Khám phá trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi trên núi Lớn Vũng Tàu
Đến với thành phố biển Vũng Tàu, phong cảnh hữu tình nên thơ, lãng mạn với bãi Trước, bãi Sau trải dài theo bờ cát trắng đã thu hút du khách thập phương trong và ngoài nước. Vũng Tàu nơi đây đã từng là niềm tự hào của nhân dân địa phương cũng như cả nước với những chiến công lịch sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Trận địa pháo, hầm thủy lôi là một trong những chứng tích quan trọng đã được thực dân Pháp, phát xít Nhật xây dựng tại núi Lớn thành phố Vũng Tàu.
Trận địa pháo và hầm thủy lôi xây dựng bên sườn núi Lớn. Từ bãi Sau du khách có thể theo đường Thùy Vân vòng qua bãi Trước xuôi theo con đường Trần Phú, một bên là biển cả bao la, một bên là núi non hùng vĩ. Đi trên con đường này du khách như được hòa mình vào bức tranh sơn thủy, hữu tình mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vũng Tàu. Tới con hẻm số 444 Trần Phú du khách men theo con đường nhựa rợp bóng cây xanh, uốn khúc quanh co lưng chừng núi. Kết thúc chặng đường khoảng một cây số rưỡi sẽ đưa du khách đến với trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi có từ thời Pháp – Nhật.
Trận địa pháo cổ: Tại đây du khách có thể hưởng bầu không khí trong lành từ thiên nhiên, ngắm toàn bộ vùng biển bãi trước dẫn mọi con tàu khách, vận tải cập cảng vào khu vực Đồng Nai, Sài Gòn. Phải chăng một thiên nhiên hùng vĩ, một vị trí chiến lược quan trọng tại nơi đây mà thực dân pháp đã chọn cho xây dựng lên trận địa pháo này? Phía trước án ngữ toàn bộ vùng biển mà từ nơi đây có thể tổ chức các hoạt động quân sự sang các vùng lân cận như Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn. Chính vì thế vào năm 1885 Pháp cho xây dựng hệ thống hầm và lắp đặt trận địa pháo nơi đây trong vòng 15 năm. Nằm ở độ cao 100 mét so với mực nước biển, trong khuôn viên rộng chừng hơn 1ha. Trận địa pháo được lắp đặt với 6 khẩu pháo, bố chí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau độ 17 mét rưỡi với trọng lượng là 15 tấn trên khẩu. Pháo cổ gồm có 5 bộ phận chính bệ pháo, giá súng, nòng súng,; buồng đạn và đuôi nòng. Bệ pháo cao 1,1mét hình tròn đường kính 3 mét chia làm bốn tầng. Phía trên bệ là phần giá súng cũng làm bằng sắt với chiều cao của nó 0,85 mét, đường kính trong 0,3 mét. Nòng súng dài 2,82 mét, đường kính lớn 0,42 mét, đường kính nhỏ 0,24 mét. Buồng đạn dài 1,28 mét, hai bên buồng đạn có hệ thống điều khiển tầm hình tam giác. Đuôi pháo dài 3mét làm bằng thép. Tính toàn bộ từ đuôi đến đầu nòng pháo dài 4,10 mét. Tất cả các khẩu pháo đều được đặt trên mâm pháo có thể quay 3600 và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định. Sáu khẩu pháo đều hướng ra biển Đông phía Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh, Xung quanh là hệ thống hầm, hào giao thông như phần công sự tất cả gồm 6 cái dài 8 mét, chiều ngang 5 mét. Xen giữa các khẩu pháo là hầm trú ẩn, có tất cả 8 hầm. Riêng khoảng giữa khẩu 3 và 4 có 3 hầm ngầm nằm gần nhau, cách nhau 1,5 mét, chiều cao 3 mét, cửa hình vòm rộng 2,5 mét. Hệ thống giao thông hào dài 102 mét, cao 1,5 mét, rộng 5,6 mét. Để xây dựng một trận địa pháo có thế nói là lớn nhất lúc bấy giờ thực dân Pháp đã cướp đi biết bao tính mạng, mồ hôi, xương máu của lao dịch khổ sai. Họ phải xẻ đá, phá núi làm đường, đào hào giao thông, xây hầm công sự đều làm bằng thủ công. Để chuyển được vật liệu và những khẩu pháo lên núi ngoài sức người thì một hệ thống đường ray, cần trục cổ và sức kéo của gia súc phần nào cũng được áp dụng phục vụ cho việc xây cất công trình này.
Khám phá trận địa pháo du khách không thể không tìm hiểu về hầm thủy lôi. Vậy hầm thủy lôi là gì? Có thể hiểu một cách nôm na thủy là nước, lôi là sấm sét – “Thủy lôi” đó là loại vũ khí quân sự có sức công phá lớn như sấm sét dùng để tiêu diệt các loại tàu phà hoạt động chống phá dưới nước.
Hầm thủy lôi: Hầm thủy lôi và trận địa pháo đều hiện diện trong khuôn viên di tích nhưng lại là hai công trình quân sự hoàn toàn khác nhau. Về lịch sử, với trận địa pháo được xây dựng bởi thực dân pháp thì hầm thủy lôi lại được phát xít Nhật lập nên. Vào tháng 7 năm 1941 Nhật buộc Pháp phải ký hiệp ước “cam kết phòng thủ chung Đông Dương với Nhật” hiệp ước này được ký kết thì Nhật đã chỉ huy Pháp hoàn toàn về mặt quân sự. Đến tháng 10 năm 1941 Nhật đổ bộ vào Vũng Tàu, nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng này. Cũng như Pháp, phát xít Nhật cho xây dựng nhiều lô cốt, hầm ngầm, bố trí nhiều đại bác ở lưng chừng núi. Dọc cửa biển Vũng Tàu – cửa cảng Rạch Dừa, thả thủy lôi để ngăn chặn quân đồng minh Anh – Mỹ, một hệ thống thủy lôi dày đặc nhằm phong tỏa vùng biển Vũng Tàu – Cần Giờ được thiết lập để thực hiện chính sách xâm lược ở Đông Dương. Khác với trận địa pháo với một hệ thống đồ sộ thì hầm thủy lôi lại đơn thuần chỉ là kho dùng để cất giữ vũ khí quân sự của Nhật nhưng cũng không kém phần công phu trong quá trình xây dựng. Hầm thủy lôi được xây dựng vào năm 1944 sau bốn tháng thì hoàn tất. Hai hầm được xây dựng cách trận địa pháo chừng 200 mét cũng về phía tây dưới một thung lũng kín đáo. Hầm thủy lôi xây theo hình vòm, trên nóc đổ đá và xi măng. Tường của hầm có bề dày là 1mét, tường mặt trước cửa hầm xây bằng đá cao 7 mét, dài 20 mét. Hai cửa hầm vừa cao vừa rộng cách nhau 8,5 mét. Lòng hai hầm được bố trí thông nhau theo hình chữ U với chiều cao của hầm 2,7 mét. Việc cho xây dựng hầm chủ yếu tích trữ mìn thủy lôi để phòng thủ bờ biển, tạo nên một trận địa dưới nước án ngữ cửa biển Cần Giờ nhưng sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật đầu hàng đồng minh chúng đã gỡ 32 thủy lôi dưới biển cho vào hầm cất giữ. Thất thế của Nhật trên chiến trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng cả nước nói chung và cách mạng Vũng Tàu từng bước giành thắng lợi. Chính vì thế, trong điều kiện lúc bấy giờ quân dân Vũng Tàu đã nhiều lần đột nhập hầm đạn và thủy lôi núi Lớn, bí mật lấy khí tài của địch để trang bị cho ta. Việc lấy thủy lôi ở núi Lớn đã trở thành một chiến dịch của quân dân Vũng Tàu, trong vòng 6 tháng kiên trì phá hầm, vận chuyển được 30 quả thủy lôi trên núi Lớn đưa vể phục vụ cho ngành quân chế tạo lựu đạn, thủ pháo, bộc pháo dùng trong các trận công đồn.
Khám phá trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi tại núi Lớn Vũng Tàu không chỉ đưa du khách đến với thiên nhiên tươi đẹp mà còn làm sống lại lịch sử đấu tranh của quân và dân Vũng Tàu, hiểu thêm những khó gian khổ trong 9 năm kháng chiến đánh Pháp đuổi Nhật góp phần vào thắng lợi của cách mạng ).
Lê Xuân Bách
(Bảo tàng Bà Rịa vũng Tàu)