Bức tranh thêu của nữ tù chính trị Côn Đảo

(06/08/2020)

Thấm thoát đã hơn 30 năm miền nam được giải phóng, năm tháng trôi qua cùng với bao đổi thay kỳ diệu của đất nước, nhớ lại 14 năm tù đày ròng rã (1961 -1975) chị Dương Thị Vinh – nữ tù nhân chính trị Côn Đảo bị chính quyền Sài Gòn nhốt trong “biệt giam” “cấm cố”.

        Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ ấy lòng chị bỗng trào dâng bao kỷ niệm xúc động về những người bạn tù thân thiết, với những câu chuyện không thể nào quên, nhất là về bức tranh thêu cảnh chùa Một Cột mà chị kiên trì bền bỉ tạo ra trong suốt 9 năm ròng.

       Khi đang ở “biệt giam” trại Y54 Thủ Đức, có một bạn tù được người nhà bí mật gửi vào một tấm hình chùa Một Cột đen trắng, cỡ nhỏ, cả phòng xúm lại để xem, bởi chùa Một Cột là tượng trưng cho thủ đô Hà Nội nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang sống và làm việc. Sau khi được xem, chị Vinh nảy ý nghĩ “mình sẽ thêu một bức tranh chùa Một Cột để ngày ra tù sẽ dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”. Lúc mới vào tù chị vốn là người khéo tay thường hay nhận thêu áo gối và áo dài cho các nữ giám thị. Để có chỉ màu và vải, cứ mỗi ngày một ít dành dụm chị có đủ chỉ màu để thêu nên bức tranh chùa Một Cột. Trong tù chị bị địch coi là đối tượng “cứng đầu” luôn phải nhốt “biệt giam” nên việc giấu kim, chỉ, lưỡi dao lam ở nơi bí mật là rất khó khăn. Chị bèn nghĩ ra cách dùng băng keo dán vào nách, khoeo chân. Lúc đầu thì còn giấu được nửa lưỡi dao lam sau chỉ dấu được ¼  lưỡi. Việc giữ được kim, chỉ, lưỡi dao lam đã vô cùng khó khăn rồi nhưng việc bảo vệ được bức thêu qua mỗi lần luân chuyển phòng giam hay trại giam thì lại càng hết sức khó khăn gấp bội. Để bảo vệ được bức tranh thêu chị có một cách độc đáo là bọc thật kỹ bằng ni lông rồi trải tấm áo ra để bức thêu vào rồi đặt một miếng vải lên vá lại trông bề ngoài như là một tấm áo vá nhờ vậy mà qua được sự khám xét, kiểm soát gắt gao của cai tù.

 Có một lần tưởng mất bức thêu, đó là vào khoảng đầu tháng 9 năm 1969 chị đang bị giam ở khám Chí Hòa thì được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, để ngăn không cho các nữ tù tổ chức để tang Người, bọn địch đàn áp chị em tù bằng lựu đạn cay, vôi bột rồi xịt nước lạnh vào khiến nhiều chị em máu mồm máu mũi trào ra, mắt không mở được, nhưng chị Vinh vẫn tìm cách bảo vệ bức thêu kỹ lưỡng.

Muời bốn năm lao tù với không biết bao nhiêu đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù khiến chị chết đi sống lại nhiều lần. Mỗi khi tỉnh dậy chị sực nhớ đến bức thêu, sờ tay kiểm tra thấy còn là chị mừng lắm. Chị được các bạn tù lại ngồi đấu lưng nhau vừa bí mật che dấu vừa canh bọn gác ngục cho chị thêu tiếp.

 Mỗi một đường kim, mũi chỉ của bức thêu là tấm lòng của chị nói riêng, và của cả tập thể nữ tù yêu nước luôn hướng về Hà Nội, hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng. Bức thêu đã được hoàn thiện trong suốt thời gian 9 năm.

 Bức thêu chùa Một Cột với kích thước 25cm x 30cm trở thành một tác phẩm nghệ thuật từ những đường kim, mũi chỉ hết sức tỉ mỉ, khéo léo, chính xác tạo nên những mảng gam màu trắng, xanh, nâu, đen hòa quyện với nhau hết sức kỳ ảo trong một bố cục chặt chẽ, hài hòa trở thành kỷ vật thiêng liêng vô giá, chan chứa tấm lòng thuỷ chung của tù nhân Côn Đảo ngày đêm luôn hướng về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng chiến đấu mọi giá với kẻ thù bằng niềm tin mãnh liệt, son sắt ngày cách mạng sẽ giành hoàn toàn thắng lợi.

Tranh thêu cảnh chùa Một Cột hiện được giới thiệu trang trọng tại phòng trưng bày Côn Đảo, thực sự gây cảm xúc khách tham quan khi hiểu rõ tường tận hoàn cảnh điều kiện ra đời từ đôi tay khéo léo của nữ tù chính trị Dương Thị Vinh dưới áp bức nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh “địa ngục trần gian” dưới chế độ thực dân, đế quốc.

ĐỖ THÀNH ĐỒNG (Bảo tàng BRVT)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu