Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu: 20 năm một chặng đường

(29/01/2019)

Trong công cuộc chinh phục mở rộng lãnh địa về đất phương Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu đã sớm có người Việt đến khai hoang mở đất. Để có một vùng đất trù phú như hôm nay là phải trải qua hàng trăm năm thử thách với khói lửa binh đao, thiên nhiên khắc nghiệt. Tháng năm trôi đi gia tài cha ông để lại cho hậu thế không chỉ vùng đất với tiềm năng kinh tế phát triển có thứ hạng đối với quốc gia mà còn là cả một di sản văn hóa có giá trị to lớn.

Di sản văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình. Từ những dấu tích tiền sơ sử qua khai quật khảo cổ, tới khi người Việt khai khẩn vùng đất Mô Xoài xưa, đến kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để lại Bà Rịa – Vũng Tàu một di sản văn hóa hội tụ những giá trị vật chất, tinh thần qua nhiều thế hệ. Hai mươi năm qua kể từ khi Bảo tàng tỉnh được thành lập, công tác bảo tồn, bảo tàng di sản văn hóa đã thu nhiều kết quả đáng khích lệ.

Là cơ quan nghiên cứu khoa học bên cạnh công tác tham mưu, quản lý, sử dụng, phát huy di tích, Bảo tàng tỉnh thường xuyên củng cố bộ máy nhân sự, xây dựng các chương trình kế hoạch, quy hoạch, dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đồng thời thực hiện công tác chuyên môn: sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản, lưu trữ, khảo sát, khai quật di chỉ khảo cổ học, lập hồ sơ khoa học, lập hộ chiếu hiện vật trưng bày, phát huy di sản văn hóa phục vụ các đối tượng khách tham quan thưởng ngoạn, khai thác nghiên cứu di sản văn hóa do Bảo tàng đang quản lý lưu giữ.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bảo tồn phát di sản văn hóa, tới nay đã hoàn thành nhiều đề tài, như Cẩm nang du lịch di tích – thắng cảnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Di chỉ khảo cổ học Bưng Bạc, Chuyên đề khảo cứu Long Sơn, Khu di tích căn cứ Minh Đạm, Di sản Hán – Nôm trong di tích lịch sử văn hóa, Văn hóa lễ hội truyền thống, Bảo tồn kiến trúc cổ dân gian Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghề thủ công truyền thống tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đề cương trưng bày bày khái quát nhà bảo tàng… đang triển khai đề tài nghiên cứu Khảo cổ học Bà Rịa – Vũng Tàu tiền sơ sử.

Duy trì biên soạn, xuất bản tạp chí thường niên Di sản văn hoá Bà Rịa – Vũng Tàu, đã phát hành được 13 số. Trên trang Website www. baotangbrvt. org. vn mỗi năm cập nhật hàng trăm bài viết có giá trị thông tin tư liệu. Đây là kết quả tập hợp những sưu tầm nghiên cứu biên soạn của cán bộ khoa học nhằm giới thiệu về hoạt chuyên môn bảo tồn, bảo tàng, sử học, khảo cổ học, dân tộc học, các sự kiện lịch sử, địa lý nhân văn, kinh tế văn hóa, dân cư, đời sống vật chất và tinh thần, các nhân vật lịch sử liên quan đến quá trình khai phá mở đất, chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương… Đến nay thu hút gần 300.000 lượt độc giả truy cập Website để tìm hiểu về di sản văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong số 21.644 hiện vật thể khối đã sưu tầm các năm qua để hình thành gần 50 bộ sưu tập, trong đó 20 bộ sưu tập là cổ vật có giá trị, chiếm 65% tổng số hiện vật trong kho bảo quản, tiêu biểu: súng thần công Trung Hoa (thế kỷ XV- XIX), cổ vật Hòn Cau (thế kỷ XVIII), Hòn Bà – Vũng Tàu (thế kỷ XIX), Lộc An, Bãi Dâu (thế kỷ XXI) cùng nhiều sưu tập khảo cổ khai quật từ năm 1999 – 2005. Đối với sưu tập hiện vật dân tộc học, nghề thủ công truyền thống, khoáng sản tài nguyên thiên nhiên, hiện vật cách mạng kháng chiến và thành tựu xây dựng đất nước sau chiến tranh… chiếm 35%. Đó là chưa kể hàng ngàn tư liệu, hiện vật phục vụ các phòng truyền thống cơ sở cơ quan, đơn vị, ban ngành, huyện thị, phường, xã trong tỉnh.

Lưu trữ bảo quản 220.000 trang tư liệu lịch sử nhà tù Côn Đảo, hàng chục ngàn phim ảnh, 15.000 hiện vật trong kho cơ sở. Hoàn thành 3.000 hộ chiếu khoa học hiện vật bảo tàng, lập 41 hồ sơ khoa học xếp hạng di tích – trong đó có 31 cấp quốc gia, 10 cấp tỉnh, với trên 2.000 trang viết, 750 bản vẽ kỹ thuật, điển hình như di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo 18 địa điểm di tích với 120 bản vẽ. Cho tới nay thư viện Bảo tàng bổ sung hơn 1.000 cuốn sách với gần 500 đầu sách tham khảo tài liệu chuyên ngành, 900 đầu sách khác về lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kiến trúc… phục vụ nghiên cứu khoa học từ nhiều chuyên mục. Hoàn thành nội dung 39 phòng trưng bày truyền thống cơ sở phường, xã, 9 phòng trưng bày tại cơ quan đơn vị, như Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Công an tỉnh, Tiểu đoàn 445, Trường Trung học Biên phòng, Trường Cao đẳng sư phạm (thị xã Bà Rịa), Trường Văn Lương (thị trấn Long Điền) Lữ Đoàn 171, Trung Đoàn 33… 8 phòng trưng bày chuyên đề bổ sung di tích, như Khu căn cứ Núi Dinh, Nhà lưu niệm nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Nhà Truyền thống cách mạng thành phố Vũng Tàu, Địa Đạo Long Phước, Thích Ca Phật đài, Khu căn cứ Minh Đạm… Duy trì, tổ chức thuyết minh thường xuyên các phòng trưng bày chuyên đề, tại các di tích, đón tiếp hàng triệu lượt khách mỗi năm đến tham quan tìm hiểu bảo tàng, di tích. Ngoài ra tham gia nhiều cuộc trưng bày triển lãm lớn tại lễ hội, hội chợ, nhân dịp các ngày lễ lớn, đặc biệt trong dịp Festival biển tháng 4 năm 2006 phối hợp cùng Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày giới thiệu 10 con tàu đắm tại vùng biển Việt Nam, thu hút hàng ngàn lượt người đến xem.

Qua kiểm kê khoa học bước đầu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 200 địa điểm dấu tích lịch sử văn hóa, trong đó có 152 địa điểm đang trong giai đoạn nghiên cứu đề nghị xếp hạng, bảo vệ. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho dự án trùng tu, tôn tạo như Nhà tù Côn Đảo, Địa đạo Long Phước, Địa đạo Kim Long, Chùa Long Bàn, Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ Núi Lớn, Khu căn cứ Minh Đạm, căn cứ Núi Dinh, Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh xá, Nhà Lớn Long Sơn, Dinh Cô, Đài Antenna Parapol VIBA Núi Lớn, nhà 86 Phan Chu Trinh… Hầu hết các di tích, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, huy động được nguồn vốn khá lớn từ chủ trương xã hội hóa để thực hiện chống xuống cấp di tích. Nhờ vậy chất lượng di tích được nâng lên rõ rệt, đóng góp hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội – du lịch của tỉnh. Tới nay nhiều di tích, lễ hội được khai thác giá trị vật chất, tinh thần trong các tuor du lịch, để du khách có điều kiện tham quan hành hương, thưởng ngoạn, đặc biệt là giúp học sinh các nhà trường phổ thông, thanh thiếu niên sinh hoạt truyền thống về nguồn, với số lượng bình quân mỗi năm khoảng 3 triệu lượt người.

Nằm trong khu vực duyên hải vùng Đông Nam bộ các di chỉ khảo cổ học Bưng Bạc (Bà Rịa), Bưng Thơm (Đất Đỏ), Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (Tân Thành), Giồng Lớn xã Long Sơn (Vũng Tàu), mộ cổ Ông Trịnh (Tân Thành), mộ cổ Long Hương (Bà Rịa), Hòn Cau, Cồn Hải Đăng, Cồn Miếu Bà, Cồn An Hải (Côn Đảo) … được khai quật minh chứng cho vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu xưa kia có lớp cư dân cổ sinh sống đông đúc, phồn thịnh. Qua 13 cuộc khai quật quan trọng, đưa về Bảo Tàng 6.595 di vật có giá trị phục vụ nghiên cứu và trưng bày, gồm các loại hình công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình như rìu, pôn, cuốc, chày đá, bàn mài; đồ dùng, lu, hũ, thạp, bát bồng, công cụ săn bắt bằng xương, gốm; đồ trang sức các hạt chuỗi thủy tinh, mã não, đá quý, kim loại vàng, vòng tay đá… Các di vật thu nhận được cho thấy vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu xưa không chỉ là cửa ngõ giao thương buôn bán trong vùng, các khu vực lân cận Đông Nam Á, mà nơi đây từng tồn tại những làng cổ trù phú với tên gọi đặc trưng tồn tại tới ngày nay, bưng, đầm lầy, gò, giồng, cồn… tại các cửa sông, thềm lục địa và hải đảo. Theo kết quả điều tra năm 2002, địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện 73 vị trí có dấu tích khảo cổ, với cuộc khảo sát này đã cung cấp bổ sung nhiều thông tin quan trọng, mở ra tiềm năng rất lớn phục vụ nghiên cứ khám phá về thời kỳ Tiền – Sơ sử rất khả quan về khảo cổ học tỉnh  Bà Rịa – Vũng Tàu.

Là địa phương đầu tiên trong toàn quốc tiến hành nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, 15 ngàn hiện vật là những sưu tập tiêu biểu có giá trị từ tàu cổ Hòn Cau, Hòn Bà, tàu cổ thời Pháp (sứ men trắng), tàu Lộc An… Cổ vật thu được là gốm sứ, bình, hũ, lọ, choé, ống cắm bút, ấm, chén, đĩa, tô, dụng cụ phương tiện phục vụ đi biển, đồ đá, đồng… Nhiều hiện vật với loại hình chế tác đa dạng, phong phú, kỹ thuật đạt tới trình độ nghệ thuật điêu luyện, tinh xảo có nguồn gốc sản xuất từ các lò ở Cảnh Đức Trấn, Đức Hóa Trung Hoa, cùng hàng chục khẩu súng thần công cổ đúc bằng đồng thế kỷ XVI được phát hiện cho thấy con đường buôn bán qua lại trên vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu là tiềm năng lớn về khảo cổ học dưới nước giúp cho công tác nghiên cứu khám phá con đường tơ lụa với những con tàu chìm dưới đáy đại dương mà nhiều quốc gia trên thế giới đang quan tâm. Trong lòng đất, dưới đáy biển chắc chắn sẽ còn rất nhiều dấu tích, di chỉ khác… đến nay vẫn chưa có điều kiện để nghiên cứu và khám phá, nhất là vùng biển tỉnh Bà Ria – Vũng Tàu nằm trên tuyến đường tơ lụa nối liền giữa Đông và Tây bán cầu, đang ẩn chứa một tiềm năng khá lớn những tàu cổ bị chìm cần được khảo sát, thăm dò.

Nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh chủ động phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn công trình văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử khoa học nhằm bảo tồn lưu giữ, như Lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển, phim Lễ hội Nhà Lớn Long Sơn, phim Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam, nghiên cứu dịch thuật di sản Hán – Nôm trong các di tích đình chùa, điều tra nghiên cứu lễ hội dân gian Bà Rịa – Vũng Tàu, Làng nghề truyền thống Bà Rịa – Vũng Tàu, Lễ hội Thần Lúa (Sa Yang-va) của tộc người Châu Ro, nghiên cứu văn hóa dân tộc Châu Ro, … những đề tài này chứa hàng ngàn trang viết  không chỉ được bảo tồn lưu giữ, mà còn được tuyên truyền giáo dục thông qua kênh thông tin báo chí, mạng Internet, ấn phẩm tập san, lễ hội, tổ chức tham quan du lịch làm phong phú thêm cuộc sống, góp phần bảo tồn phát huy để tránh sự thất truyền.

Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu là chiếc cầu nối, là sợi dây thắt chặt quá khứ với hiện tại và tương lai. Quá trình ấy gắn liền vùng đất từ Tiền – Sơ sử đến thời khai sơn, phá thạch mở rộng lãnh địa về phương Nam và những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đó hình thành nên những thành luỹ, công trình kiến trúc, đình, đền, chùa, miếu… hun đúc thêm lòng yêu thương đồng loại, sẵn sàng cứu khổ, cứu nạn, chuộng chữ tín, đề cao việc ân nghĩa, đạo cha con, tình nghĩa vợ chồng, không khuất phục trước khó khăn, thiên tai khắc nghiệt… Đây chính là một di sản văn hoá vật chất tinh thần từ nhiều thế hệ đã trao truyền, để lại, mà 20 năm qua, một chặng đường những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng đã luôn tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và phát huy.

Trước ngưỡng cửa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xã hội đang phải xử lý nhiều mối quan hệ lợi ích vật chất với luân lý đạo đức, phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa dân tộc… Trong đó, lợi ích vật chất luôn lấn át và thách thức trước sự tồn tại và phát triển. Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là một trung tâm kinh tế lớn, với thế mạnh từ tiềm năng phát triển công nghiệp dầu khí, cảng biển, du lịch, đánh bắt, chế biến hải sản, hoạt động du lịch – dịch vụ… Bảo tồn phát huy di sản văn hóa có tầm quan trọng và không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, hình thành nhân cách con người mới, mà còn là động lực thúc đẩy xây dựng phát triển kinh tế đất nước.

Chí Thân

 


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu