Long Bàn Cổ Tự
Chùa cổ Long Bàn còn gọi là chùa làng Long Điền, xưa thuộc Tổng An Phú Thượng, quận Long Điền. Hiện nay chùa thuộc thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Truyền thuyết kể rằng, vùng đất Long Điền trước kia có 9 con rồng chầu. Khu đất dựng ngôi cùa là phần cuối cùng của dãy núi Thùy Vân, có nhiều tảng đá tự nhiên phẳng như mặt bàn nên dân làng đặt tên là Long Bàn.
Có thể ngôi chùa được xây dựng sớm hơn, nhưng theo niên hiệu khắc trên xà ngang nhà giảng đường thì chùa Long Bàn được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ năm (Ất Tỵ 1845). Hai vị Hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh là đệ tử của Hòa thượng Giác Ngộ trụ trì chùa Bát Nhã trên núi Long Sơn tỉnh Phú Yên vào trụ trì đầu tiên, được dân làng tôn làm vị tổ khai sơn của chùa.
Chùa Long Bàn tọa lạc trên một khu đất cao tương đối bằng phẳng rộng trên 3.000m2. Trải qua hơn 160 năm nhưng chùa vẫn bảo tồn được gần như nguyên trạng. Chùa Long Bàn cất theo kiểu chữ Tam (º) như những chùa xưa ở miền Nam, nhưng mặt tiền có kiến trúc mới với hai lầu chuông và lầu trống nhô cao hai bên. Cấu trúc chùa Long Bàn gồm ngôi nhà sàn, tiền giảng đường, chánh điện, hậu giảng đường.
Ngôi chánh điện có nhiều hoành phi, câu đối chạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng. Gian giữa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Thế Chí, Ngọc Hoàng, Di Lặc, Bồ Tát. Gian bên trái thờ vị sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh. Ngoài ra tại đây còn có bàn thờ La Hán và Tthập điện Diêm Vương. Phía sau chánh điện là nhà thờ Tổ, thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và hai bài vị của Hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh.
Long Bàn là một ngôi chùa thuộc phái Thiền Tông, dòng Lâm Tế. Lễ chùa hàng năm tính theo âm lịch gồm có Rằm tháng Giêng (lễ cúng Thượng Ngươn), ngày 8/4 lễ tắm Phật và 15/04 lễ Phật Đản. Ngày 28,29/4 (Húy kỵ). Rằm tháng 7 (lễ cúng Trung Ngươn), vu Lan báo hiếu. Rằm tháng 10 (Hạ Ngươn).
Chùa cổ Long Bàn mang phong cách kiến trúc Á Đông. Với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã kiến tạo nên các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trỗ tinh xảo như hệ thống bao lam chạm hình chim phụng, khám thờ chạm rồng phượng, hoành phi, câu đối, mang giá trị thẩm mỹ cao. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều tượng phật, Ngọc Hoàng, Quan Thánh, 18 vị La Hán bằng đồng và gỗ mít, 8 khuôn in kinh khắc chữ nổi trên gỗ, 1 đại hồng chung bằng đồng cao 1,2m có cùng niên đại cách đây trên 150 năm. Ngoài nét độc đáo về kiến trúc về điêu khắc, chùa tọa lạc nơi cảnh trí thiên nhiên đẹp, hài hòa.
Chùa Long Bàn được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1991.
Nguyễn Thoa
Bảo tàng tỉnh BRVT