Mảnh Đất, Con Người Côn Đảo
Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một quần đảo tiền tiêu nằm trong biển Đông, ở về phía đông nam Việt Nam, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 76,650km2, trải ra trên vùng biển có tọa độ địa lý từ 106o 31’ đến 106o 45’ kinh độ đông; từ 8o 34’ đến 8o 49’ vĩ độ bắc. Côn Đảo cách xa thành phố Vũng Tàu về phía đông nam 90 hải lý (179km), cách cửa sông Hậu 45 hải lý (83km).
I/ Vị trí địa lý:
Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một quần đảo tiền tiêu nằm trong biển Đông, ở về phía đông nam Việt Nam, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 76,650km2, trải ra trên vùng biển có tọa độ địa lý từ 106o 31’ đến 106o 45’ kinh độ đông; từ 8o 34’ đến 8o 49’ vĩ độ bắc. Côn Đảo cách xa thành phố Vũng Tàu về phía đông nam 90 hải lý (179km), cách cửa sông Hậu 45 hải lý (83km).
Từ xưa người Mã Lai gọi Côn Đảo là Pulao Cundur. Người Việt gọi hòn đảo lớn nhất là Côn Lôn. Cả quần đảo này cũng gọi chung bằng địa danh ấy. Ngoài ra, quần đảo Côn Lôn còn được gọi là Côn Sơn, Côn Nôn… Người Pháp gọi Côn Đảo là Poulo Condore. Thứ tự các hòn đảo:
1. Đảo Côn Lôn:Từ đông sang tây dài 15km, chỗ rộng nhất 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1km. Với diện tích 51,250km2, đảo Côn Lôn chiếm gần 2/3 tổng diện tích quần đảo. Trên đảo có thị trấn Côn Sơn nằm ở tọa độ 8o 40’57’’ vĩ độ bắc, 106o 36’10’’ kinh độ đông. Nói đến quần đảo Côn Lôn là nói đến hòn đảo này, vì đời sống kinh tế , chính trị và xã hội của cả quần đảo tập trung ở đây.
2. Hòn Bà (Phú Sơn; Côn Lôn nhỏ)diện tích 5,450km2, tiếp giáp với hòn Côn Lôn lớn về phía tây nam, hai đảo chỉ cách nhau bằng khe nước Họng Đầm không quá 50m. Giữa hai đảo này là vịnh Bến Đầm (còn gọi là vịnh Tây nam). ở đây có đỉnh núi Bà cao 321m.
3. Hòn Bảy Cạnh (Phú Cường) diện tích 5,500km2 nằm trước mặt thị trấn Côn Sơn. Trên đảo có ngọn Hải Đăng xây năm 1884 rọi đường cho tàu bè quốc tế qua lại.
4. Hòn Cau (Phú Lệ) diện tích 1,800km2, cách Côn Lôn 12km về hướng đông bắc, nơi chim yến hay làm tổ. Đất đai hòn Cau phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi. Xưa kia ở đây có loại cau to vỏ hồng, vị ngọt, người Gia Định rất ưa chuộng.
5. Hòn Trác Lớn (Phú Hưng) diện tích 0,250km2, nằm kế Mũi Cá Mập.
6. Hòn Trác Nhỏ (Phú Thịnh) diện tích 0,100km2, nằm kế Hòn Trác Lớn
7. Hòn Tài Lớn (Phú Bình) diện tích 0,380km2, nằm kế Hòn Trác Nhỏ
8. Hòn Tài Nhỏ (Phú An), còn gọi là hòn Thỏ, diện tích 0,100km2.
Theo truyền thuyết có hai anh em sinh đôi là Đặng Phong Trác và Đặng Vân Tài theo vua Hàm Nghi đánh Pháp, bị Pháp bắt được đày ra Côn Đảo. Do hai anh em giống nhau như đúc nên gây ra sự rắc rối trong tình yêu, sau mỗi người phải ra ở trên một hòn đảo: hòn Trác, hòn Tài câu chuyện còn dấu tích trong bài thơ:
“Ai qua hòn Trác, hòn Tài
Cho em nhắn gửi một vài câu thơ.
Đêm đen gió lặng sao mờ
Trăng khuya chếch bóng vẫn chờ đợi mây
Bao giờ núi Chúa hết cây
Côn Lôn hết đá dạ này hết thương”
9. Hòn Trọc (Phú Nghĩa) còn gọi là hòn Trai. Diện tích 0,400km2.
10. Hòn Bông Lan (Phú Phong) từ xa trông giống như một nửa chiếc bánh bông lan. Diện tích 0, 200km2.
11. Hòn Tre Lớn (Phú Hòa) diện tích 0,750km2, nẳm ở phía tây đảo Côn Lôn
12. Hòn Tre Nhỏ (Phú Hội) diện tích 0,250km2. Hòn Tre này có những bụi tre dày, thân trắng.
13. Hòn Trứng (Phú Thọ; hòn Đá Bạc) hình dáng gần giống như trái trứng màu trắng, do phân chim bao phủ trắng xóa cả hòn đảo. Đây là một trong những “sân chim” của miền Nam nước ta. Diện tích 0,100km2.
14. Hòn Vung (Phú Vinh) diện tích 0,150km2. Giống như chiếc vung nồi úp chụp xuống mặt biển xanh. Nằm cạnh hòn Bà.
15 – 16. Hòn Anh và Hòn Em là hai hòn đảo nhỏ, cách Côn Lôn lớn 50km về phía tây nam.
II/ Điều kiện tự nhiên:
- Địa hình: Côn Đảo chủ yếu là đồi núi chiếm 6.328ha (88,4% tổng diện tích tự nhiên). Núi Chúa cao 515m, núi Thánh Giá cao 577m. Địa thế Côn Đảo hùng vĩ, nhiều tài nguyên. Rải rác những thung lũng đất đai bằng phẳng có thể trồng trọt và xây dựng nhà cửa: khu vực thị trấn Côn Sơn, Cỏ Ống, Hòn Cau…
- Khí hậu: Côn Đảo thuộc loại khí hậu đại dương. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,9oC. Lượng mưa trung bình: 2.200mm. Độ ẩm trung bình hàng năm là 80%. Nhìn chung, khí hậu Côn Đảo trung bình, thuận lợi cho sức khỏe con người. Vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 04) ở Côn Đảo có gió mùa đông – bắc hay còn gọi là gió chướng, người ta thường lợi dụng mùa gió này để thả bè vượt ngục về đất liền.
- Thực vật: Có nhiều loại cây gỗ quí: săng đào, lát hoa, sao đen, cẩm thi, dầu lá bóng, quăng và găng néo… và nhiều cây thuốc có giá trị như: Thiên niên kiện, Ngũ gia bì, Sâm nam, Hà thủ ô, Cam thảo, Hương nhu, Ngải cứu ở hòn Bảy Cạnh…
- Động vật: Có nhiều chim thú quí: chim Điêu điêu mặt xanh, Chi yến, Đồi mồi, vích, cá thu, cá mập, hải sâm… Trên rừng có chồn, khỉ, kỳ đà, sóc, hươu, nai. Đặc biệt giống Sóc mun và chim Gầm ghì trắng trong cả nước chỉ ở Côn Đảo mới có. Côn Đảo là khu rừng cấm quốc gia với các hệ sinh thái tiêu biểu của vùng nhiệt đới.
III/ Côn Đảo trước năm 1861:
Những di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, khai quật nghiên cứu: Hòn Cau, Cồn Hải Đăng, Cồn Miếu Bà, Hàng Dương, Cồn Nhà máy nước, Bàu sen… cho thấy vào thời sơ kỳ kim khí cách ngày nay 2500 – 2000 năm lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại Côn Đảo. Trong quá trình sinh tụ trên đảo họ đã có những mối quan hệ giao thương rộng rãi với các nhóm cư dân đồng đại trong đất liền Nam bộ, Trung bộ Việt Nam cũng như các khu vực khác của Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Do vị trí thuận lợi giữa biển đông, trên đường giao lưu đông – tây, Côn Đảo được người phương Tây biết đến từ rất sớm. Năm 1294, đoàn thuyền du hành gồm 14 chiếc của Macco Polo người Ý dạt vào trú tại Côn Đảo. Năm 1516, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Andrade đã tới Côn Đảo vào trung tuần tháng 9. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XVI, thi hào Bồ Đào Nha Camose đã ghé qua Côn Đảo đem theo cuốn sử thi bất hủ Os Lusia das.
Trong qúa trình lập nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền của đất nước đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Lôn …Trong sách Gia Định Thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết : “Côn Lôn ở trong biển Đông, từ cửa Cần Giờ (Gia Định) chạy thuyền thẳng hướng mặt trời hai ngày đêm có thể đến nơi được, đảo rộng trăm dặm, có ruộng lúa, ngô, khoai, sắn”.
Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), việc tuần tiễu, khai thác hải sản ở các quần đảo được tiến hành chu đáo và thường xuyên. Côn Đảo thời đó do đội Hoàng Sa quản lý. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục Lê Quý Đôn viết : “Ngồi thuyền câu đến Cù lao Côn Sơn để kiếm vật tàu thuyền đắm và đồi mồi… Cù lao Côn Sơn thuộc đội Hoàng Sa kiêm quản”. Như vậy, ngay từ thế kỷ XVII nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực sự quản lý và khai thác có tổ chức quần đảo Côn Lôn.
Cuối thế kỷ XVII, tư bản Anh – Pháp đã bắt đầu nhòm ngó các nước phương đông.Vào thập niên đầu thế kỷ XVIII đã có 200 người dân đến cư ngu tại Cơn Đảo, mà gốc từ Nam Kỳ ra đảo chứ không phải từ miền Trung vào, với lý do “đặc biệt”, không sống được trong đất liền. Mảnh đất họ quy tụ với nhau về sau là làng An Hải. Đó là lớp cư dân đầu tiên tạo nên làng đảo này.
Tháng 11/1686, Công ty Đông Ấn của Pháp đã phái Véret tới điều tra lập cơ sở ở Côn Đảo. Năm 1687, Willam Dampier nhân viên công ty Đông Ấn của Anh đã tới vẽ bản đồ ở vịnh Tây nam Côn Đảo. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm thứ 12 (1702) công ty Đông Ấn của Anh ngang nhiên đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài. Ngày nay vết tích thành cổ của Pháp và cột cờ do Anh xây dựng vẫn còn lưu lại tại Côn Đảo.
Trước hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Anh, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử quan trấn thủ biên trấn là Trương Phúc Phan tổ chức cuộc nổi dậy của những người phu tạp dịch bị bắt đi xây pháo đài vào đêm 3/2/1705. Kết quả những người nổi dậy đã đốt phá doanh trại, giết chết một số tên chỉ huy, bọn còn lại bỏ chạy. Chủ quyền đất nước tại Côn Đảo được bảo vệ vẹn toàn.
Cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn (Bình Định) bùng nổ 1771 và phát triển mau lẹ vào Gia Định. Tháng 6/1783 khi bị thủy quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Ánh chạy trốn ra đảo Côn Lôn. Thất thế trước sự truy lùng của quân Tây Sơn,12/1784 Nguyễn Ánh giao ấn tín và hoàng tử Cảnh cho giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Theo truyền thuyết, mưu đồ phản động này đã bị Phi Yến, người vợ trẻ của Nguyễn Ánh phản đối. Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của thứ phi, mà còn giam Bà bên hòn Côn Lôn nhỏ cho đến chết. Từ đấy hòn đảo này mang tên Hòn Bà. Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, mẹ của hòang tử Cải, sự tích trên còn lưu lại câu ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Ngày 28/11/1787 Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versairlles với đại diện vua Pháp là De Montmorin. Theo đó quần đảo Côn Lôn bị nhượng cho Pháp (điều 3 và 5, hiệp ước Versairlles). Cùng khi đó cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 nổ ra thắng lợi, nên hiệp ước Versairlles về mặt pháp lý cũng như trên thực tế không có giá trị.
Thời Minh Mạng, một đội quân đồn trú thường trực đã đặt tại đây. Ngoài ra nguồn di cư cưỡng bức là những người chống đối lại triều đình, dính líu đến việc tham ô công quỹ, hoặc phạm các tội khác bị đưa đi an trí ở đảo. Đến năm 1840, số tù phạm phát vãng ra Côn Lôn lên tới 214 người. Hết hạn lưu đày thì họ được kết nạp vào dân làng An Hải.
Đến giữa thế kỷ XIX, dân số trên đảo lên tới 1.000 người, gồm 3 thành phần: dân thường, biền binh trú phòng và những người bị phát vãng. Về mặt hành chính, từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838) trở về trước, đảo Côn Lôn trực thuộc Gia Định, từ năm Minh mạng thứ 20 (1839) về sau thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngày 28.11.1861, thực dân Pháp chính thức chiếm Côn Đảo. Trong Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), Pháp buộc phái đoàn triều Nguyễn phải ghi thêm việc vua An Nam nhường cho Pháp đảo Côn Lôn (điều 3) nhằm hợp thức hóa hành động chiếm đóng.
PHẠM QUANG MINH