Phát Huy Di Tích Nhà Tù Côn Đảo Qua Trưng Bày Kho Mở
Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo , nằm cách xa đất liền. Phương tiện vận chuyển ra đảo chỉ bằng đường biển và đường hàng không. Do vậy, điều kiện phát huy tác dụng của khu di tích cũng gặp phải nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế. Vậy phải làm như thế nào để phát huy tốt hơn nữa giá trị khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, thu hút được sự quan tâm, chú ý của khách tham quan trong nước và quốc tế ?
Hiện nay, khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong số ít di tích thuộc loại hình di tích nhà tù được quan tâm, đầu tư trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống. Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo với 113 năm tồn tại đã chứng kiến biết bao sự biến thiên, thăng trầm và những sự kiện bi tráng nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược.
Hiện nay, Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đồng thời thực hiên hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cách mạng; nhiệm vụ thứ hai ngoài thực hiện nhiệm vụ thứ nhất Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo còn thực hiện chức năng như một nhà Bảo tàng với đầy đủ sáu mặt hoạt động của bảo tàng. Trong đó phải kể đến công tác giáo dục truyền thống, công tác nghiên cứu khoa học, công tác sưu tầm và công tác trưng bày những tư liệu hiện vật về Di tích nhà tù Côn Đảo là những khâu công tác được đơn vị chú ý đầu tư . Mặc dù chưa có nhà bảo tàng đúng nghĩa, nhưng với một phòng trưng bày gồm 04 chủ đề:
Chủ đề 1 : Côn Đảo – đất nước – con người
Chủ đề 2 : Côn Đảo – địa ngục trần gian
Chủ đề 3 : Côn Đảo – trường học đấu tranh cách mạng
Chủ đề 4 : Côn Đảo – di tích lịch sử cách mạng hiện nay và trong lòng người dân Việt Nam
Ngoài 4 chủ đề phòng trưng bày còn trưng bày một chuyên đề ảnh về Nhà tù Côn Đảo từ năm 1908 đến 1916.
Với tổng số gần 700 hiện vật, hình ảnh trưng bày cũng phần nào truyền tải đến công chúng về bằng chứng đích thực của những hy sinh mất mát, bằng chứng về về tội ác của thực dân và đế quốc đã gây ra cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước và các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù Côn Đảo.
Để có tài liệu hiện vật bổ sung cho kho hiện vật và phòng trưng bày, trong những năm qua Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đã tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, ngành, nhất là Ban liên lạc Cựu tù chính trị Côn Đảo trong cả nước và với nhiều hình thức sưu tầm khác nhau đã sưu tầm được một số lượng lớn tư liệu hiện vật có giá trị . Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, đã sưu tầm được: 6.074 hồ sơ tù chính trị Côn Đảo qua các thời kỳ (trong đó có 4.774 hồ sơ có kèm ảnh chân dung); 266 hiện vật thể khối; 542 tư liệu ảnh và giấy.
Hiện nay, tất cả các tài liệu hiện vật sưu tầm được, một phần bổ sung cho Phòng trưng bày, số còn lại đều nhập vào kho cơ sở. Nhưng thực tế hiện nay, do chưa có nhà Bảo tàng Côn Đảo (Phòng trưng bày hiện nay là mượn di tích Nhà chúa Đảo để trưng bày) nên không có kho cơ sở riêng, phải tận dụng một số nhà kho khác để bảo quản tạm thời tài liệu hiện vật. Số lượng tài liệu hiện vật này có khoảng gần 1.000 đơn vị hiện vật. Trong 6 khâu công tác thì công tác kho bao giờ cũng là một khâu then chốt quyết định sự hình thành và phát triển của bảo tàng,.nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà nhà Bảo tàng Côn Đảo nằm trong đề án quy hoạch xây dựng Côn Đảo mới. Ngoài việc nghiên cứu khoa học, sưu tầm, trưng bày, giáo dục truyền thống thì việc cải tạo hệ thống kho hiện vật nhằm bảo quản tốt số lượng lớn tài liệu hiện vật là một nhiệm vụ cần thiết phải làm ngay. Nhưng phải cải tạo kho hiện vật theo hướng nào? Trong Kế hoạch hoạt động nghiệp vụ của Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo năm 2006 đã đề cập đến việc xây dựng “kho mở – lưu động” .
“kho mở – lưu động” là một biện pháp hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở kết hợp hai hình thức của công tác kho và công tác trưng bày, tuyên truyền giáo dục. tức là kết hợp hình thức triển lãm lưu động có tính chất truyền thống với các phương pháp bảo tàng với việc trưng bày các sưu tập hiện vật gốc. Thực tế hiện nay, Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo nói riêng và các bảo tàng trong cả nước nói chung, xét ở mức khai thác sử dụng hiện vật bảo tàng thì đa số hiện vật mới chỉ được sưu tầm, thu thập và gìn giữ trong các kho kín , còn số hiện vật được đưa ra trưng bày chiếm tỷ lệ thấp. Vấn đề đặt ra đối với Ban quản lý là phải tiến hành làm như thế nào để xây dựng “kho mở – lưu động”? công vịêc này đòi hỏi người cán bộ bảo tàng phải năng động và nắm bắt kịp thời các nhu cầu của xã hội cũng như nhu cầu của khách tham quan. Để chuẩn bị cho việc xây dựng “kho mở”, ngay từ năm 2003, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ, lý lịch, nguồn gốc các hiện vật đơn lẻ, các hiện vật có cùng chất liệu, cùng thời… từng bước bổ sung thông tin, xây dựng một số sưu tập hiện vật. Đến nay Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đã xây dựng được một số bộ sưu tập tiêu biểu: dây thắt lưng của cảnh sát ngụy; cờ vải; con dấu (chất liệu gỗ); con dấu (chất liệu đồng); vũ khí; khóa sắt;còng chân; löôïc nhoâm; mặt nạ phòng hơi độc của cảnh sát ngụy ,hiện vật Nhà chúa Đảo,tranh; khăn thêu…
Việc đầu tư xây dựng kho mở là một biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ công chúng và phát huy ngỳa càng tốt hơn giá trị Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Xây dựng “kho mở”, “kho mở – lưu động” là rất cần thiết, nhằm mục đích trưng bày các sưu tập hiện vật gốc tại một số tỉnh thành, địa phương – nơi mà công chúng không có điều kiện ra Côn Đảo tham quan, học tập khi mà giao thông đi lại còn khó khăn và chi phí cao. Góp phần tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với với những hiện vật gốc bảo tàng và giúp cho công chúng hiểu và tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của thế hệ cha ông nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.
Trần Anh Thiện
(Phòng DSVH Sở VH-TT-DL)