự hào sử xanh gồm tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, hình thức sân khấu hóa sự kiện lịch sử và tham gia bắn súng thần công…
Qua sinh hoạt giáo dục lịch sử truyền thống này giúp cho thế hệ trẻ nhận thức sâu hơn về giá trị ý nghĩa của cuộc sống, đã biết bao thế hệ cha anh là những gương sáng ngời về ý chí và tinh thần dân tộc quật cường đấu tranh giành lại nền độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và xây dựng ấm no hạnh phúc cho chúng ta hôm nay.
Tham quan giáo dục trực tuyến cho học sinh THCS những lớp cuối cấp nhờ sự đồng thuận cao, nên các em rất hào hứng được đến với các di tích lịch sử. Sau những chuyến tham quan bổ ích và ý nghĩa này các em đều được các thầy cô hướng dẫn viết bài thu hoạch, bày tỏ suy nghĩ, cảm tưởng của riêng mình về những điều học tập trong đợt về nguồn đã mở rộng tầm hiểu biết về niềm tự hào quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu thật oai hùng. Tại các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến các em có dịp gặp mặt, trao đổi, giao lưu trực tiếp với nhân chứng lịch sử là những người trước đây đã tham gia các trận đánh ác liệt tại di tích địa đạo Long Phước năm 1962, năm 1966, Khu căn cứ Minh Đạm năm 1961 – 1962, năm 1966, năm 1968 – 1969… Tại các di tích lịch sử văn hóa như Bạch Dinh, trận địa pháo hầm thuỷ lôi, Dinh Cô Long Hải, đình thần Thắng Tam nghe các vị đại diện trong Ban quản lý, Ban tế tự trao đổi, giải thích những điều các em chưa hiểu rõ. Phần quan trọng nhất là hướng dẫn thuyết minh với nội dung được khái quát, chọn lọc, cuốn hút từng chi tiết, sự kiện, nhân vật… tại các di tích. Với nguồn kinh phí hạn chế nên số lượng mỗi năm Bảo tàng chỉ tổ chức được khoảng 720 – 750 em tham gia chương trình này. Sau ba năm thực hiện đã có 3 địa phương hưởng ứng phong trào này gồm thành phố Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và thị xã Bà Rịa. Những chuyến về nguồn là hình thức giáo dục trực quan, hiệu quả đối với thế hệ trẻ, về những giá trị truyền thống hào hùng của dân tộc, bồi dưỡng lòng tự hào về quê hương đất nước, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các em học sinh, nhằm xác định mục tiêu phấn đấu học tập tốt để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Những điều mắt thấy, tai nghe tại các di tích lịch sử đã hun đúc thêm lòng khát khao được hiểu biết và niềm ham mê tìm hiểu về lịch sử văn hóa, cội nguồn trên mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Những năm tới Bảo tàng tỉnh lập kế hoạch mở rộng chương trình về nguồn đến các địa phương khác trong tỉnh, nhằm phổ biến công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ đạt hiệu quả hơn.
Nguyễn Kim Tương