TỰ HỌC TRONG TÙ

(06/08/2020)

Sau khi bị tòa đại hình Sài Gòn kết án 5 năm tù cấm cố, tháng 8 năm 1930, tôi và một số đồng chí bị thực dân Pháp đem đày ra Côn Lôn. Chúng tôi đến Côn Lôn nhằm vào lúc vừa xảy ra một vụ âm mưu bạo động của một số chính trị phạm bị tiết lộ, do đó, bọn thống trị Pháp ở đây tống chúng tôi đi ở một đảo nhỏ trong quần đảo Côn Lôn là Hòn Cau.

Hòn Cau có núi lượn vòng ba mặt, có bãi biển, có những vườn rộng mênh mông đầy những chuối, dưa, na… Cảnh đẹp, hoa quả nhiều, cá vích nhiều. Cùng ở với chúng tôi chỉ có ba người lính “mã tà”, vắng hẳn bóng Tây. Cố nhiên là thực dân Pháp đày chúng tôi đến đây không phải để đi hóng gió, tắm biển, leo núi, nhìn những cảnh trăng treo sườn non, vầng hồng mọc trên mặt biển mà là để “cách ly” chúng tôi, xa nhân dân, xa đất liền, nhất là không ở bên cạnh chúng để có ngày bất thình lình nổi dậy diệt chúng. Riêng về phần tôi, với chương trình theo đuổi học chữ Pháp bất kể hoàn cảnh nào, khi bước chân lên đảo Hòn Cau thì ngoài một mớ chữ nghĩa chứa ở trong đầu học được tại khám lớn Sài Gòn, không có giấy bút, báo chí, sách vở gì hết. Vì vậy, điều kiện lo lắng đầu tiên của tôi là làm thế nào cho có tài liệu để học. Hồi ấy, một người lính mã tà ở Hòn Cau có vợ về Sài Gòn, mọi người nhân cơ hội gửi mua những món cần thiết mang ra. Tôi cũng viết bức thư bí mật gửi cho vợ tôi hiện bán rau ở chợ Bến Thành (Sài Gòn), đề nghị gửi cho tôi một quyển tự vị chữ Pháp, có thế thôi. Cách hơn một tháng sau, tôi đã đạt được mục đích là có ở trong tay quyển tự vị La-rút-sơ dày cộp. Lúc này, tôi không có báo chữ Pháp nên chỉ còn có cách học tự vị, học từ đầu đến cuối. Chương trình của tôi đề ra mỗi ngày học hai trăm từ theo định nghĩa của từng chữ (définition de mot). Trong đó mỗi từ có nhiều nghĩa khác, kể cả nghĩa đen (sens propre), nghĩa bóng (sensfiguré) và nghĩa rộng (sens d’extention). Học thẳng bằng chữ Pháp. Thế là, từ đó, hàng ngày đi làm dưới gốc dừa, trong vườn chuối hay buổi chiều ngồi chơi ngoài bãi cát đều có in dấu ấn những chữ viết bằng que của tôi. Để thử thách trí nhớ của mình, tôi đọc thuộc lòng từ trên xuống dưới rồi lại từ dưới lên trên. Hàng ngày tôi đọc thuộc bài trong ngày rồi tôi đọc lại những bài đã học trong một tuần vừa qua. Học thuộc lòng đã vậy, còn phải nhớ mặt chữ nên ngồi đâu tôi viết đấy, viết la liệt nhưng không cần bút, cần mực hay phấn. Cộng lại, mỗi tháng tôi học thuộc lòng sáu nghìn từ. Những anh em cùng sống với tôi thấy tôi học đều đặn như thế thì sốt ruột lắm, và rất thán phục sự kiên nhẫn học tập của tôi.

Cứ thế ngày, tháng, năm trôi qua, số chữ Pháp tích lũy ở tôi ngày càng nhiều. Về sau này, do sự tổ chức có kinh nghiệm của tập thể, ở Hòn Cau đã có sách từ đất liền gửi ra, trong đó có những sách chính trị, kinh tế, triết học, văn nghệ… bằng chữ Pháp.

Qua một thời gian học chữ, tôi bắt đầu tập coi sách, chú ý vào sách chính trị. Thấy tôi tập coi sách và hỏi những “thầy giáo” ở xung quanh, nhiều người chưa tin là tôi có thể đọc sách được vì chưa từng được học qua về văn phạm. Nhưng tôi cứ lần mò tập đọc và thấy mình có thể hiểu được vì những chữ riêng lẻ thì mình đã biết khá nhiều, còn ý nghĩa cả câu thì, với kiến thức chính trị sẵn có, mình cố gắng tìm hiểu và nhờ người giảng cho. Thế là tôi đã bước sang một giai đoạn mới là tập đọc sách. Mỗi ngày đọc không nhiều nhưng đọc rất kỹ để nhận thức về cách đặt câu. Rồi đó, tôi càng đọc hiểu dễ dàng hơn vì số trang đọc cũng tăng lên và thỉnh thoảng có chỗ nào nghi ngờ mới tìm hỏi người khác. Trong khi đã bắt đầu đọc sách, tôi vẫn hàng ngày học tự vị theo số chữ nhất định. Vì thuộc lòng chữ nào nghĩa ấy nhiều, tại nhà tù, tôi đã được anh em gọi đùa là “tự vị sống”. Nhiều anh đọc sách ngồi bên cạnh tôi, gặp chữ nào không hiểu lại ngại tra tự vị thì hỏi tôi, tôi đọc một tràng y nguyên văn trong tự vị rồi để người đó hỏi muốn chọn nghĩa nào tùy ý. Sau khi đã đọc được những trang sách chính trị thông thường rồi, tôi xoay sang đọc những sách về văn nghệ. Tôi cảm thấy không có cái gì thú vị bằng đọc sách, nhất là qua những công phu gian khổ để đạt được cái mục đích là đọc được sách.

Những ngày “thơ mộng” ở Hòn Cau, tôi đã làm thơ nhiều. Nhưng cái quý nhất đối với tôi vẫn là thu hoạch phong phú về học tập. Gần hai năm ở đây, việc học của tôi chỉ bị gián đoạn là lúc bị ngã núi trong cuộc đi du lịch “vòng quanh thế giới Hòn Cau”. Tôi bị ngã từ sườn núi cao độ 80 mét rơi vào hang Yến, vỡ đầu, què chân và bị bệnh thần kinh đến bảy, tám tháng mới hồi phục. Sau đó, cái đảo nhỏ “sơn thủy hữu tình” này cũng không yên lặng nữa. Nó đã nổi lên những bão táp hòa nhịp với phong trào cách mạng ở ngoài. Do đó, việc học của tôi cũng không được chuyên chú như trước. Sau vụ thả bè vượt biển bị thất bại, toàn thể chúng tôi bị bọn thống trị Pháp đưa về nhốt ở khám Côn Lôn. Đến đây, hoàn cảnh đổi khác và việc học tập của tôi cũng khác trước.

Một khi nói người cộng sản đã biến nhà tù thành trường học, thành lò đào tạo cán bộ thì dưới thời thuộc Pháp, nhà tù Côn Lôn trong những năm 1931-1937 đã biểu hiện cụ thể nhất. May mắn thay cho tôi đã được là người học trò nhỏ trong cái trường học vĩ đại ấy! Tôi phải nói ngay rằng: trong những khám tù chật chội, hôi thối kinh khủng ấy, chúng tôi đã có những lớp học văn hóa, ngoại ngữ, những chương trình huấn luyện cách mạng từ lý luận đến công tác, những bộ sách tư bản luận, Lê-nin toàn tập, kinh tế chính trị học, duy vật lịch sử, triết học duy vật và một số những sách quý khác, lại có cả một số báo chí và tờ báo chữ Pháp xuất bản hàng ngày ở Sài Gòn là tờ La dépêche indochinoise (Điện tín Đông Dương). Vậy thì những sách báo ấy từ đâu mà có, từ đâu đến, vào bằng cách nào và cất giấu ở đâu, học hành thế nào?

Đời sống của người tù cách mạng ở trong nhà tù của địch, về tinh thần thì không để cho những cửa kín tường cao giam hãm mình được; về tổ chức thì phải làm sao thông được với ngoài, không thể sống một cách cô độc. Do đó việc đánh thông một con đường giao thông gắn liền với đời sống và hoạt động cách mạng của những tù chính trị ở Côn Đảo bấy giờ. Kẻ thù của cách mạng đày những chiến sĩ cách mạng ra một hòn đảo cách xa với đất liền, rồi lại nhét vào một xó nhà tù, chủ ý của chúng là định hãm những người chính trị phạm vào cảnh mù tịt, mòn mỏi. Đánh thông được ra ngoài, những chiến sĩ cách mạng đã đánh thắng địch và mở một phương trời rộng rãi. Hồi ấy, tại Côn Đảo, mỗi tuần vào sáng thứ hai, chiếc tàu Harmand Rousseau (Hác-măng Rút-xô) từ Sài Gòn ra ghé bến Côn Lôn rồi đi Singapore (Xanh-ga-po), sau đó từ Xanh-ga-po về Sài Gòn lại ghé qua Côn Lôn một lần nữa. Chính chiếc tàu trắng ấy (vì nó sơn màu trắng nên người ta quen gọi là tàu trắng) đã thường xuyên chuyển những lương thực, vật liệu cho Côn Đảo và trở nên người bạn quen thuộc đối với người tù Côn Đảo làm việc vận tải. Tôi không nói đến việc tổ chức giao thông giữa Côn Đảo với đất liền, mà chỉ nói việc tổ chức giao thông giữa các nhà tù và giữa nhà tù với ở ngoài. Như trên đã nói, trong mỗi khám tù bịt kín chỉ có một lỗ cầu tiêu ở góc nhà. Nhưng công dụng của nó không phải chỉ để bài tiết những cặn bã hàng ngày xuống chiếc thùng mà nó còn là cơ quan giao thông để tiếp thu hay phát đi những vật phẩm kinh tế, văn hóa v.v…, trong đó chủ yếu là thư từ, giấy bút, sách báo…

Chúng tôi hay theo dõi con đường giao thông có một không hai này. Theo lệ thường, mỗi ngày vào khoảng năm giờ sáng, tên giám mục (người Pháp), kèm theo một người lính mã tà, mở cửa khám cho những người nhà bếp và sở tải (làm việc quét dọn) ra làm việc. Đó là những người từ trước đã được anh em cử ra phụ trách, trong đó có người lĩnh nhiệm vụ giao thông. Dưới ánh sáng mờ của đèn điện, những người chạy đi chạy lại như “đèn kéo quân”. Tên giám mục hút thuốc phì phèo đứng rù một chỗ. Thừa lúc lộn xộn ấy, anh phụ trách giao thông cầm chổi quét thọc vào cầu tiêu mỗi khám lấy những “bưu phẩm” từ trong chuyển đi theo một tín hiệu đã định rõ là keng keng mấy tiếng vào thùng đựng phân. Sau khi đã đi vòng quanh các khám tù theo “cửa sau” rồi, người phụ trách giao thông giấu gói bưu phẩm vào trong người, quét theo đường mương đến chỗ gầm cống thông sang “banh” (bagne) I ở bên cạnh, chờ chuyển cho người giao thông ở bên kia bức tường. Công việc này phải rất thận trọng, đúng với thời khắc đã định. Chúng ta biết rằng những người tù phụ trách giao thông này đều không có đồng hồ, vậy làm thế nào để có thể gặp nhau đúng hẹn ở hai bên đầu cống? Một tình cờ may mắn là: tại nhà tù, để tiện việc canh gác, bọn coi ngục cứ mười lăm phút thì gõ kẻng một lần; do đó, người ta có thể tính thời gian để ước hẹn gặp gỡ. Ví dụ hẹn nhau năm giờ rưỡi hay năm giờ mười lăm phút lúc sáng sớm, đúng vào lúc quét dọn, hai người phụ trách giao thông ở mỗi bên nghe tiếng kẻng đều sẵn sàng tác động ở đầu cống. Để phòng ngừa những bất trắc có thể xảy ra, hoặc lúc ấy, ở bên kia tường có bọn coi ngục đứng gần hay sự cơm đã tiết lộ, người giao thông phải làm đúng ám hiệu đã định, ví dụ cầm chiếc giẻ quét gõ vào tường mấy tiếng và được bên kia hưởng ứng rồi thì qua gầm cống, đôi bên mới trao gói bưu kiện cho nhau, nhân tiện bắt tay nhau chúc mừng thắng lợi. Hai người phụ trách giao thông hàng ngày, trừ phiên bất thường, đều tìm gặp nhau trong công tác như thế; nhưng suốt đời không thấy mặt nhau và cũng không cần biết tên thật của nhau, đề phòng kẻ gian lọt vào hay việc bị vỡ rồi khai báo cho nhau. Những gói bưu kiện này rất quý giá, trong đó có những chỉ thị công văn viết theo lối bí mật, những sách báo lưu hành trong nhà tù cho cả đến những bức thư tâm tình của đôi bạn cách mặt nhưng không xa lòng!… Những gói bưu kiện từ ngoài lọt qua đường cống, lỗ cầu tiêu đem vào các khám tù những tin tức nóng hổi của phong trào cách mạng, những ánh sáng của văn hóa; đổi lại, những gói bưu kiện từ trong các khám tù chính trị vượt qua cửa kín, tường cao, trước mặt bọn gác ngục, từ banh II chuyển sang banh I, tỏa ra các công sở ở quần đảo Côn Lôn: nhà thương, trường học, văn phòng giám đốc, bưu cục, kho bạc, vô tuyến điện, trại lính tây, sở lưới, Đá trắng, Cỏ  Ống, Chuồng Bò, Bản Chế, An Hải v.v…., trong đó có những tổ chức của tù chính trị. Những bưu kiện ấy còn có thể qua tay những người chuyên môn vận tải, tìm đến những anh em lao động ở dưới tàu Hác-măng Rút-xô, về đất liền, lọt vào tay những quần chúng ủng hộ cách mạng hay tổ chức của Đảng. Chúng ta đánh giá rất cao sự quan trọng của công tác giao thông trong nhà tù chính trị và sự cống hiến lớn lao của những chiến sĩ vô danh đã đem mọi sức lực, cơ trí làm việc một cách âm thầm cho Đảng, cho cách mạng.

Một người nào khi mới nhìn vào khám tù chỉ thấy có những bức tường kín mít và hai bệ xi măng trơ trẽn sẽ không thể tưởng tượng được trong đó chứa đầy những tài liệu, sách vở. Chẳng những thế, bọn gác ngục ngày hai lần mở cửa vào khám quét dọn lại lục soát kỹ lưỡng để tìm những vật “cấm” không sót một chỗ nào. Bây giờ các bạn hãy cùng tôi đến thăm cái “thư viện” hay nói khiêm tốn hơn, “tủ sách” của nhà tù. Nó ở kín đáo lắm, ở trong hốc tường đá và phải leo lên gác mới tìm vào được. Điều đáng chú ý là tường ở Côn Lôn không xây bằng gạch, mà là bằng đá nên chúng tôi có thể moi trống những hốc đá để chứa sách. Mỗi loại sách bỏ vào những cái túi khác nhau, ví dụ túi đựng sách kinh điển Mác – Lênin, túi đựng những sách báo xuất bản ở trong nhà tù, túi đựng giấy bút v.v…

Người phụ trách một khi leo lên xà nhà rồi thì chỉ có việc theo chiếc cầu soát các hố sách ở trong bức tường rồi đem sách xuống cho anh em học tập và nghiên cứu. Người phụ trách thư viện mỗi khi lên xuống khoác bên mình những túi sách trông giống như người dân chài khoác lưới. Khi xuống cũng như khi lên phải có người đứng đón để đỡ xuống. Những động tác này, các bạn phụ trách làm quen nên rất thành thạo. Tuy vậy đã có một lần có người suýt chết vì nó. Hôm ấy, anh Nguyễn Phương Thảo (tức Nguyễn Bình) cũng chỉ vì sơ xuất một chút, tuột tay khi bám vào cái xà nên bị ngã xuống ngất đi, một hồi lâu mới tỉnh. Cũng may là bọn gác ngục ở ngoài khi nghe tiếng xôn xao thì mở cửa vào, nhưng nó vào đến nơi thì anh Thảo đã tỉnh và mọi việc đã xong xuôi cả rồi.

Theo quy định của Ban tổ chức, các anh em chỉ có thể học tập vào buổi trưa và buổi tối, vì sáng và chiều, anh em đều có dịp ra chơi ngoài hàng hiên để chúng quét dọn khám tù. Đề phòng lũ gác ngục có thể khám xét cả những lúc anh em ra ngoài ăn cơm. Do đó, chỉ còn có trưa và tối là đảm bảo cho việc học tập hơn cả mặc dầu trưa hay buồn ngủ và tối dưới bóng đèn mờ. Trong những gian nan khám chính trị phạm, buổi tối vẫn vui hơn cả vì lúc ấy bọn gác ngục tây, chà đều về nhà, chỉ còn có một tên thường trực và mấy người mã tà ở lại canh gác lấy lệ, thỉnh thoảng thấy khám nào ồn ào cũng không dám tự tiện vào, chỉ gõ cửa nhắc phải yên lặng hay chửi láo một vài câu để nó chửi nó nghe thôi. Cũng lúc ấy, trong khám tù: Chỗ này là lớp huấn luyện, chỗ kia là lớp học văn hóa. Món mà anh em chờ đợi nhất là phổ biến tin tức mới nhận được từ ngoài vào, đọc những tin trong báo hay dịch tin từ tờ báo chữ Pháp sang tiếng Việt cho mọi người nghe. Một tờ báo chữ Pháp mà lúc ấy chúng tôi nhận được rất nhanh là tờ Dépêche Indochinoise (điện tín Đông Dương) xuất bản hàng ngày ở Sài Gòn. Tờ báo này do một tên tây gác ngục mua. Mỗi khi nó đọc xong, anh “bồi” của nó là người của chúng tôi lại vội vàng “mượn tạm” gửi theo đường giao thông ngầm vào cho chúng tôi đọc. Chúng tôi đọc xong lại gửi trả ngay cho anh “bồi” để vào chỗ cũ nên không xảy ra điều tiếng gì eo sèo cả. Báo chữ Pháp gửi vào chỉ có một số, ban tổ chức không thể luân lưu cho mọi khám tù đều đọc nên chúng tôi đã nảy ra sáng kiến và thêm một việc làm. Tại banh II, khám số ba mà chúng tôi ở bấy giờ là chỗ tập trung nhiều tài liệu tin tức. Mỗi khi tờ Dépêche Indochinoise lọt vào, một người vừa đọc chữ Pháp vừa dịch ngay sang tiếng Việt; hai người khác mải miết ghi chép là Lê Văn Phúc và tôi. Tôi thì tiếp thu rất nhanh và kỹ những sự việc.  Lê Văn Phúc thì rất giỏi nhớ những con số, những ngày tháng và tên người, nhất là những tên người Nga hay các nước Đông Âu mỗi đuôi chữ thường có ii hay ki, ki gì đó. Thế rồi, sau ít phút ráp lại và soát lại, bản tin ghi chép của chúng tôi đã được lưu hành ở các khám và báo trả lại cho chủ nó.

Những ngày ở banh II Côn Lôn, vì có những điều kiện thuận tiện, tôi dốc nhiều thì giờ vào việc theo học các lớp huấn luyện và nghiên cứu cách mạng. Tuy vậy, tôi vẫn dành một phần thì giờ vào việc trau dồi chữ Pháp. Có điều là lúc này tôi không phải học tự vị nữa, mà là đọc sách, nếu cần thì tra cứu thêm. Những sách chính trị, tôi có thể đọc hiểu và còn có thể dịch được. Những sách kinh tế hay triết học, tâm lý học, tôi cố gắng đọc nó nhưng chỉ hiểu nó sau một thời gian học tập khá lâu. Còn những sách vào loại văn chương như thơ, tiểu thuyết, ký sự v.v… thì riêng về thơ chữ Pháp, tôi đọc không hiểu nên ít hứng thú, còn những tiểu thuyết thì đọc rất say mê. Trong những sách đã đọc, có những áng văn nổi tiếng như quyển “Le crime de Sylveste Bonnard” (Tội ác của Sin-vét Bon-na) của Anatole France đã được giải thưởng của Viện hàn lâm nước Pháp, tôi đã đọc đi đọc lại ở nhà tù đến hơn mười lần mà vẫn không thưởng thức được cái “hay” của nó; phải chăng vì trình độ của tôi còn kém nên chưa “thấm nhuần” được sâu sắc chăng?

Điểm lại, kết quả công phu học tập tại nhà tù là tôi đã đọc thông nhưng chưa viết thạo, yếu nhất là nghe không quen và nói không được, chính vì cách học tập của tôi theo lối “du kích” rồi xoay ra “vận động chiến”, chớ không có một đường lối chính qui. Dầu sao, mục đích yêu cầu tha thiết của tôi là dùng chữ Pháp để đọc sách báo giúp cho công tác nghiên cứu khoa học là đạt rồi. Nhiều bạn trong nhà tù thường nhắc đến cái quyết tâm tự học và thành quả của tôi. Nhưng quyết tâm của tôi được thành công còn phải nhờ ở việc xây dựng tập thể dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chiến thắng hoàn cảnh ác liệt, biến nhà tù thành trường học lớn, thành lò đào tạo cán bộ.

Cuối năm 1934 và đầu năm 1935, tôi từ Côn Đảo trở về trường hoạt động, rất sung sướng thấy mình đã cứng rắn, sáng suốt hơn trước vì đã được trang bị bằng một nhân sinh quan mới, một đường lối cách mạng đúng và cộng vào đấy là một số kiến thức văn hóa, một phương tiện học tập sắc bén.

GS. Trần Huy Liệu

Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu