Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận sưu tập tranh mỹ thuật của cố họa sĩ Nguyễn Văn Lương
Họa sĩ Văn Lương là Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Từ 1996 – 2005, tranh của ông tham gia các đợt triển lãm khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ông được giải thưởng Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ I/2004.
Họa sĩ Văn Lương sinh vào ngày 22.9.1922 tại xóm Trảng, thôn Long Điền, quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa, nay thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tháng 9/1939 ông thi đậu vào học Trường Mỹ thuật Gia Định niên khóa 1939-1943. Đầu năm 1955, Trường tư thục Văn Lương ra đời tại thị trấn Long Điền, thầy Nguyễn Văn Đường (Năm Đường) mời Nguyễn Văn Lương về dạy môn vẽ và nhạc cho học sinh. Trong thời gian này ông đã sáng tác “Hiệu đoàn ca Văn Lương” chứa đựng nội dung cách mạng. Tháng 6/1962 Nguyễn Văn Lương được bí mật ra chiến khu tham gia hoạt động cách mạng tại Ban Tuyên huấn Khu uỷ miền Đông. Tháng 8/1963 được cử đi học Trường Thông tin báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương cục mở tại Tân Biên – căn cứ địa tỉnh Tây Ninh. Năm 1965 ông trở lại miền Đông Nam Bộ được cử làm trưởng phòng Hội họa Ban Tuyên huấn Khu ủy. Trong một lần đi công tác tại Long Tân (Bà Rịa), ông bị địch bắt (1970) và giam giữ tại Nhà lao Phú Quốc tỉnh Kiên Giang (12/1972). Ngày 23/3/1973 ông được trao trả tại Thạch Hãn, Quảng Trị. Tháng 5/1974 được đi học khóa chính trị Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội. Tháng 7/1975 ông về Ban Tuyên huấn Khu ủy miền Đông. Tháng 10/1975 ông về công tác tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1977 ông được về làm hiệu trưởng tại Trường Trung cấp Mỹ thuật trang trí tỉnh Đồng Nai.
Họa sĩ Văn Lương là Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Từ 1996 – 2005, tranh của ông tham gia các đợt triển lãm khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ông được giải thưởng Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ I/2004.
Trong sự nghiệp hội họa của mình, họa sĩ Văn Lương đã sáng tác hơn 200 bức ký họa về đề tài kháng chiến, nhưng rất tiếc do những lần đi công tác bị thất lạc, đến nay chỉ còn lại vài chục bức. Hiện nay Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đang lưu giữ một số, một số khác chưa tìm lại được.
Trong quá trình sáng tạo, họa sĩ Văn Lương luôn dành tâm huyết phần lớn sáng tác về đề tài những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Nhìn chung các tác phẩm của họa sỹ được thai ghén từ những kỷ niệm sâu sắc từng chứng kiến, trải qua hay những ấn tượng dù chỉ mới lóe lên trong tiềm thức để rồi tác giả suy ngẫm, phát họa bố cục cho đứa con tinh thần ra đời bằng hoài bảo, mong muốn nhất.
Các tác phẩm hội họa của ông về chiến tranh chống Mỹ thể hiện phong cách tả thực, đặt con người trong những hoàn cảnh điển hình, của cuộc kháng chiến vừa ác liệt, tàn khốc nhưng cũng rất anh hùng nên gây xúc động, để lại ấn tượng sâu lắng. Những ký họa về chiến trường của họa sĩ Văn Lương đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị hiện thực và nghệ thuật, xin đơn củ như Dứt trận pháo địch em lại ca múa, Một cuộc họp tại căn cứ, Trước giờ tổng tiến công nổi dậy ở một đơn vị, Chuẩn bị điểm hỏa, Cuộc họp của cán bộ huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai… Những bức ký họa có giá trị nghệ thuật tư tưởng cao Cháu Cường tù nhân 6 tuổi được địch trao trả vào tháng 5/1973. Đó là một em bé cùng bị bắt với mẹ, cùng bị giam giữ và trao trả tại Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị cùng với tác giả. Nét ký họa thật đơn giản nhưng lột tả sự trong sáng ngây thơ, vừa mang nặng nỗi suy tư đường đời trong cuộc chiến. Họa sĩ có những tác phẩm về các bà mẹ trong những năm tháng từng đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, những nét đặc trưng của phụ nữ nam bộ dịu dàng, bao dung, nhân hậu, yêu thương mà cũng cương quyết, hiên ngang trước mũi súng quân thù : Hội nghị phụ nữ miền Đông Nam Bộ bàn về đấu tranh chính trị, Các bà má là chiến sĩ thi đua đấu tranh chính trị, Mảnh ván cũ này thay làm bàn làm việc được rồi… Hay về cảnh xếp chữ dưới nhà hầm nhà in BTH ở Đông Nam Bộ, miêu tả những người công nhân say mê làm việc trong hầm, mặc cho phía ngoài kia tiếng bom, đạn pháo cày xới để kịp ngày mai đưa tin thắng trận cho toàn quân, dân. Những tấm chân dung về những người chiến sĩ ta càng thấy vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ của các anh giàu tính nhân văn cao cả với vẻ đẹp thật giản dị, hồn nhiên, trong sáng : Đồng chí Tòng, 22 tuổi trinh sát D1 trong tận Gia Ray đêm 9/6/1965 xông vào lửa đạn cứu một em bé sáu tuổi thoát chết ; Có cái gì xao động ngoài xa, về cô Ngà, một nữ du kích xã Long Mỹ huyện Long Điền là chiến sĩ thi đua cấp khu Đông Nam Bộ, Đồng chí Hòa Bộ đội huyện Nhơn Trạch dùng đại liên bắn trả máy may giặc trong địa hình trống trải 14/3/1968…
Trong ký ức của hoạ sĩ Lê Minh, công tác tại phòng hội họa của Ban Tuyên huấn tỉnh Bà Rịa – Long Khánh có dịp đi thực tế ký họa tại chiến trường cùng với họa sĩ Văn Lương nhớ lại “Tôi được giao liên đưa xuống địa phương đi cùng anh em du kích xã bám vào vùng địch hậu để vẽ cảnh sinh hoạt, vẽ các má, các chị, các em ở hậu phương, cùng đi với tôi có họa sĩ Văn Lương. Tôi nhớ mãi cảnh xơ xác, tiêu điều của làng xã do chất độc hóa học thiêu cháy và bom đạn Mỹ cày xới, người dân bị đói nghèo nhưng các má, các chị vẫn luôn nở nụ cười đôn hậu, ấm áp. Mỗi lần có cán bộ về làng các má các chị vui mừng khôn xiết, có nải chuối hay trái xoài các má đều đem chia hết cho các con. Các má nói “Các con xa gia đình, xa cha mẹ, anh em chịu cực, chịu khổ phải hy sinh để cứu làng cứu nước giải phóng cho bà con làm sao các má không thương các con được”. Sau mỗi đợt đi ký họa tôi và anh Văn Lương tổ chức nhiều đợt triển lãm tại chỗ. Tranh vừa trải dưới đất, vừa căng dây treo cho mọi người xem. Không khí vui vẻ, yêu thích của bà con là sự khích lệ đối với chúng tôi rất nhiều”.
Đề tài kháng chiến chống Mỹ càng thể hiện rõ trong các tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Văn Lương với các tác phẩm Bà cháu làm chông, Mẹ con đào hầm. Hoạ sĩ đã khai thác triệt để mối quan hệ gia đình với hình ảnh gần gũi thân thiết mẹ và con, bà và cháu nhưng cùng mục đích tham gia đánh giặc trên quê hương. Những động tác dứt khoát, dáng người cần mẫn kết hợp nhuần nhuyễn luật xa gần, ánh sáng đều khắc sâu những khối hình rắn chắc, ẩn chứa một sức sống mãnh liệt, từ trong đường hầm sâu thăm thẳm ấy sẽ là những đoàn quân, bất ngờ xông lên tiến công kẻ thù. Tranh sơn dầu Một đơn vị phòng không, Lão du kích Chơro, Chờ giặc, Anh hùng quân đội tiểu đoàn 445 Nguyễn Minh Khanh. Tranh của họa sĩ Văn Lương trở thành một gia tài về quãng thời gian kháng chiến đầy gian khổ ác liệt, nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân miển Đông Nam Bộ. Chúng ta bắt gặp những hình ảnh của bà má quê ở Bàu Lâm huyện Xuyên Mộc, một lão du kích Chơro, những em bé Stiêng, những đoàn quân giải phóng đang sẵn sàng chờ lệnh tiến công dưới tán rừng cao su đang mùa trút lá trong những ngày đánh địch trong chiến dịch Bình Giã (1964-1965), những cánh rừng miền Đông Nam Bộ phủ đầy cây xanh trên nền đất đỏ bazan…
Những sáng tác của hoạ sĩ Văn Lương trở thành những tác phẩm nghệ thuật quý giá, mang giá trị tư liêu lịch sử, đọng lại âm hưởng anh hùng ca về những năm tháng vô cùng ác liệt đánh Mỹ giải phóng quê hương của quân, dân Bà Rịa -Vũng Tàu và miền Đông Nam Bộ.
Theo nguyện vọng, trước lúc qua đời (2008) họa sĩ Văn Lương dặn dò gia đình chuyển toàn bộ sưu tập tranh còn lại cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ. Thượng tuần tháng 4/2010 gia đình đã chuyển giao bộ sưu tập cho Bảo tàng, và vào thượng tuần tháng 5/2005 Sở VHTT-DL tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức lễ tiếp nhận hiến tặng sưu tập tranh của cố họa sĩ Nguyễn Văn Lương.
Duyên Tâm