Bút tích chống ly khai của các chiến sỹ tù chính trị Côn Đảo __(P.2) (tiếp theo P.1)

(06/08/2020)

Nhà tù Côn Đảo không chỉ được biết đến là “địa ngục trần gian” mà còn là chiến trường cách mạng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù qua các thế hệ tù nhân trong hơn một thế kỷ. Chống ly khai cộng sản là một trong những cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết diễn ra vô cùng ác liệt của tù chính trị nhà tù Côn Đảo thời Mỹ – Ngụy.

Phải sống, chiến đấu bảo vệ lý tưởng cách mạng trong vòng vây, sào huyệt cạm bẫy của kẻ thù, nơi cái chết gần kề hơn sự sống nhưng họ đều tuyệt đối tin tưởng và trung thành với đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà của Đảng Lao động Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Họ đâu chỉ có sức chịu đựng phi thường về thể xác mà còn có sức mạnh tinh thần, trí tuệ của người cộng sản chân chính, trong đó niềm tin vào thắng lợi cuối cùng đã giúp họ coi thường cái chết, chấp nhận chiến đấu cho cách mạng trong hòan cảnh lao tù cực kỳ nguy hiểm và bất lợi. Bản cam kết của đồng chí Phạm Quốc Sắc đã nói lên điều đó : ”Xác nhận là không ly khai cộng sản vì tin tưởng vào đường lối Đảng Cộng sản”. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận quê ở Nam Định với bản xác định lập trường dài hai trang giấy khổ lớn, lời lẽ mềm mỏnh nhưng rất cương quyết : ”Tôi cũng chỉ vì hòa bình đất nước và đường lối thống nhất đất nước của Đảng lao động Việt Nam phù hợp với ý nguyện của tôi, phù hợp với ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Vì lý do đó mà tôi không thể ly khai được”… Từng nét chữ, từng gương mặt, cuộc đời, tất cả đều gợi lên vẻ cao đẹp của những tấm lòng trung hiếu, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, không một ai nghĩ đến bản thân mình, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình cho dân cho nước.

      Nói sao hết được những tình cảm của tù nhân Côn Đảo đối với Bác Hồ, “vị cha già dân tộc”. Lòng tôn kính Bác thể hiện trong bản  xác định lập trường của đồng chí Lê Văn Một quê ở Sóc Trăng như sau : “Tôi không thể ly khai hàng ngũ Đảng cộng sản được vì không thể đả đảo Hồ Chí Minh được”. Đồng chí Nguyễn Văn Mười (Hòang Sơn), rồi ông già Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung…họ là những người mà trong trái tim, khối óc của mình, hình ảnh lãnh tụ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc như một bỉêu tượng, một lẽ sống thiêng liêng, cao đẹp nhất trên đời. Có thể nói, 17 bản xác định lập trường mà trong đó mỗi lời tuyên bố là mỗi người đều phải trả giá bằng máu và chính mạng sống của mình. Ngay đêm 27-3-1961, địch khủng bố đẫm máu đánh chết tại chỗ 5 người : ông già Cao Văn Ngọc (Bà Rịa), Phạm Thành Trung (Mỹ Tho), Ngô Đến (Khánh Hòa), Hòang Chất (Hà Nội), Nguyễn Công Tộc (Bạc Liêu) đã hy sinh anh dũng. Nguyễn Văn Mười sáng hôm sau mới chết. Địch tiếp tục đánh đập đày ải, truy bức trong những tháng tiếp theo. Nguyễn Văn Định, Trần Trung Tín lần lượt ngã xuống. Người cuối cùng hy sinh oanh liệt tại chuồng cọp đêm 24-12-1961 là Lưu Chí Hiếu.

Cuối cùng, biết “vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”, địch đã phải ngừng cuộc khủng bố. Cuộc chiến đấu chống ly khai của tù chính trị trại I tòan thắng với 5 người còn lại, 5 ngôi sao sáng : Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một, Nguyễn Minh. Đó là kết tinh hội tụ những gì cao quý nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nhân cách Việt Nam trong ngục tù đế quốc.

Bút tích chống ly khai cùng với cuộc đời chiến đấu của những người cộng sản kiên cường tại nhà tù Côn Đảo là những trang sử hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng trưng bày giới thiệu bút tích chống ly khai tại phòng trưng bày Côn Đảo, khu di tích Thích Ca Phật Đài. Đúng như những giá trị đích thực trường tồn của nó, bút tích chống ly khai đã làm xúc động trái tim hàng ngàn lượt khách tham quan. Đó là bài học sâu sắc và ý nghĩa nhất về lòng tự hào, biết ơn đối với thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh vì dân vì nước.

LÊ DUNG (Bảo tàng BRVT)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu