Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức triển lãm “Hoàng sa – Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại thành phố Bà Rịa, huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu tổ chức. Đây là đợt triển lãm qui mô, lựa chọn những tư liệu lịch sử tiêu biểu, là những bằng chứng khẳng định vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giới thiệu công chúng đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển đảo khác trên Biển Đông.
Nội dung triển lãm được dàn dựng gồm 5 chủ đề như sau: Các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Sưu tập bản đồ Việt Nam thời quân chủ từ thế kỷ XVI – XIX ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ xuất bản tại phương Tây thế kỷ XVI -XIX ghi nhận chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây thế kỷ XVI-XX ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc Trung Quốc; Bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản thế kỷ XVI – XX ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; Tư liệu hình ảnh các tư liệu Hán – Nôm của Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975 và các hình ảnh của quân, dân trên đảo Trường Sa và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển hải đảo của Việt Nam.
Tại chủ đề 1 trưng bày các văn bản Hán – Nôm của Việt Nam được các nhà sử học ghi chép từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX được trích dẫn từ các bộ chính sử của triều Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, triều Tây Sơn và Nguyễn vào cuối thế kỷ XVIII, XIX và đầu XX. Mở đầu là bản trích lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nói với các quan phụ trách biên cương, đứng đầu là Thái Bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy vào tháng 4 năm 1473 được ghi lại tring sách Địa Việt sử ký toàn thư: ”Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho học lấn dần. Nếu họ khôg nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”…
Tấm bản đồ in trong Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí lộ thư do ông Đỗ Bá, tự là Công Đạo, quê Thanh Chương tỉnh Nghệ An vẽ vào năm 1686, miêu tả vị trí quần đảo nằm ở ngoài Biển Đông và ông gọi là Bãi Cát Vàng.
Lê Quý Đôn viết về Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn trong sách Phủ biên tạp lục năm 1776 như sau: ”Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi giáp liền với biển. Ở vùng biển xa về phía đông bắc có nhiều đảo núi, các núi lẻ tẻ kế tiếp nhau nhiều đến hơn 130 ngọn. Giữa các ngọn núi là biển, đảo núi xa cách nhau hoặc là đi một ngày đường hoặc đi hết mấy canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trong các đảo có Bãi Cát Vàng dài khoảng hơn 30 dặm, rộng lớn bằng phẳng, nước trong vắt nhìn tận đáy… Trước đây họ Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng Ba nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực đủ dùng. Đội dùng năm chiếc thuyền câu nhỏ chở đi ra biển suốt ba ngày, ba đêm liền thì mới bắt đầu đến được đảo này. Thuyền dừng ở đấy thả sức thu lượm, bắt lấy chim cá, đồ đồng, thỏi thiếc, thỏi chì, súng ống, ngà voi. Sáp ong, đồ chiêu, đồ sứ. Lại thu lượm cả mai đồi mồi, mai ba ba biển, hải sâm, ốc hoa rất nhiều. Đến kỳ tháng Tám thì trở về cửa Eo rồi đi đến thành Phú Xuân để giao nộp. Cân đo định hạng đủ rồi, mới bắt đầu cho bán riêng các loại ốc hoa, ba ba biển, hải sâm, rồi đến lĩnh bằng cấp mà quay trở về.”
Trong tập bản đồ trang thứ 42 Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí lộ thư. Người vẽ tấm bản đồ này là ông Đỗ Bá, tự là Công Đạo, quê Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tấm bản đồ miêu tả vị trí quần đảo nằm ở ngoài biển đông và ông gọi là Bãi Cát Vàng. Toàn bộ chữ ghi trên bản đồ viết chữ Hán, địa danh Bãi Cát Vàng viết chữ Nôm. Quần đảo Bãi Cát Vàng sau này chúng ta gọi là quần đảo Hoàng Sa. Lần đầu tiên chúng ta có tài liệu về quần đảo Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm và với tên chữ Nôm là quần đảo Bãi Cát Vàng. Trong Đại Việt sử ký tục biên, bộ sử do chúa Trịnh Sâm ra lệnh cho các sử thần triều Lê viết về lịch sử nước Việt Nam trong đó có trang miêu tả rất kỹ đó là lực lượng của chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức đội Hoàng Sa hằng năm đi ra ngoài quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt hải sản và thu nhặt các hóa vật là tài sản, hàng hóa của các tàu nước ngoài khi qua ngang đây gặp bão và bị đắm thổi dạt vào quần đảo. Sau đó từ hoạt động của đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn cho thành lập thêm đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa chuyên đi khai thác hóa vật, hải vật tại vùng biển sau này thuộc vùng biển Trường Sa (lúc bấy giờ được gọi là quần đảo Bắc Hải).
Các tài liệu thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều ghi chép rằng các vua triều Nguyễn này đều cử lực lượng thủy binh và lực lượng khác ra Hoàng Sa và Trường Sa đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền và xây dựng miếu thờ, trồng cây trên các đảo để đánh dấu nhằm giúp tàu bè đi ngang qua đây không bị mắc can và đội Hoàng Sa đã cứu hộ tàu của người Anh, Pháp mắc cạn. Ngoài ra còn một số tài liệu ghi chép của các tác giả Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, Nguyễn Thông… Bên cạnh đó cuộc triển lãm cũng trưng bày văn bằng do Bố chính tỉnh Quảng Ngãi cấp cho dân phu đảo Lý Sơn thuê làm đà công, lái thuyền làm hoa tiêu để đi ra khai thác ở hai quần đảo này. Đây thực sự là những bằng chứng lịch sử tin cậy để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cuộc triển lãm cũng đưa ra trưng bày một số Châu bản triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Châu bản là những tờ trình, tấu do các quan ở tại địa phương cũng như quan ở các bộ tấu trình lên nhà vua để đạt nguyện vọng hay xin giải quyết về vấn đề gì đó, nhà vua sẽ đích thân xem xét và có những lời bút phê bằng màu đỏ. Từ 80 nghìn trang Châu bản triều Nguyễn được lưu giữ tại trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội đã chọn 15 Châu bản bằng chữ Hán và 2 Châu bản bằng chữ Việt khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các Châu bản này có niên đại từ thời vua Gia Long tới vua Bảo Đại. Năm 1816 vua Gia Long sai người ra cắm cờ tuyên bố chủ quyền theo qui định của phương Tây về việc tuyên bố chủ quyền một cách rõ ràng. Đặc biệt Châu bản năm 1835 của viên thủ ngữ tại Đà Nẵng đã tấu vua Minh Mạng đề nghị cho phép quan thủ ngự Đà Nẵng mang thuyền đi cấp cứu thuyền của người Pháp bị lạc tại vùng biển Hoàng Sa do bão. Châu bản năm 1836, vua Minh Mạng sai người tên là Suất đội, thủy quân Phạm Hữu Nhật (Quảng Ngãi) đã đi ra Hoàng Sa tiến hành vẽ bản đồ, khi đi mang theo các cọc gỗ, trên cọc gõ có khắc các dòng chữ ghi:”Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) tên của Phạm Hữu Nhật là người đã tới đây tiến hành công tác đo đạc, đóng cọc khẳng định chủ quyền”. Các Châu bản tiếp theo nói về việc tổ chức các lực lượng đi ra Hoàng Sa xây miếu, trồng cây trên các đảo, đo đạc, cắm mốc vẽ bản đồ, an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới và cứu hộ cứu nạn… Đây là trách nhiệm thực thi đối với công tác cứu hộ quốc tế mà nhà Nguyễn đã thực hiện rất nghiêm chỉnh vào thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX dưới chính quyền người Pháp tiếp tục quản lý 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, những người Pháp điều ra công tác tại 2 quần đảo này vua Bảo Đại đã ban thưởng cho họ vì có công bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Châu bản thời vua Thiệu Trị qui định phạt những người đi Hoàng Sa về không hoàn thành nhiệm vụ, bản đồ vẽ không đẹp, không rõ ràng, không báo cáo đầy đủ cho triều đình thì bị phạt tội…Tại chủ đề này cũng giới thiệu một số sắc phong của triều Nguyễn ban cho các cai đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi có công rất lớn đối với 2 quần đảo này. Đây là quân đội được biên chế như một lực lượng quân sự nằm trong quân đội triều Nguyễn. Những người này đều có phẩm hàm là chức tước. Ngoài ra còn có tờ văn bản bằng tiếng Chăm, hiện được lưu giữ tại gia đình của một hậu duệ thuộc Hoàng gia Champa Bình Thuận, phản ánh việc triều đình nhà Nguyễn huy động cư dân gốc Chăm ở làng Plei Khoh (tức làng Koh nay thuộc đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) cử người ra cắm mốc giới ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung văn bản này ghi rõ: ”Plei Koh trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Trường Sa và Hoàng Sa hỗ trợ việc cắm các mốc theo chỉ dụ. Việc này làng Koh đã tập hợp dân đinh và ngư phủ, nhưng bây giờ biển động không thể ra khơi xin quan phủ cho dời đến tháng Mười sẽ khởi hành.”
Tiếp theo là phần giới thiệu các bản đồ tiêu biểu trong kho tàng bản đồ của Việt Nam. Có niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Trong đó có nhiều bản đồ quan trọng, bản đồ số 42 vẽ xứ Quảng Nam nằm trong tập bản đồ Toàn tập thiên nam tứ chi lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn năm 1686. Trên bản đồ này có đoạn văn viết bằng chữ Hán, nội dung như sau: ”Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 đặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vĩnh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hoàng hoá đều ở nơi đó. Họ Nguyễn Mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền dến đây lấy hàng hó, được nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn.”
Điều đặc biệt là tuy đoạn văn này được viết bằng chữ Hán nhưng riêng ba chữ Bãi Cát Vàng thì ghi bằng chữ Nôm. Đặc biệt còn có Bản quốc địa đồ in trong sách Khải đồng thuyết ước, được biên soạn và khắc in lần đầu vào năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, vẽ vị trí các tỉnh và các ngọn núi lớn từ Ải Nam Quan đến vùng đất Biên Hoà -Vĩnh Long. Trên tờ bản đồ này ở ngoài khơi miền Trung có ghi chú ba chữ Hán Hoàng Sa Chử (Bãi Hoàng Sa). Tờ bản đồ này có giá trị nằm trong sách giáo khoa để giảng dạy về lịch sử và địa dư chí cho học sinh, chứng tỏ triều Nguyễn đã coi trọng việc giáo dục ý thức chủ quyền quốc gia cho trẻ em đương thời.
Nội dung chủ đề 2 của cuộc triển lãm trưng bày các bộ sưu tập gồm 130 tấm bản đồ do các nước phương Tây in ấn, xuất bản chứng minh khá tính thuyết phục chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các bản đồ này được các nhà địa lý, hàng hải, nghiên cứu, thương gia…người nước ngoài chủ yếu là phương Tây, châu Mỹ vẽ lại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, những tấm bản đồ này có những dấu hiệu chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đặc biệt có bản đồ do người Bồ Đào Nha vẽ về quần đảo Hoàng Sa và đươc lưu trữ tại bảo tàng Bồ Đào Nha, trên bản đồ vẽ phần lãnh thổ Việt Nam tương đối chính xác ở phía ngoài khơi có vẽ các quần đảo nối dài giống như hình lưỡi dao bắt đầu từ một đảo mà phương Tây gọi là PuloSisi (Cù Lao Thu-đảo Phú Quí hiện nay) và kết thúc có ghi là I.de. Pracell (quần đảo Hoàng Sa). Chúng ta còn có 2 bản đồ do anh em người Hà La Van Langren và nhà địa lí người Bỉ Petrus Plamciuus vẽ cuối thế kỷ XVI và ở ngoài bãi biển ông ta ghi là Pracel (quần đảo Hoàng Sa) vaàphí bê trong bờ chú thích là Costa de Pracel (bờ biển Hoàng Sa) đây chính là cách mà người ta thể hiện cho rằng quần đảo này có mối quan hệ địa lí với vùng đất bên trong, theo định ước Berlin năm 1884 thì đây là nguyên tắc “Đất thống trị biển”. Trong đất liền thống trị biển khơi và nguyên tắc này được vận dụng vào công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều này cho thấy từ thế kỷ kỉ XVI các nhà bản đồ của một số nhà địa lí người Anh, Pháp vẽ. Trên các bản đồ đều phản ánh một vấn đề là Hoàng Sa ở phía bên ngoài biển được chú thích là Pracell, Pracel hay Pracel… còn phía trong đất liền có ghi là bờ biển Hoàng Sa được chú thích bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Cos de Pracel, Costa da Pracel, Couof Pracel, điều này chứng tỏ từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII các bản đồ do phương Tây vẽ đều thể hiện một cách liên tục và có hệ thống rằng Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc về Việt Nam. Bước sang thế kỷ XVIII việc vẽ bản đồ càng được thể hiện chính xác về tọa độ địa lí và tên gọi được gắn liền với tên gọi hiện nay, đều thể hiện 2 quần đảo là thuộc lãnh thổ Việt Nam do người nước ngoài vẽ. Điển hình là bản đồ tring bộ Alats Univesel xuất bản năm 1827, đây là bản đồ Parie de la CoChinChine (Những bộ phận của xứ Đàng Trong) gồm dải đất miền duyên hải ven bờ từ Cam Ranh cho tới Cù Lao Chàm-Quảng Nam và đặc biệt ngoài khơi có vẽ một quần đảo và họ đặt tên quần đảo là Paracels. Trong đó thể hiện đảo Pracels (đảo Hoàng Sa), đảo Tri Tôn được thể hiện trên bản đồ này) như vậy trên tấm bản đồ này thể hiện cả quần đảo và bờ biển được coi là phần lãnh thổ của Đàng Trong. Bên cạnh đó một chú thích có ghi Empie d’An Nam (Đế chế An Nam) và ghi rõ Đàng Trong thuộc đế chế An Nam trên đó có ghi rõ về dân số, phong tục tập quán, tài nguyên khoáng sản của vùng đất này. Một bản đồ quan trọng khác là An Nam Địa quốc họa đồ do linh mục Taberd vẽ, bản đồ này vẽ hình thể Việt Nam gần như hoàn chỉnh giống như bây giờ và ở vị trí dưới vĩ tuyến 17 trên vĩ tuyến 16 có một quần đảo và ông ta viết rằng Paracel seu Cát Vàng (Paravcel hay Cát Vàng) bằng chữ Latinh và ông cũng khẳng định dòng chữ này trong một tài liệu viết năm 1837 nói rằng Parcel hay Pracel mà người Nam Kì gọi là Cồn Vàng và nơi đây năm 1816 vua Gia Long đã cắm ngọn cờ và tuyên bố chủ quyền thuộc về An Nam vaà không có nước nào tranh chấp cả…
Bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây và Trung Quốc xuất bản. Những bản đồ này có niên đại từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XX và nó có chung đặc điểm là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là kết thúc. Trên các bản đồ này có những lúc Trung Quốc rất rộng lớn gồm nhiều phần có khi bao gồm cả Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng… Ngoài ra còn có một số bản đồ của người nước ngoài vẽ bản đồ Trung Hoa và chỉ ra rằng điểm cực nam của Trung Hoa chỉ tới đảo Hải Nam là chấm dứt, tức từ trên vĩ tuyến 18 trở lên là Trung Hoa và dưới vĩ tuyến 18 là thuộc Việt Nam mà quần đảo Hoàng Sa nằm trên vĩ tuyến 17, vì vậy quần đảo Hoàng Sa không thể nào thuộc Trung Hoa được. Một số bản đồ khác đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và không hề có bất cứ sự tranh chấp về lãnh thổ với bất cứ quốc gia nào. Một phần quan trọng trong việc trưng bày bản đồ là sưu tập bản đồ của Trung Quốc do phương Tây bà chính các học giả người Trung Quốc vẽ và khẳng định biên giới của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam là chấm dứt. Năm 2014 Thủ tướng Đức đã tặng cho Chủ tịch Trung Quốc một tấm bản đồ tên là Trung Hoa Đích Thực và bản đồ đó hoàn toàn không có Tây Tạng và không có Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Senkaku (Điếu Ngư). Một số bản đồ cẽ nguồn nhiên liệu và năng lượng của Trung Quốc thể hiên phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam do người Mỹ vẽ và xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1975, ngoài việc thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc thì bản đồ này còn nói đến chiến lược dầu lửa của Trung Quốc. Bản đồ này do cục mỏ và khoáng sản của Trung Quốc vẽ. Các hình đỏ trên này là các giàn khoan dầu của Trung Quốc trước 1975 (phạm vi trong đất liền). Đến năm 1979 thì Trung Quốc công bố bản đồ dầu mỏ của họ và cục tình báo liên bang Mỹ đã sao chép lại, trên đấy Trung Quốc đã đưa các giàn khoan dầu ra biển, nhưng những giàn khoan này chỉ loanh quanh các vùng biển gần đất liền. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc trước đó và do người Trung Quốc vẽ đều chỉ ra rằng bản đồ Trung Quốc giới hạn chỉ đến đảo Hải Nam và không có bản đồ nào thể hiện 2 quần đảo Trường sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc. Điều đó chỉ ra rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nm và được thể hiện rõ ràng trên các bản đồ do người Trung Quốc vẽ.
Một số hình ảnh và tư liệu thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ khí tượng trên biển có ghi chú về trạm khí tượng nằm trên quần đảo Hoàng Sa đảo Ba Đình, được người Pháp xây dựng, sau khi Trung Quốc xâm lược và yêu cầu đổi tên tổ chức khí tượng thế giới thành đài khí tượng Tây Sa nhưng Việt Nam đề nghị không thay đổi và được tổ chức khí tượng thế giới bảo lưu và không thay đổi tên gọi của đài khí tượng này và hiện nay vẫn tên là khí tượng Hoàng Sa do người Pháp dựng lên và có ghi dòng chữ: ”Cộng Hòa Pháp, Đế chế An Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1816”. Một số hình ảnh hoạt động của chính quyền thời Pháp thuộc đưa Trường Sa về tỉnh Bà Rịa và hình ảnh quân đội miền Nam Việt Nam đưa quân ra đóng tại đảo. Đặc biệt có giấy chứng sinh của bé Mai Kim Quy ngày 7/12/1939 tại đảo Hoàng Sa là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa chứng sinh bé Mai Kim Quy sinh tại đảo và chứng tỏ người Việt đưa dân sự ra sinh sống tại đảo. Ngoài ra tại triển lãm cũng quy tụ các tài liệu do người Việt Nam ở nước ngoài trao tặng lại cho Ủy ban Biên giới quốc gia và Ban tổ chức đã mượn lại để trưng bày như: Biên niên của nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942, Hồ sơ đèn biển ở đảo Hoàng Sa ghi chép lại hoạt động của các đèn biển trên đảo. Một số hình ảnh của quân đội Viêt Nam Cộng Hòa đóng quân tại quần đảo, lực lượng thuỷ quân lục chiến và bảo an của Việt Nam Côn Hoà cho thấy rằng 2 quần đảo này nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của Việt Nam. Năm 1974 Trung Quốc gây hấn và tiến hành các cuộc đánh chiếm đảo từ ngày 16 đến ngày 20/1/1974 và chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 đến nay. Ngày 14/3/1988 Trung Quốc điều tàu tới và tấn công lực lượng công binh của Hải quân Việt Nam, chúng ta hy sinh 64 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma… Từ năm 1991 Trung Quốc chiếm thêm một số đảo đá ngầm và thay đổi thực trạng trên các đảo đó. Một số hiện vật như neo, áo phao, máy bộ đàm, cáng cứu thương của lực lượng công binh vào thời điểm Trung Quốc tấn công năm 1988. Sau khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 đến 1988 họ vẫn tiếp tục có các âm mưu thôn tính và tấn công chiếm đóng trái phép một số đảo đá ngầm của Việt Nam và năm 1991 Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện hành động phi pháp này và đến họ đã chiếm giữ 7 thực thể địa lý và thay đổi hiện trạng trên quần đảo Trường Sa. Tàu hải giám của Việt Nam trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam. Những hình ảnh của tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Những hiện vật trưng bày là mảnh tàu của cảnh sát biển Việt Nam bị hư hại.
Đợt triển lãm và trưng bày với chủ đề Hoàng Sa và Trường Sa những bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý không thể chối cãi thể hiện quyết tâm đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và giữ gìn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đó là tinh thần và ý chí không thể nào lay chuyển được đúng như tuyên bố ngày 20/6/2014 của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang: ”Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Nguyễn Văn